Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Muốn đi, Bạn phải.... thật giàu...!

Người có phương tiện giao thông cơ giới đã bị tận thu triệt để.
Cũng đúng thôi các loại phí lưu hành phương tiện, các loại phí đường để duy trì và góp phần làm mới, làm tốt đường mà đi...!
Đã thu phí đường hàng năm nhưng qua các trạm vẫn phải nộp tiền..., vẫn chịu được, bởi chắc còn chênh lệch gì đó.
Vào các bãi đỗ, đặc biệt như một số Bệnh viện rất dễ nhưng khi ra, đa số các chủ phương tiện không khỏi giật mình và có giật mình hay không cũng phải rút tiền ra trả vì “Luật ở đây, quy định ở đây nó thế...”... âu cũng là điều phải chấp nhận được.
Thấy chỗ đường rộng, có tín hiệu có thể dừng đỗ, bạn cứ xuống xe đi..., cứ vào giao dịch, làm việc đi, khi ra sẽ có người đon đả chạy đến... thu tiền, 25-30 thậm chí 50 nghìn cứ nhẹ như không, cứ như toàn dân ai ai cũng được tham ô tham nhũng, cũng buôn thuốc phiện, cũng buôn gian bán lận vậy...
Cái chỗ có thể dừng đỗ và được dừng đỗ ấy là tiền của toàn dân... Ai bảo không đúng.
Phải chăng thuế lưu hành, lệ phí giao thông là để xe chỉ được chạy chứ không được dừng lại...?
Danh chính ngôn thuận thì những đồng tiền kia sẽ được nộp vào ngân khố nhà nước và chắc chắn các ông/bà cán bộ Phường, Quận và mấy người thu tiền sẽ nói vanh vách như thế..., nhưng, đứa trẻ con cũng biết tiền ấy đi đâu, chia cho những ai, bao nhiêu phần trăm...?
Đường, chợ, các cửa hàng, các dịch vụ, các vấn đề xây dựng....
Thảo nào, chẳng hay ho hãnh diện gì cái chức danh này nọ ở phường ở quận, thế mà người ta vẫn tranh dành nhau, vẫn đấu tố nhau, hãm hại nhau, đưa tiền cho nhau để chiếm lấy cho bằng được... Nghĩ mà ức !
Nếu bạn bị ức như vậy, hãy tưởng tượng một người khuyên bạn; “Thì ta đang sống với luật rừng mà ...!” may ra đỡ ức!

Được chỗ đường rộng hè to
Dừng xe một phát phải thò tiền ra
Chỗ này có phải chăng là
Tiền toàn dân góp để ta có đường
Mấy ông cán bộ quận phường
Cử bà thân cận ra đường thu ngân
Đường công chốc biến thành sân
Của riêng nhà họ,
Ô! Dân mất đường!

Thuế má, lệ phí chi chi
Là tiền đóng để xe đi... không dừng...!
Giữa thủ đô, áp luật rừng
Ít tiền, xin bạn, hãy đừng đi đâu
Muốn đi bạn phải thật giàu!

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

CHÀO... Buổi sáng!

Trực.
24h30’ thằng Bs trẻ gọi.
-A lô! Thầy ạ! Thưa thầy, ở phòng khám cấp cứu có một thằng ăn cướp...!
-Sao...?
Nó cướp giật điện thoại, bị người ta đánh gãy xương hàm dưới thầy ạ!
-Sao nữa...?
-Công an mang đến... Hì hì...! Thầy xem cho em với...!
Thằng Bs này ngoan, ngoan trước hết vì nó luôn gọi tôi bằng thầy, cũng vì nó ngoan nên tôi tận tâm chỉ bảo cả chuyên môn và cách hành nghề cho nó. nhưng thường những thằng ngoan thì nhát, chắc thấy công an lại... sợ đây!
-Ngoài vỡ xương hàm còn vấn đề gì khác không? Cháu đã khám kỹ toàn thân chưa?
-Dạ! Rồi ạ! Không thấy thương tổn gì khác, nhưng công an...!
-Cháu cứ làm việc bình thường, lưu bệnh nhân lại cho giảm đau, chống nề và cử cho y lệnh theo dõi cẩn thận, sáng mai chuyên khoa hàm mặt sẽ giải quyết. Cháu cũng đang thừa hành nhiệm vụ, công an cũng thế thôi. Mình chịu trách nhiệm về khám chữa bệnh, họ chịu trách nhiệm quản lý phạm nhân... bảo thẳng với họ thế và không có gì phải sợ..., nếu có diễn biến khác chú mới can thiệp...
-Dạ...!
Nó dạ nhưng nghe rõ sự thất vọng và lo lắng. Kệ nó! Thế mới trưởng thành được!
5h sáng, ra kiểm tra lại và bàn giao thằng cướp cho chuyên khoa, thằng Bs và thằng công an lờ đờ ngái ngủ.
Xong việc, ra cổng, ngồi thụp xuống vỉa hè
-Cho tôi hai quả trứng (Vịt lộn)
-Gớm, bây giờ mới được tiếp bác.
Cái xe đạp phượng hoàng cũ kỹ tựa vào cột điện, tiếng loa phin eo éo.
-Mời các bạn đón xem báo nhân dân, quân đội nhân dân, báo Pháp luật đời sống..., báo An ninh thủ đô..., báo an ninh thế giới... kẻ đang tâm vứt đứa con mới đẻ một cách hiếp dâm và man rợ... những cuộc tranh hùn dang diễn ra trên khắp các sân cỏ thế giới và tỷ lệ đặt cược...
-Chú...!
Cô y tá nào đó trong viện, nhìn mặt chỉ quen quen, cô ta ngồi xuống mà tôi phải né tránh cái bụng to đùng.
-Ừ! chào... Gấu mẹ vĩ Đại!
Cô ta gọi một trứng.
-Cháu phải ăn hai xuất chứ...!
-Vâng, cháu còn ăn thứ khác.
Tay bán báo chừng ngoài 40 tuổi, mới sáng ra mà hắn dã dùng một tờ báo quạt phành phạch.
-Ông báo ơi...!
Tưởng tôi mua, hắn hớn hở.
-Dạ, bác lấy báo gì...?
-Không! Ngồi đây..., mời ông quả trứng đã...!
-Dạ thôi..., cảm ơn bác..., cháu còn....
-Thì loa nó rao hộ rồi, ngồi xuống đây..., đừng để tôi rông cả ngày...!
-Bác kệ nó...!
Cô bán hàng nói
-Ngồi xuống đây...!
Tôi nói và chỉ cái ghế như ra lệnh, thằng bán báo bẽn lẽn ngồi xuống, thế là vừa ăn vừa chuyện
-Cái băng này tự làm lấy hay mua?
-Dạ không...! Mình lấy báo và người ta phát cho...!
-Ở đâu...?
-Ở Bờ Hồ...! Người ta có tất cả các loại báo, phát cho chúng cháu...!
-Thế thừa thì làm thế nào...? Trả lại à...?
-Không! Mình nhận rồi có khi vài ngày mới thanh toán một lần, thừa thì trả lại, chỗ bán được thì trả gốc, mình lấy lãi...
-À...! Chỗ anh lấy báo là củ tư nhân hay nhà nước?
-Cháu không biết...!
-Anh thấy, chỗ ấy là một trụ sở hay nhà riêng?
-Dạ...! Chắc là nhà riêng..., trong ngõ...
-Tôi hỏi thật nhé, ông quê ở đâu...?
-Dạ! Thái Bình...!
-Thế trung bình mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền...? Phải nói thật đấy nhé.
-Dạ! May thì được hai trăm...
-Hai, bốn, sáu... tháng sáu triệu, trừ những ngày không may thì năm triệu..., thế được rồi.
-Vâng...!
-Cảm ơn ông nhé! Cô...! Tôi trả tiền..., cả ba người!
-Ấy chết...! Bác mặc cháu...! Cháu còn ăn nữa ...
Cô y tá chửa đang ăn cái bánh tẻ từ chối, cô bán hàng ngơ ngác nhìn.
-Bác chỉ mời cháu chỗ đã ăn rồi thôi, ăn nữa thì tự trả.
-Mười hai, cộng mười hai, cộng mười năm...ba mươi chín nghìn của bác.
Tôi trả tiền rồi chào mọi người quay vào.
Như vậy là sản xuất và phát hành những cái băng bán báo kia là có tổ chức, “Người cha đang tâm vứt con một cách hiếp dâm và man rợ..., tỷ lệ đặt cược...” những từ gây cảm giác mạnh, kích tò mò được bố cục cẩu thả đến thế là cùng... Báo giấy, hầu hết là lề phải, là chính thống, còn bao nhiêu tin quan trọng nữa...
 Người dân, đặc biệt là trẻ con và thanh niên nghe mãi cũng thành quen..., liệu sẽ có đứa nào làm văn: “Chú công an lao ra đường, giơ gậy, phồng mồm, trợn mắt thổi còi bắt bạn em một cách hiếp dâm và man rợ...”
Những tệ nạn; Hiếp dâm, cướp giật, giết người dã man..., những trò cờ bạc, cá độ bóng đá làm bặng hoại đời sống xã hội, hại bao nhiêu gia đình, tổ chức, tốn bao công sức của cảnh sát điều tra..., lại cứ được quảng cáo ra rả hàng ngày thế này sao...!!!
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, câu ấy chỉ được nhắc đến và áp dụng trong ngành Y thôi à...???

Ngành văn hóa, công an ... không để ý chuyện này sao....?

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

CẢM NHẬN TỪ MỘT BÀI HÁT ĐÃ CŨ

Cái gì tôi cũng không thể khá lên được là phải...!
Mỗi khi nghe nhạc tôi dồn hết tâm trí để cảm thụ cái ý nhạc, cái ca từ chứ ít khi để ý xem bài hát ấy ai viết và đặc biệt không bao giờ biết những ca sỹ nào đã hát...
Những ngày này, một bài hát từng được xếp vào loại “Nhạc vàng”, từng đương nhiên bị cấm và không biết bây giờ còn bị cấm nữa hay không? Ai cấm? Cấm ai...? Cứ ám ảnh trong tôi. Qúa khứ thì chẳng nói làm gì nhưng bây giờ mà vẫn cấm thì ... chắc chả phải.
Với tôi, bài hát, Xin tròn tuổi loạn, là tiếng nói, là nỗi lòng người trai Việt yêu nước.
Người trai Việt ở chỗ không nuôi những mộng ước quá cao, không mơ trở thành vua chúa mà trị vì thiên hạ, không ôm mộng với trời xanh..., và ngay cả những khao khát bình thường, một người con gái làm bạn đời cũng không cần phải kiêu xa lộng lẫy.
Tôi không tham, kho tàng vô tận
Tôi không mê, nét đẹp lộng lẫy giai nhân
Tôi không mơ, điền quý cung son vàng
Bạo chúa hay ông hoàng, quyền uy cao nhất thế gian...
Không phải chỉ bây giờ mà từ ngàn xưa, trai tráng nước Việt luôn đau đáu nỗi niềm đất nước, giống nòi.
Thương quê hương, qua bao thế kỷ không cười
Thương quê hương thăng trầm chuyển biến khôn nguôi...
Và cũng đầy lòng tự hào dân tộc:
Non sông ơi!           
Hồn Chí Linh, sông Đằng
Vạn Kiếp hay Hạ Hồi
Những dòng lịch sử... lâu rồi!
Ước nguyện những người trai thật đơn giản nhưng tha thiết, mãnh liệt và đầy trách nhiệm.
Tôi chỉ xin
Đầy lúa thơm quê mẹ hiền
Hàn gắn quê cha buồn phiền
Với niềm tin!
Những khát khao bình dị bùng cháy trong đoạn cao trào, tác giả không đòi đến những chân trời mới, những đỉnh cao muôn trượng mà gào thét dòi quyền được sống, được yêu thương.
Cho tôi xin, đóa hoa hồng nụ còn phong kín
Những ân tình ngọt miền chinh nguyên
Tiếng ban đầu, ngỏ lời, yêu em!
Ai đã từng cầm súng nơi rừng sâu núi đỏ trong ba cuộc chiến tranh; Chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc (Bao gồm cả biên giới tây nam), dù mặc trang phục nhà Nguyễn, của Pháp, của Mỹ hay của Trung Quốc, mới hiểu khát vọng của những người trai Việt, mới biết những người dân buộc phải cầm súng bảo vệ tổ quốc ấy yêu hòa bình đến mức nào, căm ghét chiến tranh đến mức nào, họ chiến đấu, họ sẵn sàng hy sinh nhưng ước nguyện của họ, tương lai mà họ luôn hy vọng, chờ đợi lại là ngày “Trả súng đạn”. Họ hiểu rằng, ngày họ trở về cũng là khi chấm dứt chuỗi ngày khắc khoải mong đợi của mẹ già, của quê hương, của người em gái chờ mong:
Xin an vui, cho anh lứa tuổi đăng trình
Xin cho em, chuỗi ngày buồn thoáng qua mau
Và cuối cùng ... Phải! Bài hát hay ở cái thật, thật vì ước nguyện hòa bình cho non sông đất nước, cho tiến bộ tương lai lại được tác giả đại diện cho những người trai “Thơ dại” mười chín đôi mươi nhắc đến sau cùng.
Cho xin thêm, ngày tháng xanh màu hoài
Để lớp trai thơ dại
Đốt đèn, đọc sách, đêm dài....!
Cũng phải thôi, vì họ đã “Không tham” những kho tàng vô tận, những nét đẹp lộng lẫy giai nhân, những “Bạo chúa hay ông hoàng”...!



CÓ NÊN, ĐÃ NÊN THẮT LƯNG BUỘC BỤNG...?

Tạo hóa sinh ra con người để sống với thiên nhiên, để ăn các loại cây và con do thiên nhiên ban tặng, ăn đã nhiều nhưng không bằng uống, uống nước của thiên nhiên ban tặng, uống đã nhiều nhưng lại không bằng hít thở, hít thở không khí của trời đất. Người ta có thể nhịn ăn hàng nhiều chục ngày nhưng không thể nhịn uống vài ngày và càng không thể nhịn thở mươi phút. Những thứ ăn, uồng và hít vào ấy sẽ quyết định sự tồn tại và chất lượng tồn tại của mỗi chúng ta.
Cái nghĩa “Thắt lưng buộc bụng” ở mỗi hoàn cảnh có khác nhau, nếu như trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bác Hồ kêu gọi toàn dân “Thắt lưng buộc bụng” là thật sự kêu gọi toàn dân mỗi bát cơm bớt một miếng, mỗi bữa bớt một bát để bỏ vào “Hũ gạo kháng chiến” góp gió thành bão để kháng chiến thành công thì những năm gần đây, chính phủ Hy Lạp, Tây Ban Nha cũng kêu gọi người dân “Thắt lưng buộc bụng” nhưng chắc không để một ai phải ăn thiếu một miếng nào. “Thắt lưng buộc bụng” ở đây là thắt chặt chi tiêu, ăn no, ăn đủ chứ không ăn thừa, dùng đủ chứ không xa hoa lãng phí hòng đưa đất nước qua cơn khủng hoảng...
Nền chính trị hiện thời của ta được thành lập đúng năm nạn đói (Ất Dậu, 1945 còn gọi là năm chết đói), ngân khố rỗng tuếch, nền sản xuất gần như bằng không (Không có gì khác ngoài nông nghiệp lạc hậu), dân trí rất thấp, ngoại xâm mạnh liên tục quấy nhiễu... Đáp lời Bác Hồ, toàn dân đã thật sự “Thắt lưng buộc bụng” 50 năm trời (1945-1995) quãng thời gian ấy vừa đúng một đời người..., hệ quả khó lòng lường hết.
Tuy nhiên việc “Thắt lưng buộc bụng” đã góp phần quyết định vào những chiến thắng lẫy lừng tiến tới thống nhất đất nước.
Kể từ năm 1995 đến nay, đâu đó còn người đói, đâu đó trẻ con cần “Bữa ăn có thịt” nhưng nhìn chung, bữa ăn “No, đủ” không còn là vấn đề khó nữa, nhưng cũng từ đó, những vấn đề mới lại nảy sinh.
-Được “Ăn no mặc ấm” người ta bắt đầu tìm đến “Ăn ngon, mặc đẹp”, những sơn hào hải vị bị khai thác kiệt quệ để đến bây giờ những cây, con tự nhiên hầu như không còn.
-Nhu cầu no đủ không còn giới hạn ở miếng ăn, manh áo mà ào ạt tăng lên trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Cái gì cũng để trong túi nilon, ai ai cũng có điện thoại di động, mỗi nhà có nhiều cái Ti vi, nhiều máy tính cá nhân, nhiều máy lạnh, quạt, lò sưởi ... nhu cầu phương tiện sử dụng săng dầu tăng chóng mặt ... người tiêu dùng cần cái gì, như thế nào thì thị trường đáp ứng ngay lập tức bằng đủ loại hóa chất: Sợi phở, bún trắng, ròn để lâu không hỏng, ninh xương 10 phút là nhừ, nước chấm thơm, ngọt...
Tất cả những thứ ấy được trang bị, được sử dụng bởi một dân tộc mới thật sự hết đói ăn trong vòng 20 năm nay..., cơn đói ý thức và kiến thức thì dường như ngược lại..., càng ngày càng đói.
Nước ta rất nhiều Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ... những người có bằng Đại học thì không thể kể hết..., chỉ 40 năm trước, mỗi năm, mỗi làng chỉ có một hai người thi tốt nghiệp phổ thông, cả xã chỉ có hai ba người vào đại học...
Tương phản như thế nhưng không biết có ai đồng ý với tôi, ước gì ý thức con người trở về những năm đó, đấy là trở về với “Nông nghiệp lạc hậu” chứ với xã hội bây giờ cần ý thức cao hơn nhiều lần mới mong giữ được cân bằng.
Rừng, “Cơ bản đã phá xong, phá hết” từ lâu.
Thủy diện “Cơ bản đã tận dụng triệt để nguồn năng lượng nước”.
Khoáng sản phát hiện được ở đâu thì “Cơ bản đã được khai thác hết và đang được khai thác hết cỡ”.
Các sông, suối, kênh, rạch, mương máng ở trung du và đồng bằng “Cơ bản đã ô nhiếm đến mức không thể sử dụng vào bất cứ việc gì, kể cả tưới cây, nuôi thủy sản”. Các sông, suối ở đầu nguồn, ở miền núi “Cơ bản đã được ô nhiễm”.
Rác thải không thể tự phân hủy (Trong đó có rất nhiều chất đặc biệt độc như các loại pin, các loại hóa phẩm, mỹ phẩm...) đang hàng giờ hàng ngày được tạo ra với số lượng kinh hoàng, không chỉ ở các đô thị lớn mà tận những bản làng hẻo lánh nơi vùng sâu vùng xa..
Cùng với nước thải, chất thải từ công nghiệp chế biến, lắp ráp, khai thác đã “Cơ bản làm ô nhiếm nguồn nước ngầm” từ lâu.
Khí độc từ các nhà máy, từ các phương tiện giao thông, từ những bếp than gia đình đang từng giây từng phút cùng với bụi làm quánh đặc không khí.
Dân số gia tăng, đất ở thu hẹp, khoảng trống trong các “Làng lên phố” không còn, chất độc, khí độc không có điều kiện thoát ra ngoài...
Tất cả những thực phẩm bày bán ngoài chợ đều nặng tính “Nhân tạo”, tính “Công nghiệp” với chất “Tăng trưởng, tăng trọng”, với thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh cùng không biết bao nhiêu loại hóa chất để “Giữ tươi, tăng cân, đẹp mã ...”.
Với tất cả những điều trên mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, chúng ta đang hăng say tự đào mồ chôn mình.
Khi hiểm họa sảy ra, liệu có ai hối hận nghĩ rằng:
-Giá ta bằng lòng với bát cơm đầy, dăm ba miếng thịt, ngọn rau, miếng cà, thìa tương...!
-Giá ta hạn chế đi lại.
-Giá mỗi nhà chỉ dùng một cái Ti vi, một cái máy tính, máy lạnh chỉ để ở một phòng và chỉ dùng khi thật cần thiết ...
Và biết bao nhiêu những cái giá như nữa về những nhu cầu tưởng như, nhưng lại không phải là “Thiết yếu” cho cuộc sống.
Những “Làng ung thư” đã xuất hiện để ta nhìn thấy, còn những gì ta không nhìn thấy đang chảy trong cơ thể ta, con cháu ta...?
Nước ta nghèo nàn, lạc hậu..., chỉ với những điều trên, đại họa đã cận kề...
Ta lại cận kề với người hàng xóm vừa thâm hiểm, vừa man ri mọi rợ còn hơn cả ta lại luôn nuôi chí hại ta, hại ta qua bất cứ lĩnh vực gì mà họ có thể tận dụng, kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự.... Tôi không phân tích cụ thể xem họ phá ta như thế nào, hãy nhìn những thứ quanh ta và chịu nghĩ một lúc sẽ có câu trả lời.
Vậy:
-Đã đến lúc chưa, và có nên không? Ta lại “Thắt lưng buộc bụng” để loại trừ những âm mưu thủ đoạn, những hiểm họa từ phía láng giềng, để giữ lại môi trường tối thiểu cho ta và cho con cháu ta...?

Nhu cầu của con người là vô hạn, ta đang như “Con nghiện”, có “Cai” được hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức toàn dân, và sự cương quyết của chính quyền, một vài người chả làm được điều gì.

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Tôi là kẻ "Công thần" ...?


CẢM NGHĨ THÁNG BẨY CỦA RIÊNG TÔI

Thi đại học xong hôm trước thì hôm sau tôi đi bộ đội. Mảnh pháo từ ngoài biển bắn vào cắt ngang gốc ngón chân cái bên phải, ngón chân lủng liểng, y tá băng lại, tiêm mấy phát Penicinine, streptomycine, rồi vết thương theo tôi lăn lộn trong hai chiến dịch cuối cùng... ngày chiến thắng cũng là khi vết thương của tôi lên da non.
Thủ trưởng đơn vị xếp tôi vào loại “Tích cực”, đưa tôi vào diện “Phát triển trong quân đội” chính vì thế mà các bạn có hoàn cảnh như tôi (Đã có giấy gọi đại học) được về trước. Họ chỉ việc đến trường lấy chứng nhận rồi đến BTL Thủ đô (33-Phạm Ngũ Lão) đổi quyết định (Từ xuất ngũ về địa phương thành về trường), hưởng lương 33đ/th và tính thời gian công tác từ ngày nhập nhũ.
Phải tâm sự, phải thuyết phục các thủ trưởng rằng: Tôi chỉ cố gắng làm một người lính tử tế chứ hoàn toàn không có ý định “Phấn đấu” để thành cán bộ quân đội lâu dài, nguyện vọng của tôi là hoàn thành nhiệm vụ để sớm được về đi học...
Ngay từ ngày ấy tôi đã thích đoạn sau đây của một bài hát:
“... Xin cho anh lứa tuổi đăng trình
Xin cho em quãng ngày buồn thoáng qua mau
Cho xin thêm, ngày tháng xanh màu hoài
Để lớp trai thơ dại..
Đốt đèn..., đọc sách..., đêm dài...”
Khi không thể thuyết phục được, đơn vị cho tôi về, chỉ một năm nhưng không đâu giải quyết cho tôi, BTLTĐ đẩy lên Bộ quốc phòng, đến số 1 Hoàng Diệu người ta đẩy tôi về 12-Ông Ích Khiêm. Tại đây, một ông cán bộ già, ngoại hình rất đẹp, giọng nói nhẹ nhàng..., tất cả, tuổi đời, tuổi quân, phong thái khiến lẽ ra tôi phải gọi ông ta “Bằng bố” mới phải. Nhưng ẩn sau cái diện mạo ấy, đến tận bây giờ tôi vẫn muốn gọi ông ta bằng cụm từ khó nghe.... “Một thằng khốn nạn!”. Gọi thế bởi ông ta không giải quyết, không kiến nghị giải quyết hay chí ít ông động viên tôi rằng: “Thôi con ạ...! Còn sống mà về, lại được đi học là tốt rồi..., quên những năm tháng ấy đi... con sẽ thanh thản sống tiếp quãng đời còn lại...”.
Không! Ông ấy tủm tỉm, ông ấy xui tôi, thằng lính 22 tuổi, quay trở lại đơn vị mà không một mảnh giấy, thậm chí không một mục đích thật rõ ràng. Ngày ấy từ HN đi Huế đâu phải chuyện đùa..., thế mà tôi đã nghe ông ấy xui để đi những hai lần...
Thời gian nhập học đến, điều đó đã cứu tôi sớm ra khỏi cuộc chạy để “TÌM LẤY CHÍNH MÌNH”..., ông ấy không khuyên, đảng và quân đội không khuyên tôi từ bỏ những đòi hỏi lẽ ra tôi phải có..., cuộc đời đã khuyên và tôi đã từ bỏ.
Ngày về bệnh viện Xanh Pôn, chị trưởng phòng TCCB nghiên cứu hồ sơ rồi kết luận:
-Bốn năm chiến trường của em chỉ được một thứ, đó là ... em có thể về hưu trước quy định bốn năm....!
Bây giờ, nhiều thằng bạn tôi không bị thương cũng “Có thẻ” tôi thật lòng “Không tỵ” vì chúng đáng được như vậy, những vết thương vô hình trong tinh thần, trong đời sống của chúng... không ai đo đếm được đâu... Nhưng những thằng “Đảo ngũ”, đảo ngũ trực tiếp hay gián tiếp..., những thằng mãi sau này mới vào lính, không hề biết mặt trận là gì, chiến đấu ở “Giữa thủ đô” cũng “Có thẻ”... hì hì... lại phải “Cố quên đi...!”
Anh tiểu đội trưởng của tôi còn sống bảo:
-Choa chứng nhận cho mày..., bảo mấy thằng cùng tiểu đội khi đó chứng nhận nữa mà làm “Cái thương binh” đi chứ...!
Tôi cảm ơn anh, cảm ơn các bạn..., nếu chỉ có thế mà được “Là chính mình” thì sao lại không...! Tuy công tôi không nhiều nhưng hậu phương có hẹp lòng với tôi đâu...! Nhưng tôi biết chắc chắn rằng những điều cần “Không chỉ có thế”.
Tôi đã từng đưa phong bì để được nhiều việc như cảm ơn thầy cô dạy con mình, lo việc này khác cho vợ, những vấn đề nhà cửa, tổ dân phố và thậm chí ..., bồi dưỡng các cháu điều dưỡng để vào thăm con mới đẻ.... không sao, tôi tự nguyện vả người bệnh cũng cho tôi nhiều phong bì đấy thôi...!
Bị CSGT tuýt còi, chẳng có lỗi gì nhưng họ vặn vẹo..., họ “Xin” thì cũng thật sự vui vẻ và biết đều rút 200 000 đưa họ rồi đi...
Nhưng đưa tiền, dù không biết là bao nhiêu để “Chạy thương binh” cho thằng “Thương binh” thì tôi quyết .... KHÔNG THÈM!
-Hỡi những đèn hoa rực rỡ ...!
-Hỡi những khuôn mặt bóng mỡ, những cái bụng kềnh càng...!
-Hỡi những khuôn mặt tươi tỉnh đang làm dáng chụp ảnh...!
Ở nghĩa trang Trường Sơn, Ở Thành Cổ Quảng Trị kia ơi...!
Để giữ được đất nước này, còn có trùng trùng điệp điệp những người đã ngã... từ Là Ngần, Phay Khắt đến Vị Xuyên..., Hải chiến Hoàng Sa.... bãi đá Gạc Ma... Cho tôi được nhắn một lời:

-“Xin thật lòng trong câu hát đầu môi...!” Có thể thắp hương hay không..., có thể tưởng niệm hay không..., Nhưng cái chính là hãy về, hãy sống, hãy làm việc..., theo đúng lương tâm, đúng trách nhiệm của người còn sống, của người đang sống, của cái vị trí mình đang “Được làm”... Đừng phụ bạc, đừng làm ô uế dòng máu Việt....!!!!

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

TIỀN NÀO, CỦA ẤY!

Năm 1996, khoa Phẫu thuật thần kinh (PTTK) Bệnh viện Xanh Pôn được thành lập trước thúc bách của nhu cầu. Tai nạn xe máy quá nhiều, khoa PTTK Bệnh viện Việt-Đức không thể giải quyết hết. Tôi là Phó đầu tiên của khoa mới thành lập ấy.
Tiếng là Phó khoa nhưng lúc ấy cũng còn được coi là “Bác sỹ trẻ” nên chiến đấu với chấn thương sọ-não (CTSN) ghê lắm, ngày mổ 3-4 ca, đêm, “Bất luận đang làm gì” có điện gọi là đi luôn, cấp cứu sọ-não cần thời gian.
Một trong những đề tài nghiên cứu của tôi những năm ấy là CTSN nặng, những thất bại trong mổ khiến tôi băn khoăn và tôi đã tiến hành phương pháp “Mở nắp sọ rộng” (Rộng hơn vùng thương tổn), phương pháp cho kết quả tốt hơn rõ rệt nhưng vẫn còn những trường hợp... Bó tay.
Qua tham khảo tài liệu của Hoa Kỳ, tôi áp dụng nắp sọ hình dấu hỏi (Question Mark Flap) tức là còn rộng hơn nữa, phương pháp đã giải quyết nốt những hạn chế của phương pháp cũ.
Như vậy đề tài CTSN nặng được thực hiện thành hai giai đoạn, nhiều kết luận hữu hiệu được rút ra nhưng không tiện trao đổi ở đây, ngoại trừ một vấn đề.
Một trong những phân tích thông thường như Tuổi, Giới... lại cho kết quả ngược nhau ở hai giai đoạn, rất đáng lưu tâm, đó là:
Ở báo cáo lần 1, khoảng 60% các tai nạn xe máy là ở nội thành Hà Nội, 30% ở ngoại thành và 10% ở ngoại tỉnh đưa về (Do bệnh viện Việt-Đức không giải quyết hết chuyển sang nên con số này ít ý nghĩa).
Nhưng ở báo cáo lần hai (Hai năm sau), riêng hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn chiếm 60%.
Tôi đã rà soát lại số liệu, kiểm tra kỹ từng hồ sơ bệnh án..., không có nhầm lẫn. Điều gì khiến con số đảo ngược như vậy? Câu hỏi đó đeo đuổi tôi hàng năm trời.
Cho đến một lần nói chuyện ở trường Đại học Y tế cộng đồng, tôi đưa ra câu hỏi ấy cho người nghe nhưng cũng đúng lúc ấy tôi nẩy ra câu trả lời.
-Những năm 1995 về trước, cái xe máy là một tài sản lớn không phải ai cũng có được, nhất là bà con nông dân ở Đông Anh và đặc biệt ở Sóc Sơn (Tuy không được thực địa nhưng thông qua người bệnh, chúng tôi biết, dân Sóc Sơn rất nghèo).
-Những năm sau đó, đất ở quanh Hà Nội sốt đùng đùng, người Hà Nội đua nhau lên mua ở hai huyện này.
-Những dự án lấy đất nông nghiệp, bà con được đền bù, không biết đắt rẻ thế nào nhưng nhiều hộ bỗng dưng cầm một đống tiền mà không biết tiêu thế nào.
-Xe máy Trung Quốc xuất hiện, những cái xe nom hệt như Đờ rim Thái (20-25tr/cái) lại chỉ bán với giá 4-5tr/cái, thậm chí nếu chịu khó đi Sờ cân hen thì chỉ 2-3tr/cái.
-Đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội bài được hoàn tất vào những năm ấy. Những con đường làng đổ vào đại lộ, hai trình độ ngược hẳn nhau lại nối vào nhau
-Ngày đó, cảnh sát giao thông chủ yếu tập trung giữ trật tự ở nội thành và những chốt trọng yếu.
Thế là người nông dân với trình độ hạn chế, Đột nhiên có tiền, đột nhiên xe rẻ, máu thể hiện, bõ cơn thèm khát, đường xá không đồng đều, răn đe của CSGT chưa tới.... Đó là những nguyên nhân giải thích con số 60% kia.
Viết bài này tôi muốn nhấn mạnh đến “Hàng rẻ” của Trung Quốc để mọi người cùng nghĩ.
“Tiền nào của ấy”
“Tham bát bỏ mâm”...                          

Các cụ dạy..., vẫn chưa sai! 

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

ĐỐ...!

“-Con gì ăn ít uống nhiều
Đi sớm về muộn nói điêu thành thần?
-Con gì ăn ít nói nhiều
Mau già, lâu chết miệng kêu tiền tiền...?”
1-Con gì nói đông nói tây
không làm gì hết cù nhầy không hưu?
2-Con gì lắm kế nhiều mưu
Nói thơm nhưng ruột thối thiu chín tầng?
3-Bụng ai đói vẫn lâng lâng
Quen nhịn, quen chết thích tâng bốc giời?
4-Ngành nào thành tích hơn người
Hết cải hết cách thì xơi nước trà?
5-Đứa nào con của dân ta
Nhưng đánh nhưng bắt cả cha mẹ mình?
6-Nghề gì cứ phải ngồi im
Được, ăn chục tỷ, chết chìm không phao?
7-Đứa nào cố đấm ăn xôi
Làm như mèo mửa vẫn ngồi ghế cao?
8-Bọn nào mắt cận lưng gù
Qua đường nhìn cái xích đu đã thèm?
9-Phim nào chiếu chẳng ai xem
Trót nhỡ ngó phải lại thêm bực mình
10-Phim nào tài tử đẹp xinh
Loanh quanh những chuyện mối tình tay ba?
11-Phim nào đầy ắp cửa nhà
Võ thuật, giã sử, ý xa ý gần
12-Cây gì cắm ở ngoài sân
Để tiền bạc gấp mấy lần người ta?

                                

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

HIỆN TƯỢNG Nhỏ, BẢN CHẤT To!

Một trong những vấn đề gây xôn xao dự luận mấy ngày này, vấn đề không lớn như Vụ gian khoan, như Vụ rơi máy bay Malaysia và có vẻ còn nhỏ hơn vụ vỡ ống nước thứ nhất, xây ống nước thứ hai..., vụ ĐBHĐND vừa chơi Game vừa biểu quyết, cán bộ vừa họp vừa đọc báo.
Tôi biết, đọc đến đây nhiều bạn xì mũi: Tưởng gì ...! Chuyện thường...! Thường đến mức “Đương nhiên”, thường đến mức thành quy luật tất yếu..., có gì mà phải bàn!
Xin thưa..., không! Hay lắm đấy...! Hay như cảm giác của nhiều người (Trong đó có tôi) lại Cảm ơn cái giàn khoan khi Trung Quốc mang đến cắm vào đất nhà mình, lại cảm thấy trống chếnh ..., không hẳn nhưng hình như “Mất phương hướng” khi đùng một cái Trung Quốc lại... mang nó về.
Nói thế không phải vì tôi phản quốc, ủng hộ bọn Tàu, mà cảm giác “Mất phương hướng” là vì lâu lắm rồi mới có dịp để ý trí người Việt tập trung về một điểm.
Từ trẻ đến già, nông thôn đến thành thị, miền suôi đến miền ngược, trong nước và ngoài nước, cả người bên thắng cuộc và bên thua cuộc, người Việt sục sôi căm hờn, sẵn sàng chờ lệnh Đảng và nhà nước để lao ra Hoàng Sa sống mái với quân khốn nạn.
Từ anh bán hàng rong căng biển phản đối Trung Quốc, mấy bác xe ôm đỏ mặt đập bàn trong quán nước đến ánh mắt rực lửa của Phó thủ tướng Bộ trưởng ngoại giao, lời khẳng định rõ ràng của Thủ tướng chính phủ, rồi Chủ tịch nước..., và cuối cùng là phát biểu của Tổng bí thư Đảng.
Thế mà đùng một cái, ta chưa làm gì đáng kể mà nó đã rút về nước ..., nó về để lại bao nhiêu câu hỏi:
-Về rồi, nó có sang nữa không? Bao giờ? Sang đâu, đất liền hay biển? Hoàng Sa hay Trường Sa...?
-Trò trực tiếp tạm lắng, nó sẽ giở những chiêu trò gián tiếp gì với nền Chính trị, Kinh tế, Văn hóa của ta đây? Ngoài khơi ta đã “Kiên trì đấu tranh hòa bình”, kiên trì đội nước, chịu húc...., trên những mặt trận vô hình này, ta sẽ đáp trả ra sao đây...?
-Lòng dân thì đã rõ nhưng sau vụ này, chính sách của “Trên” có gì thay đổi hay vẫn thế...?
-Ý trí người Việt tập trung hai tháng, nó đi rồi, ai lại về chỗ người ấy..., rồi nó lại đến ..., rồi nó lại đi... cứ thế..., cứ thế..., lòng người có mỏi mệt không...?
Ai là người quan tâm đến những câu hỏi này...? Chắc nhiều lắm...! Ai là người trả lời được những câu hỏi này...? Chắc chẳng có ai...?
Thế mới có cảm giác chống chếnh, thứ cảm giác như đang sống trong mắt bão, thấp thỏm chờ đợi mưa to hơn, gió mạnh hơn, sấm chớp kinh hoàng hơn ...
Giá như cái 981 cứ ở đấy có khi chả ai thèm để ý đến chuyện ĐBHĐND vừa chơi Gêm vừa biểu quyết với chuyện vỡ ống nước, chuyện cho Vinaconex làm đường ống thứ hai làm gì..., rõ khỉ cái 981...!
Những cái chuyện bé tý và cái chuyện to đùng tưởng chả ăn nhập gì với nhau, thế mà có đấy.
Người ta bảo: Nhìn một hiện tượng là biết bản chất và khi đã biết bản chất rồi thì có thể suy ra các hiện tượng khác. Ví như một thằng coi mẹ đẻ ra mình như kẻ hầu người hạ thì chắc chắn bản chất của nó là thằng mất dạy, đồ phản thùng..., nó có cung phụng đến đâu thì sếp cũng biết thừa, một ngày nào đó, nó sẽ đào mồ chôn sống sếp.
Tại sao thằng Tàu dám gọi Việt Nam là “Đứa con hoang đàng” khi chúng thừa biết Ngô Quyền, lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Võ Nguyên Giáp...? Tại sao họ vào nhà ta, xua đuổi ta, đâm chìm thuyền của dân ta, cướp thuyền, bắt dân của ta...? Họ không biết người Việt có truyền thống quật cường giữ nước ư...?
Họ biết hết..., họ biết máu của dân tộc ta, biết lịch sử của ta nhưng họ còn nắm rất vững nội tình hiện tại của ta, họ biết chắc chắn những phản ứng của phía ta, chính quyền sẽ im lặng, sẽ coi như “Chuyện trong nhà”, dân sẽ sục sôi nhưng đã có chính quyền lo việc đó, họ chỉ hơi ngạc nhiên về lời phát biểu của thủ tướng Dũng mà thôi.... Tóm lại, họ biết ta rất yếu, rất lệ thuộc vào họ và nếu không phụ thuộc thì ta sẽ rất cô đơn.
Cội nguồn của những việc tày trời ngoài biển đông lại có xuất sứ từ cái cơ chế sinh ra hành động vừa giơ tay biểu quyết vừa chơi game, đánh bài, đọc báo của những người là “Thay mặt nhân dân” kia.
Tôi không ủng hộ nhưng tôi lại rất thông cảm với những hành động này thậm chí, nếu xét thật kỹ thì tôi lại ủng hộ những hành động này.
Có phải không, ở ta họp rất nhiều, nhiều người hầu như ăn lương chỉ để đi họp, họp nhiều như thế, rất dân chủ, rất ... mọi nhẽ, nhưng từ những cuộc họp chi bộ dân phố, đại hội công nhân viên chức cơ quan, quận huyện, thành phố đến các cuộc đại đại hội, chóp bu đại hội... họp đấy, đại hội đấy nhưng nội dung và kết quả đã biết trước... Người to thì biết trước nó là những gì, người bé thì biết trước là nó đã có, đến họp chỉ để chờ xem nó là những gì mà thôi...!
Thế thì họp làm gì ...? Đại hội làm gì...? Nhưng nghề vẫn phải đi họp, được cử vẫn thích đi đại hội..., điên mà từ chối...!
Khi nào bạn làm việc cật lực 10 giờ liền dưới hầm mỏ, vừa ngoi lên mặt đất, người ta bắt bạn phải vào ngay nghe nhạc Pop. Khi nào bạn nhịn đói ba ngày rồi người ta đưa bạn đi nghe nhạc Giao hưởng, phải nghe xong mới được tắm, phải nghe xong mới được ăn..., bạn sẽ hiểu thế nào là Đi họp và chỉ khi ấy bạn sẽ hiểu tại sao tôi thông cảm và có thể ủng hộ mấy ông Đại biểu kia.
Thôi thì đằng nào cũng phải “Được họp”, ngu si một tý thì có thể nghe được, bớt ngu một tý, phải nghe nhưng phát biểu cũng chả ăn thua gì, ú ớ có khi ... mất đi họp... Thế thì tội gì không tranh thủ thư giãn lấy sự tỉnh táo về mà lo việc khác, không tranh thủ đọc báo để mở mang kiến thức, cập nhật thông tin, đọc sách chuyên môn để nâng cao nghề nghiệp...

Những nơi tập trung sức mạnh trí tuệ của dân mà như thế và như thế không biết từ bao giờ... Thì làm sao thiên hạ không coi thường cho được..., làm sao thằng hàng xóm bẩn tính không vào tận nhà mà tác oai tác quái cho được...!!!

Tháng 7 Nhớ đồng đội

NHỚ BẠN
(Nam Đông-Khe Tre 11-1976)

Tăng gia lại về rừng
Nhớ bạn mắt rưng rưng
Chỗ này hôm mình đánh
Bạn ở lại với rừng
Nước suối này tôi lau
cho mặt bạn bớt máu
Thì thào bạn nhắn lại
Mình đi cho mai sau
Súng mình bắn gấp đôi
Lê mình đâm gấp đôi
Chắc cái thằng hại bạn
Chúng mình hạ nó rồi

Biết bạn về quê rồi
Chỉ còn chốn cũ thôi
Bó hoa rừng mình đặt
Nhớ ngày ta chia phôi./.


GỌI HỒN LIỆT SỸ HÀ NỘI Ở NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN
2/9 2011


Dậy đi các anh ơi!
Dậy đi...!
Dậy mà về đi chứ!
Hết đạn bom rồi sao còn mãi nơi đây?
Này thì bình tông, này mũ cối, này giày
Vứt cả đấy!
Về ngay đi kẻo muộn...!

Hơn 30 năm gió cuốn mưa trôi
Hòa bình về
xới lộn khắp nơi nơi
Một mét đất sao các anh không biết?

Xương cốt mục rồi. Thôi hồn về cũng được!
Về mau lên! May còn mẹ còn cha
Da dã nhăn nheo và đôi mắt đã nhòa
Khắc khoải đợi-đếm bằng rằm bằng tết.

Hãy tập trung ở Thê húc, Tháp rùa
Cẩn thận đấy, chớ vội đi kẻo lạc
Bởi hàng phố, giờ cái gì cũng khác
Còn tàu điện đâu mà Cầu Giấy, Chợ Mơ.

Hãy lần đến Hàng cỏ, Nhà thờ
Sân Hàng Đẫy- Cổng công viên Thống nhất
Giờ đắt đỏ chẳng còn đâu khoảng đất
Lúc anh đi cô gái hẹn hò...

Đừng hoảng sợ thấy đường đêm vẫn sáng
Quán xá xôn sao, nhac hip-hop ồn ào
Nhiều đứa trẻ kia chẳng biết một tý nào
Về Đồng Lộc, Gio linh, Lao Bảo...

Ngõ Chợ, Đường thành, Hội Vũ, Tạm Thương
Vẫn tên cũ, cứ theo đường, đừng hỏi
Nếu ngơ ngác hay bàn chân đã mỏi
Hãy ghé chùa Quán Sứ, Bà Ngô...

Đã lâu rồi, Bố thôi đạp xích lô
Hàng thừa mứa Mẹ không ngồi cuốn thuốc
Mái ngói cũ, chạy mãi..., rồi sửa được
Họ chỉ còn mỗi việc..., thắp hương anh

Con em lớn trước dạy trường ngoại tỉnh
Bỏ lâu rồi về mở quán ca-phê
Thằng em út cuối năm ngoái mới về
xong Tiến sỹ nó trở thành ông chủ.

Thế đấy anh, giờ chẳng ai không đủ
Hãy bình tâm mà bước vào nhà
Hãy thỏa mình mà ngắm Mẹ ngắm Cha
Hãy quỳ xuống mà nhận mình bất hiếu

Hãy thổi bùng nén nhang cho cha mẹ biết
-Nó vẫn về, chăm sóc tự hư không
Để ngày mai họ sẽ yên lòng
Mắt nhắm lại và miệng cười mãn nguyện./.


VĂN TẾ THẠCH HÃN, QUẢNG TRỊ
7/2013

Hỡi ôi!

Nước vẫn chảy qua Thạch Hãn đêm ngày
Sóng vẫn dội về Cửa việt năm tháng
Mây vẫn bay.
Gió không ngừng thổi

Thế mà!

Xác đã vội gửi bờ sông, đáy bể
Mẩu xương vùi, đụn cát, hố sâu
Những linh hồn phảng phất nơi đâu
Linh thiêng
Xin về!

Các linh xưa! 

Đôi mươi mười tám, ngác ngác ngơ ngơ
Nào đã biết thế sự bao giờ, mớ giàng buộc Trung Hoa-Nga-Mỹ
Kẻ chỉ biết nhổ mạ, thả bò, đánh lờ đánh đó, úp cá, câu tôm
Đứa còn nghịch, đánh bi đánh đáo, trốn tìm, trận giả, bóng đá, thả diều,
Nhìn trộm con gái đã nhiều, có tiếng yêu chưa một lần dám ngỏ.
Ăn thường độn sắn-khoai-ngô, nhường hạt gạo em thơ mẹ yếu
Mặc quen cũ, tích kê, lộn cổ, kính phiếu tem bố ốm bà già
Sắn tay thay bố việc nhà…
Cho phải nghĩa, trồng cây hái quả.

Mấy Linh!

Sáng dạ hơn người, vừa hết lớp mười, mới vào đại học
Mừng viễn cảnh đỡ nheo đỡ nhóc, bõ mấy năm đèn sách miệt mài

Ai cũng!

Mắt từng ngó “Con ma-Ép bốn”, rít đảo điên pháo nổ bom rung
Tai thường nghe “Thù nhà nợ nước”, trống tòng quân giục giã tùng tùng.
Chiến trường nhẹ nhõm như không. “Đi chiến đấu là niềm vui bất tận”
Máu dân tộc cũng sôi lên uất hận, Sức trẻ trai không nhẽ ngồi nhìn.
Rạng ngời mấy đứa hy sinh, u ất lắm, mẹ cha giấu kín.
“Vẻ vang” mảnh giấy treo tường, tự hào thay, bày phô khung kính.
Đi thì hứa hẹn chiến công, nhất xanh cỏ bằng không đỏ ngực
Ở thời thẹn với non sông, sống như chết mẹ cha tủi nhục.
Sao dám trách trời cao đất rộng, bày làm chi tranh chấp đánh nhau!
Há dám giận mẹ cha vụng tính, đẻ ra con đúng lúc binh đao!

Đứa đồng bằng, đứa núi cao
Trung du đồi cọ, xôn xao xóm chài
Mấy thằng đến từ quê chiêm trũng
Mấy đứa rời đồng muối thuyền câu
Thôi thì quê ở những đâu
Cùng về, cùng khoác một màu xanh rêu.

Ngày từ giã!

Cha mẹ âm thầm, sắm lưng cơm, cúng ông bà tiên tổ, mong cho con chân cứng đá mềm, xin đẩy giúp hòn tên mũi đạn.
Xóm làng lục đục đến thăm, uống nước ăn trầu hút thuốc, chúc lập công, mong may mắn, thăng quan tiến chức.
Lũ em ngơ ngác, nhìn nhau hốt hoảng, biết từ mai chỗ dựa không còn...
Bạn gái sụt sùi, khăn tay dúi vội, khất lời yêu dành để ngày về.

Thế rồi!
Hai mươi mốt ky lô gam, độn ngô trộn sắn
Hai mươi bốn giờ nghiêm nghỉ, vác đất trèo non.
Mốt hai, bồng súng, đi đều, tập đội ngũ đôi tuần quen nếp
Bắt súng, đâm lê, ném lựu, luyện kỹ thuật mấy bữa mà tinh

Than ôi!
Ngoại giao lý sự trên bàn, ngơ ngác thấy Vơ la-Thượng Hải*
Chiến sự xoay chuyển lôi đình, thành Quảng Trị bên giành bên giữ
Đổi mạng sống thi gan thách đấu!
Giữ thế cờ khéo-vụng, thắng-thua!
Ghê gớm mấy, anh hùng cách mạng, lưng trần phơi hứng pháo chịu bom
Hãi hùng thay nước sông nhuốm đỏ, vẫn lao qua mặc kệ đạn vèo

Than ôi!
Gan bằng thép cũng chảy ra vì nóng
Trí bằng gang cũng chẳng chống được bom.

Kính nể thay!
Biết vào chết mà không ai lùi bước, dặn truyền nhau trước lúc lên đường
Rõ tử sinh, tổ quốc trường tồn, thầm vái vọng mẹ cha rồi bước.

Hãi hùng thay!Sông đỏ máu, xác trôi Cửa việt, bữa no say, cá lớn thuồng luồng
Thành tan nát, thịt vùi trong cát, dịp dư thừa, giun dế mèo hoang.
Thác đi để lại tiếng vang, Thành Quảng Trị tám mốt ngày giữ được
Chết lưu truyền lửa hận, trận cuối cùng, chiến thắng ắt về ta....
Nghe tin giữ mẹ già chết lặng, cắn chặt môi nước mắt nuốt vào trong
Người bạn gái đầu vùi chăn tức tưởi, quặn lòng đau mấy bữa bỏ ăn...

Than ôi!
Nước rửa mãi vẫn là sông Thạch Hãn
Gió đảo điên thành cổ vẫn trơ trơ
Khóc con mãi rồi mẹ cha cũng mất
Xót xa nhiều mầm sống vẫn sinh sôi

Ơi các Linh!
Sống đã liều vì dân vì đảng
Thác thành ma xin hãy độ trì
Cho quốc thái dân an
Cho con cháu không cần binh đao nữa!
Bốn mươi mốt năm là ít hay nhiều
Lập đàn bằng tâm
Thắp nhang nước mắt
Cúi lạy từ xa
Linh thiêng
Chứng giám!


Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Thế LÀY...! Là thế...! Lạ đâu...! Hỏi gì...!

-Vào trang bác Nontan, thấy bác hỏi UBND Hà Nội mà như hỏi ... Trời:
THẾ LÀY LÀ THẾ LÀO?
Với kỷ lục đáng ghi vào ghinet về số lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà - Hà Nội, đáng lý phải truy cứu trách nhiệm những tập thể và những cá nhân liên quan. Đáng lý phải thanh kiểm tra về nguyên nhân của nguyên nhân công trình ngàn rưởi tỷ mà vẫn kém chất lượng. Đáng lý phải tìm một đơn vị đầu tư khác có uy tín để trao nhiệm vụ thi công đường ống mới!...
Đường ống mới, chắc lại phải đầu tư mấy ngàn tỷ nữa chắc chắn lại trở thành cái mỏ mới cho bọn tham nhũng tiếp tục rỉa rói miếng mồi béo bở(!)
Vậy mà sau khi tuyên bố "hết kiên nhẫn với ViNaconec", UBND Hà Nôi vẫn quyết định giao cho đơn vị này tiếp tục đầu tư dự án giai đoạn 2.
Tôi xin kính cẩn lạy UBND Hà Nội vạn lạy chỉ để mong "ông" giải thích giùm cho THẾ LÀY LÀ THẾ LÀO?

ĐẶNG ĐÌNH THỨC
Ngó sang Quê Choa Thấy một công dân Hà Nội có cái tên rất oai: Nguyễn Như Phong cũng viết một bức thư dài dằng dặc hỏi UBND Hà nội, cũng như hỏi... Giời:
9 lần vỡ đường ống nước Sông Đà của Vinaconex còn chưa xử lý xong. Nhiều người dân còn kêu gọi phải khởi tố điều tra hình sự đối với trách nhiệm của những người thực hiện dự án. Nghe nói là ông Tổng giám đốc Vinaconex trong buổi họp với các nhà báo có nói lời xin lỗi người dân. Nhưng lời xin lỗi sao mà dễ dàng thế!

Tôi xin có một sáng kiến nhỏ thế này: Ông chọn ra một vài gia đình có các cụ già, cháu nhỏ đang khốn khổ vì thiếu nước do đường ống vỡ và bắt những kẻ có trách nhiệm trong xây dựng đường ống (thứ nhất), gánh nước cho các cụ, các cháu dùng.

Theo quan điểm của ông, người dùng tiền thuế của dân để làm dự án mà hỏng lên hỏng xuống, dân phải chịu thiệt hại thì có đáng cho ngồi tù hay không? Và chả lẽ Hà Nội không còn một đơn vị xây dựng nào đủ năng lực xây dựng đường ống thứ hai hay sao, mà lại phải giao cho chính những người làm hỏng đường ống thứ nhất.

Và nếu đường ống thứ hai, họ lại làm hỏng thì ai phải chịu trách nhiệm đây?
Chúng tôi rất mong được ông cho một lời giải thích.

Kính thư!
Công dân Hà Nội Nguyễn Như Phong

Hai Công dân này đúng là trên Giời rơi xuống! Có thế mà cũng phải hỏi!
Thế lày là thế chứ còn sao
Ông hỏi tôi...? Tôi hỏi đứa nào...?
Đây là mặt đất! Trong rào! Hiểu chưa...!
Ông thích thì tôi xin thưa.
Mấy thằng cu ấy làm bừa làm nhăng
Nhưng trên nó, có mấy thằng.
Hắt hơi một cái, tôi văng ra đường.
Là ông, ông có nhún nhường...?
Hay ông lại thích ra đường bơm xe..?
Hôm qua tôi đi họp về
Phong bì nó gửi tôi nghe lùm lùm
Mình đang sống giữa thối um
Cứ thơm cứ thảo lăn ùm... nhà lao
Chủ trương, đâu có sai nào...?
Đường lối..., pháp luật..., chúng tao thuộc làu
Cái ghế tao giữ còn lâu
Thế LÀY, là thế..., lạ đâu..., hỏi gì...!


Phauthuattk

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Bài viết cũ

25/10/12
Tạm thừa nhận với nhau rằng; Văn hóa đang xuống cấp trầm trọng, xuống ở mọi nơi và ở mọi lĩnh vực. Xin đừng làm rối thêm lên khi phân tích, bổ xẻ từng vấn đề, từng trường, từng hợp hiện tượng để tìm nguyên nhân, để quy trách nhiệm, bởi bệnh nào cũng phải chữa tận gốc mà bệnh “Văn hóa xuống cấp” thì phát ra từ cái rễ cùng rễ tận cơ, đất đá rắn lắm, chưa chữa tận gốc được đâu...!
Thế thì bó tay à...? Thưa không...!
Trong y học có thuật ngữ “Điều trị triệu chứng” tức là khi chưa tìm được hoặc tìm được nhưng chưa thể chữa được nguyên nhân thì tạm thời thấy sốt cao thì cho hạ sốt, đau quá thì cho giảm đau.v.v.. Hiểu sang lĩnh vực văn hóa là: Tạm thời làm được cái gì thì làm cốt sao giảm được tốc độ tụt dốc của văn hóa là được.
Vậy thì làm gì? Hãy tạm thời thụ động, thấy hiện tượng gì thì tìm cách nào hiệu quả nhất mà chữa hiện tượng đó. Xin đưa ra mấy ví dụ:
1. Ở vài nước láng giềng có người Việt qua lại, người ta để một cái bảng tiếng Việt ở chỗ ăn tự chọn với mục đích nhắc nhở khiến những người Việt có lòng tự trọng, những người có ý thức dân tộc phải xấu hổ. Xấu hổ ở chỗ, thực khách quốc tế, sao người ta không dùng tiếng Anh tiếng Pháp hay tiếng Tàu...?
Có người hay chuyện này thì nổi đóa, cho rằng người ta khinh mình, “Thù địch” với mình, muốn hạ danh dự của nước VN XHCN và cần phải làm điều gì đó để nhắc nhở, thậm chí “Cảnh cáo” họ… Tôi cho rằng, nếu nói riêng thì Việt Nam ta không thiếu người biết cách ăn tự chọn nhưng nếu nói chung thì đa số không biết, kể cả những người đã ăn nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần và đương nhiên họ luôn nghĩ “Mình là người sành điệu”.
Ăn tự chọn có ưu điểm là:
-Chiều được khẩu vị của từng người (Ăn gì? Cái gì trước cái gì sau? Thứ nào nhiều thứ nào ít? Mặn hay nhạt? Gia vị ít hay nhiều...?).
-Thực khách có thể đứng ngồi ở đâu, với ai tùy ý, thế nên hình thức này phù hợp với nhu cầu giao lưu trao đổi.
-Thức khách có thể ăn nhanh hay đủng đỉnh tùy theo thời gian mình có.
Đa số người Việt Nam có tâm lý “Sợ thiệt” (Tại sao có tâm lý này lại là vấn đề khác, cần bàn riêng và nên chăng mỗi người thử suy nghĩ tự tìm ra câu trả lời), thế nên, tình trạng lấy nhiều không ăn hết, ăn no một vài món rồi lấy món khác nhưng không cố được nữa, đành bỏ thừa, lãng phí, phí của người ta và cũng là “Phí của giời”.
Kèm theo tâm lý; “Ăn lấy được”, đã trả tiền rồi cứ lấy, ăn không hết thì bỏ đấy theo kiểu “Mất tiền mua mâm, bà đâm cho thủng”.
Quen được các nhà hàng “Chiều chuộng để lột”, Vào nhà hàng là phải hoạnh họe, phải thể hiện chất “Vương giả” của mình (Đâu cần biết rằng người ta khúm núm, nhẫn nhục hầu hạ để mình ăn hộ chỗ thực phẩm đã cũ và vui vẻ trả gấp hai ba lần), thế nên có “Thượng đế” khệnh khạng bước vào rồi theo thói quen đòi hỏi nhân viên phải mang đồ ăn đến tận nơi cho từng người... Trời ạ...! Thế thì còn gì là “Tự chọn” nữa! Những văn hóa ấy mà đem sang xứ người thì “Ngượng là phải!”.
Trước thực trạng ấy ta có thể làm gì?
Nên chăng, ở trong nước, mỗi nhà hàng tự chọn có hướng dẫn dưới hình thức; phát tờ rơi, bảng treo tường, sách để bàn… để thực khách hiểu được giá trị và cách ăn tự chọn. Ta có thẳng thắn dạy bảo nhau, có ngượng ở nhà thì ra ngoài mới đỡ xấu hổ.
Nhân viên những Tua du lịch ra nước ngoài, những tổ chức tuyển người đi lao động nước ngoài tranh thủ phổ biến về phong tục tập quán nơi đến, kèm theo đó là những việc nên và không nên để giữ gìn thể diện quốc gia như; xả rác đúng chỗ, không nói quá to, cách sử dụng nhà hàng khách sạn, cách ăn tự chọn.v.v.
Ta tự biết mình còn yếu, dám nhận là mình yếu mà bảo nhau tiến bộ thì người ta sẽ nể trọng hơn chứ càng phản ứng gay gắt càng lộ ra cái yếu, cái lạc hậu của ta, người khác sẽ khinh ta hơn.
2. Gần đây, nghe nói ở Bình Dương nhiều cơ sở tẩy chay lao đông Thanh-Nghệ-Tĩnh, việc ấy đúng hay sai? Nên hay không nên? Hãy để Bình Dương, trung ương và dư luận phán quyết.
Thiết nghĩ, ở đâu cũng có người thế này người thế khác nhưng người ở mỗi vùng miền cũng có những nét đặc trưng hay, dở riêng... Ai cũng biết, nói chung thì:
-Người Nam Bộ sởi lởi dễ dãi, làm thẳng, nói thật hơn người Bắc và Trung bộ, cũng chính vì vậy mà họ ít chịu tằn tiện, tiết kiệm.
-Người Bắc bộ thì ngược lại, họ tỏ ra khôn khéo hơn, cần cù hơn, tiết kiệm hơn và cũng chịu nhịn hơn
-Những phẩm chất của người Bắc, người Trung đều có và dường như ở mức cao hơn, kèm theo đó là phẩm chất “Quật cường”, là truyền thống “Cách mạng”.
Sự “Tự tin” và “Tự hào” nếu thái quá và không đúng chỗ sẽ làm người khác khó chịu... Nói như vậy để thấy: Tôi không ủng hộ việc tẩy chay lao động vùng miền nào nhưng tin rằng: “Có khói, tức phải có lửa”
Sở Văn hóa, Sở Lao động và thương binh xã hội, các quan chức của Thanh-Nghệ-Tĩnh, nếu thật sự quan tâm đến quyền lợi của dân, nếu thật sự muốn bảo vệ danh dự địa phương cần cử người đi tìm hiểu kỹ nguyên nhân rồi về tổ chức những lớp bồi dưỡng cho những đối tượng “Có khả năng đi lao động” về văn hóa, cách sống, cách làm việc, cách tự bảo vệ mình, cùng những quyền lợi hợp pháp của mình, cũng là bảo vệ danh dự cho địa phương.
Chỉ có thế mới giúp được dân, mới làm thay đổi ấn tượng của người sử dụng lao động ..., chứ tự ái mà lớn tiếng chửi họ là “Cục bộ” là “Khinh người” và tìm cách “Trả đũa” thì chỉ “Phản tác dụng”. Người lao động không có cơ hội nhận ra những hạn chế của mình, sẽ có cảm giác những tính xấu của mình được hậu thuẫn, và đương nhiên càng khiến những người sử dụng lao động ác cảm thêm.
3. Các cơ quan ngôn luận: Báo, Đài phát thanh, truyền hình, trên cơ sở hiểu rõ tác dụng phương tiện mình quản lý mà lưu tâm hơn đến đời sống văn hóa xã hội ví như động viên những bài viết về văn hóa, mở những diễn đàn văn hóa. v.v. 
Lâu nay tôi thấy một thực trạng vừa buồn vừa lo ngại là những bài viết, bài nói ở mọi cấp độ, từ những văn kiện lịch sử mang tính sống còn của quốc gia dân tộc, những bài nói của nguyên thủ quốc gia đến những bản tổng kết phong trào, báo cáo cuối tháng cuối năm của cơ sở toàn thấy nói “Một chiều”, toàn là “Chiến thắng-Thành công-Tốt đẹp” nghe mãi..., nghe mãi..., nghe đến đờ não, đẫn tai nhưng vẫn phải vỗ tay. Vô hình ta đã tạo ra cho ta cái cảm giác lúc nào cũng lâng lâng, tay chới với chưa chạm trời, chân quờ quạng không chạm đất. Báo chí phải gương mẫu mà“Cai” dần cái bệnh này đi...!
Ngày nay, dường như báo nào cũng dành cho những tin đại loại như, cướp của, hiếp dâm, giết người, loạn luân… nhiều quá. Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, hễ có người là có tiếng loa pin éo éo xuốt ngày đưa các tin rùng rợn kể trên cùng “kết quả và tỷ lệ đặt cược cho các trận tranh hùng đang diễn ra trên khắp các sân cỏ thế giới”. Khó lòng tìm được một bài có tác dụng nâng cao văn hóa, dân trí, đương nhiên chẳng bao giờ nghe thấy cái loa pin quảng cáo giới thiệu cho những bài về văn hóa. Có người búc xúc với tiếng loa kia thở dài.
-Hóa ra bây giờ người ta chỉ cờ bạc, hãm hiếp, cướp giật, lừa đảo thôi à?
Các nhà biên kịch, đạo diễn chú trọng xây dựng những nhân vật, những cách hành sử, những câu nói văn hóa thay vì quá chú trọng những đến lối sống xô bồ.
Cả loài người thích hài, dân ta cũng thích hài nhưng tính giáo dục của mỗi tiểu phẩm phải được đề cao (Cần nhớ rằng người dân rất dễ chịu ảnh hưởng của những thứ mà họ thích). Những tiếng cười nhẹ nhàng mà thâm thúy kiểu như Đức Khuê, Trí Trung còn ít trong khi những “Khoai to, chuối dài”, những diễn viên hài hiện đại mà hóa trang như “Hề chèo” rồi đi lại khuềnh khoàng, gào thét “Quàng quạc” trên sân khấu, trên màn hình còn nhiều quá...!
Tôi không dám nói đến sự can thiệp, sự kiểm duyệt quá gắt gao của các cơ quan văn hóa của Đảng và nhà nước, hình như càng gắt gao lại càng lỏng lẻo... Nhưng nếu những người làm văn hóa đều ý thức được tác dụng của mình thì không phải là không thể làm được gì.

Ta tự hào về nền văn hiến bốn nghìn năm, nhưng cũng nên mạnh dạn đánh giá thực chất văn hóa hiện thời mà sớm có biện pháp phù hợp mới có thể hy vọng một ngày “Sánh vai cùng thiên hạ” được.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Cảm nhận cho một bài thơ về Thành cổ Quảng Trị

Tôi có người bạn là Nhà thơ, chị đi thành cổ Quảng Trị về và khoe tôi bài thơ này:

TẠ LÒNG

Nỗi đau Thành Cổ còn đây
Với thi nhân được giãi bày hôm nay .
Tạ lòng xin chắp hai tay
Cầu hồn liệt sĩ nhẹ bay phiêu bồng .
Ngẫm về đáp nghĩa đền công
Vẫn như canh cánh bên lòng khôn nguôi...!

Trong lúc chả biết gọi ĐCS Trung Quốc là bạn hay là thù, Bạn thì tôi không thể, nhưng thù thì hình như... trái với nhiều thứ..., trước hết là trái với ý của các đồng chí lãnh đạo cao nhất ĐCSVN đang kiên trì xây dựng xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác lâu dài, láng giềng tốt đẹp bởi không ai được chọn hàng xóm..., bởi cái giàn khoan kia và những con tàu ngư dân Việt Nam bị húc chìm kia chỉ là: "Chuyện nội bộ gia đình".
Trong lúc không ít người cho rằng đang có những kẻ, nhiều kẻ Han gian cam tâm bán nước cầu vinh..., có thể lắm... Nhưng chúng là ai? Sao không thể chỉ mặt vạch tên chúng ra được?
Trong lúc lãnh đạo Đảng và nhà nước ta đang "Kiên trì đấu tranh hòa bình", kiên trì dùng những chiếc tàu nhỏ ra vùng đảo Hoàng Sa cho những chiếc tàu lớn của Trung Quốc hết phun nước, xua đuổi lại đâm thủng, kiên trì trong khi họ bắt tàu cá của mình, nhốt ngư dân của mình ngay trên vùng biển của mình...
Cũng như muôn vạn trái tim Việt, tôi đã từng sục sôi căm thù, từng khắc khoải chờ đợi những quyết sách của "Trên".... và bây giờ thì tôi không thể không hoài nghi tất cả...
Hờn cảnh ấy, tâm trạng ấy... chẳng còn hứng thú gì với văn chương nhưng nể bạn vẫn ngồi vào bàn phím và tôi đã viết:

nghe tiếng gió hú qua đồi cát
Ngỡ ai đang hát khúc quân hành
Và xạc xào trong những bãi cỏ tranh
Như tiếng bút viết thư về gửi vội

Trời vẫn nắng vẫn mưa
Năm vẫn có hai mùa nóng rét
Nhưng những dòng sông hình như nước hết
Và núi rừng trơ chọi, ngác ngơ

Sao các anh không sống đến tận giờ
Xem đồng chí, trói dân mình ngoài biển
Quyết tử làm gì, ngực phơi đỡ đạn
Để hôm nay, thù bạn trốn trong nhau....?

Cứ năm yên sẽ không trải nỗi đau
Khi được mất mập mờ trong tối sáng
Tôi đã thấy trong hoàng hôn chạng vạng
Những nấm mồ trải khắp tổ quốc ta...


Đọc lại thấy... Hay hay! Hình như tôi cũng biết làm thơ!
Bạn nào đã tốn thì giờ đọc xin hãy cho tôi biết: Thế có được gọi là thơ không nhé!