Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

Bài viết cũ

25/10/12
Tạm thừa nhận với nhau rằng; Văn hóa đang xuống cấp trầm trọng, xuống ở mọi nơi và ở mọi lĩnh vực. Xin đừng làm rối thêm lên khi phân tích, bổ xẻ từng vấn đề, từng trường, từng hợp hiện tượng để tìm nguyên nhân, để quy trách nhiệm, bởi bệnh nào cũng phải chữa tận gốc mà bệnh “Văn hóa xuống cấp” thì phát ra từ cái rễ cùng rễ tận cơ, đất đá rắn lắm, chưa chữa tận gốc được đâu...!
Thế thì bó tay à...? Thưa không...!
Trong y học có thuật ngữ “Điều trị triệu chứng” tức là khi chưa tìm được hoặc tìm được nhưng chưa thể chữa được nguyên nhân thì tạm thời thấy sốt cao thì cho hạ sốt, đau quá thì cho giảm đau.v.v.. Hiểu sang lĩnh vực văn hóa là: Tạm thời làm được cái gì thì làm cốt sao giảm được tốc độ tụt dốc của văn hóa là được.
Vậy thì làm gì? Hãy tạm thời thụ động, thấy hiện tượng gì thì tìm cách nào hiệu quả nhất mà chữa hiện tượng đó. Xin đưa ra mấy ví dụ:
1. Ở vài nước láng giềng có người Việt qua lại, người ta để một cái bảng tiếng Việt ở chỗ ăn tự chọn với mục đích nhắc nhở khiến những người Việt có lòng tự trọng, những người có ý thức dân tộc phải xấu hổ. Xấu hổ ở chỗ, thực khách quốc tế, sao người ta không dùng tiếng Anh tiếng Pháp hay tiếng Tàu...?
Có người hay chuyện này thì nổi đóa, cho rằng người ta khinh mình, “Thù địch” với mình, muốn hạ danh dự của nước VN XHCN và cần phải làm điều gì đó để nhắc nhở, thậm chí “Cảnh cáo” họ… Tôi cho rằng, nếu nói riêng thì Việt Nam ta không thiếu người biết cách ăn tự chọn nhưng nếu nói chung thì đa số không biết, kể cả những người đã ăn nhiều lần, thậm chí rất nhiều lần và đương nhiên họ luôn nghĩ “Mình là người sành điệu”.
Ăn tự chọn có ưu điểm là:
-Chiều được khẩu vị của từng người (Ăn gì? Cái gì trước cái gì sau? Thứ nào nhiều thứ nào ít? Mặn hay nhạt? Gia vị ít hay nhiều...?).
-Thực khách có thể đứng ngồi ở đâu, với ai tùy ý, thế nên hình thức này phù hợp với nhu cầu giao lưu trao đổi.
-Thức khách có thể ăn nhanh hay đủng đỉnh tùy theo thời gian mình có.
Đa số người Việt Nam có tâm lý “Sợ thiệt” (Tại sao có tâm lý này lại là vấn đề khác, cần bàn riêng và nên chăng mỗi người thử suy nghĩ tự tìm ra câu trả lời), thế nên, tình trạng lấy nhiều không ăn hết, ăn no một vài món rồi lấy món khác nhưng không cố được nữa, đành bỏ thừa, lãng phí, phí của người ta và cũng là “Phí của giời”.
Kèm theo tâm lý; “Ăn lấy được”, đã trả tiền rồi cứ lấy, ăn không hết thì bỏ đấy theo kiểu “Mất tiền mua mâm, bà đâm cho thủng”.
Quen được các nhà hàng “Chiều chuộng để lột”, Vào nhà hàng là phải hoạnh họe, phải thể hiện chất “Vương giả” của mình (Đâu cần biết rằng người ta khúm núm, nhẫn nhục hầu hạ để mình ăn hộ chỗ thực phẩm đã cũ và vui vẻ trả gấp hai ba lần), thế nên có “Thượng đế” khệnh khạng bước vào rồi theo thói quen đòi hỏi nhân viên phải mang đồ ăn đến tận nơi cho từng người... Trời ạ...! Thế thì còn gì là “Tự chọn” nữa! Những văn hóa ấy mà đem sang xứ người thì “Ngượng là phải!”.
Trước thực trạng ấy ta có thể làm gì?
Nên chăng, ở trong nước, mỗi nhà hàng tự chọn có hướng dẫn dưới hình thức; phát tờ rơi, bảng treo tường, sách để bàn… để thực khách hiểu được giá trị và cách ăn tự chọn. Ta có thẳng thắn dạy bảo nhau, có ngượng ở nhà thì ra ngoài mới đỡ xấu hổ.
Nhân viên những Tua du lịch ra nước ngoài, những tổ chức tuyển người đi lao động nước ngoài tranh thủ phổ biến về phong tục tập quán nơi đến, kèm theo đó là những việc nên và không nên để giữ gìn thể diện quốc gia như; xả rác đúng chỗ, không nói quá to, cách sử dụng nhà hàng khách sạn, cách ăn tự chọn.v.v.
Ta tự biết mình còn yếu, dám nhận là mình yếu mà bảo nhau tiến bộ thì người ta sẽ nể trọng hơn chứ càng phản ứng gay gắt càng lộ ra cái yếu, cái lạc hậu của ta, người khác sẽ khinh ta hơn.
2. Gần đây, nghe nói ở Bình Dương nhiều cơ sở tẩy chay lao đông Thanh-Nghệ-Tĩnh, việc ấy đúng hay sai? Nên hay không nên? Hãy để Bình Dương, trung ương và dư luận phán quyết.
Thiết nghĩ, ở đâu cũng có người thế này người thế khác nhưng người ở mỗi vùng miền cũng có những nét đặc trưng hay, dở riêng... Ai cũng biết, nói chung thì:
-Người Nam Bộ sởi lởi dễ dãi, làm thẳng, nói thật hơn người Bắc và Trung bộ, cũng chính vì vậy mà họ ít chịu tằn tiện, tiết kiệm.
-Người Bắc bộ thì ngược lại, họ tỏ ra khôn khéo hơn, cần cù hơn, tiết kiệm hơn và cũng chịu nhịn hơn
-Những phẩm chất của người Bắc, người Trung đều có và dường như ở mức cao hơn, kèm theo đó là phẩm chất “Quật cường”, là truyền thống “Cách mạng”.
Sự “Tự tin” và “Tự hào” nếu thái quá và không đúng chỗ sẽ làm người khác khó chịu... Nói như vậy để thấy: Tôi không ủng hộ việc tẩy chay lao động vùng miền nào nhưng tin rằng: “Có khói, tức phải có lửa”
Sở Văn hóa, Sở Lao động và thương binh xã hội, các quan chức của Thanh-Nghệ-Tĩnh, nếu thật sự quan tâm đến quyền lợi của dân, nếu thật sự muốn bảo vệ danh dự địa phương cần cử người đi tìm hiểu kỹ nguyên nhân rồi về tổ chức những lớp bồi dưỡng cho những đối tượng “Có khả năng đi lao động” về văn hóa, cách sống, cách làm việc, cách tự bảo vệ mình, cùng những quyền lợi hợp pháp của mình, cũng là bảo vệ danh dự cho địa phương.
Chỉ có thế mới giúp được dân, mới làm thay đổi ấn tượng của người sử dụng lao động ..., chứ tự ái mà lớn tiếng chửi họ là “Cục bộ” là “Khinh người” và tìm cách “Trả đũa” thì chỉ “Phản tác dụng”. Người lao động không có cơ hội nhận ra những hạn chế của mình, sẽ có cảm giác những tính xấu của mình được hậu thuẫn, và đương nhiên càng khiến những người sử dụng lao động ác cảm thêm.
3. Các cơ quan ngôn luận: Báo, Đài phát thanh, truyền hình, trên cơ sở hiểu rõ tác dụng phương tiện mình quản lý mà lưu tâm hơn đến đời sống văn hóa xã hội ví như động viên những bài viết về văn hóa, mở những diễn đàn văn hóa. v.v. 
Lâu nay tôi thấy một thực trạng vừa buồn vừa lo ngại là những bài viết, bài nói ở mọi cấp độ, từ những văn kiện lịch sử mang tính sống còn của quốc gia dân tộc, những bài nói của nguyên thủ quốc gia đến những bản tổng kết phong trào, báo cáo cuối tháng cuối năm của cơ sở toàn thấy nói “Một chiều”, toàn là “Chiến thắng-Thành công-Tốt đẹp” nghe mãi..., nghe mãi..., nghe đến đờ não, đẫn tai nhưng vẫn phải vỗ tay. Vô hình ta đã tạo ra cho ta cái cảm giác lúc nào cũng lâng lâng, tay chới với chưa chạm trời, chân quờ quạng không chạm đất. Báo chí phải gương mẫu mà“Cai” dần cái bệnh này đi...!
Ngày nay, dường như báo nào cũng dành cho những tin đại loại như, cướp của, hiếp dâm, giết người, loạn luân… nhiều quá. Ở khắp hang cùng ngõ hẻm, hễ có người là có tiếng loa pin éo éo xuốt ngày đưa các tin rùng rợn kể trên cùng “kết quả và tỷ lệ đặt cược cho các trận tranh hùng đang diễn ra trên khắp các sân cỏ thế giới”. Khó lòng tìm được một bài có tác dụng nâng cao văn hóa, dân trí, đương nhiên chẳng bao giờ nghe thấy cái loa pin quảng cáo giới thiệu cho những bài về văn hóa. Có người búc xúc với tiếng loa kia thở dài.
-Hóa ra bây giờ người ta chỉ cờ bạc, hãm hiếp, cướp giật, lừa đảo thôi à?
Các nhà biên kịch, đạo diễn chú trọng xây dựng những nhân vật, những cách hành sử, những câu nói văn hóa thay vì quá chú trọng những đến lối sống xô bồ.
Cả loài người thích hài, dân ta cũng thích hài nhưng tính giáo dục của mỗi tiểu phẩm phải được đề cao (Cần nhớ rằng người dân rất dễ chịu ảnh hưởng của những thứ mà họ thích). Những tiếng cười nhẹ nhàng mà thâm thúy kiểu như Đức Khuê, Trí Trung còn ít trong khi những “Khoai to, chuối dài”, những diễn viên hài hiện đại mà hóa trang như “Hề chèo” rồi đi lại khuềnh khoàng, gào thét “Quàng quạc” trên sân khấu, trên màn hình còn nhiều quá...!
Tôi không dám nói đến sự can thiệp, sự kiểm duyệt quá gắt gao của các cơ quan văn hóa của Đảng và nhà nước, hình như càng gắt gao lại càng lỏng lẻo... Nhưng nếu những người làm văn hóa đều ý thức được tác dụng của mình thì không phải là không thể làm được gì.

Ta tự hào về nền văn hiến bốn nghìn năm, nhưng cũng nên mạnh dạn đánh giá thực chất văn hóa hiện thời mà sớm có biện pháp phù hợp mới có thể hy vọng một ngày “Sánh vai cùng thiên hạ” được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét