Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

BẮC CẠN-NGƯỜI TÀY BA BỂ- Ký sự!

Mới đây nghe một bà cụ nói: “Muốn yên thì lên Thái Nguyên mà ở”, có đi, có thấy mới biết cụ nói phải. Hai lần lên Thái, đỗ xe ở một vỉa hè rộng, có kẻ sơn chia ô hẳn hoi, sạch bong, cả hai lần đều không thấy ai ra ... thu tiền. Nhìn những người đi xe máy, đi bộ, những cô quét đường, những bà bán hàng rong..., cũng thế thôi..., cũng âu lo toan tính nhưng dường như với mức độ nhẹ nhàng hơn nhiều lắm, không căng thẳng, nhớn nhác đến mức mất lòng tin như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, hay Thanh Hóa ..., cái “Yên” trong “Muốn yên thì lên Thái Nguyên mà ở” đọc được từ những nét mặt ấy.
Bắc Cạn cao hơn Thái và hình như còn “Yên” hơn Thái.
Đường đi Cao Bằng cũng không khác mấy, thi thoảng những mẹt quýt màu lẫn lộn vàng, xanh và đen đen của muội ..., nhớ lúc gần đến Bắc Cạn đã rẽ vào một hàng.
-Bánh gì đây cô..?
-Bánh củ chuối đấy...! Mua đi...! Ngon lắm...!
Hừ..! Bánh nào đem bán mà chả ..., Ngon lắm...! Mua đi...!
-Giống bánh gai nhỉ...! Nhưng sao lại gọi là củ chuối...?
-Làm bằng củ chuối rừng mà...! Ngon lắm..., đặc sản vớ...!
-Bánh này luộc từ hôm qua à..?
-Không...! Tuần trước...!
-Thế thì chả mua đâu..., có bánh mới không...?
-Khách hỏi nhiều thì nói thế thôi..! Hôm nào cũng luộc mà...! Kia kìa..!
Trong bếp, cái nồi bánh trưng đang sôi sùng sục.., mở vung, khói bay nghi ngút, nhưng khoanh củ chuối rừng thái mỏng nảy tưng tưng theo những bọt nước sôi... ô kê! Ăn một cái..., ngon thật!
-Thế quýt này là Tầu hay ta..?
-Ta chứ...! Quýt Bắc Cạn mà...! Đặc sản đấy...! Trồng ở trên rừng í...!
Phải, đã từng nghe đâu đó quýt Bắc Cạn.., đúng rồi..., ngày xưa, với các bà sành ăn thì món rươi phải có vỏ quýt Bắc Cạn mới hợp.
-Chua không...? Ngọt bằng ..., quýt Tàu không...?
-Không ngọt, không chua..., thơm lắm...!
-Ăn thử một quả có phải trả tiền không...?
-Không...!
Đúng là thơm, không ngọt nhưng hơi chua.., vờ nhăn tít mặt, cô hàng lúng túng
-Bảo rồi mà..., có chua ..., nhưng không chua lắm...!
-Cô này ghê nhỉ! Vừa nói không chua, khách ăn nhăn mặt lại bảo..., không chua lắm...! Tôi đùa thôi! Nhưng đúng là ..., hơi chua một tý, tôi bị dạ dày, không ăn được.., thế bí này là thế nào...?
Chỉ tay vào mấy trái bí tròn to như quả bóng đá phủ đầy phấn trắng.
-Bí thơm .., trồng ở trên rừng đấy.., ăn dẻo lắm..., mua đi...!
-Ngon lắm nữa chứ...! Có..., thuốc sâu không...? Có bón thuốc tăng trọng không...?
-Không..! Ở trên rừng mà...! Để một năm vấn ăn được...! Đứng gần đã thơm rồi mà..., đấy...! Ngon thật mà..., dẻo lắm...!
-Ừ...! Thơm...! Nhưng bây giờ cô đứng ra đằng kia.., ra tận cửa bếp í...
Cúi xuống đống bí hít hít..., thơm thật, vẫy tay gọi cô hàng tới.
-Cô có biết người Kinh còn gọi người Tày là gì không...?
-Không biết..!
-Là Thổ...
-Thổ mổ kinh chứ gì..., không mổ đâu...!
-Mổ đấy...!
Quay sang mấy ông khách mới xuống xe đang ăn bánh củ chuối
-Cô này nom hiền lành thế thôi, nhưng biết bôi nước hoa vào người rồi đứng gần đống bí, vì biết mũi bọn mình chỉ thính với mùi ấy thôi..
Trở lại vơi cô hàng
-Hồi nãy thấy thơm, cô đứng xa thấy hết, giờ..., lại thơm...!
Chủ khách cười vang
-Nói đùa thôi, chiều ngày kia tôi về, nhớ phần hai chục bánh mới như hôm nay và 4 quả bí nhé...! Bây giờ tôi trả tiền, mười cái bánh và một quả quýt.
-50 nghìn bánh...! Quýt không lấy tiền đâu..!
Ngã ba Phủ Thông, cái biển đề Cao Bằng 111 Km, Ba Bể 48 Km, không thấy những xóm bên đường, những thửa ruộng mù mịt khói rạ, những người già trẻ con, những trâu, bò, chó, gà đi phất phơ trên đường nữa, bắt đầu và liên tục những cái đèo ngoắt nghéo, dốc tuột.
Mấy ông tự lái chú ý nhé, đừng cậy cao to mà để ghế ngả quá, tầm quan sát gần sẽ hạn chế..., Mấy ông chỉ quen chạy đường phố cũng chú ý nhé, đừng quá tôn trọng vạch liền và vạch rời ở trên đèo, dường như chúng chỉ có ý nghĩa khi tránh nhau thôi..., đang đổ đèo, tự nhiên thấy cảm giác thiếu tin tưởng, dúi một phát..., suýt nữa lao vào vách đá..., dừng lại, định thần mới hay là mình đã để ghế ngả và quá tôn trọng vạch.
Ở cái cổng trời (Đỉnh đèo) thứ ba, áng chừng chỉ còn cách đích ngót chục cây nữa, những tia nắng cuối ngày nhuộm hai vách núi vàng rực, những bông lau ở đây dường được tắm nắng ấm cũng tỏ ra phởn phơ thỏa mãn đung đưa khoe cái màu trắng sung túc, mịn màng.
Ba bốn mụ dân tộc đang ngồi ngả ngốn bên những sọt hàng buôn chuyện.., chắc bán gì đây, dừng xe, lùi lại, cố làm dáng khệnh khạng bước xuống, đi tới.
-Các bà bán hàng ở đây có đúng không...!
-Vâng! Bác mua gì..?
-Tôi không mua gì...! Tôi hỏi các bà có giấy phép của ủy ban chưa...? Thông tư mới về kinh doanh buôn bán nhỏ đã biết chưa...?
Ba mụ mặc đồ dân tộc ngơ ngác, mụ lớn tuổi nhất, mặc đồ kinh, áng chừng trên dưới 50t cười toe toét.
-Bác cứ đùa dai...! Chúng em nhìn biển số là biết bác ở đâu đến rồi...! Thế bác đi đâu mà muộn thế...? Mua măng cho em nhá...!
Hì hì...! Thế mà ở Hà Nội dọa được mấy đám đấy..! Có mụ bán cam ở Cầu Diễn, khi mình dọa thì tin sái cổ, ra sức xin xỏ rằng hoàn cảnh, rằng tranh thủ, rằng vân vân..., đến khi nói thật rằng: Tôi đùa đấy.., bán cho tôi một chục về quê thắp hương...! Thì lại không chịu tin, nhặt vội nhặt vàng đến hai ba chục, dứt khoát “Biếu bác” không chịu lấy tiền..., thế là gậy ông đập lưng ông, ra sức phân trần rồi tự tay nhặt ra 10 quả..., nhận tiền mà mặt vẫn tái tái, mắt cứ lấm la lấm lét...
Mấy mụ thổ này thì đành chịu thua, họ ngồi đây cả ngày, ngoài bán hàng cho khách du lịch thì chỉ còn mỗi một việc để đốt thì giờ ấy là xem biển số để kháo nhau xe này từ đâu đến, qua các mụ mới biết Bắc Ninh Bắc Giang có biển số to nhất 98, 99 rồi đến Bắc Cạn 97.
Làm ba cái bánh tẻ, ăn cho chắc, răng đang đau, tối nay ăn ở nhà người tày, biết thế nào...
Mụ ngồi ngoài cùng bày bán những chùm quả gì vàng mọng to bằng ngón chân cái.
-Quả này là dâu đất à..?
-Không..! Dâu da dây...!
-Ăn được không..?
-Không...! Làm thuốc thôi...! Chữa ho...! Mua đi...! Phơi khô, nghiền nhỏ pha nước uống là không viêm họng đâu...!
Chỉ tay vào cái mẹt
-Chỗ này bao nhiêu tiền..?
-Mười nghìn thôi...!
-Ô Kê! Tôi mua...!
Mụ nhặt một chùm cỡ mươi quả.
-Thế này thôi á...! Tôi hỏi tất cả chỗ này cơ mà...!
-Mười nghìn một chùm thôi...! Thêm cho bác hai quả nhé...!
Hừm...! Lại bị mổ phát nữa rồi.., loay hoay với hai bàn tay dính bánh, toan chùi xuống cỏ.
-Nước kia kìa bác...!
Sau một cái lối vào, dưới rãnh bên đường, một cái chậu nhôm trên có cái máng bằng nứa, nước chảy róc rách, người ta chỉ cần cào dọc theo vách núi độ 5-6 mét rồi bắc cái ống nứa vào là nước trong vắt chảy suốt ngày đêm..., rửa tay, vốc nước ấp vào mặt.., không lạnh lắm.
-Nước này uống được không..?
-Trước kia vẫn uống.., nhưng bây giờ ô nhiễm rồi..., đừng uống...!
Xuống dốc, dưới thung lũng, chẳng hiểu người ta đốt gì mà nhiều cột khói thế, cứ y như cảnh đánh trận trong Tam quốc vậy.., xa xa đỉnh núi cuốn một dải mây trắng nom như cái miệng khói của nhà máy điện nguyên tử.., thi vị hơn cũng có thể coi như chòm râu bạc của ông già núi..., người Bắc Cạn gọi núi này là pi..a jza, với núi Pi.a.. Bi.. ioc tạo nên hai đỉnh huyền thoại với câu:
Đỉnh Pi. a Jia, không bao giờ vắng mây
Núi Pi.a Bioc, không bao giờ thiếu mưa.
Người ta bảo quanh năm nhìn lên đỉnh Pia jzạ đều có đám mây trắng che phủ, dù mùa đông hay hạ, hễ lên núi pia-Bioc đều thấy mưa.

Cái địa hình, khí hậu nó tạo nên thế, không biết còn ẩn ý gì nhưng thấy họ tự hào lắm khi nói câu này. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét