Thứ Ba, 22 tháng 7, 2014

TIỀN NÀO, CỦA ẤY!

Năm 1996, khoa Phẫu thuật thần kinh (PTTK) Bệnh viện Xanh Pôn được thành lập trước thúc bách của nhu cầu. Tai nạn xe máy quá nhiều, khoa PTTK Bệnh viện Việt-Đức không thể giải quyết hết. Tôi là Phó đầu tiên của khoa mới thành lập ấy.
Tiếng là Phó khoa nhưng lúc ấy cũng còn được coi là “Bác sỹ trẻ” nên chiến đấu với chấn thương sọ-não (CTSN) ghê lắm, ngày mổ 3-4 ca, đêm, “Bất luận đang làm gì” có điện gọi là đi luôn, cấp cứu sọ-não cần thời gian.
Một trong những đề tài nghiên cứu của tôi những năm ấy là CTSN nặng, những thất bại trong mổ khiến tôi băn khoăn và tôi đã tiến hành phương pháp “Mở nắp sọ rộng” (Rộng hơn vùng thương tổn), phương pháp cho kết quả tốt hơn rõ rệt nhưng vẫn còn những trường hợp... Bó tay.
Qua tham khảo tài liệu của Hoa Kỳ, tôi áp dụng nắp sọ hình dấu hỏi (Question Mark Flap) tức là còn rộng hơn nữa, phương pháp đã giải quyết nốt những hạn chế của phương pháp cũ.
Như vậy đề tài CTSN nặng được thực hiện thành hai giai đoạn, nhiều kết luận hữu hiệu được rút ra nhưng không tiện trao đổi ở đây, ngoại trừ một vấn đề.
Một trong những phân tích thông thường như Tuổi, Giới... lại cho kết quả ngược nhau ở hai giai đoạn, rất đáng lưu tâm, đó là:
Ở báo cáo lần 1, khoảng 60% các tai nạn xe máy là ở nội thành Hà Nội, 30% ở ngoại thành và 10% ở ngoại tỉnh đưa về (Do bệnh viện Việt-Đức không giải quyết hết chuyển sang nên con số này ít ý nghĩa).
Nhưng ở báo cáo lần hai (Hai năm sau), riêng hai huyện Đông Anh và Sóc Sơn chiếm 60%.
Tôi đã rà soát lại số liệu, kiểm tra kỹ từng hồ sơ bệnh án..., không có nhầm lẫn. Điều gì khiến con số đảo ngược như vậy? Câu hỏi đó đeo đuổi tôi hàng năm trời.
Cho đến một lần nói chuyện ở trường Đại học Y tế cộng đồng, tôi đưa ra câu hỏi ấy cho người nghe nhưng cũng đúng lúc ấy tôi nẩy ra câu trả lời.
-Những năm 1995 về trước, cái xe máy là một tài sản lớn không phải ai cũng có được, nhất là bà con nông dân ở Đông Anh và đặc biệt ở Sóc Sơn (Tuy không được thực địa nhưng thông qua người bệnh, chúng tôi biết, dân Sóc Sơn rất nghèo).
-Những năm sau đó, đất ở quanh Hà Nội sốt đùng đùng, người Hà Nội đua nhau lên mua ở hai huyện này.
-Những dự án lấy đất nông nghiệp, bà con được đền bù, không biết đắt rẻ thế nào nhưng nhiều hộ bỗng dưng cầm một đống tiền mà không biết tiêu thế nào.
-Xe máy Trung Quốc xuất hiện, những cái xe nom hệt như Đờ rim Thái (20-25tr/cái) lại chỉ bán với giá 4-5tr/cái, thậm chí nếu chịu khó đi Sờ cân hen thì chỉ 2-3tr/cái.
-Đường cao tốc Bắc Thăng Long-Nội bài được hoàn tất vào những năm ấy. Những con đường làng đổ vào đại lộ, hai trình độ ngược hẳn nhau lại nối vào nhau
-Ngày đó, cảnh sát giao thông chủ yếu tập trung giữ trật tự ở nội thành và những chốt trọng yếu.
Thế là người nông dân với trình độ hạn chế, Đột nhiên có tiền, đột nhiên xe rẻ, máu thể hiện, bõ cơn thèm khát, đường xá không đồng đều, răn đe của CSGT chưa tới.... Đó là những nguyên nhân giải thích con số 60% kia.
Viết bài này tôi muốn nhấn mạnh đến “Hàng rẻ” của Trung Quốc để mọi người cùng nghĩ.
“Tiền nào của ấy”
“Tham bát bỏ mâm”...                          

Các cụ dạy..., vẫn chưa sai! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét