Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

TẢN MẠN VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN


Thần kinh học đã là một lĩnh vực khó, tâm thần học còn khó gấp bội.
Có một danh nhân nào đó đã xếp Phẫu thuật thần kinh là một trong 10 nghề khó nhất của loài người.
Tôi được người ta gọi là Phẫu thuật viên thần kinh, nhưng tự nhận thấy còn xa lắm mới xứng đáng. Năm 1998, trong bữa trưa đơn giản ngay tại khu mổ, ông thầy người Nhật hỏi.
-Mày có vi phẫu chưa?          
Tôi thành thực trả lời
-Dạ, chưa...!
Ông suy nghĩ một hồi rồi thủng thẳng nói.
-Mày nói rằng mày là Phẫu thuật viên thần kinh..., rồi mày lại nói chưa có kính vi phẫu ..., người ta sẽ hiểu ngay..., mày chưa làm được gì...!
Kể thế để biết rằng tôi chưa phải là phẫu thuật viên thần kinh.
Ở Việt Nam, cánh Phẫu thuật thần kinh từng bị xem nhẹ, không được “Hoành tráng” như Bác sỹ mổ bụng..., mổ tim..., nhưng ở nước ngoài (Những nước phát triển) họ coi trọng lắm..., một lần đang lang thang ở bãi đá cổ Sa Pa, gặp một đoàn Thụy Điển, một thằng trao đổi với tôi những cảm nhận về Sa Pa và bãi đá, nó giới thiệu là nhân viên nhà băng rồi hỏi tôi làm gì, rồi nó tỏ ra hết sức ngạc nhiên (Có lẽ tại lúc ấy nom tôi “Phủi” quá) khi biết tôi là phẫu thuật viên thần kinh..., quay về đoàn, nó nói gì đó mà tôi thấy mọi người nhìn mình, vài người giơ tay vẫy .., khi tình cờ lại đi qua nhau, ai cũng chào.
-Hi...! Doctor...!
-Hi...! Neurosurgeon...!
Kể thế để biết cái nghề khó nên được người ta tôn trọng.
Bây giờ trở lại với vấn đề sức khỏe tâm thần, lĩnh vực mà tôi coi là khó hơn nhiều lần.
Chắc phải thôi, mỗi người chúng ta có bao nhiêu Neurons thần kinh? Câu trả lời còn chưa thật chắc chắn..., nhưng những Neurons ấy khết hợp với nhau như thế nào...? Các hoạt động ra sao mà cùng một sự kiện, hiện tượng mỗi người lại có những phản ứng khác nhau, kẻ khóc, người cười, kẻ không cười không khóc...?
Tôi cho rằng, khi nào khoa học khám phá được câu hỏi ấy thì bệnh tâm thần sẽ có cơ sở để được chữa tốt hơn (Tôi không có ý phủ nhận ngành tâm thần học hiện thời).
Nói thế để người đọc hiểu rằng, những nhận xét của tôi dưới đây chỉ là cảm tính cá nhân.
Tuy không hiểu biết nhiều nhưng tôi dám khẳng định rằng nếu xã hội thật sự tốt đẹp, ở đó pháp luật là thứ bảo vệ quyền của mỗi người và được thượng tôn, được thi hành nghiêm minh..., ở đó đạo đức làm người, giáo dục được coi trọng..., thì chắc chắn tỷ lệ những người mắc bệnh tâm thần sẽ giảm đi đáng kể và ngược lại, xã hội càng nhiều bất công, đạo đức càng suy đồi thì tỷ lệ những người mắc chứng tâm thần càng cao.
Đối với một người thì khả năng mắc bệnh tâm thần tăng lên khi người ta phải (Đôi khi lại coi là được) sống trong trạng thái bất thường về tâm lý..., tôi sẽ nói về những trường hợp “Phải” trước.
Một đôi trẻ có biểu hiện yêu nhau thắm thiết, họ thề non hẹn biển sẽ yêu thương nhau trọn đời, sẽ cùng nhau gây dựng tương lai, sinh con đẻ cái, chia sẻ trách nhiệm gia đình, cùng giúp nhau thực hiện hoài bão...
Nhưng một hoặc cả hai người, vì sự thôi thúc của tình dục, vì khao khát tình yêu mà đã đưa ra những lời thề hẹn kia khi chưa thật chắc chắn.
Thế rồi đùng một cái, một người bỏ ra đi, có muôn vàn nguyên nhân nhưng thường là do gặp một người..., “Lý tưởng” hơn, hay phát hiện ở người kia những thói tật không thể sửa chữa, không thể phù hợp, người ấy gọi là người “Bỏ”.
Người “Bị bỏ” chơi vơi, mất hết phương hướng..., tất cả xụp đổ..., đang trong tâm trạng được yêu, ngay lập tức sang tâm trạng bị bỏ rơi..., bao nhiêu dự kiến, mộng ước tan thành mây khói..., nếu chưa đủ kiến thức, chưa đủ kinh nghiệm họ sẽ coi cả thế giới này vô nghĩa, tình yêu mà họ đã bị chiếm đoạt sẽ không thể có lại với bất cứ ai..., và nếu không có phương cách, không có điều kiện để thoát ra, họ sẽ tự tử hoặc..., tâm thần.
Các quan hệ gia đình, xã hội khác cũng vậy.
Nếu đạo đức được thượng tôn (Cũng có thể thông qua tôn giáo), và đặc biệt kiến thức về tâm lý, về tình yêu, tình dục, hôn nhân, gia đình được trang bị đầy đủ ..., sẽ hạn chế được những trường hợp này.
Những người có chỉ số thông minh bình thường, có sức khỏe thể chất bình thường, làm ăn chăm chỉ và đứng đắn, nếu sống trong xã hội như ta hiện thời thì chỉ vì cái “Đứng đắn” họ sẽ phải chịu rất nhiều thứ mà họ coi là áp bức, bóc lột, ăn hiếp và bạo lực.
Một người tử tế, lao động giản đơn (Công nhân, nông dân), dù có chăm chỉ, hà tiện đến mấy chăng nữa thì ai cũng có thể hình dung được cuộc sống của họ thế nào và dường như ai cũng có thể bắt nạt được họ: Nhà chức trách, cô giáo, thầy thuốc, cảnh sát, và xã hội đen.
Họ không bao giờ nói ra nhưng có ai để ý họ nghĩ những gì trong đầu...? Có bế tắc không...? Nếu có tức là có thương tổn tinh thần.
Với một doanh nghiệp nhỏ, vấn đề đầu tiên, tiên quyết là sản phẩm với chất lượng và giá cả của nó, có đáp ứng được thị trường, có đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm do “không đứn đắn” mà có, thế rồi lại phải chịu bao nhiêu loại thuế, phí chính thức và không chính thức..., thế rồi các tổ chức từ thiện với các loại quỹ đến phiền nhiễu... Nếu “Đứng đắn” họ có tồn tại được không...?
Cái mâu thuẫn giữa tài năng, chịu khó với thất bại sẽ tấn công vào sức khỏe tâm thần của họ
Ở một cơ quan nhà nước, một người có sức khỏe tốt, có năng lực chuyên môn giỏi, đam mê nghề nghiệp và nguy hiểm nhất là lại có ..., “Đạo đức” tốt.
Họ sẽ sống như thế nào...? Những gì sẽ đến với họ...?
Như một lần đã nói, những người giỏi chuyên môn, cùng lắm chỉ tế nhị trong quan hệ chứ hiếm khi họ biết nịnh những người khác.
Và vì có đạo đức tốt nên họ không chịu đưa và nhận hối lộ.
Thế là họ trở thành cái gai không chỉ của sếp mà còn của những người thua kém họ về chuyên môn và đạo đức, họ sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi nhiều mặt của đời sống cơ quan...
Nếu vẫn không chịu thay đổi, nếu không thể có đường thoát, họ sẽ bị ức chế triền miên và chắc chắn sức khỏe tâm thần của họ sẽ bị thương tổn.
Một ví dụ về tình yêu nam-nữ để suy ra những đời sống tình cảm khác như con cái thấy bố mẹ ngoại tình, ly dị..., bố mẹ không thể dạy con cái, vân vân ...
Một người lao động giản đơn, một doanh nghiệp, một công chức, một trí thức để suy ra các đối tượng khác, đó là những người “Bị” đời sống xã hội gây thương tổn cho sức khỏe tâm thần.

(Kỳ sau sẽ nói về những đối tượng “Được” nhận những bất thường về tâm lý)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét