Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Miếu làng vẫn thiêng 6 (Và hết)

Đã mua sắm đầy đủ, từ cái ăn cái mặc đến vật dụng trong nhà mà tiền tích lũy cứ ngày một nhiều, đủ, nó xây nhà. Ba gian nhà ngoài với một gian buồng, tường mười bổ trụ nhưng toàn gạch loại A chém quằn dao không vỡ, cột, xà, quá giang, dui, mè toàn gỗ xoan ngâm, đòn tay bằng vầu tự nó mua ngoài bến sông về ngâm.
Đến mái thì nó hết tiền, chẳng muốn vay mượn, nó lợp bằng rạ, không sao, hai chuyến hàng là đủ tiền mua ngói.
Vợ nó đẻ thêm một thằng, vậy là nhà nó có bốn thằng đàn ông. Đã đến lúc bắt hai thằng lớn làm việc, nó nghĩ thế, nhớ ngày xưa thèm đi thả bò nhưng nhà không có, nó tậu ngay đôi bê cho mỗi đứa trông một con.
Có bò rồi nhưng chưa có chuồng, cái hồi nhà trước đua ra làm bếp nay nhốt bò vào đấy, thế là lại không có chỗ đun nấu. Vợ nó còn yếu mà phải nấu cơm ngoài sân, gió lúc thổi chiều này lúc xoay chiều khác vất vả quá... Thế là quên mất cái mái ngói, nó lại quyết định làm bếp. Sẵn tiền sướng thật! thích gì làm ấy, chẳng cần kế hoạch hay tính toán gì... Nó đâu biết rằng, làm bếp là cái quyết định tệ hại nhất trong cuộc đời nó.
Hôm đào móng đã có mấy cụ già đến gàn.
-Cháu ơi...! Chỗ này là khu mộ của người Tàu, nên chuyển chỗ khác.... Sao mà buồng, bếp với chuồng bò lại liền nhau thế này..., đất nhà cháu còn rộng lắm cơ mà.
Thằng Đức ưa nịnh, nhất là từ độ có tiền, làm nhà, tậu bò..., nghe ca ngợi quen rồi, giờ thấy người góp ý nó chỉ thấy ngứa tai, Nó mang những chuyện ở Hà Nội, Móng Cái, bên Trung Quốc ra để giải thích cái công trình “Khép kín” văn minh..., được mấu câu, chẳng ai thuyết phục được ai, thằng Đức trở lại với thói quen ngày nào, nó đuổi cổ mấy “Thằng già” về với cái lẽ.
-Đất xã đã cho bố, bố thích làm ở đâu thì làm, đừng lằng nhằng...!
Đúng là “Giang sơn dễ chuyển, bản tính khó dời”, giá như mấy “Thằng già” kia còn nhớ cái đận nó ở trong miếu mà lựa lời nịnh nó, ca ngợi nó rồi hãy khuyên bảo thì chắc nó đã nghe, và như vậy đã chẳng nên chuyện..., già hay trẻ thì cũng là người cả thôi! Thích oai lắm cơ! Ra điều bề trên mà bắt bẻ thằng này thì hỏng rồi...! Khi nó đã điên tiết đuổi cổ ra khỏi nhà thì mọi sự không còn có thể làm lại được nữa.
Thằng Đức cứ đào, một sẻng, nó lấy được mươi cái bát mẫu với hai cái lọ đẹp lắm, bắt đầu thấy trờn trợn, hay là mấy thằng già nói đúng...? Nó vứt ra vườn cho trẻ con mang đi, dù nhà nó chả có cái bát nào đẹp thế... Hai sẻng! Chạm rồi...!
Kể đến đây, thằng Đức quay cái phần ngón cái còn lại như cái cuống quả cam trỏ xuống nền nhà.
-Em vét hết đất, lộ ra hai viên gạch cổ, mỗi viên bằng bốn viên này.
Nền Bệnh viên Xanh-Pôn khi đó vẫn nguyên từ thời Pháp, tức là viên gạch cổ trong chuyện thằng Đức có kích thước chừng 40 x 40 cm, vị chi hai viên có kích thước 40 x 80 cm, nếu là nắp mộ thì to lắm đây.
Chủ-thợ nhìn nhau chưa biết làm thế nào.
-Mẹ cha nó chứ! Phải đâu nó ở nông có phải đỡ, thế là công cốc từ sáng đến giờ!
Thằng Đức vớ cái Xà beng, tách hai hòn gạch rồi thọc xuống ngoáy thử, có cái gì lủng củng, bậy kênh một hòn lên, bên dưới đen xì, bọn thợ hoảng quá vứt cả cuốc thuổng chạy tóe loe. Thằng Đức cũng thấy ớn lạnh từ đầu đến chân, mồ hôi nó vã ra, không ổn rồi! Mấy “Thằng già” nói đúng rồi...! Mộ Tàu thật rồi...! Không dám ngang ngược hơn nữa, nó buộc phải dịch nền bếp ra chỗ khác.
Làm bếp xong, một chuyến hàng bình thường, chuyến thứ hai về, thằng Đức đeo vác lỉnh kỉnh những túi những hộp nặng nề leo ngược lên đê.
Hàng, quà đầy người, toàn những thứ quý hiếm nhưng tất cả đều phải tránh nơi rốn nó, chỗ có cái ruột tượng giả da căng phồng, leo dốc mà cứ phải ngửa người ra sau thì thật là khó, vì lùn nên nó cứ lặc lè từng bước.
Thằng Đức không thấy vất vả, trong đầu toàn những hình ảnh vợ con nó, mẹ nó, các cháu nó, ai nấy hân hoan nhận quà... leo đến đỉnh đê, đặt mấy cái hộp xuống, nó đứng thẳng, ưỡn ngực hít một hơi thật dài cho mùi cỏ, mùi lúa non ngấm khắp cơ thể, rồi nó nhìn về nhà.
Sao thế kia...? Mái nhà nó đâu rồi...? Sao mấy bụi tre lại vàng ươm thế kia...? Tai họa rồi...! Hình như cháy nhà...! Nó cứ lặc lè nửa đi nửa chạy, càng gần đến nhà sự thật càng rõ, những hộp những túi cứ rơi dần nhưng nó không còn quan tâm nữa...
 Há mồm, đứng như trời trồng giữa đống đổ nát, lâu đài tình yêu của nó cháy trụi. Những hồi nhà hồi bếp đen nhẻm như những bàn tay ma chỉ lên trời, bất giác nó nhìn theo những bàn tay ma ấy, chỉ có trời tháng bảy cao xanh trong vắt.
Không còn một cọng rạ nào, những cột những xà chảy dở nằm ngổn ngang, lớp than nứt ra mom như những bắp ngô khổng lồ bị nướng cháy.
Cô vợ nấu cơm trong bếp, loay hoay thế nào mà cháy, hoảng loạn, nó cứng họng không biết đường kêu cứu, cứ chạy ra ao múc nước đổ vào. Trời hanh, ba cái mái rơm cháy to và nhanh quá, khệ nệ xách xô nước từ ao vào con Tuyết thấy mái nhà đang cháy đùng đùng, lửa cao đến quá ngọn tre, tiếng vầu nổ đôm đốp như tiếng đạn phòng không, lá tre cũng cháy, nổ lép bép như chảo mỡ. Sực nhớ ra đứa nhỏ nằm ngủ trên nhà nó quẳng xô nước ào vào đạp cửa cứu con, khói và lửa hất nó nằm vật trên sân. May! Đúng vào lúc bà con kịp đến, lôi nó ra.
Phát hiện có cháy, tiếng người kêu truyền nhau í ới khắp làng
-Cha.a.y..áy! Ối làng nước ơi…i! Cháy nhà thằng Đức! Cha a .áy...!
Từ các ngõ người ta vội vã đổ về với đầy đủ thùng, chậu, gậy gộc, câu liêm, vừa chạy vừa vừa kêu gào, người không kêu thì gõ chậu gõ thùng, có người ghé ù xuống ao bên đường nhúng cái chăn chiên ào tới, tiếng tù và rúc, tiếng kẻng của Hợp tác xã, cả tiếng trống của mấy nhà thờ họ đập liên hồi, giục giã.
Muộn mất rồi...! Đám người ấy chỉ được mỗi một việc là lôi con Tuyết ra ao, vã nước vào mặt cho nó tỉnh lại. Lửa cháy to quá, mái đã xụp xuống, bức tường hậu xây theo kiểu “thượng thu, hạ thách” cũng đổ xập xuống nền nhà... Không may vì nhà nó ở biệt lập nên khi người ta phát hiện thì đã quá muộn, nhưng cũng vì thế mà đám cháy không loang rộng vào xóm... Lại may!
Đôi bê chết thui trong chuồng, thằng con mới đầy tháng vài hôm bị lửa rơm thiêu cháy, rồi những dui, mè, kèo, cột cùng cái giường đốt tiếp, cuối cùng là cái tường hậu đè lên, không thể tìm được một mảnh xương.
Lại như ngày nào, người ta giúp thằng Đức dọn đống đổ nát, số tiền trong ruột tượng thừa sức xây lại cái tường hậu, thế rồi người tấm cót, tấm liếp, kẻ cái nong bục cạp cái nia rách, khúc gỗ, cây tre, thằng Đức gếch gác vá víu lấy chỗ cho vợ con che mưa che nắng rồi lại xuống tàu.
Vài chuyến, nó đã làm lại cả nhà cả bếp, nhưng, chỉ vài tháng sau, họa lại dáng xuống nhà nó.
Con Tuyết đi làm cho nhà máy gạch, việc của nó là phụ xếp gạch vào lò,(Thằng Đức phải tốn ít tiền cho lão Giám đốc để con vợ được làm việc ở nơi mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu ấy). Thế mà chả biết dửng mỡ thế nào nó lại xuống đú đởm với mấy đứa chế biến, chúng nó nhờ và con Tuyết đóng điện, cả một cục lửa xanh lè, bay ra từ cái cầu dao, ôm lấy ngực nó. Bỏng nặng lắm, thằng Đức phải bỏ hai chuyến hàng để nuôi vợ nằm viện.
Có lẽ sau những cú sốc lớn, con Tuyết đổi nết chăng?
Từ lúc nghèo khó đến khá giả chẳng bao giờ nó cãi chồng nửa lời, thế mà đêm ấy, trước ngày thằng Đức xuống tàu, đúng vào tiết Đại hàn, con Tuyết cứ nằm đờ trên gường chẳng nói chẳng rằng, mắt mở trừng trừng như tìm cái gì trên nóc nhà, hay là nó muốn...? Thằng Đức kéo vợ đến lần thứ ba thì con tuyết xoay hẳn người, úp mặt vào tường.
Thương vợ, thằng Đức không quấy rầy nữa nhưng tinh mơ tỉnh dậy, ngó đồng hồ đã hơn năm giờ mà vợ nó vẫn không nhúc nhích. Mọi khi, giờ này, hành trang của nó đã đầy đủ, vợ nó khẽ gọi rồi ngồi nhìn nó nhá cháy cơm nếp, khoác cái túi dết lên vai, tay cầm mo cơm nếp, bao giờ nó cũng tiễn chồng ra tận cổng, có khi còn bắt chiếc phim tây nghịch nhau vài cái, chờ cho chồng đi khuất mới chịu vào với con.
Có lẽ, cũng vì những nhẽ ấy mà chồng nó tránh được cám dỗ chăng? Thế mà hôm nay no gỉở trò. Thằng Đức lay gọi, con Tuyết vùng vằng kéo chăn trùm kín đầu không nói không rằng, điên tiết, thằng đức tát vào mông vợ một cái thật lực.
-Đ.mẹ mày...! Giở trò à...! Đã thế, phen này ông đi Hà Nội một tháng...
Tức giận thì nói thế thôi, ý nó dọa vợ sẽ ở lại Hà Nội ăn chơi cho hết tiền như đã từng kể cho vợ nghe về mấy đứa trên tàu mỗi khi vợ chồng chúng cãi nhau, nó biết đâu rằng lời nói ấy ẩn chứa điềm gở tày trời.
Thằng Đức lục đục lấy gạo thổi cơm, theo thói quen thôi chứ nó thiếu gì tiền ăn quà, nghe bố to tiếng, hai đứa trẻ tỉnh giấc xộc xệch xuống bếp ngồi hai bên trong ánh lửa bập bùng.
Trời rét buốt xương, có hai đứa trẻ, thằng bố cũng đỡ bực mình và như nguôi cơn giận vợ. Lá thông chúng nó quét từ mấy hôm trước khô giòn, cháy nỏ, phát ra những tiếng lép bép vui tai.
Thằng Đức đang băn khoăn với câu hỏi tại sao vợ nó lại như thế...? Nó có điều gì khuất tất đâu...? Thôi! Mọi việc rồi sẽ đâu vào đó, rồi thì chuyến sau sẽ lại có cơm nếp lạc, muối vừng, ruốc thịt mang đi, chuyến này đành tốn vậy, nó tặc lưỡi, lách tay qua thằng con, vơ một nắm lá to cho vào bếp.
-Đoàng!
Như có hàng ngàn hạt cát cháy đỏ bắn vào mặt nó, bật dậy theo phản xạ, tay lành ôm tay đau, nó nháo nhào chạy ra, đến cổng nó mới nghe thấy tiếng thét gào của hai đứa con, loạng quạng quay lại, mặt hai đứa be bét máu, thằng Đức choáng váng đổ vật ra sân...
Người ta đưa mấy bố con nó đi bệnh viện, may, bọn trẻ không sao, được về ngay. Còn nó được chuyển cấp tốc lên Bệnh viên Xanh-Pôn nhưng cũng chẳng giải quyết được gì.
Cái kíp mìn nổ ngay trên tay nó, cố gắng lắm Bác sỹ trực cũng chỉ có thể giữ được cái bàn tay như quả cam ngô thế này, bọn trẻ con đã quét lá thông trên đồi, ngay bên tường một doanh trại bộ đội.
Kể đến đấy cũng là lúc công việc của tôi hoàn tất, cắt ngang lời nó, tôi hẹn đêm nay trực, nếu rảnh sẽ vào nghe tiếp.
Câu chuyện của thằng bệnh nhân cứ làm tôi băn khoăn, giá như không có ngôi mộ ấy chắc gì nhà nó đã thoát nạn, cẩu thả như thế cơ mà! Nhưng:
-Tại sao họa lại đến dồn dập sau vụ ngôi mộ mà trước đó thì không?
-Việc ra ở miếu bắt được nhiều cua ốc có liên quan gì đến thời tiết không? Sau lụt chẳng hạn?
-Họa phúc có thể đến ngẫu nhiên hay theo quy luật nhân-quả?
-Một người chăm chỉ cẩn trọng, biết tính toán thì thế nào cũng có ngày hưởng phúc. Một kẻ cẩu thả, vô tính toán như thằng Đức thì họa đến chỉ là sớm hay muộn, nhưng tại sao từ ngày ra ở miếu nhà nó toàn gặp may thế mà từ ngày gặp ngôi mộ họa lại liên tiếp giáng xuống thế...?
Tối hôm ấy, khoảng mười giờ, vãn việc, tôi đi qua buồng nó, đèn tắt tối om, cánh cửa vẫn hé mở, thò đầu vào, hơi người nồng nặc. Hơn hai chục mét vuông mà kê đến sáu giường, người nhà nằm ngổn ngang dưới gầm, lối đi, tiếng người ngáy đều đều như ao chuôm tháng ba... Chả nhẽ nửa đêm Bác sỹ gọi bệnh nhân dậy mà nghe chuyện ma, tôi bỏ về phòng.
Sáng hôm sau, vợ chồng thằng Đức xuống tôi sớm, tưởng nó nhắc việc đêm qua không vào nghe nốt, tôi chặn trước.
-Hôm qua bận, tôi vào thì các cậu đã ngủ, không tiện gọi...
Cô vợ ngẩn người.
-Thế ạ...! Giời ơi...! Giá bác gọi có phải hay không!
Hình như có chuyện gì, chúng nó trách tôi thật a.
-Sao vậy? Để các cậu ngủ, bọn mình thức khuya quen rồi chứ …
Mặt thằng chồng lì ra, cái lì lợm của kẻ bị dồn vào chân tường không còn cần gì nữa. Nó trình bày.
-Bác ạ! Hôm qua, lúc em nói chuyện với các bác, chúng em còn hai cái áo lông với bảy chỉ vàng. Đêm, trộm nó lấy nốt rồi, giờ đây chúng em mới thật sự trắng tay...!
Trời ơi! Sao bọn này ẩu thế! Áo lông Đức quý lắm, bọn tôi mơ cũng chẳng được. Ra trường đã vài năm vợ chồng tôi chẳng có lấy một chỉ cất tủ, thế mà nó mất cả hai cái áo lông với những bảy chỉ vàng....! Thay vì động viên tôi lại đờ người ra mà tiếc cho chúng nó, mặt thằng Đức đanh lại.
-Phen này về, em phải đào lên xem mặt mũi nó thế nào, sao mà nó hại nhà em đến thế...!
Tôi chẳng gàn nó một câu nào, mình không mất mà còn xót nữa là, vả lại, tôi biết, với những thằng như nó, có gàn cũng chả ăn thua gì.... Thôi! Kệ nó!./.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét