Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

MIẾU VẪN CÒN THIÊNG


                                     
Bệnh viên Xanh-Pôn, những năm 86, một hôm, qua cửa phòng băng thấy chị y tá đang hí hoáy với một cái bàn tay là lạ, tôi quay lại... Trời...! Kinh khủng quá...! Hơn ai hết, những người làm xương khớp chúng tôi hiểu thấu câu “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, thế mà một người đàn ông chừng ngoài 30 với bàn tay phải như một nắm đấm đỏ lòm chỉ còn nhô lên mỗi một mẩu ngón cái, nom như cái cuống một trái cam Ngô. Thật đau xót...! Người này sẽ làm gì để sống, để tự phục vụ mình chứ nói gì đến nuôi vợ nuôi con...
-Sao mà đến nỗi này ông?
Tôi sắn tay vào cuộc, mở đầu bằng câu hỏi như vậy.
-Ôi! Chuyện thằng này ghê và dài lắm Bác sỹ ạ.
Chị Y tá nhanh nhảu đỡ lời.
-Rồi...! Tôi làm còn lâu, ông cứ kể đi.
Tỉ mỉ cắt lọc từng li từng tí những mẩu da, những sợi cơ hoại tử, cân nhắc giữ lại đến tối đa, tôi vừa nghe cái thằng khốn khổ kể chuyện.
Bố nó mất sớm để lại cho mẹ nó hai thằng con trai mà nó là em. Nhà nó được chia của địa chủ, một cái nhà ngang dễ đến mươi gian mà nhà nó được ba gian đầu tiên theo hướng từ cổng vào, phía trước là cái sân gạch rộng lắm, bên kia sân, nơi thẳng ba gian giữa là cái bể nước mưa nửa chìm nửa nổi, nắp cuốn tò vò, hai đầu là hai bức cuốn thư với đủ đao, đủ bút và chi chit chữ nho. Chính giữa là cái lỗ cho người ta thò đầu vào mà múc nước. Đúng là địa chủ! Cái bể dài như toa tầu, nghe nói những năm hạn hán, giếng cạn, cả làng đến xin nước uống mà không cạn.
Ở hai đầu, ngay dưới hai cái cửa bể như thế là hai cái sân bếp cỡ chục mét vuông, hai gốc mít xù xì to gần bằng người ôm gần như quanh năm lủng lẳng những quả to quả nhỏ, cả cái thứ quả không thể phát triển mà người ta gọi là... Dái mít. Nối vào hai cái sân ấy là hai dãy bếp, mỗi cái ba bốn gian, gọi là cũng đúng vì đề đun nấu, một bên nấu cho người và một bên nấu cho lợn, liền với bên nấu cho lợn là
chuồng lợn chuồng bò, liền với bên nấu cho người là nhà ngang, chứa thúng mủng dần sàng, cối xay lúa, chày giã gạo...
 Đội cải cách lại chỉ chia cái nhà ngang cho các bần cố nông, thế rồi người ta tự kéo thẳng ra trước mà nhận, cái sân thì không có chuyện gì, cái khu trước mới rắc rối, chỗ thì là bể, chỗ bếp, chỗ chuồng trâu chuồng lợn, chồng xí, một trong hai cây mít lại mọc đúng ranh giới hai nhà... Mẹ cha bọn địa chủ, giàu có mà ngu, lúc xây không nghĩ đến lúc chia...!
Thế là người ta lục đục, người ta cãi nhau, chửi nhau rồi người ta phải đánh nhau. Mấy ông xã đến họp mấy lần, cuối cùng người ta “Thống nhất” một số điều:
-Bể thì của riêng nhưng nước thì của chung
-Nhà nào có bếp to thì ngăn tạm cho những nhà có bể... đun nhờ.
Nhà nó, vì ở ngoài nên được bếp. Mẹ nó mò cua bắt ốc nuôi anh em nó từ lúc bé tí, đến khi chúng nó lộc ngộc cũng là lúc bà đổ bệnh. Suốt ngày ngâm mình dưới ao dưới hồ, xúc ốc mò trai, lùi lũi men các bờ ruộng móc cua, mưa cũng như nắng, nóng cũng như rét. Trời rét căm căm, người ta xù xù áo bông ra đường, tối về rúc trong ổ rơm, bên đống dấm mà khoai nướng, ngô rang, còn bà..., không đi thì lấy gì đổ vào nồi cho hai đứa, chúng nó đang nhớn lại nghịch như quỷ sứ..., cái giống càng nghịch nó ăn càng khỏe. Bà vẫn ra đồng, uống ngụm nước mắm, ì ọp một hồi rồi cũng có cái mang ra chợ.
Như thế có khi còn dễ chịu, chẳng như cái đận tháng 5 tháng 6, nước nóng như sôi, hơi bốc lên ngùn ngụt, nhìn xa một chút là nhòe cả mắt ... thế mà cứ phải úp mặt vào bờ ruộng, thọc tay vào cái hang sâu đến tận nách, có khi chẳng thấy cua đâu lại tóm phải con rắn tránh nóng, rút phắt tay ra mà hồn bay phách lạc... Vài bận nó cắn cho, nào biết là lành hay độc, bà chỉ vuốt cho hết máu, máu không ra thì cho vào mồm mà mút, rồi nhá mấy lá cỏ ngay bên miệng cái hang ấy mà đắp vào vết thương, ngồi nghỉ một lúc cho hoàn hồn rồi lại móc tiếp.
Chẳng hiểu bài thuốc ấy nghiệm hay là ngoài đồng chỉ toàn rắn nước mà bà không làm sao.  Những con cua nằm bẹp nơi đáy hang vẫn bị bà móc ra cho vào giỏ, rồi thì chúng sẽ bị người ta xé xác, cho vào cối đá giã nhỏ, nấu canh. Bà biết..., bà đang làm một việc rất ác..., nếu như không vì hai thằng con đang đói hay nếu như có việc gì kiếm ra đồng tiền, kiếm được cái đổ vào mồm chúng nó thì bà chẳng bao giờ làm cái việc thất đức ấy nữa. Nghĩ thế, nên mỗi khi tay còn trong hang, bị cua cắp cho đau quá bà vẫn không bao giờ nổi giận, bà cứ để yên cho nó cắp, bởi vì bà đáng bị như thế mà.
-Cua ơi! Tao chẳng muốn bắt mày đâu! Nhưng mà các con tao đói, mày thương tao thì cắp thế thôi, đừng làm đứt tay tao nhé!
Bà cứ vừa nói vừa nhẹ nhàng kéo con cua đang hăng máu ra khỏi hang, đặt tay lên bờ ruộng, tưởng thoát chết, con cua nhả tay bà ra toan chạy, ngay lập tức nó sẽ bị bàn tay trái của bà chộp lấy.
-Cho mày vào đây mà cắp nhau, mà chơi với bạn bè đến tối nữa thôi...
Người ta thấy bà lủi thủi khắp đồng gần đống xa, đôi người bắt gặp bà thủ thỉ với những con cua... thế là cả làng gọi bà là... dở người.
Cứ như thế, người bà gày đét, da đen nổi nốc trắng xù xì, hai bàn tay thì đầy những vết cua cắp, rắn cắn.
May cho bà, sau khi lo vợ cho thằng lớn bệnh mới nặng hắn, chả biết làm sao mà chân tay cứ co rúm lại, các khớp đau nhừ, khô khốc chẳng thể co duỗi như trước được nữa. Người ta bảo đó là hậu quả những năm tháng chịu nóng chịu rét ..., còn bà, bà không nghĩ thế, bà đang khỏe lắm cơ mà..., chắc tại bà sát sinh nhiều quá nên trời bắt tội đấy thôi...
Cũng từ đó, thằng hai thay bà làm cái nghề bất đắc dĩ ấy, khác với thằng anh cao gày, ẻo lả nhưng ngoan ngoãn, dễ bảo, thằng em vừa lùn vừa to, trên người nó, từ những ngón tay, cái mũi, từ hai cái tai đến cặp môi, cái gì cũng cứ nùng nục... Bà cho thằng anh đi học thợ mộc, giờ nó đã vọc vạch sửa được cái bàn cái ghế, thế là tự kiếm miếng ăn, thằng em chỉ nghịch ngợm hỗn láo như quỷ sứ, chẳng chịu nghe bà bao giờ, chẳng nghề ngỗng gì, không còn cách nào ngoài nối nghiệp mẹ.
Thế mà nó cũng đòi lấy được vợ, một buổi tối bà thấy nó cứ lầm lì, từ lúc ngoài đồng về, giúp bà cơm nước (vợ chồng thằng lớn đã ăn riêng), ăn xong, rửa bát úp vào cái rổ... Lạ! Sao hôm nay nó ngoan thế! Ngồi phịch xuống bên bà nó buông tuột một câu.
-U..! Tôi lấy vợ...!
Giời ơi là giời! Điều bà lo lắng bấy lâu đã hiện về đó ư? Nó cùn kìn xấu xí thế kia lại chẳng có công ăn việc làm gì, nói năng hành động thì xấc xược cục cằn, ít nói nhưng mở mồm là Đéo là Địt, hễ cáu là bất luận già trẻ, lớn bé, vớ cái gì là nó phạng người ta bằng cái ấy.... Cái con giời đánh nào chịu lấy nó chắc cũng loại chả ra gì, không mèo mả gà đồng thì cũng con nhà mục mả...
Nhè miếng trầu ra tay, vờ đá lưỡi đẩy mấy cái sạn khỏi lợi phun phì phì ra đất cốt để có thời gian suy nghĩ thêm
-Ừ...! Để u xem, có đám nào vừa u hỏi...!
-Không phải hỏi! Tôi hỏi rồi...!
Những câu cộc lốc của nó như minh chứng nỗi sợ hãi của bà là không phải là thừa... Mẹ cha con đứa sứt môi lồi rốn hay con gái già nhỡ thì nhỡ lứa nào đây...?  Nghĩ vậy nhưng bà vẫn phải ôn tồn.
-Con hỏi ai rồi...?
-Cái Tuyết...! Xóm dưới...!
-Tuyết Cầu á...?
-Phải...!
Bà há mồm kinh ngạc. Giời ơi...! Đã đến lúc bà được hưởng phúc rồi sao..., ông í phù hộ cho mẹ con bà ư...? Hay thằng con bà đã làm trò gì mà lừa được con cái Tuyết...? Nhà người ta cơ bản thế, sao lại gả con gái cho thằng này được nhỉ... trầm ngâm hồi lâu bà lại nhẹ nhàng hỏi.
-Thế chúng mày đã xem ý thầy u nó chưa?
-Đã bảo! Rồi...! Thày nó bảo U xuống hỏi!

Thế thì bà có phúc thật rồi, tằng này không biết nói điêu bao giờ. 

(Còn tiếp)

1 nhận xét:

  1. Tôi đang tập viết, cũng là ghi lại những chứng kiến trong đời. Rất hân hạnh được bạn đọc góp ý!
    Xin cảm ơn!

    Trả lờiXóa