Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

SẮP TẾT-Nói chuyện đào (tiếp và hết)

Về thế cây.
Những gốc đào thế tôi không có trình độ để bàn, nhiều lắm và phức tạp lắm, nào Mẫu-tử, nào Tứ trụ, nào Ngũ xà... chỉ biết rằng thế cho ra thế thì hiếm lắm, đa phần uốn éo lung tung rồi người bán lòe mấy ông trọc phú sẵn tiền.
Những thế có chữ Xà hay Long, người ta khắc lên thân cây giả làm vây rồng vẩy rắn, nom cứ điêu điêu..., thế mà cũng ối thằng chết.
Những năm sau này, đời sống khá hơn, dân lao động không phải méo mặt lo từng lạng thịt ngày tết nữa, đó cũng là những năm cực thịnh của làng hoa Nhật Tân. Đào ra bao nhiêu cũng hết, người lắm tiền chơi đào gốc, đào thế, kẻ ít tiền cũng mua về một cành và cái thế phổ biến nom như cái lơm úp ngược hay cái ly uống rượu vang khổng lồ..., bất luận cành, nụ, hoa thế nào.
Văn hóa “Phát triển” mê tín cũng “Phát triển” không biết từ đâu lại sinh ra cái mốt chuộng những cành có ít lá, gọi là “Có lộc”.
Nói chung tâm lý thích to và nhiều, cành to, tán to, nhiều hoa, nhiều “Lộc”.
Những lần chơi “Đào vẽ” ngày xưa mách bảo tôi rằng cái hay của cành đào đến từ sự tách cành, cành tách ra từ thân, rồi lại tách ra nhánh rồi mới đến nhánh tận. Cái gốc thế trực tách ra cành, nhánh ngả xuống rồi những nhánh càng tiếp theo lại vươn lên mới tạo nên nép đẹp cành đào chứ không phải cái lơm úp ngược hay cái ly tròn xoe ấy.
Về nụ và hoa.              
Đương nhiên những nhánh tận to như cái đũa ăn cơm, màu nâu đất sẽ cho những nụ mập mạp hứa hẹn một bông hoa to, tươi, đầy sức sống, ngược lại những cảnh nhỏ như que tăm, màu xanh thường cho những nụ và hoa vừa nhở vừa nhăn nhúm, mau héo.
Đương nhiên nhiều nụ là tốt (Người sành điệu không thích chơi quá nhiều nụ) nhưng cần để ý đến tuổi của những nụ ấy, nếu cùng một tuổi, cành đào sẽ nở tung trong hai ba ngày rồi... làm củi. Ngắm cành đào cần biết ngày mai, ngày kia những bông nào nở và những ngày sau đó nữa, nhờ vậy người ta có thể ước tính cành đào chơi được bao lâu.
Nếu ai đó nói rằng cành đào tết thể hiện cái văn hóa của người Bắc cũng không sai, đó là từ cái màu nâu đất của cành và sự bền bỉ của hoa.
Một lần vào Sài Gòn xin việc, chạy hết cửa này cửa khác chả ăn thua gì, ra ga Hòa Hưng mua vé về Hà Nội lại gặp ông Giám đốc bệnh viện nọ, biết chuyện ông ta bảo tôi quay lại. Nói chuyện một hồi, ông ta chỉ tay về phía tôi bảo.
-Tôi nhận anh về viện, anh sẽ phải làm Phó giám đốc phụ trách toàn bộ những vấn đề chuyên môn cho tôi, tôi sẽ giúp anh, việc di chuyển gia đình như hộ khẩu, nhà cửa.., đổi lại anh phải làm việc, làm việc để nuôi vợ con anh, nuôi Bệnh viện và cũng là góp một phần nuôi vợ con tôi.
Cách đặt vấn đề rất Thẳng rất Nam nhưng khi anh cả tôi (Cũng sống ở Sài Gòn từ lâu) mời đi nhà hàng thì anh ta từ chối, ông rút một cục tiền đưa cũng bị từ chối, ông Giám đốc bảo.
-Tôi và các anh đều là người Bắc, vậy chúng ta cứ cư xử với nhau theo kiểu Bắc, ngày tết, anh có thấy người Nam chơi Mai, người Bắc chơi đào không..., ở trong này nóng, cành mai nở rực rỡ nhưng qua mấy ngày tết là hết, trong khi cành đào Bắc thì cứ nở dần có thể chơi đến ra giêng...!
Tôi vội bắt tay để ngắt lời anh.
-Tôi hiểu, cảm ơn anh...!
Nói về đào thì thằng Chi Móc Cống vẫn là thần tượng của tôi, hôm ấy, cái lần về phép ấy, chắc khoàng 23-24 thàng chạp gì đó, sau một ngày ngắt hoa, khi trời đã ngả chiều, sương đa giằng mù mịt phủ kín mặt hồ, đã thấy chút se lạnh theo làn gió nhè nhẹ, nó đuổi khéo.
-Thôi! Mày về đi...! Xem có giúp bà già cái gì.., tết nhất đến nơi rồi...! Để tao cắt cho một cành về mà cắm...
Nãy giờ hỏi những cành đẹp nó đều bảo những 2-3-4 trăm đồng, nghe mà vãi linh hồn, phụ cấp 12 đồng, bạn bè ăn cắp đồ quân đội bán được rồi ủng hộ mà cũng chỉ mang về được ngót ba trăm, đưa mẹ hết rồi, trong túi chỉ còn hai ba chục bạc, giờ nó nói thế tôi ngại.
-Thôi, nhà tao chơi mận..., mày đừng...
-Đe...èo... mẹ! Mày có câm cái mồm đi không..! Tao biếu bà bô chứ biếu mày đâu...!
Rồi nó cầm cái cưa hết ngó ngó cành này lại nghiêng nghiêng cành khác, cuối cùng nó chỉ một cành nghiêng sát mặt nước.
-Lấy cành này nhớ..., được đấy..., mà đe...èo mẹ! Nhà mày thì cũng chỉ chơi cho nó có đào chứ biết đéo gì...!
Tôi thoáng tự ái, tự ái vì câu nói của nó, tự ái vì cái cảnh đào nom khiêm tốn quá.
-Chi ạ...! Hay...!
-Đe..èo mẹ! Chê à..., được đấy...!
Miệng nó nói, tay nó cắt rồi buộc vào sau xe đạp cho tôi, tôi chào nó không mấy mặn nồng, một cảm giác tui tủi khi dắt xe lên đường (Quãng ủy ban quận Tây Hồ bây giờ)
Đường ngày ấy, giờ ấy vắng lắm, mãi mới ngang qua một người nhưng ..., hình như mắt ai cũng đổ dồn về phía cành đào.
-Cành đào đẹp quá nhỉ...! Bao nhiêu đấy anh bộ đội...?
-Dạ...! Bạn tôi cho...!
-Đẹp quá...! Chắc không dười 50 đồng...!
Tôi giật mình..., 50 đồng ư...! Nếu cố lắm nhà tôi cũng chỉ dám mua một cành cỡ 20 đồng. Lại một người khác cố đạp theo hỏi.
-Bao nhiêu cành này mà đẹp thế ông anh ơi...!
-Bốn mươi đồng anh ạ...!
-Ối..! Mua đâu mà rẻ thế...!
-Của người quen anh ạ!
-Ừ..! Thế chứ...!
Lại người nữa
-...
-Sáu mươi đấy bác ạ...!
-Ừ, đẹp quá...!
Cái cành đào lúc nó ngả xuống mặt hồ nom bé tý vậy mà đến nhà nó mới to làm sao, không cắm được vào cái lọ lục bình nhỏ phải lấy cái chum tương mới vừa.
Ngày ấy tết còn “Cổ truyền” lắm bà con trong họ, trong xóm làng lần lượt đến nhà nhau chúc tết, tôi ở chiến trường về nên hình như nhiều người đến hơn, ai cũng tấm tắc, nhiều người nói.
-Chà chà...! Chưa bao giờ thấy cành đào đẹp đến thế này...!
Rằm tháng riêng, cưới ông Viện, một chiến sỹ giải phóng quân trở về sau mười mấy năm không tin tức, đích thân cụ Hương Long sang mượn mẹ tôi cành đào về trang trí bàn cô dâu. Mẹ tôi hớn hở
-Cụ cứ mang về cho vui cửa vui nhà, không phải mang trả đâu cụ ạ...!
Cành đào mới nở hết khoảng ba phần tư, đứng bên nhà tôi nhìn chéo sang, dễ đến ba trăm mét vẫn thấy nó rực rỡ trong đám cưới.
Kể chuyện đào mà không nói chuyện ông Bền thì thiếu.
Anh Bền là nghiên cứu sinh trong nước khóa đầu tiên, ông này giỏi lắm những cũng ..., Ngang lắm, luận án của anh vì thế mà “Già tháng” không “Đẻ” được.
Anh ở bộ môn Nội thần kinh, từ ngày làm phẫu thuật thần kinh nên tôi biết anh nhiều hơn, một chuyên gia về điện não.
Giỏi mà ngang thì thiệt thòi, các học trò đều đã “Gà sống thiến sót (Gs, Ts)” cả, họ làm chức này vị nọ, riêng ông thầy thì cứ lẹt đẹt, lẹt đẹt thế nhưng có gì khó lại phải ông mới được.
Ông ở riêng với cậu con trai trong một căn họ nhỏ tại ký túc xá ĐH Y, Cậu con trai làm cái nghề có sắc phục riêng mà ông và nhiều người không ưa, có lần ông nấu cơm rồi ngồi chờ nhưng khi thằng con vui vẻ ngồi xuống bàn thì ông lại đứng dậy.
-Một là mày vào thay quần áo, hai là mày ăn trước đi... chứ nhìn bộ quần áo của mày tao không nuốt được.
Xin các bạn đừng cười, hãy thông cảm với nỗi khổ của người trí thức.
Một lần giáp tết, tôi đang lang thang đường Cầu Giấy ngắm hoa thấy người đàn ông trong bộ quần áo mưa lấm lem bùn đất, dắt cái xe 82-89 cũng lấm như người ông ta vậy đang trả cành đào 60 nghìn..., cành này làm gì mà trả cao thế, nghĩ vậy nên tôi để ý.. ô..., có phải ông Bền.
-Em chào thầy! Thầy đi đâu mà lấm lem thế này...!
-Dũng à...! Mình vừa ở quê lên.., đang định mua cành đào...
-Anh định mua cành này chứ gì...? Anh đã thật ưng ý chưa...? Nếu chưa, để em chọn cho anh cành khác...!
-Ừ.., mình cũng ưng rồi.., nhưng họ không bán...!
Quay sang cô bán đào, tôi bảo.
-Ông này là Giáo sư Bác sỹ giỏi, thầy của tôi đấy...! Ông í không biết gì về đào đâu, chị nói bao nhiêu...?
-Em nói 80 nghìn.., bác í trả 60 rồi...
-Nếu tôi mua, cành này chỉ 40 nghìn thôi! Nhưng thầy tôi trót trả rồi..., nào, chị có bán không để tôi mua tặng thầy cành khác...!
Mụ bán hàng bẽn lẽn, khi tôi rút tiền trả mụ đưa lại mười nghìn.
-Em lấy bác 50 thôi!
Ông Bền cứ há mồm chả hiểu gì.
-Thế mà tao trả 60 nó không bán..., để anh...
Ông nói và thọc tay vào túi.
-Anh sinh ra để đọc điện não, không phải để mua đào.., em biếu anh mà..., thôi, anh về đi.
Mặt ông Tiến sỹ già tháng cứ đần thối, tôi phải giục mấy lần mới nổ máy chạy đi, người và xe lấm lem, i như một tay buôn đào hạng tệ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét