Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Miếu làng vẫn thiêng 5

Công việc kiếm gạo nuôi con của chúng nó vẫn thuận lợi thế, người ta bảo “Hỷ bất trùng lai” có khi đếch đúng! Từ ngày ra ở miếu nhà nó toàn gặp may. Cuối năm ấy, ông cậu cán bộ từ bên Hà Nội về ăn giỗ bố nó.
Người làm to có khác, từ lúc có ông, đám giỗ tưng bừng hẳn lên, người ta tíu tít, dắt con dắt cháu ra chào, giới thiệu với ông, nét mặt ông rạng rỡ, hết bắt tay người này lại xoa đầu đứa khác, quay sang chị, ông thắc mắc.
-Từ sáng chả thấy thằng Đức đâu nhỉ!
Bà chị thực tình kể lại, rằng nó hỗn láo thế nào, bỏ đi ra sao, rồi biệt từ ngày ấy, xóm trên xóm dưới mà tuyệt nhiên chẳng thấy nó thèm về xem mẹ nó sống chết thế nào, lắng nghe, ông trầm ngâm không nói. Cơm rượu xong, ông ra thăm nó.
Người làm nhà nước đến cán bộ to cũng khác, ông ôn tồn hỏi han, tự tay mở kiểm tra từ thạp gạo, liễn mỡ, hũ tương đến quần áo lũ trẻ..., rồi ông khen ngợi vợ chồng nó thế là “Cơ bản”, khen các cháu ngoan, khỏe mạnh, ông cho mỗi đứa năm hào, xoa đầu nhắc chúng phải biết thương xót bố mẹ, ông nhắc đến công lao của vợ chồng thằng Đức với lũ trẻ trước, rồi mới nhắc nhở vợ chồng nó những vất vả nghìn lần mà chị ông, mẹ nó đã trải qua để nuôi hai anh em nó, hai đứa cắm mặt xuống đất, những giọt nước lăn dài từ mắt con Tuyết.
-Thôi...! Các cháu biết lắng nghe thế là cậu mừng lắm rồi...! Thương mẹ..., nể cậu ..., chúng mày vào thắp cho bố nén hương rồi uống với cậu chén rượu, có thế cậu mới yên tâm về Hà Nội công tác được.
Thằng Đức đưa mắt nhìn vợ, con tuyết vội vàng đạp xe đi, nó mang về đủ thứ, đồ lễ, quà cho mẹ cho anh, thằng Đức ngó qua, hạnh phúc dâng tràn trong ánh mắt nó. Tối ấy nhà nó vui vẻ, đêm ấy, hai cậu cháu ngồi ngoài sân nói chuyện rất khuya, ông cậu bảo.
-Mày về viết cái đơn, tao xin việc cho mà làm, chứ mò cua bắt ốc mãi à?
-Cậu xin được thì cậu viết, cháu có biết chữ đéo đâu...!
Tinh mơ hôm sau, ông cậu ra nhà cho nó nguệch ngoạc ký vào đơn.
Đúng là “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, thực ra, cậu nó chỉ làm cái chân long tong ở Văn phòng đảng ủy hay công đoàn gì đó thuộc Bộ Giao thông vận tải, thế mà cầm mỗi lá đơn đi, hai tuần sau người ta gọi nó đi làm.
Thằng Đức làm cho Công ty vận tải pha sông-biển, cứ hai tuần một lần, cái ca-nô chạy từ đâu không biết đến đón nó ở bờ đê, xuôi Hà Nội rồi khi thì Hải Phòng, khi thì Quảng Ninh, có khi sang tận Trung Quốc, trả hàng rồi lại nhận hàng..., cuối cùng, người ta thả nó ở quãng đê ấy cho nó về hú hý với vợ con một tuần trước khi xuống tàu lần tiếp.
 Bờ đê chỉ cách nhà nó có một cánh đồng chừng ngót cây số, lần nào leo đến đỉnh con đê nó cũ quay về nhìn lại ngôi nhà nơi có vợ con nó đang đợi, nơi những một tuần nữa nó mới lại được nằm giang chân giang tay trên cái phản cho hai đứa con vầy vò..., nơi tối tối vợ nó cứ hị hụi dọn dẹp và nó cứ phải nằm chờ cho đến khi hai thằng ranh yên giấc...
Công việc của nó là dọn dẹp, dọn hàng, dọn vệ sinh trên tàu, dọn toa lét, dọn bếp, rửa bát... Khi tàu cặp bến, nó nhanh nhảu nhảy lên bờ đón cái dây thừng to tướng buộc vào cọc neo, những việc không phải của nó nhưng nó thích vì có vẻ oai hơn những việc dọn dẹp.
Thời bao cấp nhiều thứ bị cấm lắm, mà phàm cái gì bị cấm lại là những thứ chúng nó dễ kiếm nhất. Lương đã là cao nhưng sau mỗi chuyến, Trưởng tàu chia cho nó cục tiền to lắm, gọi là tiền “Kế hoạch ba”, từ bé đến giờ, nó chưa bao giờ nhìn thấy nhiều tiền đến thế, cầm tiền mà cứ ngỡ là mơ. Rồi “Sống lâu, mèo già hóa cáo”, nó cũng nhận hàng riêng, người ta vác mấy cái hộp xuống tận tàu cho nó, đến bến lại có người xuống tận tàu mang đi rồi trả nó tiền, còn nhiều hơn cả “kế hoạch ba”.
Nhiều tiền, chúng nó hư, tàu neo bến đợi hàng, chúng đánh bài xuốt ngày, đến bữa gọi toàn đồ ngon vật lạ. Thằng Đức mới chỉ mấy lần được uống bia cỏ, thứ bia đỏ như nước đái bò, bọt cũng như nước đái bò, vừa to vừa dễ vỡ, thế mà ở đây bữa nào chúng nó cũng uống hàng thùng bia lon, thằng Đức thứ bia có bọt mịn như bông, uống vào, một cảm giác mát, tê, thơm chạy đến tận ruột chứ không cay, đắng như bia cỏ, một dải bọt trắng mịn dính hai bên mép. ngon thế nhưng thằng Đức không ... thích, nó xót ruột.
Đêm, bọn gái làm tiền mò xuống tận tàu ve vãn chúng nó, tiếng nghịch nhau chí chóe, tiếng con gái kỳ kèo xin thêm tiền khiến thằng Đức không ngủ được, có cái gì cứ rạo rực trong người khiến nó nhớ vợ, thương vợ hơn, nó cũng thinh thích, muốn muốn, nhưng nó sợ, có cuc gì dồn ứ, chẹn lấy cổ khiến nó buồn nôn, nghe nói bọn này bẩn lắm, bệnh lậu hay giang mai ghê gớm lắm...!
Tinh mơ ngày xuống tàu, vợ nó dậy sớm nấu một nồi cơm nếp lạc to tướng, đổ ra cái rá, hong khô rồi nén vào cái mo cau thật chặt, từng ngăn, từng ngăn nom như cái chuỗi xúc xích khổng lồ. Mỗi bữa, thằng Đức cắt một khoanh ăn với ruốc cũng do tự tay vợ nó làm..., không nhậu nhẹt với bọn kia không hẳn vì nó tiếc tiền mà vì vắng vợ vắng con nó không nuốt được những của ngon vật lạ.

Ngày ở nhà, nó đạp xe ra tận chợ Huyện mang về, hôm thì đôi vịt kêu quàng quạc, hôm cái chân giò to tướng, lúc cả một cái đùi chó. Thi thoảng nó cho vợ con vào mời mẹ, anh chị và các cháu, những hôm ấy cả nhà nó vui như tết. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét