Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

Khi "Nghiêm chỉnh chấp hành" thành quy chuẩn đạo đức

Ở Miền Bắc Việt Nam, ngay sau khi thoát khỏi chế độ “Phong kiến thối nát”, lập tức con người được sống trong một xã hội hoàn toàn mới, xã hội XHCN.
Ở xã hội Phong kiến, “Trên” bao giờ cũng đúng, dưới bao giờ cũng phải theo, bất luận đúng-sai.., cãi lại, có phản ứng lại là hỗn, là phạm quy tắc đạo đức…
Xã hội XHCN đặc trưng bởi nhiều yếu tố tốt đẹp, trong đó đáng kể nhất là sự công bằng, bình đẳng, dân chủ.
Công bằng được thể hiện qua câu: “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động” tức là; làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng..
Còn có chế độ nào tốt đẹp hơn thế..!
Làm theo năng lực tức là người dân có khả năng gì thì làm việc ấy, sức khỏe cho phép làm đến đâu thì làm đến đấy…
Ai có sức khỏe cứ việc ra đồng ruộng, nông trường, công trường, nhà máy.
Ai có khiếu văn chương cứ việc tha hồ viết văn, tha hồ làm thơ..
Ai khéo tay cứ việc làm thợ…
Ai mê khoa học cứ việc mặc sức mà nghiên cứu…
Làm gì có chế độ chính trị nào tốt đẹp hơn như thế…!!
Nói về những cái “Tốt đẹp” của chế độ XHCN thì nhiều…, nhiều lắm… kể sao hết…!
Về Công bằng-Dân chủ thì hẳn rồi
“Quan” là những người từ Dân mà ra, do Dân cử và hoạt động vì Dân… chứ không phải do thi đỗ, không phải do quan trên chỉ định, ban phát…, chẳng những được đối xử công bằng như dân mà thậm chí còn là “Công bộc”, là “Đầy tớ” cho dân, có nghĩa là quan có bổn phận giải quyết các sự vụ cho người dân, tạo điều kiện tối đa cho người dân lao động và hưởng thụ trên cơ sở pháp luật.
Làm quái gì có chế độ nào tốt đẹp hơn như thế…!!!
Dân chủ ở chỗ người dân được “Tự do ngôn luận”, được thoải mái trình bày quan điểm của mình về tất cả các vấn đề đời sống xã hội, được thoải mái đóng góp ý kiến cho đường lối hoạt động, phát triển từ địa phương đến quốc gia. Được bầu ra những người lãnh đạo địa phương và đất nước.
Dân chủ đến như thế, nếu nói “Gấp ngàn lần xã hội tư bản” chả đúng sao..?
Thuật ngữ “Gót chân Achile” để chỉ những chỗ yếu nhất của thứ mạnh nhất.
XHCN tốt đẹp đến như thế nhưng đem áp dụng vào Việt Nam kể từ ngày 19-8-1945, khi mà ngay hôm trước, ngày 18-8-1945, Việt Nam còn nguyên xi là một nước nửa Phong kiến, nửa thuộc địa… Có thể coi như, chưa một người Việt Nam nào có trình độ sống, được tôi luyện trong môi trường tự động hóa, công nghiệp hóa để có đủ phẩm chất và khả năng làm công dân XHCN.
Theo tôi, cái gót chân Achile của chế độ XHCN ở Việt Nam là ở chỗ đó.., chỗ trao CNXH cho người chưa phải XHCN, dùng người chưa phải XHCN để xây dựng CNXH…,đó là điều vô cùng tai hại.
Những con người chưa thật XHCN ấy được trao quyền lực mà quyền lực ấy được nâng lên tầm bạo lực .., “Bạo lực cách mạng”.
Bạo lực cách mạng để đè bẹp tất cả những gì, những ai cản trở con đường cách mạng XHCN với hình tượng “Dòng thác cách mạng” sẽ cuốn phăng những “Rác rưởi” trên con đường nó ầm ầm đổ xuống.
Nhưng quyền lực ấy, bạo lực ấy một khi trao cho những người còn đậm đặc tính nông dân của chế độ phong kiến thối nát, tính nô lệ của những người Phu (Chứ chưa phải Công nhân) thì ngay lập tức sẽ được dùng không phải chỉ để cuốn phăng rác rưởi cản đường cách mạng mà còn để thỏa mãn những nhu cầu của những con người kia.
Thế nên, nếu cứ xét những hoạt động, những biểu hiện cơ bản của cái xã hội xây dựng Công bằng-Dân chủ ấy sẽ thấy ngay từ đầu những mầm mống của bất công bằng, bất dân chủ…, và vì được cổ võ, động viên, dung dưỡng nên những mầm mống ấy phát triển rất nhanh, tỏa bóng che kín và tỏa rễ ôm chặt lấy đời sống xã hội.
Đó là ngay từ đầu và cho đến tận bây giờ, mặc dù không có văn bản quy định nhưng xã hội luôn động viên, luôn luôn đề cao thậm chí coi là thước đo đạo đức, là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của mọi người dân… đó là sự: “Nghiêm chỉnh chấp hành…”
Khi người dân khai lí lịch để làm bất cứ điều gì, kể cả để đăng ký kết hôn, đi học, đi làm… Có ai không khai điều đó..???
Khi cán bộ chứng nhận cho công dân để làm bất cứ điều gì, thuyên chuyển công tác, nhậm chức, vào Đoàn, vào Đảng… không thể không có mấy dòng đó…? Chỉ khác là có thêm chữ “Không”, chữ “Chưa” vào hay không mà thôi.
Vậy là cái dòng chữ; “Nghiêm chỉnh chấp hành…” là tâm điểm, là cơ bản.., là thước đo chất lượng của cá nhân và gia đình đương sự.., thêm chữ “không” hay chữ “chưa” vào phía trước mấy chữ ấy, thì mọi cố gắng coi như bằng không.
Từ những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đến những kế hoạch ở địa phương đều được đem ra “Phổ biến” và học tập (Học tập nghị quyết).
Nếu một người có kiến thức, dù tâm huyết với dân làng bao nhiêu mà góp ý, phân tích lợi hại với một chủ trương như: Xây một cái chợ, làm nhà văn hóa hay một hoạt động gì đó trong địa phương… mà đảng ủy đã thông qua, dù đã dùng những lời lẽ khiêm nhường, khôn khéo đến đâu cũng rất nhanh chóng bị coi là .. “Chống đối”.
Dần dần hình thành trong dân chúng cách sống .. “Im lặng”, “Không dại gì, không hơi đâu mà nói” và thật sự “Im lặng là vàng”, dù biết sai, biết sẽ thất bại nhưng cứ im lặng mà giơ tay biểu quyết, mà vỗ tay, mà làm theo sẽ được đánh giá là “Nghiêm chỉnh chấp hành..”, được bình bầu danh hiệu này nọ, được lãnh đạo yêu quý và rất có thể được thưởng, được lên lương sớm…
Một trong những đặc tính cơ bản làm nên người Cộng Sản là “Tính chiến đấu”, chiến đấu ở đây không phải chỉ với kẻ thù bằng da bằng thịt mà chiến đấu với sự dốt nát, chiến đấu với không công bằng, không Dân chủ, với chủ nghĩa cá nhân, với thoái hóa biến chất… Chiến đấu để đoàn kết để phát huy sức mạnh tập thể… Nhưng tính ấy cũng dần dần bị triệt tiêu ngay trong đội ngũ Đảng viên.
Ở những hội nghị, những cuộc họp bàn về một kế hoạch, những cuộc thảo luận… thay vì phải đào sâu suy nghĩ, phân tích đúng-sai, hơn-thiệt để đóng góp cho nghị quyết, phát huy sức mạnh tập thể để đấu tranh cho thắng lợi của Đảng thì người ta (Gồm cả những chuyên gia) lại lặng im chờ “Nhất trí” bằng biểu quyết hay vỗ tay.
Cụ thể như ngày nay, khi mà sự tha hóa biến chất đã khá phổ biến trong các cấp lãnh đạo, khi lợi ích nhóm đã thao túng nhiều hoạt động xã hội, rất nhiều…, rất nhiều những Đảng viên cộng sản chân chính vô cùng lo lắng cho sự tồn vong của Đảng mình, nhưng không ai lên tiếng chính thức trong các cuộc họp chi bộ, không ai làm gì… ngoài việc gặp nhau ca thán..
Cái lối sống, cái mẫu “Nghiêm chỉnh chấp hành” đã vô tình đè bẹp cái tính chất cơ bản của người Cộng sản, là tính “Chiến đấu”.
Một khi lối sống “Nghiêm chỉnh chấp hành” đã ngự trị trong xã hội, trong Đảng thì những người có quyền cũng thực sự biến thành những … Ông Vua. Tiếng nói của họ thành tiếng nói của Đảng, ý đồ của họ thành chủ trương của Đảng và quyết định của họ thành nghị quyết của Đảng ở nơi mà họ nắm quyền… cho dù về câu chữ vẫn phục vụ lợi ích chung nhưng khi thực hiện lại dễ dàng bẻ theo lợi ích của một số người.
Ai đang nắm quyền cũng muốn tìm mọi cách để bàn giao quyền lực ấy, bổng lộc ấy cho con cháu mình, thế là “Con Vua thì lại làm vua”  còn mọi người dân, mọi đảng viên mãi chỉ việc … “Nghiêm chỉnh chấp hành”.
Một xã hội mà quyền lực được cha truyền con nối, một xã hội mà người dân quen với quy chuẩn đạo đức “Nghiêm chỉnh chấp hành” thì là xã hội gì..?
Xây dựng con người mới XHCN là người yêu lao động, có khả năng lao động với trình độ cao, năng xuất cao, có trái tim yêu đồng loại, yêu đồng bào, yêu nước, có ý chí chiến đấu để vươn lên mãi mãi … Nhưng lại tạo ra mẫu người “Nghiêm chỉnh chấp hành” mang nặng tính cơ hội, thủ tiêu đấu tranh, chây lười, ỷ lại… Con người ấy là con người gì…? Không phải là con người mới XHCN nhưng lại là sản phẩm của quá trình xây dựng…
Xây dựng xã hội XHCN nhưng lại nhìn thấy những quan hệ xã hội kiểu phong kiến thì chả “thoái hóa” chả “biến chất” là gì.
Tuy đã “Hơi muộn” nhưng tôi tin rằng các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đang đoàn kết xung quanh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến quyết chiến đấu với cái thoái hóa-biến chất ấy.

Mong rằng các đồng chí sẽ tạo điều kiện để mọi người dân, mọi Đảng viên cùng góp sức trong công cuộc chiến đấu này, chứ cứ “nghiêm chỉnh chấp hành” mãi…, cứ chờ để “ơn Đảng, ơn Chính phủ” mãi thì … Chán quá..!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét