Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Cảm nhận từ World Cup!

Có thể phân loại các môn thể thao theo các yếu tố sau:
-Có đối kháng và không đối kháng: Trong đó, tính đối kháng tạo nên sức hấp dẫn hơn hẳn.
-Cá nhân và tập thể: Trong đó, tính đối kháng tập thể lại tạo sự đa dạng trong đối kháng (Đấu sức, đấu kỹ thuật, đấu trí, đấu tâm lý...) nên cũng tạo sự hấp dẫn đa dạng và hơn hẳn.
-Trí tuệ và Phối hợp: Thể lực, kỹ thuật, Trí tuệ: Đương nhiên trong cái nọ có cái kia nhưng ngoài người chơi thì các môn trí tuệ đơn thuân (Các môn cờ...) chỉ hấp dẫn được người khác nhờ danh dự tập thể (Địa phương, đơn vị, quốc gia...) Rõ ràng, những môn kia hấp dẫn hơn, thể thao hơn...
Bóng đá là môn đối kháng tập thể đa dạng và phức tạp nhất.
Nếu so sánh với bóng chuyền (môn đối kháng tập thể cũng có nhiều người hâm mộ), sẽ thấy tính hơn hẳn của bóng đá. ở bóng chuyền, tính đối kháng chỉ được thể hiện rõ nhất trên lưới và ở đó sự tranh chấp chủ yếu là kỹ thuật và sức mạnh, bóng đá thì tính đối kháng được thể hiện ngay từ khi hai đội ra sân, trong từng pha bóng, từng thời điểm, từng vị trí và toàn đội hình.
Tôi không muốn lạc sâu vào những vấn đề chuyên môn mà mình vốn không phải chuyên gia và cũng không phải mục đích cuối cùng của bài nên chỉ nhấn mạnh rằng:
Tính tập thể (Teamwork) của bóng đá là cao nhất trong những môn thể thao, phẩm chất thể lực, kỹ thuật, tâm lý và trí tuệ của tất cả các vị trí, từ cổ động viên, các cầu thủ trong và ngoài sân đến Huấn luyện viên được phát huy tối đa để tạo nên một trận thắng thua.
Sau trận thắng người ta hay nhắc đến tiền đạo hay người ghi bàn, sau trận thua người ta hay nói đến thủ môn và hàng phòng ngự, nhưng đó là những người chưa hiểu bóng đá. Thắng hay thua có nguyên nhân chính nhưng cơ bản thuộc về toàn bộ cái Teamwork ấy.
Điều tôi muốn nói là: Trái bóng bay từ chân tiền đạo có vào được lưới đối phương hay không là kết quả đầu tư tiền bạc của ông chủ, chương trình huấn luyện, tác động tâm lý, ý đồ chiến thuật của huấn luyện viên, sự nhọc nhằn tranh cướp, có khi phải đổi bằng chấn thương và thẻ của hàng phòng ngự, qua tiền vệ để đặt trái bóng vào chân tiền đạo.
Không lạ gì những đội bóng không giàu có, ít sao nhưng lại làm nên chiến thắng và ngược lại, nó thể hiện tài năng của HLV biết phát huy, biết  gắn kết 11 con người thành sức mạnh tập thể hay ngược lại.
Chính sự đa dạng, phức tạp, luôn biến hóa của mọi vị trí, trong từng thời khắc đó tạo nên những bất ngời thú vị và hơn hẳn của bóng đá, môn Vua là vì thế.
Cái hay của bóng đá là nó cũng giống, rất giống những trận đấu quan trọng hơn của xã hội loài người mà thường không dễ nhận biết, những cuộc chiến tranh: Quân sự, kinh tế, văn hóa... cũng vậy thôi.
Ví như nước ta:
-Ông chủ đầu tư là Nhân dân.
-HLV là Đảng, nhà nước, chính phủ.
-Các cầu thủ cũng được chọn từ dân, đó là những người có trách nhiệm trong các bộ, ngành, địa phương..., các chiến sỹ công an, quân đội, các cán bộ thực thi nhiệm vụ của các ngành, địa phương...
-Cổ động viên cũng là Nhân dân, nếu trận lớn thì có thêm nhân loại quan tâm nữa.
Nếu “Team” của chúng ta “Work” tốt, tức là:
- Nhân dân chịu khó đầu tư sức người sức của. Biết tăng cường hay cắt đầu tư đúng lúc đúng chỗ, biết gây áp lực đòi thay đổi HLV, thay đổi đấu pháp...

- Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước đoàn kết để có “Đấu pháp” hợp lý, phù hợp với tiềm lực, phù hợp với hoàn cảnh của thời điểm, phát huy được khả năng của từng con người, từng ngành, từng địa phương...
- Các Cán bộ từ thấp nhất đến cao nhất biết hoàn thành bổn phận của mình (Đá tròn vai), biết hỗ trợ (Tấn công và phòng thủ) lẫn nhau, đá bóng chứ không đá trách nhiệm cho nhau, cùng hướng đến chiến thắng cuối cùng.
-Nhân dân lại biết thông cản, biết chờ đợi, biết cổ vũ...
Thì sợ gì những đối thủ mạnh như Trung Quốc!
Những trận “Đờ Bi khu vực” rất đa dạng với đối thủ này luôn diễn ra, luôn chờ đợi ở phía trước.
Không đội bóng nào không nếm mùi thắng bại, khi Team của ta Work tốt, ta đã làm nên những trận “Kinh điển” như Điện Biên Phủ, như 12 ngày đêm (1972), như biên giới năm (1979).
Ngược lại khi Team của ta Work không tốt ta cũng đã nếm những thất bại cay đắng, thậm chí ngay cả khi đối phương không quá mạnh.
Động cơ viết bài này lóe lên khi tôi đứng trước cái hồ của Bệnh viện, sau cải cách nó đã hết hôi tanh, hoa súng mập mạp nở tươi roi rói, bèo sống được, cá cũng sống được... thế mà rải rác, lềnh bềnh những túi nilon, những chai O2... Các cầu thủ của ta, kẻ đá bóng lên, người đá bóng về thế đấy...!
Chợt so sánh với các nước văn minh..., họ không có rác thải công nghiệp sao...? Có khó lắm không việc vứt rác vào nơi quy định ...? Có khó lắm không việc vứt cái vỏ chai, cái túi nilon vào một thùng, cuống rau, vỏ trứng vào một thùng...?
Môi trường để ta và con cháu ta sinh sống như cái khung thành của đối thủ lù lù ở phía trước, ta thấy mà như không biết, cứ đá lung tung thế này thì làm sao vào lưới được...!
23h30’, một anh công an lôi xềnh xệch một cô gái từ phê ma túy đường bên này sang bên kia đường (thuộc phường khác quản lý) rồi thản nhiên bỏ đi..., Đồng đội mà đá theo kiểu “Gắp lửa bỏ tay người” thế đấy...!
Có phải không, hầu hết các cầu thủ của ta (Cán bộ, quan chức) đều đang cố gắng “Đá tròn vai”...? Đá làm sao để pháp luật không sờ vào được mình, đá làm sao để khi tiếng còi mãn cuộc nổi lên (Về hưu) được “Hạ cánh an toàn”... Đá thế thì bóng chỉ có vào lưới nhà...
Tôi không bình luận về HLV nhưng:
-Trên băng ghế chỉ đạo và 11 cầu thủ trong sân kia... Có ai “Bán độ” không...??
-Trên cầu trường nhốn nháo kia, đã ông chủ nào, cổ động viên nào vì bất mãn chán chường mà vô tình hay hữu ý quay sang... Cổ võ cho đối phương chưa...???
Bóng đá hay là thế, Vua là thế....!!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét