Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

MIẾU LÀNG VẪN THIÊNG 4

Trong kháng chiến chống Mỹ cái miếu biến thành kho, lúc của quân đội chứa súng ống đạn dược, lúc của ngành thương nghiệp chứa nước mắm, xì dầu, muối, mắm tôm. Chẳng hiểu do không được thờ cúng nên hết thiêng hay Ngài sợ cái mùi mắm tôm đến mức biến đi đâu mất mà đồ thờ mất sạch sành sanh, đến mấy hòn bi ve trong mắt hai con Nghê cũng bị đục lấy đi, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai rồ dại như con vợ thằng trộm ngày xưa nữa!
Những năm cuối 70 đầu 80, người già trong làng mới dần dần khôi phục lại, thoạt đầu, ai đó đặt lên cái bát hương rồi thi thoảng người ta thấy có mùi hương trầm tỏa ra từ miếu, rồi đĩa hoa, chén nước, giờ thì đã kha khá nhưng toàn là đồ gốm rẻ tiền và cũng chỉ đủ bày ở bệ thờ trong cùng.
Thằng Đức vớ được cái miếu như kẻ chết đuối vớ được cọc, phẩy qua cái bệ thờ thấp nhất là có chỗ nằm cho hai đứa con, gian bên tả làm bếp, bên hữu là buồng hạnh phúc của vợ chồng nó, toàn gạch hoa nhẵn thín mát lịm, chưa bao giờ nó dám nghĩ đến. Không tiếc gì gian buồng nhà nó nữa và cùng chẳng ân hận, thậm chí thằng Đức còn tự hào với cái quyết định bỏ đi của mình.
Lạ lắm! Từ ngày ra đây chẳng bao giờ chúng nó vác giỏ về không, hình như cua ốc cũng dễ dãi hơn với chúng, hôm nào cũng đầy giỏ. Nuôi gà chẳng thấy chết toi chết rù như người ta, hai đứa con thì cứ như lợn bột, rủ rỉ ăn, rủ rỉ chơi, rủ rỉ lớn, vợ chồng nó chẳng mơ gì hơn nữa...
Thoạt đầu, những người già trong làng khó chịu, có người nói đổng.
-Hết thằng này lại đến thằng khác phá miếu! Cái làng này đến lúc mạt hạng rồi!
 Biết thằng Đức cùn nên họ chỉ ra vờ thăm hỏi, thắp hương rồi về, người ta tụ tập bàn tính, ý kiến thì rất nhiều, vi như.
-Không thể để bọn trẻ con ngủ trên ban thờ được!
-Đêm đêm, vợ chồng nó ấy nhau ngay trong miếu thì còn ra cái gì nữa!
Nhưng giải pháp thì không có, chẳng ai dám dây với nó, vả lại cũng là đường cùng, chẳng bao giờ nó quay về gian buồng địa chủ kia nữa đâu, bàn đi tính lại, họ cử ba ông già nhất, uy tín nhất ra góp ý với vợ chồng nó về cách sinh hoạt. Mới ba câu, nó đã trợn mắt đuổi cổ mấy “Thằng già”.
-Từ nay đây là nhà tao...! Thằng nào qua cổng mà không hỏi ông đánh cho què chân...!
Ba lão già mặt tái xanh tái tử, lẩy bẩy dắt nhau về, càng xa cái miều, à quên! Càng xa nhà nó bao nhiêu, càng đỡ sợ bấy nhiêu và cái tức cũng tăng lên bấy nhiêu, họ lại họp, chả nhẽ ngần này người già, đại diện cho các họ tộc trong làng lại thua một thằng mất dạy...!
Nhưng mà làm gì được nó! Thôi! Chỉ còn nước cạy nhờ chính quyền, một cái đơn được thảo vội vàng nhưng cũng đầy đủ lý lẽ, nào là chốn linh thiêng của làng, nào là tài sản xã hội chủ nghĩa, nào là lệ làng phép nước… tất cả toát lên một ý không thể để thằng ranh cướp trắng thế được.
Rồi ba ông lão tội nghiệp chống gậy lên xã, Chủ tịch, Bí thư đi vắng cả, tiếp họ là thằng thư ký, cái thằng khôn lỏi nhất cả xã này, một mình nó làm thư ký đã ba đời Chủ tịch, hai đời Bi thư, quan nào mới lên chả dẹp bộ máy cũ, dựng chân tay mới bằng người nhà người phe của mình, thế mà nó vẫn tồn tại, đủ biết nó khôn đến mức nào...! Thằng này luôn có thái độ lịch thiệp với tất cả mọi người, quần áo trên người nó không thể gọi là sang trọng nhưng cũng không thể coi là xoàng xĩnh, vừa đủ để người ta phải coi nó là “Giản dị” nhưng cũng vừa đủ để bọn nông dân kiết xác phải kính nể, khiếp sợ.
Miệng tươi cười, thằng Thư ký đưa cả hai tay đón lá đơn từ ông cụ, mời họ ngồi, đưa tận tay từng chén nước rồi nó vừa vờ lướt đọc, vừa như lắng nghe lời trình bày. Kỹ năng để giữ nét mặt khiến người ta không biết tươi hay nghiêm không phải dễ nhưng muốn làm cán bộ thì phải rèn cho kỳ được và nó là một trong những thằng đã thành công và từ khi thành công thì hai con mắt và cái lỗ miệng hiếm khi đồng điệu. Cái miệng cười nhếch như muốn bảo người ta rằng: “Chẳng có gì đâu..., tôi là người có thể tin được mà, ông bà cứ nói đi...!”. Miệng cười thì mắt người ta cũng phải cười, lông mày, lông mi phải đưa lên và ánh mắt ... khó mô tả lắm nhưng nhìn là biết..., cái cửa sổ tâm hồn ấy cũng... phải cười, nhưng các lông của thằng này lại .. ngang, ánh mắt lại như muốn bảo: “Liệu hồn...!”.
Vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi (Không vẩu, nhưng chẳng hiểu lúc ngủ hay đến khi chết thằng này có thôi cười không nhỉ?) nó ôn tồn.
-Dạ! các cụ dạy chí phải! Cả làng bao đời thờ cúng, coi là chỗ tôn nghiêm, linh thiêng bao nhiêu thì cháu không biết và không giám nói, nhưng để thế sao tiện. Có điều ..., cháu chỉ là thư ký, không có quyền hành gì, các cụ cứ để đơn đây cháu sẽ báo cáo Đảng ủy, Ủy ban và cả bên Mặt trận nữa, Chính quyền đã ra tay thì khó mấy cũng phải xong...
Ra oai một cách khôn khéo và cũng để tống mấy lão già kia về thì nó nói thế thôi chứ nó cũng ngán thằng Đức lắm, lại rót nước cho từng cụ, thằng thư ký đổi giọng, tặc lưỡi.
-Kể ..., cũng bí cho nhà nó, có mỗi giam buồng mà hai cặp vợ chồng..., mạnh một cái là cả nhà cùng biết...
Như sực nhớ điều gì, thằng thư ký quên mất là mình…”Không có quyền hành gì” lại đổi giọng, thoạt đầu là giọng bức xúc cùng với nguyên đơn rồi giọng thông cảm với bị đơn, bây giờ là giọng chậm chắc của ông quan xử kiện.
-Nhưng chúng tôi thấy! Đất miếu còn nhiều lắm, để giữ tôn nghiêm trong miếu sao các cụ không cho nó miếng đất làm nhà...? Con cháu trong làng cả...!
Ừ nhỉ...! Sáu con mắt nhìn nhau. Sao ... không ai nghĩ ra nhỉ! Thằng Đức nóng nảy, hung hãn nhưng khéo nịnh một tý có khi nó lại làm Từ gác miếu cho luôn.
Họ vui vẻ ra về...! Lại họp, nhưng với tinh thần hoàn toàn khác, sự hằn học, tức giận đã được thay bằng không khí yêu thương đùm bọc. Không có ai phản đối, trước hết vì chẳng động đến lợi ích của ai, thứ hai vì ai cũng sợ nó, nhưng thằng kia lấy gì mà làm nhà...? Bao giờ nó mới làm ...? Thế là kẻ dăm cây tre, người ôm rơm, bó rạ, hai cây xoan của miếu được hạ xuống làm cột, cả làng tưng bừng góp của, góp công làm nhà cho vợ chồng thằng Đức.
Kể ra, bỏ cái nền đá hoa tây cũng tiếc nhưng người ta nhiệt tình tử tế, lại tỏ ra tôn trọng nên thằng Đức vui vẻ ngay, thế là từ đó nó có nhà chính thức, với đầy đủ giấy tờ do chính quyền xã cấp hẳn hoi. Thằng thư ký với hai lão Bí thư, Chủ tịch cũng đến, chẳng cho gì, chẳng thò tay vào việc gì, chỉ ngó ngó nghiêng nghiêng, chỉ chỉ trỏ trỏ, chúng nói ít nhưng cái mặt của chúng biết nói và nói nhiều, dân làng thì hiểu rằng.
-Đấy nhé! Không có chúng ông thì mất chỗ thờ nhé!
Còn thằng Đức, có ngu mấy nó cũng phải hiểu rằng.

-Đấy nhé! Ông lo nhà lo cửa cho mày đấy nhé, từ rày phải nể ông tý nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét