Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

MIẾU LÀNG VẪN THIÊNG! 3

Kể từ đó, thằng Đức không dám ra những cái lệnh kiểu như thế nữa, nhưng hôm nay nó tức quá, chắc là quên mất. Con Tuyết lặng lẽ đứng dậy vào buồng thu dọn đồ đạc vào mấy cái đẫy, bao tải, hai đứa trẻ ngơ ngác giúp mẹ. Thằng Đức không định thế nhưng nó là kẻ không dễ nuốt lời..., chúng nó đi thật.
Chỉ có con Tuyết nhìn trộm mẹ chồng một cái rồi cả nhà nó bồng bế nhau qua cổng, bà Thanh nằm vật ra nhà...
Thằng Đức hùng hổ dắt vợ con ra khỏi nhà nhưng càng gần đến đầu làng thì bước chân nó càng chậm lại, nét mặt giãn dần ra, trùng xuống, từ giận dữ sang đăm chiêu… Đi đâu...? Trời thì đã nhá nhem! Quay lại thì dứt khoát là không, nhưng đi đâu bây giờ...?
Cái “Đầu tầu” đứng lại, cả đoàn dừng theo. Cái đẫy trên vai trơn quá, cứ định tụt khỏi vai mà hai tay nó phải giữ cái bao tải to tướng trên đầu, đành phải hạ bao xuống, thằng Đức cúi đầu, hạ thấp lưng cho cái bao đựng nồi xoong rơi nhẹ xuống đất, đoạn nó đứng dậy, toan xốc lại hai cái đẫy trên vai.
-Đây rồi..!
Nó reo lên sung sướng, vợ nó cũng đang băn khoăn như nó, các con nó thì đang sợ, chúng sợ đêm nay phải ngủ ngoài đồng như những người chết, tiếng reo của cái đầu tàu khiến cả bọn như trút được ghánh nặng, phấn chấn hẳn lên.
Cái miếu làng lù lù trước mặt. Chút ánh sáng yếu ớt từ nền trời phía tây hắt lên từ ao đình khiến cái miếu huyền ảo như cung điện trong mơ. Thằng Đức đã ngủ ở đây mấy bận rồi, lần thì hóng mát ngủ quên, lần thì theo chúng bạn ăn trộm bưởi, trộm ổi mang ra đây đánh chén không về nữa.
Cái miếu ở đầu làng, khuất dưới mấy bụi tre, đón gió đồng mát rượi, chẳng biết người ta xây từ bao giờ nhưng đẹp phết, tường gạch, mái ngói ta, thời gian và những năm tháng bỏ hoang nhuộm một màu nâu sám, cột, xà, đều bằng Lim mốc trắng nhưng nửa dưới những cái cột, nơi người ta tựa vào ngồi nghỉ hay bọn trẻ nô đùa trèo lên tụt xuống thì đen và bóng nhẫy. Nền lát gạch men Tây, choáng gần hết gian giữa là cái ban thờ. Cái ban thờ cũng được chia làm ba ô, cao ở trong, thấp ở giữa rồi lại cao hơn một tí ở ngoài cùng.
Nghe nói ngày xưa trên ban thờ có nhiều của quý lắm, cái ngai thờ mạ vàng thật, đôi hạc đồng đen đứng chầu hai bên. Ở giữa, nơi thấp xuống người ta đặt một cái nửa bàn nửa mâm cũng sơn son thếp vàng, đó là nơi bày lễ vật. Tầng ngoài cùng là lỉnh kỉnh những đỉnh, chân nến, bát hương, lọ cắm hoa…toàn bằng đồng cả. Mỗi gian bên cũng có một ban thờ nhỏ. Cái sàn gạch nem là nơi ăn cỗ và ban nhạc phục vụ nghi lễ, cái sân gạch chừng ba chục mét vuông cũng là nơi cúng lễ, nhảy đồng và ăn cỗ. Cái sân không phải hình chữ nhật mà cạnh ngoài của nó cong ra theo hình bán nguyệt, giới hạn bởi cái tường cao đến hơn hai mét, chính giữa là hai trụ cổng cao vút, trên là hai con Nghê quay mặt ra ngoài, há mồm như sủa lên trời cao, đưới là hoa văn loằng ngoằng cùng bốn mặt câu đối, chẳng ai biết là gì.
Miếu thiêng lắm! ngày xửa ngày xưa đã có thằng trộm ở tận đâu lấy đi cái ngai mạ vàng, ngay ngày hôm sau vợ nó phát rồ phát dại, trèo cả lên bàn thờ, rít thuốc lào sòng sọc thở ra đằng mồm đằng mũi, uống rượu cả bát, uống bát nào đập bát ấy, chỉ tay vào mặt chồng mà quát, đặc giọng đàn ông.
-Khôn hồn thì mang trả ông ngay! Nếu không, đêm nay ông bóp mũi cả nhà mày!
Thằng trộm sợ quá vội vàng mang trả, về đến nhà thấy cô vợ nằm ngủ, ngỡ Ngài say rượu nó chắp tay đứng bên hầu hạ. Lạ thay, cô nàng tỉnh giấc và không hề biết gì về những hành động, lời nói vừa mới của mình, những công việc thường nhật thì vẫn nhớ như in. Từ đó, trộm cướp chỉ vào tá túc chứ không đứa nào giám tơ hào vật gì của miếu. Có nhà ngủ dậy thấy mất bò vội vàng ra cúng, xin đài ngài bảo chưa mất, y như rằng tối hôm sau bò tự mò về, chỉ mất mỗi cái thừng cùng một vết thương ở mũi, nơi cái thừng lẽ ra phải đính vào đó, chắc Ngài đã sui nó giật sẹo thoát về. Có người ốm liệt giường liệt chiếu, thuốc men chạy chữa mãi không khỏi thế mà chỉ sửa cái lễ thường rồi vợ con ra tổng vệ sinh khuôn viên miếu là lại cày bừa phăng phăng.
Đấy là các cụ trong làng kể thế chứ cái miếu bị phá coi như hết từ lâu rồi. Sau cách mạng tháng tám thành công, vì ở đầu làng nên nó biến thành trạm gác của bọn dân quân du kích. Người ta bài trừ mê tín dị đoan, không ai được ra cúng lễ nữa, tất cả những “Tàn dư” của chế độ cũ phải được loại bỏ khỏi đời sống dân chúng. Dân ta đã được độc lập tự do, người cày đã có ruộng, khó khăn gì thì chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa cùng với sự giúp đỡ của các nước XHCN anh em cũng sẽ lo được hết, không cần cúng bái nữa...

Lâu lâu lại có một thằng cán bộ tăng cường về làng, bọn này có quê khác nhau, hình hài cũng khác nhau nhưng chúng giống nhau ở một điểm, hễ mở mồm ra là “Mác xít Lê nin nít” là “Các Mác-Ăng ghen-Mao Trạch Đông” là “Duy vật biện chứng”, là “Chủ nghĩa cộng sản-thế giới đại đồng”. Bà con không ai hiểu gì nhưng chúng nó ăn mặc có vẻ sạch sẽ hơn bọn cán bộ làng xã, vậy chắc là chúng nó nói đúng. Nghĩ thế nên người ta theo chứ có biết gì đâu, nhưng có một điều cả làng cùng biết, đó là, đồ cúng đồ thờ của miếu cứ mất dần sau mỗi lần thay cán bộ. Đứa nào mà to gan thế nhỉ ...? Đến trộm cướp còn phải sợ cơ mà...! Chắc cái thằng ấy phải có bản lĩnh cao hơn trộm cướp cả nghìn lần ...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét