Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Phấn đấu vào Đảng!

Chuyện này mới tinh, thử hỏi ai coi là “Lạ đời”? Có ai bảo là “Bình thường?
Thằng Điền là cán bộ trung cấp, công tác tại khoa I3 của một “trung tâm” khoa học thực hành, (trung tâm nằm trong viện, gồm một ngôi nhà ba tầng dành cho ba khoa: I1-I2-I3), được chi bộ ở đây kết nạp đã một năm, giờ là thời điểm xét chính thức cho nó.
Khi tổ công đoàn họp, chẳng hiểu những lý do gì mà họ đuổi mấy đứa Đảng viên và đương sự ra ngoài rồi ... “Bỏ phiếu kín”, chỉ có 2 phiếu đồng ý (đích thị là của vợ nó và thằng bạn thân ), 12 phiếu không đồng ý.
-Có gì mà ghê thế?
Bà bí thư choáng váng hỏi thằng trưởng khoa. Thằng này chưa già nhưng không còn trẻ, mấy tháng nay, sau khi bảo vệ song cái luận án tiến sỹ diện mạo nó khác hẳn, chẳng phải quần áo mà dáng đi dáng đứng, cách ngồi, đặc biệt là nụ cười và ánh mắt, không thể dùng từ nào khác để diễn tả ngoài cụm từ “Khệnh khạng” và “Khinh khỉnh”, nó cứ như nhắc nhở mọi người rằng “Tao là tiến sỹ rồi đấy”. Thằng trưởng khoa thể hiện rõ sự không nhiệt tình với việc của thằng Điền và đương nhiên, kết quả cuộc họp tổ công đoàn làm nó hài lòng.
Chẳng báo chí nào nói nhưng bây giờ người ta truyền nhau những câu chuyện hài hước về việc vào đảng, người ta biết tỏng với nhau rằng không cơ hội thì vào đảng làm gì, tốn thời gian sinh hoạt, một trong những nỗi khổ của con người là cứ phải nghe và nói những điều vô tích sự, tốn tiền đảng phí...
Vậy thì một thanh niên trẻ vào đảng là quý lắm, sao lại đến nông nỗi ấy?
Xin thưa, thằng Điền được thằng phó khoa giúp đỡ, nó chăm sóc thằng phó và không nghĩ việc quan trong đến mức phải chăm sóc cả thằng trưởng (Trưởng phó không “Ăn dơ” với nhau là chuyện bình thường). Vô phúc cho thằng Điền, vừa được kết nạp thì thằng phó chuyển cơ quan. Thằng Điền quay lại với sếp nhưng không kịp.
Thằng Trưởng chỉ đạo ngầm anh em tố thằng Điền mấy tội:
-Không đi thăm người ốm lại chỉ ... gửi phong bì, như vậy là tinh thần đoàn kết kém, tư tưởng trọng đồng tiền.
-Không thấy đi sớm về muộn, người đảng viên mà cũng chỉ làm như người khác tức là tinh thần đầu tầu gương mẫu không có...
-Vân vân như thế ...
Một Đảng viên lớn tuổi đã phân tích rằng những vấn đề này không phải là lỗi, thậm chí còn là tích cực nhưng ... chả ăn thua gì, không ai muốn mất lòng một Trưởng khoa... Thế là thằng Điền bị ... treo.
 CHUYỆN CŨ        
Ngày xưa, vào Đảng là một việc tày trời. Nếu như cưới vợ, làm nhà, lo tang bố mẹ được gọi là “Đại sự” thì “Vào Đảng” còn quan trọng hơn nhiều, phải gọi là “Đại Đại sự”. Chả thế mà không ít những đứa con, vì hy vọng vào Đảng phải khai lý lịch đại loại như thế này; “ Từ năm.., đến năm…,  bố có đi lính cho Tây nhưng cũng từ đó không sống trực tiếp với gia đình nên không bị ảnh hưởng…” hay: “Ông ngoại là địa chủ nhưng vì lòng căm thù giai cấp chúng tôi đã cắt đứt quan hệ ngay từ đầu…” vân vân và vân vân.
Khổ lắm! Khi còn là “Cảm tình”, “Đối tượng”, được giáo dục, bồi dưỡng, hăng hái lên thì khai như thế chứ những ngữ ấy vào Đảng thế nào được..., đến người sinh ra mình, gốc gác của mình còn chối bỏ thì trung thành với ai ...? Mà điều kiện đầu tiên của một Đảng viên là phải:  “Tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa cộng sản”. Thế nên, tiêu chuẩn Đảng viên ngày xưa khắt khe lắm. Lí lịch phải xét đến ba đời. nhà nào là “Bần-Cố nông” truyền kiếp thì tốt rồi, cha-mẹ, ông-bà có trộm cắp đĩ điếm cũng chẳng sao. Nhà nào trong ba đời ấy có một người, một thời khá giả, có dính líu tí chức sắc, đặc biệt là thời Pháp thuộc thì phấn đấu cũng ..., bằng thừa. Khốn nạn! Thằng Tây nó đô hộ mình cả trăm năm, tránh làm sao được.
Lí lịch gia đình quan trọng đến thế vẫn chỉ là nền tảng, là cơ sở bước đầu. Tiểu sử bản thân cũng vậy, học ít học nhiều không quan trọng, có khi càng ít học càng có giá, học chữ Nho (Tàu) thì còn được chứ có học tiếng Tây thì coi như ... vứt. Học nhiều dễ bị xếp vào loại “Tư tưởng tiểu tư sản” lắm.
Thế rồi đến quá trình phấn đấu. Các “Đối tượng” được Đảng viên gặp gỡ, “Giác ngộ”, bày cách, theo dõi và thử thách. Ở hậu phương thì xem thái độ đối với những người thuộc giai cấp đối kháng như thế nào, nhất là có đi lại quan hệ với giai cấp bóc lột không, như những trường hợp ở trên thì người con có hay đi lại với người cha không? Gia đình có hay quan hệ với ông ngoại hay không? Ở chiến trường thì có cách khác. Nửa đêm chỉ huy gọi “Đối tượng” lên giao những nhiệm vụ “Bất khả thi”, cầm cái chết đến 120 phần trăm. Lệnh đại khái như thế này.
-Có công văn tối khẩn từ trung ương, cần phải chuyển ngay sang trung đoàn bộ (đóng ở bên kia sông, đang có lũ lớn hay phải vượt qua bãi mìn dày đặc). Đảng tin cậy và giao cho đồng chi, đồng chí có tình nguyện thực hiện không?
Mọi thứ diễn ra như thật, “Đối tượng” được dặn dò tỷ mỉ và được gửi lời cuối cùng, được gửi kỷ vật cho người thân..., tóm lại sẵn sàng chết, rồi cầm cái phong bì có dấu đỏ niêm phong lên đường.
Nếu nói rằng nhiệm vụ không thể thực hiện được tức là ... “Thoái thác” và ... “Không giám xả thân cho sự nghiệp”, nếu trên đường bỏ trốn thì đương nhiên là ... “Phản động”.
Nhưng nếu nhắm mắt làm liều thì trên đường đi, đến trước nơi nguy hiểm sẽ có cán bộ đứng chờ sẵn để tuyên bố hủy hay hoãn nhiệm vụ, cuộc thử thách coi như ... thành công tốt đẹp.
Đấy! khắt khe thế nên ngày xưa toàn là Đảng viên “Trung kiên, gương mẫu” chứ không như sau này.
Thằng Ly không biết bố là ai, gặng hỏi thì mẹ nó chỉ hứa “Đến một ngày nào đó mẹ sẽ nói cho con”. Đối với cơ quan và xóm giềng bà cam tâm làm “Gái không chồng mà chửa”.
Thực ra, bà có chồng và hai anh em thằng Ly có bố hẳn hoi, họ tảo hôn lấy nhau từ lúc mười hai, đẻ ra chúng nó thì loạn lạc, bà mang hai đứa con đi tản cư rồi xin được làm cấp dưỡng ở viện nghiên cứu nọ. Là người tần tảo nết na, mấy năm làm cấp dưỡng bà không tham lam tơ hào một hạt muối cọng rau của cơ quan, rồi khi thì miếng cháy, lúc con cua rạm và cả cái sức sống của người đàn bà hai con, không chồng nữa..., tất cả những điều ấy khiến bà được các đồng chí lãnh đạo quý mến, việc vào Đảng của bà như một tất yếu, chẳng phải gian nan thử thách gì.
 Chồng bà là du kích phải ở lại rào làng chiến đấu, hơn chục người nông dân với vài khẩu súng trường, còn thì gậy gộc giáo mác làm sao địch nổi với súng máy lựu đạn, may mà không chết nhưng bị Tây bắt, hết làm phu rồi làm lính. Hòa bình lập lại, biết ông đang bị quản thúc, chuẩn bị đi tập trung cải tạo, một đêm, bà lén về, lẩn trong bóng đêm sau nhà, bà nuốt nước mắt nói với ông.
-Thôi, ông tự giữ gìn sức khỏe rồi cố mà cải tạo cho tốt, khi nào được về, tìm lấy ai đó mà cạp lại...! Phải dằn lòng ông nhé! Không có ông tôi cũng khổ lắm, cái Đảng viên tôi không tiếc nhưng còn tương lai của các con..., có bố đi lính cho Tây thì không bao giờ có thể mọc mũi sủi tăm lên được đâu...!
Có tiếng hắng giọng trong nhà, họ buông nhau ra, bà lách qua bụi che, biến mất vào cánh đồng lúa đã chắc hạt. Từ đó, bà không dám về nữa, tình cờ gặp người cùng quê cũng phải úp nón vào mặt mà lảng tránh. Còn ông, nghe lời bà, ông không cố tìm vợ con, cải tạo xong ông lấy một bà góa để ra mấy đứa nữa.
Có lẽ vì bà chỉ là một cấp dưỡng chung thân nên chẳng ai thèm bới móc tìm tòi cái lí lịch đượm chút uẩn khúc của mấy mẹ con bà. Mỗi kỳ đại hội, khi thì lãnh đạo, khi thì quần chúng giới thiệu bà vào chức danh này nọ của chính quyền, công đoàn hay hội phụ nữ, bà đều tìm mọi cách từ chối. Người như thế hiếm lắm, ai cũng ra sức phấn đấu để vào Đảng, vào được rồi càng phải cố để có được một chức danh, chức danh thì không có giới hạn, thế là phấn đấu cả đời. Bà cứ từ chối những thứ mà người ta thèm rỏ dãi, thế nên ai ai cũng kiêng nể, có người hỏi.
-Sao bà dại thế! làm ở văn phòng, ăn trắng mặc trơn chả thích hơn rúc vào bếp hít khói ư.
Bà ôn tồn giải thích.
-Làm lãnh đạo phải có năng lực, văn hóa mình kém, năng khiếu của mình là cấp dưỡng, mình làm tốt thì mọi người tín nhiệm thế thôi, nhưng nếu nhận việc to tát hơn mà làm không tốt thì vừa hại cho cơ quan, mất uy tín của Đảng mà cũng chẳng ai yêu quý mình nữa.
Ai cũng gật gù cho rằng bà nói phải nhưng ai cũng nghĩ bụng ... bà dở hơi.
 Sau ngày về hưu, những bí mật không còn ý nghĩa nữa bà mới lập luận thế này.
-Nếu mình nhận, thể nào cũng có người ghen ghét, rồi quá trình hoạt động thể nào cũng va vấp, thế nào cũng có kẻ sờ vào lý lịch, sẽ chẳng thể sống yên được đâu.
Hết phổ thông, thằng Ly được vào Đại học quân sự. Cái cây bà suốt đời gìn giữ đã cho quả. Ngày nó rời bà ra đi, bà căn dặn con rất kỹ, ngoài những điều giống như tất cả các bà mẹ khác và những điều giống như tất cả các ông bố khác, còn một điều đặc biệt nữa.
-Bí mật về bố không bao giờ con được tiết lộ với bất cứ ai, nhưng bố kỳ vọng ở con rất nhiều, con phải cố gắng để không phụ lòng bố. Trước hết con phải phấn đấu vào Đảng vì sau đó mọi việc sẽ dễ dàng hơn, muốn vào Đảng thì phải luôn tỏ ra tích cực, hăng hái, gương mẫu tham gia vào mọi hoạt động của đoàn thể…
Đến trường, thằng Ly làm quen với một Đảng viên, khi đã thân mật nó mới bảy tỏ nguyện vọng nhờ anh ta giúp đỡ, anh này cũng nói y như mẹ, chẳng hiểu gì, nó đề nghị.
-Anh phải chỉ bảo cho em cụ thể, muốn được gọi là “Tích cực” thì phải làm gì, “Hăng hái” phải như thế nào và “Gương mẫu” nữa?
-Cái thằng này...! Sao mày học giỏi thế mà sống lại ngu bỏ mẹ ..., bảo mày tỏ ra chứ người ta có bắt mày tích cực, gương mẫu hăng hái thật đâu.
Rồi hắn giảng giải.
-Thế này nhé, tất cả mọi hoạt động mày đều phải đến sớm hơn và về muộn hơn một tý, thế gọi là tích cực. Cụ thể, buổi sáng khi tiếng kẻng báo thức chưa rứt mày đã phải có mặt ở ngoài sân tập thể dục. Buổi chiều, phải ra vườn tăng gia sớm và làm chăm chỉ, làm sao cho mồ hôi nhễ nhại, quần áo càng lấm lem càng tốt. Tất cả các quy định của đơn vị phải luôn luôn chấp hành như không mặc áo ba lỗ đi ăn cơm, khi ăn không cho chân lên ghế, ít nhất cũng đừng để bọn cán bộ đảng viên nhìn thấy. Tóc phải cắt đúng ba phân. Không biết hát, không thích hát cũng phải vào đội văn nghệ, không thích thể thao xũng phải vào đội bóng vân vân…, tóm lại là muốn vào đảng thì phải quên mọi thứ đi, tập trung mà phấn đấu. Đặc biệt, với bọn cán bộ đảng viên mày phải tỏ ra ngoan ngoãn, khi họ nói chính trị phải lên ngồi bàn đầu, giả vờ chú ý lắng nghe, ghi ghi chép chép rồi hễ có dịp là vỗ tay thật to, họ nói gì cũng phải coi là đúng, nếu họ sai, có đứa nào vặn lại thì mày phải dùng hết khả năng, tìm mọi lý lẽ để bảo vệ họ. Một điều nữa, trong quá trình phấn đấu nên lần lượt mời mỗi cán bộ một bữa, đơn giản thôi, bát phở, ly cà phê, cốc bia, với cán bộ to thì nên có quà, nói là mẹ mày gửi từ Hà Nội vào biếu… nghe chửa.
Thằng Ly ù hết tai, nó chả hiểu gì, phấn đấu vào đảng chỉ cần thế thôi á? Sao không giống những thứ nó đọc được ở Tạp chi cộng sản hay qua những bài giảng chính trị, nó cao siêu lắm kia mà. Đâu có phải mấy cái mẹo vặt như đại ca này nói...
 Nhưng thằng Ly biết, đó là người đầu tiên nó phải biết điều chính là Đại ca này. Thế rồi sau một lần vào thành phố chơi, tốn ngót bốn nghìn (năm đồng một bát phở), một tuần sau, đại ca thậm thụt thông báo.
-Hôm họp chi bộ, tao đã đưa vấn đề của mày ra, có vẻ ổn đấy, chú ý nhé!
Thằng Ly hiểu, “Chú ý đấy nhé” tức là nó đã chính thức vào cuộc, kể từ lúc này nó không được băn khoăn về những điều Mẹ nó và anh Chính (đại ca) dặn dò chỉ giáo nữa mà phải thực hiện ngay, cái đã hiểu thì tốt rồi, cái chưa hiểu thì cứ thực hiện bừa đi, sai đâu sửa đấy... mà ăn nhau còn ở cái số nữa chứ.
Cũng từ hôm ấy bạn bè cùng lớp thấy thằng này như lột xác. Thay vào cái đầu nửa ngắn nửa dài, thường xuyên ở trạng thái bù rù vì không bao giờ được chải bằng lược là mái tóc kiểu “cua”, hóa ra hay..., sứ này nóng quanh năm, vừa mát vừa “chẳng bao giờ cần đến lược” nữa, chỉ cần xòe bàn tay vuốt một cái là sợi nào sợi ấy dựng ngược lên, đều tăm tắp như một đạo quân đang diễu binh. Thời gian rảnh rỗi nó không lang thang với mấy thằng bạn vào phố cà phê cà pháo tán gái lăng nhăng nữa mà xuống thư viện với quyển sổ bìa đỏ chót, đọc toàn là Tạp chí Cộng sản, Mác, Enghen, Lê-Nin. Thật lòng thì nó chả hiểu gì nhưng vẫn tự bắt mình phải đọc, vì nó cho rằng đã “Phấn đấu vào Đảng” thì phải hiểu Đảng là gì chứ, đó là cách học của nó, hiểu cái gì thì cũng phải từ gốc rễ… những mà cái này không giống những môn học ở trường phổ thông, càng đọc nó càng… chả hiểu gì.
Nhiều khi đã định bỏ quách nhưng nhớ nét mặt và giọng nói của Mẹ, nó lại cố. Quyển sổ bìa đỏ tự tay nó trang trí trang đầu với nền cờ đỏ búa liềm, ẩn hiện trên cao là C.Mác, Enghen, Lê nin, Bác Hồ, ba con tàu vũ trụ lao về hướng mặt trời để lại ba cái vệt vàng trên nền hồng kỳ, phía dưới là người chiến sỹ ôm AK lao về phía trước, đằng sau là nhà máy, công trường, máy cày, ống khói, xe tăng, tên lửa những người đeo kính cầm sách ở sau cùng… tất cả hồ hởi, hăng hái lao về phía trước. Những trang tiếp theo nó ghi những câu nói của các lãnh tụ đại loại như: “Hạnh phúc là đấu tranh- C. Mác”, “Học, học nữa, học mãi- V. Lê nin”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do- Hồ Chí Minh” vân vân. Những trang tiếp theo nữa là những đoạn trích đanh thép trong tạp chí cộng sản, câu nào nó cũng ghi rõ “Trích TCCS, số…trang… Mỗi khi có sinh hoạt, học tập chính trị nó tìm mọi cách chen lên hàng đầu ngồi ngay ngắn, há mồm như uống từng lời của người nói, thi thoảng lại hí hoáy ghi ghi chép chép vào quyển sổ bìa đỏ, mỗi khi diễn giả kết thúc một ý, một đoạn với cách nói mà ai ngồi dưới cũng biết thừa là sắp phải vỗ tay thì thằng Ly vỗ tay trước, tiếng vỗ bôm bốp của nó nổi bật giữa những tiếng bẹt bẹt, rời rạc, miễn cưỡng của những người khác.
Tối ngủ, nó mặc nguyên quần áo để sáng hôm sau, khi tiếng kẻng báo thức vừa lên tiếng là nó bật dậy, thoạt đầu nó chỉ chạy ra sân nhảy tưng tưng một mình, mươi ngày sau, dường như chán, nó hô hào, giục giã mấy thằng cùng tổ, được cha quản lý học sinh khen, nó càng hò hét to hơn, mặc cho những câu chửi của bạn bè..., bọn này ngu quá, ông nói to cốt để cán bộ nghe thấy còn chúng mày dậy hay không thì kệ cha chúng mày chứ.
Chiều nào cũng vậy, sau khi hò hét lăng nhăng ở sân bóng chuyền nó ra vườn tăng gia, chả biết làm được những gì nhưng khi về, qua sân chơi, người nó lấm lem, có khi bùn đất kín mặt nhưng nó vẫn nhăn nhở cười với tất cả, nụ cười như câu hỏi nó rất muốn mọi người trả lời “ Các ông xem, thế đã được gọi là tích cực chưa?”
Ba tháng, bền bỉ phấn đấu đã làm nó thay đổi nhiều, kết quả học chuyên môn có giảm nhưng vẫn còn khá chán, cái chính là sở thích trong con người nó thay đổi, nó tê mê khi nghe nhưng lời ca ngợi của cán bộ, nó hồi hộp như con nghiện thấy thuốc mỗi buổi bình bầu danh hiệu cuối tuần, cuối tháng, quý, đợt thi đua. Đến cả cô bạn cùng lớp hôm chia tay dúi cho nó nhành Vi ô lét khiến nó choáng váng dường như cũng lùi dần vào quên lãng. Hình như tình yêu của nó bây giờ là Đảng, người yêu của nó là Đảng.
“Gái có công, chồng không phụ”, chi bộ họp và nhận xét về nó rất tốt, đợt 30 tháng 4 thì không kịp, nó được xếp vào danh sách phát triển Đảng đợt 2 tháng 9 hay 20 tháng 12. Thằng Ly phấn khởi lắm, bây giờ thì nó đã hiểu thế nào là “Phấn đấu”… .Thích thật! Rồi thì nó sẽ có khối thứ để nói phét với đám bạn phổ thông ơt Hà Nội, rồi thì mẹ nó sẽ tràn trề tự hào và hạnh phúc vì nó.
30/4 kỷ niệm 3 năm ngày giải phóng Sài Gòn, đơn vị nó kết nạp đảng viên mới, vừa để tạo không khí hào hứng thi đua vừa để bổ sung vào bảng thành tích của đơn vị báo cáo lên trên. Thằng Ly được mời dự với tư cách là “Quần chúng tích cực”. buổi lễ thật trang trọng, văn phòng Đảng ủy được trang trí đơn giản mà trang nghiêm, bên trái nền phông huyết dụ là Đảng kỳ, quốc kỳ, chính giữa là ảnh C. Mác, Ăng ghen, tượng bán thân chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên lẵng hoa bên phải, trên cùng là dòng chữ vàng chói “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” dưới là “ Lễ kết nạp Đảng viên”. Từ bé nó đã dự không biết bao nhiêu lễ chào cờ nhưng chưa bao giờ không khí lại thiêng liêng đến thế, nó rùng mình khi hát “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước … Đường vinh quang xây xác quân thù”, trong đầu nó hiên lên màn đêm lạnh giá, dưới anh lửa đuốc bập bùng, những người cùng khổ lặng lẽ đứng lên, nhập vào đoàn người tiến về phía đông đang hửng sáng, dưới chân họ là đồng bào chết đói là quân thù gục ngã... Khi chuyển “Quốc tế ca” trời lại sáng trong hơn bao giờ hết..., nó thấy Lê-nin vươn tay chỉ thẳng về trời tây như người nhạc trưởng giữa trùng trùng điệp điệp người Nga, người da đen, da vàng đang cùng hát với nó: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian … quyết phen này sống chết mà thôi … Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành … sẽ là xã hội tương lai.” Khi người Đảng viên mới giơ nắm tay đọc lời thề, toàn thân thằng Ly lại run lên suýt ngã, nó thấy như chính nó là Đảng viên mới vậy...
Đầu tháng tám, đến lúc chi bộ đưa vấn đề thằng Ly ra thảo luận. Chiều hôm ấy nó không ăn được cơm, nó thấy hình như mọi con mắt đều nhìn nó đầy ẩn ý, chúc mừng, soi mói, ghen ghét…Đã quá chin rưỡi, sắp đến giờ ngủ, thằng Ly bồn chồn đi đi lại lại quanh khu vệ sinh (anh Chính hẹn nó ở đấy)..., mẹ kiếp! Loanh quanh ở đây nhỡ có ai để ý lại tưởng mình giấu đồ ăm trộm thì gay, nhưng sao mãi chả thấy Đại ca về, bụng như có lửa đốt, đầy những sợ gần lo xa...
Không!  Không thể, không có lý do gì để đứng mãi ở đây, ông Chính cũng lạ, hết chỗ hay sao mà phải hẹn ở cái chỗ khỉ gió này. Thằng Ly vào toa lét ngồi, dỏng tai lên chờ đợi, cuối cùng thì cũng thấy tiếng chân và tiếng Đại ca hắng giọng, nói vội xốc quần chạy ra, đại ca kéo nó ra vườn hoa thì thào.
-Không ổn rồi! Thế đéo nào mà mày lại không cài khuy cổ vào lớp, mà những ba lần mới chết.
 Hai gối hằng Ly bủn rủn như muốn khuỵu xuống, trời ơi! Sao không ai nói cho nó biết cài cúc ngực cũng là một tiêu chuẩn phấn đấu nhỉ? Ai là người phát hiện mà không bảo nó một câu nhỉ? Nó hỏi như cầu khẩn.
-Lỗi ấy nặng lắm không anh?
-Sao lại không! Như thế là không có “Ý thức kỷ luật”, mấy thằng Hà Nội chúng mày hay mắc khuyết điểm này lắm, nhưng muốn là Đảng viên thì phải gương mẫu.
Thằng Ly không nghĩ thế. Đúng! Học nội vụ có nhắc đến áo phải cài kín, đi dép phải xỏ quai hậu, không mặc áo ba lỗ khi sinh hoạt v.v. Nhưng cái xứ này nó nóng vả lại bạn bè nó đều thế cả, sao có thể là lỗi nghiêm trọng được, sao có thể vì thế mà xóa hết thành tích của nó được. nó vẫn hy vọng rằng trên chỉ nhắc nhở.
-Thế em có được không anh?
Thằng Ly rón rén hỏi.
-Làm sao mà được! Chi bộ xuống lớp thăm dò, chúng nó đều nói mày rất tốt nhưng khi hỏi: “Có bao giờ đồng chí Ly để hở cổ vào lớp không? Mấy lần?” Chúng nó lại trả lời là. “Có, vài ba lần gì đó”. Thế là đủ chết rồi.
Lần này thì thằng Ly ngồi thụp xuống đất, mặt tái mét, đại ca an ủi.
-Thôi...! Về ngủ...! Chúng nó thấy tao gặp mày là gay hơn đấy, bí mật của Đảng không phải chuyện đùa. Từ rày thì nhớ nhé, cứ cố lên, đừng nản chí, để đợt sau vậy.
Vâng! Thằng Ly cố, từ hôm ấy, chẳng cứ khi vào lớp, ngay khi ăn, thậm chí cả khi tăng gia lúc nào cổ nó cũng kín mít. Bạn bè nhắc, thoạt đầu nó bảo bị viêm họng sau nó bảo “quen rồi, mở ra khó chịu lắm”. Cũng từ đó thằng Ly được gắn biệt hiệu Ly “Tôn Trung Sơn” bởi cái người nó cứ thẳng thuỗn cả ngày. Đâu lại vào đấy, các danh hiệu bình bầu cuối tuần cuối tháng bao giờ cũng có tên nó và nó lại tê mê trong hy vọng, chờ đợi.
Ngày ấy, biên giới tây nam đang nóng, dường như chiến tranh sắp tái diễn, nhà trường kêu gọi sinh viên không về quê ăn tết để ra biên giới giao lưu với các đơn vị thường trực chiến đấu. Mẹ đã yếu rồi, em lại đang lao động xuất khẩu bên Đức nhưng thằng Ly vẫn là người đăng ký đầu tiên và cũng chính vì cái “Đầu tiên” ấy mà tên nó được loa phóng thanh của trường nhắc đến nhiều lần như một tấm gương tiên phong. Lần này thì chẳng còn lý do gì để cản trở nó vào Đảng được nữa nhé.
Đợt ấy nó chỉ được mỗi cái việc mang quà của các tổ chức, của dân thành phố đến với lính biên giới và dường như sự hiện diện của chúng nó khiến những người lính có cảm giác được chia sẻ thế thôi chứ nó có biết văn nghệ văn gừng gì đâu. Ngược lại, nó trưởng thành rất nhiều qua chuyến công tác, được mắt thấy tai nghe về sự man rợ của Khơ me đỏ, nó thật lòng thương yêu những người lính đón tết trên chốt, đứng ở biên giới nó mới thấy mỗi tấc đất của Tổ quốc thiêng liêng làm sao.
Về trường nó lại say sưa học tập phấn đấu với hy vọng góp sức vào công cuộc bảo vệ đất nước. Nó tự nhìn lại mình và thấy rằng nó, vâng chính nó lúc này đã thật sự là một người tri thức cộng sản. Những người cộng sản đang giữ một nửa trái đất và đang phấn đấu, chiến đấu để giải phóng nửa còn lại của loài người. Nó biết, biết hơn rất nhiều đồng chí Đảng viên lâu năm rằng tiêu chuẩn một người Đảng viên, một người Cộng sản đã và sẽ còn thay đổi rất nhiều so với thời trứng nước, người ta sẽ không thể tự hào mãi về cái nghèo cái dốt nát của mình, tức là người Đảng viên không đồng nghĩa với nghèo nàn lạc hậu mãi được. Muốn chiến thắng chủ nghĩa tư bản thì người cộng sản phải hơn họ về mọi mặt mà trước hết là về khoa học kỹ thuật. Chúng ta đã đánh đuổi giặc Nguyên, giặc Thanh bằng cung tên và giáo mác nhưng để làm nên Điện Biên Phủ thì không thể không có tiểu liên và trọng pháo, để chiến thắng B52 thì không thể không có Sam II, Sam III và MIC 21. Để có 30 tháng 4 ta không thể thiếu những khí tài hiện đại như T54, pháo 130.
Người Cộng sản tương lai phải là người giỏi về khoa học kỹ thuật, những vấn đề về lí lịch, những thứ đại loại như cài khuy cổ sẽ chỉ là thứ yếu. Một Bác học vừa giỏi vừa trung thành với chủ nghĩa cộng sản thì những thứ lẩm cẩm, luộm thuộm trong đời sống cá nhân không thể là thước đo phẩm chất được.

(Còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Sẽ rất thú vị nếu nhận được những tâm sự và đóng góp của bạn đọc
    Thank!

    Trả lờiXóa