Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

CÓ NÊN, ĐÃ NÊN THẮT LƯNG BUỘC BỤNG...?

Tạo hóa sinh ra con người để sống với thiên nhiên, để ăn các loại cây và con do thiên nhiên ban tặng, ăn đã nhiều nhưng không bằng uống, uống nước của thiên nhiên ban tặng, uống đã nhiều nhưng lại không bằng hít thở, hít thở không khí của trời đất. Người ta có thể nhịn ăn hàng nhiều chục ngày nhưng không thể nhịn uống vài ngày và càng không thể nhịn thở mươi phút. Những thứ ăn, uồng và hít vào ấy sẽ quyết định sự tồn tại và chất lượng tồn tại của mỗi chúng ta.
Cái nghĩa “Thắt lưng buộc bụng” ở mỗi hoàn cảnh có khác nhau, nếu như trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bác Hồ kêu gọi toàn dân “Thắt lưng buộc bụng” là thật sự kêu gọi toàn dân mỗi bát cơm bớt một miếng, mỗi bữa bớt một bát để bỏ vào “Hũ gạo kháng chiến” góp gió thành bão để kháng chiến thành công thì những năm gần đây, chính phủ Hy Lạp, Tây Ban Nha cũng kêu gọi người dân “Thắt lưng buộc bụng” nhưng chắc không để một ai phải ăn thiếu một miếng nào. “Thắt lưng buộc bụng” ở đây là thắt chặt chi tiêu, ăn no, ăn đủ chứ không ăn thừa, dùng đủ chứ không xa hoa lãng phí hòng đưa đất nước qua cơn khủng hoảng...
Nền chính trị hiện thời của ta được thành lập đúng năm nạn đói (Ất Dậu, 1945 còn gọi là năm chết đói), ngân khố rỗng tuếch, nền sản xuất gần như bằng không (Không có gì khác ngoài nông nghiệp lạc hậu), dân trí rất thấp, ngoại xâm mạnh liên tục quấy nhiễu... Đáp lời Bác Hồ, toàn dân đã thật sự “Thắt lưng buộc bụng” 50 năm trời (1945-1995) quãng thời gian ấy vừa đúng một đời người..., hệ quả khó lòng lường hết.
Tuy nhiên việc “Thắt lưng buộc bụng” đã góp phần quyết định vào những chiến thắng lẫy lừng tiến tới thống nhất đất nước.
Kể từ năm 1995 đến nay, đâu đó còn người đói, đâu đó trẻ con cần “Bữa ăn có thịt” nhưng nhìn chung, bữa ăn “No, đủ” không còn là vấn đề khó nữa, nhưng cũng từ đó, những vấn đề mới lại nảy sinh.
-Được “Ăn no mặc ấm” người ta bắt đầu tìm đến “Ăn ngon, mặc đẹp”, những sơn hào hải vị bị khai thác kiệt quệ để đến bây giờ những cây, con tự nhiên hầu như không còn.
-Nhu cầu no đủ không còn giới hạn ở miếng ăn, manh áo mà ào ạt tăng lên trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Cái gì cũng để trong túi nilon, ai ai cũng có điện thoại di động, mỗi nhà có nhiều cái Ti vi, nhiều máy tính cá nhân, nhiều máy lạnh, quạt, lò sưởi ... nhu cầu phương tiện sử dụng săng dầu tăng chóng mặt ... người tiêu dùng cần cái gì, như thế nào thì thị trường đáp ứng ngay lập tức bằng đủ loại hóa chất: Sợi phở, bún trắng, ròn để lâu không hỏng, ninh xương 10 phút là nhừ, nước chấm thơm, ngọt...
Tất cả những thứ ấy được trang bị, được sử dụng bởi một dân tộc mới thật sự hết đói ăn trong vòng 20 năm nay..., cơn đói ý thức và kiến thức thì dường như ngược lại..., càng ngày càng đói.
Nước ta rất nhiều Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ... những người có bằng Đại học thì không thể kể hết..., chỉ 40 năm trước, mỗi năm, mỗi làng chỉ có một hai người thi tốt nghiệp phổ thông, cả xã chỉ có hai ba người vào đại học...
Tương phản như thế nhưng không biết có ai đồng ý với tôi, ước gì ý thức con người trở về những năm đó, đấy là trở về với “Nông nghiệp lạc hậu” chứ với xã hội bây giờ cần ý thức cao hơn nhiều lần mới mong giữ được cân bằng.
Rừng, “Cơ bản đã phá xong, phá hết” từ lâu.
Thủy diện “Cơ bản đã tận dụng triệt để nguồn năng lượng nước”.
Khoáng sản phát hiện được ở đâu thì “Cơ bản đã được khai thác hết và đang được khai thác hết cỡ”.
Các sông, suối, kênh, rạch, mương máng ở trung du và đồng bằng “Cơ bản đã ô nhiếm đến mức không thể sử dụng vào bất cứ việc gì, kể cả tưới cây, nuôi thủy sản”. Các sông, suối ở đầu nguồn, ở miền núi “Cơ bản đã được ô nhiễm”.
Rác thải không thể tự phân hủy (Trong đó có rất nhiều chất đặc biệt độc như các loại pin, các loại hóa phẩm, mỹ phẩm...) đang hàng giờ hàng ngày được tạo ra với số lượng kinh hoàng, không chỉ ở các đô thị lớn mà tận những bản làng hẻo lánh nơi vùng sâu vùng xa..
Cùng với nước thải, chất thải từ công nghiệp chế biến, lắp ráp, khai thác đã “Cơ bản làm ô nhiếm nguồn nước ngầm” từ lâu.
Khí độc từ các nhà máy, từ các phương tiện giao thông, từ những bếp than gia đình đang từng giây từng phút cùng với bụi làm quánh đặc không khí.
Dân số gia tăng, đất ở thu hẹp, khoảng trống trong các “Làng lên phố” không còn, chất độc, khí độc không có điều kiện thoát ra ngoài...
Tất cả những thực phẩm bày bán ngoài chợ đều nặng tính “Nhân tạo”, tính “Công nghiệp” với chất “Tăng trưởng, tăng trọng”, với thuốc trừ sâu, thuốc chữa bệnh cùng không biết bao nhiêu loại hóa chất để “Giữ tươi, tăng cân, đẹp mã ...”.
Với tất cả những điều trên mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, chúng ta đang hăng say tự đào mồ chôn mình.
Khi hiểm họa sảy ra, liệu có ai hối hận nghĩ rằng:
-Giá ta bằng lòng với bát cơm đầy, dăm ba miếng thịt, ngọn rau, miếng cà, thìa tương...!
-Giá ta hạn chế đi lại.
-Giá mỗi nhà chỉ dùng một cái Ti vi, một cái máy tính, máy lạnh chỉ để ở một phòng và chỉ dùng khi thật cần thiết ...
Và biết bao nhiêu những cái giá như nữa về những nhu cầu tưởng như, nhưng lại không phải là “Thiết yếu” cho cuộc sống.
Những “Làng ung thư” đã xuất hiện để ta nhìn thấy, còn những gì ta không nhìn thấy đang chảy trong cơ thể ta, con cháu ta...?
Nước ta nghèo nàn, lạc hậu..., chỉ với những điều trên, đại họa đã cận kề...
Ta lại cận kề với người hàng xóm vừa thâm hiểm, vừa man ri mọi rợ còn hơn cả ta lại luôn nuôi chí hại ta, hại ta qua bất cứ lĩnh vực gì mà họ có thể tận dụng, kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự.... Tôi không phân tích cụ thể xem họ phá ta như thế nào, hãy nhìn những thứ quanh ta và chịu nghĩ một lúc sẽ có câu trả lời.
Vậy:
-Đã đến lúc chưa, và có nên không? Ta lại “Thắt lưng buộc bụng” để loại trừ những âm mưu thủ đoạn, những hiểm họa từ phía láng giềng, để giữ lại môi trường tối thiểu cho ta và cho con cháu ta...?

Nhu cầu của con người là vô hạn, ta đang như “Con nghiện”, có “Cai” được hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức toàn dân, và sự cương quyết của chính quyền, một vài người chả làm được điều gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét