Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

MIẾU LÀNG VẪN THIÊNG 2

Con Tuyết là đứa nết na ngoan ngoãn, đi thả bò, nó tranh thủ cắt cỏ chứ không bao giờ tham gia vào những trò nghịch ngợn của lũ trẻ. Một hôm, cắt được nhiều quá, con bé vừa dắt bò vừa lặc lè gánh cỏ, trời sắp tối hẳn, con bò cứ như một thằng nghịch tặc, chỗ đường trơn thì nó cứ kéo cô chủ xềnh xệch, được đoạn đường khô ráo, đang đánh tay giữ nhịp rảo bước thì nó lại đứng ì ra, hết gặm cố mấy miếng lại đái, hết đái lại ỉa, cô chủ cứ phải è cổ đứng chờ. Con bờ thửa* dẫn lên mương phải qua hồ lò gạch, đó là đoạn khó nhất, đất lở xuống hồ, người và trâu bò dấm xéo. Dễ đến mươi mét, chẳng còn có thể gọi là đường được nữa, lô nhô những mô đất thấp cao trơn tuột, quanh nhưng mô ấy là bùn nhão nhoét, đi không còn khó nữa là gánh nặng.
Cô bé đang bấm chân dò từng bước, con bò dường như cũng hiểu được sự khó khăn của cô chủ, nó không kéo nữa nhưng mà đi chậm thế này nên lũ ruồi cứ thi nhau vo ve rồi đốt vào vai, vào mang tai nó, cái đuôi, hai cái tai quạt liên hồi mà chả tác dụng gì, không thể chịu được nữa, con bò lắc mạnh cái đầu với hy vọng dùng sừng tấn công lũ ăn bám. Sợi dây thừng kéo cả cô chủ cùng gánh cỏ lăn ùm xuống hồ... Đúng là “Ngu như bò”! Nó sợ! Nó biết lỗi, nhưng thay vì đứng yên một chỗ nó lại chạy lồng lên mương rồi tế thẳng. Người ướt..., gánh cỏ vỡ nổi lềnh bềnh..., bò chạy mất..., cái chất trẻ con còn lại của cô gái mười sáu bật lên thành tiếng khóc.
Không biết là may hay rủi, thằng Đức đang ngụp lặn mò trai gần đấy, nó lặng lẽ vớt cỏ mà chẳng thèm nói với cô một lời, vớt hết, chỉ tay về hướng con bò nói cộc lốc.
-Không mất đâu...! Nó tự về...!
Thấy cô gái lập cập định xếp cỏ vào gánh, nó lại buông một câu như ra lệnh.
-Để đấy...! Ướt...!                
Chạy về góc hồ, nó trở lại với cái áo cáu bẩn trên tay, vẫn chẳng nói gì nó định khoác cái áo lên vai đứa con gái đang run cầm cập.
Con Tuyết ý tứ đón cái áo và hai bàn tay chúng chạm vào nhau... hình như có một luồng điện truyền qua làm cả hai đứa sững sờ. Cái điện gì rất lạ, nó làm con Tuyết đang rét run cầm cập bỗng thấy nóng bừng lên má, còn thằng Đức..., đang hăng hái hoạt bát là thế bỗng đờ người, lúng túng, run rẩy....
Cỏ đã rich bớt nước, thằng Đức lặng lẽ xếp vào quang, đưa cho cô cái giỏ, nó chỉ nói được mỗi một tiếng.
-Về...!
Rồi ghé vai nhấc gánh cỏ, nó bước từng bước chắc nịch qua từng mô đất trơn trượt, gánh cỏ ướt nặng là thế lại đu đưa theo từng bước nhưng hình như chả làm gì được cái thằng cục mịnh lực điền.
Con Tuyết ngoan ngoãn theo sau, chẳng nói năng gì nhưng trong cả hai đứa đều có một cảm giác rất lạ, cái cảm giác làm cho người con Tuyết cứ nóng dần lên và làm cho gánh cỏ sũng nước trên vai thằng Đức nhẹ như bông...
Từ độ ấy, con Tuyết mê thằng Đức, ông bà Cầu phản đối ghê lắm nhưng nó cứ nhất mực khóc lóc không chịu ăn nhời, đến khi bà Cầu biết con bà đã có chửa thì họ thua. Thế mới có chuyện ông Cầu gọi thằng Đức bàn việc ăn hỏi và thế nên hôm nay nó mới phải mở miệng với U.
Thằng em cũng có vợ, ba gian nhà địa chủ, ba mẹ con ở thì thừa thãi, từ khi thằng lớn lấy vợ bà cho nó ngủ trong buồng, thằng em ngủ gian bên, trên cái giường một bằng sắt của các chú bộ đội để lại, còn bà nằm trên cái phản ở gian giữa.
Gọi là phản nhưng thực ra nó là bốn tấm gỗ muồng ngâm, anh bà khi còn sống gọi cho, nhà cũng nghèo nhưng anh bà chu đáo lắm, ông dặn.
-Bố mẹ chẳng còn gì để tôi chia cho cô, thấy cô vất vả tôi thương lắm...! Mấy tấm gỗ muồng tôi đã ngâm kỹ, bào nhẵn, cô mang về..., còn khỏe thì làm cái phản mà nằm, về già cứ nó mà làm áo...!
Bây giờ cả hai đứa cùng có vợ thì thu xếp làm sao... ba mẹ con ngồi bàn tính, thằng Đức bật ngay sau khi mẹ đặt vấn đề.
-Đéo biết...! Mày lấy vợ thì tao nhường buồng cho mày, giờ đến lượt tao mày cũng phải nhường.
May! Thằng anh nó hiền lành, chẳng có phản ứng gì.
-Em nó nói cũng phải. Thôi! Kê cái giường sắt ra gian giữa cho U, chúng mày lấy cái phản, U cho miếng vải làm cái màn gió ... thế là thành buồng.
Vợ chồng thằng cả không vui nhưng cũng không thể làm khác được... Rồi chúng nó ăn riêng, giường của nhà nào cũng là bàn ăn của nhà ấy, bà cũng thế, chỉ khác là đến bữa, hôm thì thằng bé bưng cho bà con cá diếc kho tương, hôm thì thằng lớn bảo vợ mang cho bà miếng đậu. Chả thấy chúng nó mời nhau bao giờ và hôm nào cả hai đứa cùng ... quên thì bà nhá cơm với mấy hạt muối, bà ăn thế quen rồi nhưng thấy bữa cơm mà chúng nó cứ im phăng phắc, bà buồn!
Cũng phải để chúng tự chủ lo việc gia đình vả lại, mấy năm nay bà cũng thấy trong người yếu lắm rồi, tham khảo họ hàng, đặc biệt là ông em làm cán bộ bên Hà Nội bà đi đến một quyết định tày trời, cái quyết định làm nhà bà chính thức, thật sự “Tan đàn xẻ nghé”..., bà chia nhà.
Luộc mớ lạc thật ngon, hãm nồi chè tươi thật đặc, bà đã giao hẹn chúng nó từ sáng là tối nay bà có chuyện cần nói.
Lâu lắm rồi mẹ con mới ngồi với nhau thế này. Mà không! Đây là lần đầu tiên mẹ con bà ngồi với nhau thế này. Khi chúng còn bé, những hôm rét quá không thể lội xuống ao được mà vẫn còn có cái đổ vào nồi, bà ở nhà vá quần áo cho chúng, hai thằng đứng hai bên nhổ tóc sâu cho bà..., chúng cũng im lặng..., im lặng như những bữa ăn của chúng bây giờ. Thằng Đức còn bé cứ đu vào vai bà nặng trĩu, bà nghiêng đầu sang nó một lúc thằng Thiện lại kéo đầu bà về bên kia, trời rét, chúng nó tỳ vai bà đau ê ẩm mà bà thấy ấm lòng…, các con bà đang lớn...,có lẽ cả đời bà chỉ có những giây phút ấy được gọi là hạnh phúc.
Bà ấp úng giảng giải cho cả bốn đứa về lịch sử, gia cảnh rồi những suy nghĩ của bà, những ý kiến của họ hàng... Bốn đứa chỉ ngồi yên được một lúc, thằng Đức sốt ruột gắt.
-Thôi! Có gì U cứ nói tuột ra đi, lâu bỏ mẹ...!
-... Bây giờ mẹ chia nhà cho các con. Thằng Đức lấy gian buồng, thằng Thiện gian bên rồi cứ kéo thẳng qua sân qua bếp, mẹ ở gian giữa, khi nào mẹ chết thì anh Thiện trông nom..., giỗ mẹ thế nào cũng được..., nhưng dứt khoát giỗ bố phải có mâm cơm, phải có rượu..., trước là cúng bố, sau thì mời họ hàng...
Vợ chồng thằng cả và con Tuyết ngồi im, thằng Đức cau mày ra điều suy nghĩ.
-U nói thế tức là sau này thằng Thiện được hai gian à...! Đéo được...! Giỗ cùng làm, nhà cùng hưởng, đã chia là phải bằng nhau.
Bà cố dùng những lý lẽ đã được bàn kỹ với họ hàng để thuyết phục nhưng nó nhất quyết không nghe, tiếng nó mỗi ngày một to, cặp mày cau lại, mặt thì cứ đỏ vằn lên. Bà đẻ ra nó, chăm bẵm nó từ đỏ hỏn đến khi nó đòi ăn riêng, bà thương yêu nó và cũng đã từng sợ nó nhưng mà bà không biết tính nó. Giá như bà biện cái nhẽ khác, rằng thằng Thiện nó yếu chẳng làm được việc gì và hỏi nó có sẵn lòng nhường cho anh không thì thể nào nó cũng đồng ý. Đằng này, nó cho rằng thằng kia cậy làm anh mà chiếm của nó, và một khi đã nghĩ như thế thì xưa nay nó có chịu ai bao giờ...
 Đến khi hết lý, hết nhẽ, bà cậy cái quyền làm mẹ ra mà quyết thì thằng Đức phát rồ thật, đập cái bát xuống nền nhà đánh “Choang”, nước và mảnh sành bắn tung tóe, nó đứng bật dậy quát vợ.
-Đi...! Đéo cần nữa...! Đã thế..., bố cho chúng mày tất!
Chẳng hiểu trời xui hay quỷ khiến mà con Tuyết yêu nó đến thế! Cái kiểu yêu như nô lệ với ông chủ, chưa bao giờ nó dám cãi chồng nửa lời, nó đã tốt nghiệp cấp II còn thằng Đức chưa hết lớp ba thế mà bảo sao nó làm vậy... Có ngày gạo hết, tiền không, chồng mang dậm xuống đồng sâu, vợ đeo giỏ lên đồng cạn, gặp nhau ngoài chợ, đứa nọ hy vọng đứa kia may mắn nhưng hôm ấy độc ngày, dăm con cua với ba con cá chuôi liềm thì ai mua, mà có mua thì được bao nhiêu tiền?  Về nhà, thằng chồng bực tức vì cái sức của nó chẳng được tích sự gì, đã thế con vợ còn lóng nga lóng ngóng không biết đường đi vay gạo về nấu cơm, cứ nhấc lên đặt xuống mấy con cua con cá, điên tiết, nó đập mạnh tay xuống sân quát.
-Mua rượu về đây cho ông uống...! Mẹ cha nó chứ...!
Nó chửi ai ...? Chắc nó chửi trời...! Vì chỉ có ông trời mới có thể xui bọn cua cá trốn vợ chồng nó kỹ thế.

Con vợ te tái cắp đít ra ngõ, rồi nó mang rượu về thật, cả một túm nem chạo lá sung nữa... Thằng Đức ngồi xuống mâm mà xót xa, nó thương vợ nó quá..., ân hận quá..., ngỡ bực mình nói thế thôi, nào ngờ vợ nó làm thật... Nó biết, nhà làm gì còn xu nào..., vay gạo nấu cơm cho con thì không sao chứ vay tiền mua rượu cho chồng thì ... tệ quá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét