Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

PHẪU THUẬT VIÊN và QUAN TÒA...!

Trên báo Điện tử giáo dục có bài: “Đấu tranh cho công lý, gặp án oan phải bán nhà đền thì cán bộ xin nghỉ hết?” của tác giả Xuân Giang.
Trong đó: Đại biểu Quốc hội Vũ Xuân Trường (Nam Định) cho rằng, hầu hết các vụ án oan xuất phát từ lỗi vô ý và cho rằng: “đa phần người thực thi công vụ đều muốn hoàn thành trách nhiệm được giao. Do vậy, người ta làm oan sai để được cái gì? Bản thân tôi cũng chưa gặp trường hợp nào cố ý làm trái để trục lợi”.

Là Bác sỹ phẫu thuật, hơn ai hết, chúng tôi hiểu thế nào là tai nạn nghề nghiệp.
Muốn trở thành một Bác sỹ mổ (Phẫu thuật viên-PTV), trước hết phải được đào tạo chu đáo, phải nắm được cấu trúc giải phẫu, chức năng sinh lý. Trước khi chỉ định, PTV phải thăm khám kỹ để đánh giá bệnh xem có phải mổ hay không..? Mổ khi nào…? Và bằng cách nào..?
PTV cũng phải tham khảo các phương pháp điều trị, những cách mổ bệnh này đã có trên thế giới… Thế rồi người PTV phải trình bầy trước tập thể để thống nhất (Hội chẩn mổ).., cuối cùng là giải thích cho người bệnh và gia đình…
Thận trọng như thế nhưng những tai nạn nghề nghiệp vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí chết người và nếu một người có bệnh mạn tính mà tử vong sau mổ thì người PTV sẽ rất khó để giải trình.
Sẽ có rất nhiều lý do để người PTV đổ lỗi như: Mất điện, máy móc không hoạt động đúng như mong muốn, dụng cụ không phù hợp, thiếu sót của những người liên quan (Người chuẩn bị, người gây mê, người phụ mổ, người đưa dụng cụ…)
Nhưng vẫn không ít PTV dũng cảm nhận ngay lỗi thuộc về mình và nếu (thường thế) không phải lỗi cố ý thì hình phạt với PTV này cũng không quá nặng so với cái chết của người bệnh. Ở những cơ sở chính quy, PTV thường nghỉ mổ (Treo dao) một thời gian, vừa để anh ta ý thức được thêm, rút kinh nghiệm, vừa để anh ta kịp bình tĩnh lại trước khi mổ ca tiếp theo.
Ngược lại, nếu là lỗi “cố ý” và cái chết của người bệnh có nguyên nhân trực tiếp từ sự cố ý đó thì hình thức kỷ luật do luật pháp và người nhà bệnh nhân quyết định.
Ví dụ: Do người bệnh không tuân thủ hay do hướng dẫn không chu đáo mà trước khi đi mổ, người bệnh đã ăn. Nếu PTV “đã biết” mà vẫn cho người bệnh đi mổ, không thông báo với Bác sỹ gây mê, để người bệnh nôn, trào ngược gây tử vong vì tắc đường thở…, đó là lỗi cố ý.
Căng thẳng như vậy, nguy hiểm như vậy nên chỉ những người: Đủ trình độ, thật sự yêu nghề, đủ can đảm… mới làm PTV.
Thiết nghĩ, người làm quan tòa cũng phải như vậy.
-Cũng phải được đào tạo chu đáo về Luật, về kỹ thuật hình sự, về tâm lý xã hội, tâm lý tội phạm…, và nhiều thứ nữa
-Nhân danh Công lý, người quan tòa không thể đổ lỗi cho bên Kiểm soát, bên cảnh sát điều tra hay bên Luật sư.., càng không thể đổ lỗi cho bất cứ một tác động nào dù dưới lên, hay từ trên xuống.
Khác với PTV, nhiều trường hợp nếu không được mổ kịp thời, người bệnh sẽ chết, người làm Quan tòa hoàn toàn có thể trì hoãn quyết định nếu chưa đủ chứng cứ hay chứng cứ chưa đủ thuyết phục.., thậm chí cảm giác mách bảo có điều uẩn khúc.
Cũng như tình trạng người PTV cầm phong bì trước mổ, việc quan tòa nhận quà của bên nguyên hay bên bị trước sử… liệu có còn (dù dưới hình thức nào đi nữa)..?
PTV sai lầm có thể làm chết thật một người, quan tòa sai lầm sẽ làm chết dở cả một gia đình thậm chí một dòng họ.
Kết án oan sai chỉ có thể giải thích bằng một, hai, hay cả ba nguyên nhân sau:
1. Phẩm chất đạo đức kém, ăn hối lộ rồi vì thế mà làm méo công lý.
2. Bản lĩnh kém cỏi, xử án theo chỉ đạo, giật dây của kẻ khác, biết người ta bị oan sai vẫn kết tội, vẫn tuyên án.
3. Trình độ chuyên môn kém, bị phía cảnh sát điều tra hay bên kiểm sát, luật sư hay thậm chí chính bị can điều khiển
Những công việc đòi hỏi bản lĩnh, trình độ, đạo đức thường có mức lương cao và nên để ở mức lương cao so với mặt bằng xã hội. Có thể kể ra ngoài PTV và Quan tòa là; Phi công, CSGT, Thanh tra xây dựng, Hải quan …
Nhưng đồng thời ở ta những việc này cũng gắn liền với tham nhũng và tham nhũng vặt nên nhiều người dù không đủ năng lực cũng “Muốn được làm”
Thế nên cũng cần có những thiết chế chặt chẽ khiến người ta phải do dự khi chọn nghề, những người yếu kém phải biết sợ mà chuyển nghề, công việc chỉ dành cho người “Làm được” chứ không thể cho người “Được làm”

Kết luận:
-Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và những vụ tương tự, những người trực tiếp gây oan sai phải chia nhau chịu trách nhiệm. Bao gồm; Cảnh sát điều tra, kiểm sát, và tòa án.
-Chính họ phải bỏ tiền túi ra đền bù, chứ không phải lấy tiền nhà nước mà thực tế là tiền thuế của nhân dân. Nhân dân đã nuôi họ bằng lương, nay lại đền thay cho họ thì bao giờ họ mới làm đúng được.
-Cần phải xử ngược lại những người liên quan này nếu có tra tấn ép cung, nếu có hối lộ, nếu có vô trách nhiệm rõ ràng.
-Ông Nguyễn Xuân Trường đúng thật là… Đại biểu Quốc hội…!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét