Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Lại đến BÀ CHÚA KHO

Chủ nhật chả có việc gì, rét..., mấy bận thò cổ ra rồi lại kéo chăn..., ngủ. Chuông điện thoại reo.
-A lô! Anh bận không...?
-Anh đang ngủ..., mà có việc gì đấy...?
-Đi Bà chúa kho không..?
-Anh có buôn bán gì đâu...? Mà lễ mãi có giàu đâu..., thôi..., em đi đi...!
-Ai khiến anh lễ...!
-Thế đi làm gì...?
-Lái xe cho em...!
À..., nhớ rồi, cô em có cái Altis nhưng chỉ tự đi loanh quanh, chửa dám ra khỏi Hà Nội bựn nào.
-Thế có được ..., thụ lộc không...?
-Sao lại không...!
-Ô Kê...! Đi...!
Khác với mọi khi, đền vắng hẳn, trong bãi chỉ mươi mười năm cái ô tô..., kinh tế suy thoái, thánh thần cũng..., vạ lây.
Một cái “Biển xanh” duy nhất nhưng hình như cố tình đỗ nghênh ngang cho thiên hạ thấy..., chắc nhân vật “Ác” đây!
Trên đường đã hỏi chúng nó (Ba cô giáo) đã chuẩn bị đồ lễ đầy đủ chưa.., đủ rồi..., thế mà vẫn vào một nhà..., họ líu tíu bày mâm, viết sớ, mình để ý dãy Ki ốt đang bị phá dở dang.., những miếng vữa màu trắng lộ rõ những hạt vôi chứng tỏ được xây từ thời 90.
Chợt nhớ lần đầu đến đây, chắc cũng dịp ấy, cả quả đồi này còn hoang vu, mái đền thấp tè với duy nhất một bà cụ thủ đền.
Theo chúng nó vào, lẩm bẩm khấn.
-Tôi tên là... ở... hôm nay theo chúng bạn đến đây, xin Bà chúa phù hộ cho quốc gia dân tộc được thật sự độc lập, xin bà chỉ bảo cho các đồng chí làm kinh tế để dân bớt khổ..., xin cho các cháu mạnh khỏe, học hành thành đạt, xin cho tôi được khỏe mạnh, tỉnh táo để viết Bờ Lốc tiếng Việt hiệu quả...!
Liếc sang chúng nó thấy chỗ nào cũng quỳ, khấn vái rồi lầm bẩm những gì lâu lắm.., rồi lại gieo quẻ, cứ như “Nhà nghề” í.
BIA CÔNG ĐỨC
Lang thang vãn cảnh, ừ.., cái địa thế hay, lưng chừng một quả..., quả gì nhỉ.., núi thì hơi thấp, đồi thì hơi cao, đứng ở cổng nhìn xuống là cảnh chúng sinh, trên cao sau lưng là nới Bà chúa ngự tọa.
Bỗng thấy một dãy bia đá, tuy được gắn vào một bức tường có mái, hoa văn rồng phượng hẳn hoi nhưng lổn nhổn, cái cao cái thấp, béo gầy, nhỏ to..., họ nghi cái gì thế thỉ...? Hóa ra là bia công đức, cái thì chỉ ghi “Bia công đức”, cái oai hơn “Bia vàng công đức”, người nhiều nhất hơn trăm triệu, bức hoành, đôi câu đối..., người ít nhất 500 000..., sao nghi nhiều thế nhỉ...? Một dãy đến chục mét những cái bia lổn nhổn như vậy.., tò mò tìm thêm thì thấy ít nhất có ba khu như vậy, một trong ba khu ấy là cả cái nhà tròn, bên trong chứa một cái khung hình trụ ba tầng có thể xoay được, mỗi tầng gắn những tấm bia có thể xoay để đọc hai mặt..., vẫn thế, năm trăn, một triệu, năm triệu...
Người mình háo danh thật...!
Nhớ hôm về Bệnh viện huyện mổ, thấy trước cái cây có cái cột trụ bê tông, trên đặt tấm bia đá “Cây Kim Giao, đồng chí: ..., Chủ tịch Huyện trồng tặng”..., bây giờ ở đây, người ta bỏ 500-1 triệu để thật tâm công đức hay để mua lấy dòng tên mình trên bia đá..., đố ai biết...? Bởi nhẽ đã thật TÂM thì không cần khắc bia và đã cần khắc bia thì coi TÂM ..., bớt thật..!
Ba cái khu để bia công đức ấy đủ phá vỡ cảnh quan ngôi đền vốn được coi là chốn linh thiêng.., thiết nghĩ, nhà đền chỉ cần lập cái bia ghi ngày tháng khởi công, hoàn thành và .. “Với tấm lòng công đức của khách thập phương”..., thế là đủ.
SỰ TÍCH            
Lần đầu đến đây đã nghe bà thủ đến kể, đã một lần đọc tài liệu..., giờ trong khuôn viên đến có đến ba cái bia được xem như giới thiệu sự tích Bà Chúa, một cái lớn ở ngay cổng vào có nội dung “Hơi khác” so với hai cái còn lại và một trong hai cái còn lại được đặt trong cái nhà tròn, có bát hương và mâm bồng hẳn hoi..., buồn cười lắm cơ..., để ý thấy nhiều người đi hùng hục, cứ chỗ nào có bát hương là rút tờ tiền lẻ đặt lên, khấn vái lia lịa.., đồ rằng quá nửa trong họ không biết mình đang vái cái gì..!
NHÀ TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ
Chúng nó còn lễ “Kỹ” lắm..., rồi còn lễ tạ, hóa vàng nữa, lang thang cho hết, trèo lên đỉnh sẽ có cảm giác rất lạ, nếu đứng ở đền nhìn xuống là cảnh dân chúng sinh sống thì đứng trên đỉnh đồi thấy ngay đưới là chốn thờ cúng, dưới nữa mới là cảnh sống, xa nữa là đường quốc lộ số 1, bên trái là sông Cầu, bao quanh là đồng ruộng, nơi xưa kia Bà Chúa động viên dân chúng khai khẩn đất hoang, trồng cấy và tích trữ lương thảo...
Đứng trên đỉnh thấy tại chỗ thì tĩnh nhưng có thể quan sát những ồn ào phố thị ngay dưới chân, con sông và những cánh đồng khiến ta dễ dàng nhớ về lịch sử...
Về kiến trúc, đền Bà Chúa tựa lưng vào núi nên có cái thế ấm ở sau lưng, kín ở hai bên và thoáng đạt ở phía trước, người ta xây nhà tưởng niệm Bác Hồ ở khoảng đất trống trên đỉnh núi..., có vẻ trống trải quá...!
Ân đức Bác Hồ trải rộng khắp non sông đất nước, thấm vào từng lòng dân nên việc lập đền thờ hay nhà tưởng niệm là đúng lắm nhưng thấy ngôi đền này cứ thế nào..., ngoài sự trống trải thì hai kiến trúc, hai nhân vật lịch sử, cùng trên một quả núi lại cái thấp cái cao...
Bác Hồ là người khai sinh ra chế độ này, tức là gần gũi hơn với thế hệ đang sống, con cháu đến tưởng niệm người ít nhiều có khác những cháu chắt đến thắp hương dâng lễ ở đền Bà Chúa..., giá như Bắc Ninh chọn một vị trí khác đẹp hơn, trang trọng hơn, thuận tiện hơn...!
BỨC TƯỜNG CỔ
Lối lên nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây mới nhưng lại cắt ngang một bức tường cũ dày đến ba bốn mươi phân, đến tận nơi không thấy vết gạch, vữa..., cạy thử thấy như một thứ hỗn hợp đất sỏi..., lạ nhỉ, đắp đất hay đổ bê tông...? Được làm từ bao giờ...? Thời Lý-Trần..? Nhà Nguyễn...? Hay thời bao cấp...?
Không biết thì phải hỏi..., ngay bên hiên nhà tưởng niệm Bác, một nhóm áng chừng lễ xong đang ngồi thụ lộc, bốc bốc bải bải, cả rượu cả bia, cười nói bô lô ba la.., hỏi bọn này bằng thừa..., chả biết gì đâu.
Trong ngôi nhà nhỏ bên cạnh, mấy ông mặt buồn thiu, xù xù trong những áo bông, khăn quấn cổ đang kẻ nằm người ngồi xem ti vi..., cũng là thủ đền, mấy bà dưới kia tất bật bao nhiêu thì mấy bác này nhàn hạ bấy nhiêu.
-Chào các bác! Cho tôi hỏi bức tường...
Họ cũng không biết gì, khi nhận nhiệm vụ quản lý nhà tưởng niệm này đã thấy như thế rồi...
Ngắm mãi cũng chán..., chờ mãi cũng đói.., đi xuống..., một thằng cỡ ngoài 30 tuổi, gày đét, mắt trắng dã, da xanh xám lộ những hình săm lờ mờ đang hung hăng giận giữ, chửi bới ngay giữa sân đền
-Địt mẹ chúng nó chứ...! Cần thì đóng mẹ nó cửa đền lại...! Nghỉ tất...! Mẹ chúng mày.., ăn bát cơm cũng phải để bố có miếng cháo chứ..., Chúng mày ăn đủ thứ, bố mày hóa vàng, khách thí cho đồng nào được đồng ấy mà cũng dở trò gì..., địt mẹ..! Đóng mẹ nó cửa đền lại ...!
Nó cứ chửi, khuềnh khoàng đi đi lại lại mà không thấy ai tiếp nhời..!
Bà chủ quán (sắp lễ) đon đả giải thích.
-Vợ chồng tôi làm ở..., trước kia cả quả đồi này do cơ quan tôi quản lý, sau, người đến lễ nhiều quá, nhà đền mới xin và chính quyền cho phép mở rộng ra..., cái tường ấy là cơ quan tôi làm chắc những năm 80, tường chình đấy..., toàn bằng đất í mà...!
HẬU CUNG
Ngồi mãi với bà chủ nhà, hết chuyện, bụng đói lại tống mãi nước trà vào nó mới cồn cào..., bọn kia xin những gì mà lâu thế nhỉ, quay lại đón, ngó nghiêng khắp chả thấy đâu, đến hậu cung, một ả đon đả.
-Mời bác vào hậu cung..!
-Để làm gì..?
-Dạ, để xin lộc..!
Quái ..! Sao hôm nay có chuyện lạ
-Các sếp ở trong ấy cả rồi đấy ạ...!
Ngẩn người ra một lúc.., à...! Mấy sếp đi cái biển xanh hồi nãy.., sếp nên được vào tận hậu cung để lễ.., chắc nom mình giống cán bộ lãnh đạo, lại thấy ngó nghiêng tìm người nên ả này nhầm.
Bố khỉ...! Trong cái cánh chăm đi lễ thì việc được vào hậu cung chắc cũng như gặp được mấy đồng chí “Tứ trụ”, việc trình bày xin sỏ có lẽ dễ hơn chăng...?
Thế thì hầu hết những người chen nhau ngoài kia mâm cao cỗ đầy là “Vô nghĩa” sao..?
Nhớ một lần đến Phủ Giầy, gặp ông Chủ tịch huyện, bạn với bà chị vợ, thế là bà ấy kéo vội vào hậu cung bắt quỳ xuống, chẳng gì nhưng bà chị cứ nhắc mãi
-May thế! Hôm ấy gặp anh C mới được vào tận hậu cung...!
Hậu cung, ngoài ý nghĩa thiêng liêng, cũng vì thế mà thường đóng cửa, cũng vì đóng cửa nên người ta ném tiền vào, nhiều lúc những tờ bạc dày mấy chục cen ti mét.
Hừm...! Ông mà là thánh thần, ông sẽ bóp mũi mấy thằng cậy chức, mấy ả lạm quyền kia cho chảy máu ra..., cho chừa cái thói khác người...!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét