Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

BIA HƠI HÀ NỘI-Một thời để nhớ ... !

Những năm đầu 90, khi đường cao tốc Thăng Long-Nội Bài mới làm được đến Mai Dịch, ở đúng đầu đường cao tốc ấy (Tức là giữa cái cầu vượt Mai Dịch bây giờ) có một quán bia nổi tiếng lắm, bia hơi Thảo Béo.
Nghe nói, Thảo Béo có chồng làm công an rất to, phải có “Máu mặt” mới lấy được nhiều bia hơi Hoàng Hoa Thám và cũng phải “có máu mặt” mới duy trì được quán bia lớn thế.
Ngày nào bia Thảo Béo cũng đông, nó đông từ cuối giờ chiều đến mười, mười một giờ đêm.
Từ ba rưỡi đến năm rưỡi là giờ “Giải quyết” của những ông cán bộ chính quyền, những vụ việc trong ngày, dù đã được giải quyết..., sẽ được giải quyết hay còn đang gặp khó thì các đương sự vẫn mời các ông ra đây để tổng kết, để cảm ơn, hay để ..., “Xin chỉ đạo tiếp”... !
Nếu không có hội họp gì đặc biệt thì ngoài ba giờ, cơ quan nhà nước còn có việc gì đâu..., những lời mời thì luôn có sẵn ..., chẳng bao giờ hết, phải sếp hàng và các ông cũng phải giải quyết lần lượt chứ cái thứ này không tăng năng xuất được..., không hai, ba trong một được...!
 Khi những cái bụng đã căng tròn, không thể níc thêm được nữa, những khuôn mặt bóng mỡ dường như cũng sưng lên, đỏ gay .., các ông vươn vai đứng dậy, ề à nói lời cảm ơn khổ chủ nếu công việc đã xong..., chỉ thị bổ sung cho bước tiếp theo nếu công việc còn vướng mắc..., ông nào có vợ con không quá dữ hay khổ chủ mời quá nhiệt tình thì điểm đến tiếp theo sẽ là Mát xa hay Ka ra ô kê..., nhường chỗ cho loại khách thứ hai.
Sau năm giờ rưỡi, quán Thảo Béo thuộc về dân làm ăn..., từ những công nhân đánh cắp si măng, sắt thép, máy móc, dây điện, bán được rồi, kéo nhau vào đây để ăn và chia.
Cánh cai thầu chiêu đãi bên A và những tay thợ cả, đám lái xe tải “Giải khát” sau một ngày vất vả, những thương vụ “Không thể bàn ở cơ quan” cũng sẽ được quyết định ở đây.
Giờ này còn có những Bác sỹ bệnh viện 198, bệnh viện Từ Liêm..., số ra đây để bàn chuyện chuyên môn cũng có nhưng chủ yếu là được gia đình người bệnh “chiêu đãi”..., cái thời sắp hết khổ..., miếng ăn miếng uống còn quan trọng lắm ...! Bây giờ, chả mấy Bác sỹ như thế nữa.
Rồi thầy và trò mấy trường đại học Sư Phạm, ngoại ngữ, Thương Nghiệp, Trung cấp Thương nghiệp, có khi là chiêu đãi nhau sau bảo vệ đề tài, sau một chuyến công tác nhưng chủ yếu vẫn là học trò “Làm việc” với thầy trước khi bảo vệ, thi hay xin nâng điểm...
Cũng là giờ cánh nghệ sỹ khu Văn công Mai Dịch kéo nhau ra lai rai, những khuôn mặt quen thuộc, nổi tiếng như mấy ông hài, ca sỹ chỉ loáng qua làm vài vại rồi vội vã đi, họ thật sự bận, còn phải kiếm thêm ở các quán cà phê âm nhạc. Những người ở lại thường ngồi rất lâu, uống rất nhiều nhưng ăn rất ít... họ là những diễn viên của những bộ môn hết thời như chèo, tuồng, múa rối... hay giảng dạy những môn không được “Mốt” lắm, chẳng ma nào cần .. “Học thêm”, vài người để râu tóc thật dài nhưng đặc điểm chung của nhóm văn nghệ sỹ là gầy..., chẳng có ai béo tốt như thường thấy ở giới kinh tế, chính trị.
Từ bảy rưỡi là giờ của bọn thể thao, những bọn trẻ đá bóng về, quần đùi, áo số, giày tất lấm lem, thường ngồi thành dãy dài sát mép đường 32, đồ nhậu của chúng là kết quả trận đá cá độ, tuy nghèo nàn với lạc rang lạc luộc, quá lắm là nồi lẩu gầu bò nhưng bao giờ bọn này cũng ầm ĩ nhất, chúng nói cười thật sảng khoái, thi thoảng lại cùng nhau đứng dậy hô.
-Một..., hai..., ba..., zô!
Đôi khi, số tiền đá độ không đủ, chúng uống rượu, vừa rẻ vừa chóng ... phê.
Ngồi trong lán là bọn cầu lông, bóng bàn, bọn này tuổi đời thường cao hơn, ít ồn ào hơn, đồ nhậu trên bàn cũng ... tươm tất hơn, ngoài đậu lướt ăn với mấy cọng kinh giới chấm mắm tôm, thường thấy nầm dễ nướng, đuôi bò hầm, ngẩu phín hầm thuốc bắc... Nguồn kinh phí cũng có khi là những trận đánh độ nhưng thường thì họ chia nhau mỗi người mời một hôm.., đa số trong họ là những người có công ăn việc làm nhưng đều ở mức trung bình thấp, cả về thu nhập và địa vị.
Ngồi trong những phòng kính đề chữ VIP, có điều hòa nhiệt độ thường là bọn tennis, cánh này nếu không đi ô tô thì cũng xe máy loại sang như @, Dylent, Vespa... Thể nào cũng có một hai thằng bụng to, trán hói..., những thằng không béo bằng, ít tuổi hơn thường là các “đệ” đi để làm “quân xanh”, cổ võ, vác vợt và ... trả tiền.
Đồ nhậu của họ không như những bọn ở ngoài, thường là đồ hải sản tươi sống như sò huyết, cá song, cá mú..., họ chỉ uống vài vại cho đỡ khát rồi thì dùng ... rượu tây, họ cũng không ồn ào như những bọn kia, phần nào vì phòng kín, âm thanh ở ngoài không lọt vào được nên không phải nói to, vả họ có nói thì ở ngoài cũng chỉ thấy cái mồm mấp máy chứ cóc nghe thấy gì...!
Tôi và anh bạn bóng bàn bước vào trong cái khung cảnh ấy, mụ Thảo béo lừng lững như cái cột đình cháy dở, vai đeo túi dết đựng tiền to như cái ba lô, tay phải cầm cuốn sổ nhỏ, chốc chốc lại nhận một cục tiền từ những đứa thu ngân cho vào bị rồi rút bút ghi ghi vào sổ, mụ cũng không ngớt miệng nhắc các công đoạn khẩn trương phục vụ khách.
-Có ngay...! Có ngay...! Này con...! Tám bia bàn 10 ngay đi...! Các chú chờ lâu quá rồi đấy...!
Nhìn quán bia hoạt động tôi cứ nghĩ về những cái gọi là “Thông tin liên lạc”, chẳng có trường lớp nào, chẳng có huấn luyện tập rượt gì, chẳng có chủ trương trung ương, chẳng có văn bản hướng dẫn mà mọi việc vẫn đâu vào đấy, nhanh như điện...! Có lẽ tổ chức xã hội loài ong loài kiến cũng xuất phát một cách tự nhiên như thế này.
Khu bếp chỉ ngót chục mét vuông, một cái lò than lửa xanh lè liếm vào đáy thùng nước dùng tổ bố như những cái lưỡi ma chơi..., ba cái bếp khò cũng phun lửa xanh lét, kêu phù phù..., những anh đầu bếp cổi trần làm việc như diễn trò, hết băm băm chặt chặt rồi quay phắt ra sau, hất vào chảo..., tiếng mỡ nổ rào rào, lửa bùng lên như người ta phun săng làm xiếc vậy...!
Khởi đầu từ tứ phương, tám hướng những cái lệnh của thực khách
-Tám bia nữa em ơi...!
-Hai đậu lướt...! Hai lạc... em ơi...!
-Ba muống luộc...! Ba đuôi bò hầm...! Mười tám bia..., mà thôi..., bốn mươi bia luôn đi...!
Nhà hàng có chiêu câu khách bằng những loạt bia đầu có tỷ lệ “Hoàng Hoa Thám” cao hơn, khách biết được nên thường gọi liền mấy vại.
Những cô bé cậu bé mặc đồng phục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại tất tưởi bưng đồ ăn thức uống tới, bưng bát và cốc đi.., những cái cốc chỉ còn dính bọt, chồng lên nhau cao có khi hơn một mét, chúng cắp nách hai chồng như thế đi như múa qua đám đông hỗn loạn, miệng vẫn không ngớt truyền tin
-Tám bia bàn 12...!
-Hai đậu lướt, hai lạc bàn 16...!
Từ khu bếp, chốc chốc lại có tiếng.
-Ba ngẩu đã xong...!
-Năm lẩu thập cẩm đã có...!
Những thông tin đến và đi nếu vô tình bị ngưng ở đâu lập tức đã có mụ Thảo Béo nhắc nhở.
-Cá mú hấp sì dầu VIP 3..., nhận chưa...?
-Đã nhận...!
-Trả đậu cho 12 kìa...! Chúng mày nghe thấy chưa...?
-Vâng...! Vâng...! Có ngay...!
Chỉ có mỗi một kẻ thật sự nhàn rỗi, đó là con chó của chủ quán, nó đủng đỉnh, thản nhiên và cũng đánh võng như những đứa trẻ bưng bê, từ gầm bàn này qua gầm bàn khác, nhặt những miếng xương còn nhiều thịt nhất lẫn trong nhoe nhoét những giấy ăn, cọng rau sống, vỏ lạc phủ kín trên nền.. Thi thoảng có thực khách khó tính xua đuổi, nó chỉ nhìn trâng trâng rồi lại lặng lẽ đánh võng qua những bước chân người ngang dọc sang bàn khác chứ ... không thèm chấp...!
Mùi mỡ cháy, hành phi, từ trong bếp bay ra, lẫn với mùi bia thấm dưới nền nhà bốc lên chua loét, mùi thum thủm từ những đôi tất của bọn đá bóng căng trên những đôi giày lấm đất..., tất cả hợp lại thành cái gọi là ..., mùi bia Thảo Béo.
 Khói từ bếp bay ra, từ cái khay to tướng phía trên có con bê quay mà bộ xương cứ lộ dần, lộ dần ..., từ những vỉ nầm nướng rải rác ở các bàn, trộn với khói thuốc lá thuốc lào khiến cái quán mù mịt sương khói.
Nếu không có những câu truyền tin của nhà hàng thì tai chỉ được hứng một thứ âm thanh rào rào, không rõ là gì bởi chúng là tạp âm của những tiếng nói rất to, bàn nọ phải át tiếng bàn kia thì đối tác gồi ngần mới hy vọng lĩnh hội được..., tiếng cười, tiếng chạm cốc và tiếng ... gặm xương, gặm sụn...!
Sau này, cách tổ chức của những quán bia nổi tiếng Hà Nội như Hải Xồm, 19C Ngọc Hà, CLB quân đội có khác đi, sạch hơn nhưng với tôi, bia Thảo Béo vẫn ... ấn tượng nhất...!

Cũng tựa như bây giờ vào quán phở cứ phải ngồi bàn cao lại nhớ “Phở cúi” một thời...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét