Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Tản mạn về Lời mời...!

Chào ngdoanbach!
Bạn vui tính phết nhỉ! Mình thích thế! Buồn nhiều rồi, tranh thủ cười được là cười thôi..
Tuy nhiên chú vẫn muốn bàn riêng với cháu vài vấn đề:
-Tiếng khóc là nhu cầu cần có trong đám tang truyền thống đấy cháu à. Khóc thật cũng được mà khóc như diễn kịch vẫn còn hơn không (Ấy là theo quan niệm truyền thống, và chú không phản đối).
Chú đã dự những đám tang và đám bốc mộ. Đôi khi các con cháu thương xót thật sự, họ khóc thật sự nhưng không thành tiếng, lập tức có người già nhắc ngay.
-Kìa ..! Con cháu đâu...! Khóc lên một tiếng chứ!
Ngày sửa ngày xưa, cái sự khóc ấy có quy định cả. Thương xót quá mà khóc thì các cụ động viên bảo nín đi để sức còn khóc tiếp khách.
Khóc tiếp khách là: Khi có người đến phúng viếng, người ta dâng lễ, xin phép và chia buồn với người sống (người con trai cả nhận) rồi thắp hương cúi lạy, nói với người chết những câu cuối cùng (có khi bằng một bài thơ, bài văn tế với những cách đọc khác nhau nhưng nói chung là lâm li thống thiết). Khi đó các con gái con dâu phải khóc, nếu lời khóc đả động đến người đang lễ thì càng tốt ví như:
-Ối mẹ ơi! Bác Minh mà mẹ yêu mẹ quý, mẹ thủ thỉ sớm chiều đang chào mẹ đấy mẹ ơi. Sao mẹ nỡ bỏ bác ấy mà đi mẹ ơi!
Hay
-Ối bác Minh ơi! Từ nay mẹ cháu ăn trầu với ai, hôm sớm trò chuyện với ai, bác Minh ơi!
Những lời khóc ấy thắt chặt thêm tình cảm giữa những người còn sống, vậy cũng có tác dụng, khóc đã thành văn thành bài cho cả con cháu và cho cả khách (nhiều nơi bây giờ vẫn còn giữ được).
Ngày nay, những bài khóc mướn của phường bát âm sau khi con cháu đưa tiền cũng phần nào xuất phát từ cái nguồn gốc ấy (điều này chú không ủng hộ) nó vừa mang tính giả tạo vừa làm cùn đi khả năng bộc lộ tình cảm vốn không cao, ít thật của người ta.
Đã có những câu truyện tiếu lâm về cái sự khóc theo bài ấy ví như:
Cô con dâu khóc tiếp khách nhiều quá, khản cả giọng, thấy trên ban thờ có đĩa quýt ai đó vừa mang đến viếng, cô ta vờ vật vã rồi .., nhón lấy một quả ngậm cho đỡ khô họng, không may tuột tay, trái quýt rơi lăn bô lô.., cô ta lại vật vã gào khóc cố với lấy nhưng sân dốc, trái quýt cứ lăn xa dần, cô khóc.
-Ối mẻ ơi! Càng ngày càng xa thế mẻ ơi!
Lại nói những bài “Văn khóc” hay còn gọi là “Điếu văn”, (theo chú, không phải chỉ cái bài do một ông to to nào đó trong chính quyền hay dòng họ, gia đình đọc trước khi đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng mới là “Điếu văn” mà hai từ này chỉ tất cả những bài khóc dù bằng văn vần hay văn xuôi) một nét văn hóa của người Việt, làm đẹp thêm và có tác dụng tới đời sống cộng đồng nhưng đáng tiếc đã mất gần hết.
Chú có cậu em kết nghĩa, vợ nó đột tử. Bằng tất cả thương xót chú viết một bài thơ (vừa viết vừa lau nước mắt), đọc cho thằng em nghe thử, nó ôm lấy chú mà gào lên thương vợ, thế nhưng khi đọc trước linh cữu người quá cố ở nhà tang lễ… chẳng mấy ai quan tâm.
Bây giờ sang vấn đề khác. Trước hết chú hỏi cháu.               
Khi làm lễ 50 ngày, 100 ngày, giỗ đầu bố mẹ, người ta phải mời khách đúng không? Theo cháu, khi mời người ta nói với khách thế nào? Chú thử đưa ra vài đáp án cháu xem có được không nhé.
1- Với bề trên.
-Thưa ông (bà, bác, cô…) chủ nhật này là…. Bố/Mẹ cháu. Mời …. Sang xơi cơm/rượu?
2-Với ngang hàng.
-Chủ nhật này sang tao nhé! …. Ông/Bà già?
3-Với bề dưới.
-CN này …. Ông/bà, …. Cháu/em sang chơi uống rượu nhé?
Thế được không? Nếu cháu quan tâm hãy viết cho chú một đoạn ngắn thôi. Chú sẽ có cơ sở để tâm sự thêm với cháu. (cứ viết thật với ý nghĩ của mình)

Cảm ơn cháu đã quan tâm đến vấn đề!
Còn các bạn, có ai nghĩ về lời mời này không...?
Khi ta mừng nhà mới, xe mới, khi ta hay thành viên trong gia đình đỗ đạt, thăng chức, khi nhà ta có tiệc vui (Cưới, hỏi)..., ta hân hoan và ta MỜI người thân đến CHIA vui.
Có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” cũng có người nói “Lời mời cao hơn mâm cỗ”, câu này có thể hiểu với nhiều cấp độ:
-Khi bạn có việc vui, bạn có mời tôi, điều đó thể hiện mức độ tình cảm của bạn đối với tôi, và đó mới là điều quan trọng chứ không phải bạn sẽ cho tôi ăn gì trong bữa tiệc
-Khi khách đến, chủ nhà niểm nở đón chào, trong xuốt buổi tiếp khách luôn cảm giác được chủ nhà trân trọng, quan tâm, khi ra về chủ lại tiễn ra tận cổng, chân tình cảm ơn..., tất cả những điều đó quan trọng hơn đồ ăn thức uống trên mâm. Ngược lại, ăn toàn sơn hào hải vị, uống rượu hạng sang nhưng từ đầu đến cuối chủ nhà chỉ mời lấy lệ rồi mặc khách ăn uống với nhau..., khách sẽ tự ái cho rằng mình đã “Vì miếng ăn” mà đến..., bữa tiệc không thể được gọi là vui vẻ, thành công, tình chủ-khách không vì thế mà được thắt chặt thêm.
Cũng có nghĩa, khi mời những loại tiệc này ta phải tỏ được sự trân trọng, vui vẻ.., bởi nếu mời với nét mặt ưu tư, lạnh nhạt người ta sẽ cho rằng mình “Bị mời” hay “Phải mời”, tất nhiên, người lịch sự sẽ kiếm cớ từ chối khéo.
Vậy khi mời việc hiếu thì sao..? Tỏ ra trân trọng thì hẳn rồi, nhưng có “Hồ hởi, vui vẻ” được không...? Nếu có, chả lẽ mình vui lắm sao...?
Vậy thì mời như thế nào...?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét