Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

LẠM BÀN: Việt-Mỹ lẩy Kiều...!

Nếu tạm thừa nhận Chuyện Kiều có thứ ngôn ngữ riêng, ngôn ngữ Kiều, thì cũng có lý. Trong đời sống dường như ta gặp ai cũng thấy giông giống một nhân vật trong Kiều, gặp sự kiện nào cũng có thể thấy, có thể ứng với một chuyện, một sự kiện trong Kiều, thế nên hai người hiểu Kiều nói chuyện với nhau có khi người khác không hiểu.
Cuộc sống thay đổi và thứ ngôn ngữ ấy cũng dần mai một.
Tôi chả phải nhà ngoại giao nhưng nghĩ rằng, khi bạn tiếp xúc, bàn việc mà nắm được văn hóa của đối tác thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Nếu bạn thảo luận một thương vụ với đối tác người Hơ Mông mà biết cách ngồi, cách nói, biết cái người ta tôn trọng, kiêng kỵ.., có thể uống rượu ngô, ăn mèn mén…, thì kết quả như ý sẽ đạt được dễ dàng hơn.
Nếu bạn giải quyết một mâu thuẫn với người Ê Đê mà biết uống rượu cần, biết hát một bài ca truyền thống của họ cũng vậy…
Việt Nam và Mỹ có những cuộc thương thảo lớn mang tầm thời đại.
Trong khi ở chiến trường, quân đội hai nước “Choảng nhau thật lực” thì ông Kít Sing Gơ và ông Lê Đức Thọ cũng “Chơi nhau” bằng đủ trò… Người ta bảo rằng; khi câu chuyện vào thế bí, ông Mỹ lại bỏ rượu ra mời…, ngược lại, có khi ông Ta lại.., lăn ra ngủ..!
Khi đó, văn hóa của bên này làm bên kia khó chịu, bực tức.
Việc nướng nhau ở thành cổ Quảng trị, việc đánh 12 ngày đêm ở Hà Nội đều có nguyên nhân và đều có ảnh hưởng đến kết quả thương thảo.
Thế rồi 20 năm sau, người Tổng thống ký quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đến tận Hà Nội lẩy hai câu Kiều
"Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đây đà sang xuân"
                            
Phải chăng, ý Tổng thống là: Mọi thứ đều thay đổi theo quy luật của tạo hóa, hết “Đông tàn” thời đến “Xuân sinh”.., cũng như người Á Đông còn có câu “Qua cơn bĩ cực tới ngày thái lai” hay: “Hết mưa là nắng hửng lên thôi”.
Phải chăng, thông điệp của Tổng thống là; Quá khứ hãy khép lại, vận hội đang mở ra đấy.., mùa xuân đang đến đấy, chỉ tùy thuộc ta có biết thụ hưởng hay không mà thôi..!
Hai mươi năm tiếp theo, cũng như quá khứ những cơ hội để hai nước thắt chặt thêm quan hệ cứ lần lượt bị bỏ qua…, phần nào đó là do cả hai phía “Không chịu” hiểu hết nhau.., khi đám mây đen bay đi, người ta không chịu tranh thủ mà ngắm “Ánh trăng vàng” .., khi “mây mù” loãng ra, khi rào cản lỏng ra.. người ta không tranh thủ bước thêm một bước mà đến bên nhau.., cứ thế, cứ thế.., hai quốc gia có lợi ích cùng nhau, có nhu cầu hỗ trợ nhau phát triển.., bên nọ nắm cái then chốt của bên kia mà không thể đến được với nhau…
Những cơ hội cứ đến rồi đi khiến không ai còn dám nghĩ đến ngày gặp gỡ, cứ nghĩ rằng mãi mãi là: “Kẻ thù không đội trời chung” của nhau.
Cũng như nàng Kiều gia đình tan nát, trôi dạt theo số phận con hát, mấy lần đã tìm đến cái chết…, cuộc đời kể như là hết, mối tình với chàng Kim tưởng như vĩnh viễn không bao giờ gặp lại, có lại…
Trai tài, gái sắc là thế, yêu nhau là thế, thề non hẹn biển là thế mà.., Ông trời chia cắt…!
Mối tình (Hữu nghị) Việt-Mỹ cũng vậy…!
Người đầu tiên Thúy Kiều trao thân là Sở Khanh, kẻ luôn dùng cái mẽ (Thế mạnh) của mình để lừa đảo “Con gái nhà lành”. ., đoạt được tham vọng của mình rồi thì trở mặt như bàn tay…, trở mặt như …“Sở Khanh”, bởi cái bản chất “Sở khanh” trong con người Sở Khanh là cố hữu.
Nàng Kiều cũng từng có mối tình với Thúc Sinh, người cũng say mê tài sắc của nàng, từng khoác lác hứa hẹn một cuộc sống an lành, đủ đầy cho nàng… nhưng rồi bỏ nàng ở kiếp tôi đòi khi quyền lợi của chính mình bị đe dọa.
Kiều cũng từng nép bóng một anh hùng hảo hán, kẻ: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” nhưng cái nền tảng của người ấy không vững chắc, không phải vì nhân nghĩa mà thu phục lòng người làm kế dài lâu, sức mạnh dựa trên cơ bắp.., thứ rồi sẽ theo thời gian trôi đi…, đã thế lại tăm tối vô mưu, dễ dàng xa vào cạm bẫy.., nên tan vỡ, “sụp đổ” là không thể tránh khỏi.
Từ Hải đã “Chết đứng” cũng có nghĩa là chỗ dựa cuối cùng của nàng Kiều “sụp đổ..!”
Tưởng như đã chết ở sông Tiền Đường, nhưng trời chưa cho, vận chưa hết, sau cái lần ‘chết hụt” ấy, số phận vẫn không buông tha, hay nàng không đủ tỉnh táo, dũng cảm chống lại số phận mà cứ để:
“Ma dẫn lối, quỷ đưa đường
Lại tìm đến chốn đoạn trường mà đi”
Cứ đi rồi ngã, không chết lại đi để rồi đến một ngày tự thấy cái “Tấm thân” của mình ê chề, mệt mỏi đến không thể tự mình đứng vững được nữa, xung quanh lại toàn là …,“Những nước non người”.
Chuyện Kiều kể về một mối tình, nhưng đọc chuyện Kiều dường như người ta chỉ thấy sự thủy chung khao khát của nàng mà ít ai để ý rằng; nếu không có sự thủy chung của chàng Kim, nếu chàng không bền gan vững trí đi tìm ngay cả khi ai cũng cho là tuyệt vọng.., nếu chàng chỉ lo cho lợi ích của chính mình thì với “Thế mạnh” khi ấy, với bổng lộc chức tước, với vợ đẹp con khôn.., chàng cần chi Kiều nữa.., thì làm sao còn có ngày Kim- Kiều tái hợp…!
Chừng mực nào đó, quan hệ Việt-Mỹ cũng vậy…, xin miễn bàn thêm…!
Phải chăng, cái sông Tiền Đường xưa nay đã hóa.., Biển Đông..? Tưởng là nơi để vùi chôn oan khuất, ước nguyện một đời lại là nơi khởi đầu tái ngộ..!!!
Lãnh tụ Hồ Chí Minh, TBT Lê Duẩn cùng nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam đều có ước muốn xây dựng tình đoàn kết, hợp tác Mỹ-Việt…, chỉ tiếc không thành…!
Thế nên hình ảnh TBT Việt Nam hội đàm với Tổng thống Mỹ trong phòng bầu dục của tòa Bạch ốc mới đi vào lịch sử…
Vì thế, xin được chúc mừng ĐCS VN, chúc mừng cá nhân ông TBT đã đi vào lịch sử, đã làm được điều, làm được việc những bậc tiền bối muốn mà chưa thể…!!!
Quay trở lại với việc “lẩy Kiều” của chính khách Mỹ.
Điều đó thể hiện tài năng ngoại giao của chính khách Mỹ mà tôi không thể dùng từ nào hơn là.., “Thán phục”. Điều đó cũng thể hiện sự chuẩn bị chu đáo và hiệu quả của phía Mỹ cho cuộc gặp lịch sử này.., thể hiện sự mong chờ của phía Mỹ (Bao gồm Chính quyền và người dân Mỹ) cho ngày tái ngộ..!
Tôi hân hoan chúc mừng Đảng là chính, nhưng thực lòng…, hơi buồn vì phía ta không có đối đáp, sự chuẩn bị của phía ta liệu đã được coi là chu đáo..? Khi mà đã có tiền lệ Tổng thống Clinton lẩy Kiều tại Hà Nội.
TBT đối đáp như thế nào thì tôi không dám, nhưng nghĩ rằng:
-Tổng thống Mỹ đã sử dụng tác phẩm văn hóa Việt.., giá như TBT Việt dùng một tác phẩm văn hóa Mỹ thì tuyệt làm sao..!!!
Một người bạn, người anh đang sinh sống tại Mỹ gợi ý dùng: "Gone With the Wind" (Cuốn theo chiều gió) nhưng tôi không thích lắm. Tuy thực tế có thể là như vậy.., nhiều người nhận định như vậy, nhưng đến với nhau mà nói thế thì chả khác bảo rằng: “Ta đến với nàng chẳng qua là số phận, vì thời thế, vì không thể kiếm được ai khác mà thôi…!”.., “có thể” nhưng “chưa chắc” đã là như vậy và điều đó không thể hiện được ước muốn hai bên.
-Cũng có thể dùng Kiều để đối đáp và nếu có như vậy, người ta sẽ hiểu thái độ, tinh thần và dự định của phía Việt Nam.
-Nếu nghĩ rằng Mỹ cần Việt hơn Việt cần Mỹ, nếu nghĩ rằng quan hệ này là “Cực chẳng đã” mà thôi thì có thể dùng như anh Thế Duyên và chị Hoa Mai:
“Vui là vui ngượng kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai”
Và nếu vậy thì đừng ai hy vọng quan hệ Việt-Mỹ sẽ “đậm đà” hơn.., thực tế có lẽ không vậy.., tôi và nhiều người không muốn vậy..!
-Bạn Lê Ngọc (mới biết, chính là Bloger Nuocmatngoc) dùng:
“Hai tình vẹn vẽ hòa hai 
Chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ”.
Tôi cho rằng cũng được, nhưng thế thì… “Nhạt quá..!”, Việt-Mỹ cần “Đậm đà” hơn không chỉ về văn hóa mà kinh tế và đặc biệt là “Quân sự” nhằm làm êm cái con sông “Tiền Đường” kia, không để nó thành bãi tha ma vùi chôn hy vọng mãi được..!
-Từ nước ngoài, bạn Vạn An muốn TBT dùng câu:
"Chút chi gắn bó một hai
Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh"
Câu này khá hợp, nhưng có lẽ để đối đáp với ngài Bill cách đây 20 năm và:
"Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đây đà sang xuân"
Thì hợp hơn, cái bước “chớm chỉnh”, “đánh tiếng” của mối tình Việt-Mỹ đã qua rồi, giờ người ta cần “Chạm ngõ”, rồi “ăn hỏi” ngay cơ..!
-Thầy Nguyễn Lâm Cẩn thì lẩy:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Vâng! Mối tình V-M quả là đã qua những “Cuộc bể-dâu”, những cơ hội cứ lần lượt bị bỏ qua để rồi núi xương, sông máu, thấy thế, ai mà không “đau đớn lòng” cho được. Nhưng lúc này không phải để than vãn nữa, “mây mù ngoài ngõ” đã tan, việc của chúng ta (Cả Mỹ và Việt) là “Vén mây giữa trời” cơ mà…!
-Một Bạn đọc, rụt dè nói:
Trong ngữ cảnh, bối cảnh ấy, TBT có thể vận dụng câu này không?
"Đã không duyên trước chi mà
Thì chi chút ước gọi là tình sau"
Cũng nặng tình nặng nghĩa lắm, hứa hẹn lắm.., nhưng nói vậy chả nhẽ hai nước không thể gặp nhau được hay sao…? Đang gặp đấy thôi…! Không hợp rồi.., Bạn đọc ơi…!
Tôi phản hồi rằng: Thế thì; say good bye..! À…?
Bạn ấy “Cãi lại”:
"Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay."
Sao không dùng luôn câu này nhỉ…? Tuy vẫn chỉ là nhận định, chưa mở được ra cái hướng trước mắt theo quan điểm của phía VN.
-Bác Netque thì muốn TBT nói:
"Tóc tơ các tích mọi khi 2907
Oán thì trả oán, ân thì trả ân 2908
Đã nên có nghĩa có nhân 2909
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen" 2910
Đoạn này thể hiện quan điểm, “lập trường” của TBT Trọng… Hay lắm..! Tôi đã phải trả lời Bác Tructam bằng những hai cái phản hồi nhưng vẫn thấy thiêu thiếu điều gì, cũng có lẽ vì trong lòng cứ muốn, cứ nôn nóng như chàng Kim.., đã gặp lại nhau là phải… “Ấy” ngay cho “bõ”, kiểu như:
“Lấy vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày, lắm kẻ gièm pha”
Mà “kẻ gièm pha” sờ sờ ra đó, đang tức tối, đang điên cuồng “gièm pha” đó, mà nó lắm mưu nhiều kế lắm..! Phải “cưới liền tay” mới được…!
-Người Hà Nội thì than rằng:
Thôi đành nhắm mắt đưa chân
Thử xem con tạo xoay vần tới đâu. “
Tôi và chắc nhiều người không muốn thế, tại sao thì chắc mọi người đã hiểu…!
Người Hà Nội phân tích thêm:
Về chính trị, kinh tế xã hội VN và TQ là 2 chị em ruột, lúc cãi nhau lúc thân thiện. VN thăm Mỹ, TQ cũng thăm Mỹ, nhiều nước thăm Mỹ. Nếu VN không tự thay đổi mình để có những điểm chung với Mỹ, thì người ta chỉ gửi vui câu thơ là hết, còn người ta chơi với TQ vẫn có lời về kinh tế hơn. VN có dám chủ động không?”
Vẫn biết thế, nhưng chả ai muốn thế và hoàn toàn có thể làm khác thế…!
-Bác Trịnh Tuyên bảo:
Giá ông Trọng đọc câu: 
Biết thân đến bước lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung
Tôi ước gì cụ Nguyễn Du cho đổi chữ “Thà” thành chữ “Thì” để; Thôi thì “Nhị đào” đây, em bẻ cho “người tình chung”.
Biết tôi chưa.. khoái, bác TT lại thêm:
Chắc Phẫu thích câu này: 
Rằng qua trong đục vàng thau
Mười phần ta đã tin nhau cả mười...
Câu này hơn hẳn, nhưng.., có vội vã quá không chàng Tuyên ơi…! Trong hội đàm TBT có nhắc đến những quan điểm còn khác nhau, sẽ được tiếp tục thỏa thuận và không để những khác biệt ấy cản trở quan hệ cơ mà…! Thế thì chưa thể.. “tin nhau cả mười” được chàng ơi..!

Quan hệ Việt-Mỹ rồi sẽ thắt chặt hơn, đó là rõ ràng nhưng đến đâu…? Còn tùy thuộc vào cả hai bên và đặc biệt là sự chủ động của phía Mỹ, sự tích cực của phía Việt.
Trong quan hệ ấy Việt Nam có cái bất lợi muôn thủa vì là một “nước nhỏ” nhưng lại có địa chính trị đặc biệt, có tương lại ASEAN nên thiết nghĩ không cần phải tự ty thế.
Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của TBT.
Nếu được thì tôi muốn TBT dùng ngay hai câu tiếp theo:
“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Chỉ là “Chơi Kiều”, “Lẩy Kiều” nhưng phản ảnh đúng thực trạng quan hệ Việt-Mỹ, vẫn giữ được quan điểm, được thế mà lại mở ra hứa hẹn đi xa hơn.

Hy vọng, quan hệ Việt-Mỹ sẽ sáng “hơn mười rằm xưa” … Còn muốn gì hơn thế..!!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét