Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

Lỡ bước...!

Mặc cho con vợ nó hết đẩy đĩa bưởi Diễn lại bưng khay chuối, toàn những thứ vườn nhà, gí tận mặt, lão Bác sỹ không thể cầm lấy một thứ, có cái gì ghê ghê cứ ư ứ lên cổ chỉ chực nôn ra...
Hỏi thăm rồi, cho quà rồi, nhìn thẳng vào mắt nói với bạn mấy lời rồi ..., đứng dậy ngay thì “Bất thường” quá nhưng lão tự thấy chẳng còn lý gì, chẳng còn việc gì để ngồi lại ngoài thương thằng bạn, thương một kiếp người.., lão cố ngồi, cố méo mó gượng cười trước con vợ nó để thằng bạn hãnh diện ...!
Mười giờ đêm, con đường chạy dọc đê sông Nhuệ vốn đã vắng lại càng vắng, lão Bác sỹ tấp xe vào đường, hạ cửa.
Nếu không có hơi lạnh ùa vào thì có thể nói cái gió thật sự vô vị, vô vị theo đúng nghĩa của nó..., chỉ một quãng nữa thôi, qua cái cầu Noi, con sông sẽ thật sự là cái ao tù chứa đủ loại nước cống, mùi sẽ ghê gớm, cái mùi của Hà Nội thời nay.., đoạn này ngay cửa Cống Chèm thường được thông với sông Cái nên còn khá, chưa có cái mùi ấy.
Ngày xưa, những đoạn đê thế này, vào giờ này, thể nào cũng bắt gặp mùi hương của hoa cỏ thơm thơm, ngai ngái... Bây giờ, khu này nhà cửa còn thưa lắm, những ông to ở trong phố mua những lô đất lớn, xây tường bao, làm cổng, trồng mấy thứ cây rồi bỏ đấy..., mùi cây cỏ thể nào cũng có.., cũng còn..., nhưng chắc đã bị trung hòa với đủ thứ mùi khác từ những khu dân cư nên trở thành vô vị.
Lão Bác sỹ đứng tựa vào thân cây cau tây to như cái cột đình, kéo một bên cổ áo che gió châm thuốc, nhìn xuyên qua những bông lau, những vòm ổi, mặt sông phẳng như gương, in hắt những bóng đèn bên kia, thi thoảng lại nhay nháy như ma chơi.
Rít hơi thuốc thật dài rồi ôm ngực ho khù khụ, nước mắt túa ra, giữa chốn đồng không mông quạnh, lão Bác sỹ kéo ống tay áo khoác lên, dùng ngón trỏ bên kia móc một vạt ở cái đông xuân chùi lên mắt.., cái động tác vốn lão rất ấn tượng, động tác “kéo áo chùi nước mắt” luôn làm lão xiêu lòng.., đứa trẻ bị bắt nạt, cô gái bị người tình bỏ rơi, người cha nhìn đứa con là bệnh nhân của lão yếu ớt, hấp hối..., và đôi khi.., chính bản thân lão.., cái động tác ấy mới buồn tủi làm sao..! Bất giác, hình như lão khóc thật...! Kiếp người sao ngắn và bạc bẽo đến thế...!
Thằng Hùng cùng học với lão từ ngày lớp tám, nó không có bố, đúng hơn là mẹ nó cấm không được hỏi về bố, bà làm cấp dưỡng ở một nhà máy, hai anh em nó vì thế có sổ gạo, tem thực phẩm, đời sống có vẻ khá hơn chúng bạn.
Hết việc ở nhà bếp, mẹ nó làm thêm, có hôm thấy bà tả tơi về nhà, người đỏ quạch bụi gạch, giắt đôi găng to xù cũng tả tơi, cũng đỏ quạch vào bờ rào..., bà bốc gạch ra lò để lấy thêm tiền nuôi anh em nó.
Nghèo hơn, đói hơn, rách hơn nhưng ngày ấy lão Bác sỹ thương bà lắm, những sự hy sinh lặng lẽ bao giờ cũng làm cho lão rơi nước mắt.
Thằng Hùng có quần áo lành lặn, có cái Phượng Hoàng xích hộp màu cánh trả đến trường thế là tươm tất lắm...!
Lão Bác sỹ kéo hết khóa cổ áo cho đỡ rét, có cái gì vương vướng nơi cổ họng, lão lại kéo xuống, lại ho một hồi rồi đờ đẫn tựa vào cái cây...
Vì sướng hơn nên thằng Hùng hư sớm hơn, cái hư đầu tiên là nó học không giỏi, đẹp trai, nhà giàu, hình như nó đến lớp để khoe và nghịch ngợm chứ không phải để học..., tất nhiên, nó trượt tốt nghiệp rồi đi học cơ khí.
Được cái nó đá bóng hay lắm, vì đá bóng mà được nhận vào cơ khí Đại Mỗ, rồi nhờ giao lưu bóng đá mà xin được một chân trên tàu Thống nhất.
Những năm 80 của thế kỷ trước, đi tàu Thống nhất là giàu có, nó mua được đất, làm được nhà, cưới vợ cho thằng anh rồi mua xe máy...
Mỗi chuyến ở Sài Gòn ra dù đã lỉnh kỉnh hàng họ nhưng không bao giờ nó quên đồ ăn thức uống cho mẹ, chất đầy vào tủ lạnh, nó nhắc bà ăn hết rồi lại đi chuyến khác.., lại mua..., nó thương mẹ và nó đang biết cách thương mẹ.
Không phải là mẫu đàn ông tỷ mỷ, những việc bếp núc, nhà cửa nó chẳng mó tay bao giờ nhưng lại ưa, lại ham kỹ thuật, giữa hai chuyến tàu, nó vật những cái Honda 67 tung ra chiếu, hỳ hục tháo, rửa, lắp, khi thì của nó, lúc giúp mấy ông hàng xóm, bọn hàng xóm khôn vặt, nhờ nó sửa vừa không mất tiền vừa không sợ tráo phụ tùng, nếu đồ hỏng quá lại nhờ nó mua hộ từ Sài Gòn, vừa được đồ tốt lại rẻ hơn ngoài chợ trời. Nó biết nhưng vẫn vui vẻ giúp, trước hết vì nó ham cơ khí, sau nữa, nó giúp người ta với hy vọng khi nó vắng nha, ngộ mẹ nó cần gì người ta sẽ giúp lại.
Đó là những ngày đẹp nhất cuộc đời nó, nó có tiền hơn người, nó chăm được mẹ, hỗ trợ được cho anh...
Cái gì cũng có khởi đầu và kết thúc, quãng đời đẹp đẽ ấy lẽ ra còn dài dài nhưng kể từ khi rước con vợ này về nhà, cuộc đời nó coi như chấm hết.
Ngày ấy, vừa kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến cả nước liên tục mất mùa, Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc, Khơ Me Đỏ đánh sang biên giới phía Nam.., chiến thắng thì chiến thắng, vẻ vang thì vẻ vang đấy nhưng đất nước điêu tàn, dân đói ngơ đói ngác..
Những chuyến tàu chạy Sài Gòn-Hà Nội không phải chỉ đưa người vào Nam tìm đất mới, không phải chỉ phục vụ nhu cầu đi lại công tác, thăm hỏi của người dân sau hai mươi năm cách biệt mà trên những con tàu ấy, dưới những sân ga mà nó đi qua không biết bao nhiêu người đã sống được nhờ nó.
Những người bán hàng rong, những bọn ăn cắp, lừa đảo, đĩ điếm, chấn lột, cô giáo vào Nam công tác mang theo mươi cái bếp điện Liên Xô, qua Nam Định lấy vài yến su hào, bắp cải, hành ta, gạo nếp..., tất cả đều thành hàng, đều có lãi khi đến Sài Gòn ..., quay ra, người ta mang rất nhiều đồ nhựa, vải vóc, quần áo, những thứ ở Sài Gòn vẫn còn mà Hà Nội chưa có bao giờ.
Người ta cả năm mới được đi một chuyến, giấy tờ rắc rối lắm mới mang được ít hàng đi về thế mà cũng kiếm được một món, thằng Hùng cứ mười hai ngày lại được một chuyến, nó cần cù nhặt nhạnh, chả mấy đã được cái tài sản như thế.
Cái Lan quê ở vùng trung du nghèo nhưng có truyền thống “Buôn tàu bán bè”, có lẽ vì nghèo quá người ta phải tha phương cầu thực, mãi thành nghề truyền thống. Nó theo chị em lên tàu Thống nhất làm ăn, có trời mới biết chúng làm ăn những gì, chắc thoạt đầu cũng su hào, gạo nếp, khoai tây đưa vào, đồ nhựa mang ra...
“Mèo già hóa cáo”, khi đã quen việc và đặc biệt là quen người, bọn nhân viên trên tàu, bọn công an cả trên tàu và dưới ga đã biết mặt, quen hơi, chúng đã biết lả lơi tươi cười đúng chỗ, đúng lúc, đúng người thì hàng của chúng cũng đa dạng phong phú hơn, hàng đặc chủng và hàng ..., quốc cấm.
Thằng Hùng gặp cái Lan, trai chưa vợ, gái chưa chồng.., có trời mới biết chúng làm những gì trên đoàn tàu chạy dài đất nước ấy.
Cuối năm, lão Bác sỹ mổ cho một thằng trẻ con, té ra bố nó làm trưởng tàu của thằng Hùng, một hôm, sau chuyến công tác, thằng trưởng tàu mang một túi xoài to đùng đến tìm, thằng Bác sỹ cảm động, ngỡ nó cảm ơn hóa ra nó đến để nhờ một việc hệ trọng.
Sau một hồi rào trước đón sau, nó ngập ngừng trình bày.
-Ông là bạn thằng Hùng, và nó là quân của tôi.., trên tinh thần trách nhiệm với nhau.., tôi hy vọng ông bảo được nó...
-Có gì ông cứ nói...                                                  
-Chúng tôi làm ăn với nhau đã lâu, thằng nào cũng khá cả rồi, bây giờ thằng bạn ông nó yêu và định lấy con Lan ...
Hóa ra cái Lan đã từng chinh chiến đủ thứ, khi chỉ là đú đởn để thỏa mãn dục vọng, khi để thoát một trạm kiểm tra, lúc để xin lại những thùng hàng đã bị bắt...
Với bọn nhân viên trên tàu, cái Lan như quả bóng được truyền hết người đàn ông này qua người đàn ông khác. Những lúc nhàn rỗi, bọn đàn ông kháo nhau.., đứa nào, mấy lượt, ở những đâu, có gì đặc biệt...
Quả bóng được truyền đến thằng Hùng và có vẻ sẽ ở lại mãi với nó, Thằng Hùng tốt tính, nhanh nhẹn, chăm chỉ nên được bạn bè yêu mến, vì yêu mến nên chúng không thể, không muốn thằng Hùng giữ mãi quả bóng ấy.
Chúng xì xào bàn nhau và cuối cùng thằng trưởng tàu đã tổ chức một cuộc họp, nó đại diện cho anh em nói thẳng với thằng kia.
-Nó đã ngủ với tất cả chúng tao, bây giờ nếu còn muốn bạn bè thì mày không được lấy nó, hoặc mày lấy nó thì sẽ không còn bạn bè gì nữa ..!
Không hiểu sao, đến thế mà thằng Hùng vẫn không thể tỉnh ra.
Lão Bác sỹ đã bỏ ra một buổi với bạn, thằng Hùng thừa nhận tất cả nhưng khẳng định rằng chúng yêu nhau thật lòng và sẽ cùng nhau xây đắp tương lai... Cảm kích trước tình yêu, lão bác sỹ đã khuyên bạn.
-Người ta bảo: “lấy đĩ về làm vợ chứ đừng lấy vợ về làm đĩ” tao không phản đối, nếu nó thực lòng thì mày phải quên và tha thứ cho quá khứ, tuy nhiên, cũng vì thế mà cần thử thánh kỹ hơn, lâu hơn.
Nó ừ ừ ào ào nhưng rồi chẳng cưới xin gì, con Lan cứ về ở hẳn với thằng Hùng.
Thế rồi lão trưởng tàu lại đến.
-Ông phải nhắc bạn ông ngay, nó buôn hàng quốc cấm, tuy chưa biết cụ thể, chính xác nhưng không giấu được chúng tôi đâu, đặc biệt công an họ đã đặt vấn đề rồi.., nguy hiểm lắm đấy.
Lão Bác sỹ hộc tốc đến nhà bạn thì nó đã lên đường từ mờ sáng, chồng đi rồi, con Lan thắp hương cầu xin cho chuyến đi an toàn, chả biết bắc ghế thế nào, nó ngã một cái đau điếng đang nằm rên ư ử.
Không tiện ngồi lâu, lão Bác sỹ chỉ mới nói bóng gió về sự an toàn để làm ăn lâu dài, dường như hiểu ngay, con Lan bảo.
-Bọn em cũng định làm nốt chuyến này rồi nghỉ.
Chuyến ấy thằng Hùng bị bắt ở Quảng Nam, tang vật là 16 kg trầm hương. Con Lan bụng mang dạ chửa vào “chạy” cho chồng, thế mà nó chạy được, mấy tháng sau thằng Hùng ra tù.
Mất việc nhưng sẵn vốn chúng mở công ty kinh doanh tổng hợp, chẳng biết làm ăn những gì nhưng đến khi bị bắt ba toa thuốc lá sợi đang trên đường từ Lạng Sơn vào Sài Gòn thì gần như chúng khánh kiệt, thằng chồng bỏ trốn, con vợ xuốt ngày ở nhà làm cơm tiếp khách, nhiệm vụ của nó là trấn an và đuổi những người chủ nợ ra khỏi nhà càng nhanh càng tốt, càng êm càng tốt.
Khánh kiệt, chúng nó đau khổ nhưng lão Bác sỹ lại mừng, lão khuyên chúng hãy làm lại từ đầu, hãy biết để không làm những việc quá khả năng của mình.
Không hiểu có phải vì nghe lão mà sau vụ ấy chúng buôn gà, thằng nhân viên tàu thống nhất hôm nào giờ đen đúa, đi cái xe 81 đời đầu cũ rách, lúc nào cũng hôi hám mùi gà.
Như ông Nguyễn Du nói:
Cho hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt con người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
cho thanh cao mới được phần thanh cao..
Thì dường như con người ta sinh ra đã có số phận, mỗi người đều có một cái khoảng nhất định, khoảng của thằng Hùng là làm thợ .., đá bóng và cơ khí là nghề của nó, mang lại cho nó những thuận lợi ..., cần cù làm anh nhân viên trên tàu mang cho lại cho nó tiền bạc và đời sống khá giả..., giá như nó biết thế để đừng nghe vợ ôm trầm hương, đừng làm giám đốc công ty dưới sự chỉ đạo của vợ thì đâu đến mức lao lý, đâu đến mức khánh kiệt.
Bây giờ, khi nó trở về với chính mình, chính những việc cần cù ấy thì hình như Trời đất, thánh thần lại phù hộ nó, việc buôn gà phát tài lắm.
Nhưng chỉ tích được chút lưng vốn, chúng lập tức nghĩ ngay đến hình thức kiếm nhanh hơn, nhàn nhã hơn .., và quan trọng nhất, chúng phải là “Ông bà chủ”, không thể làm anh “lái gà” mãi được.
Đời sống xã hội thay đổi đến chóng mặt, bọn con trai con gái không tìm hiểu nhau ở công viên, những nơi vắng vẻ thơ mộng nữa, sau vài lần đi ăn, đi hát, đi sàn là chúng dắt nhau vào nhà nghỉ.
Vẫn là người Việt Nam, mới hai chục năn trước, người ta dễ dàng cắn răng chịu đựng để chờ đợi nhau, “Ngoại tình” là thứ xa lạ và xấu xa lắm, một người ngoại tình, cả gia đình, dòng họ, xóm làng, cơ quan xấu lây. Thế mà đùng một cái “Ngoại tình” thành mốt..., những sếp với nhân viên, những nhân viên với nhau, những người buôn thúng bán mẹt với xe ôm, phu hồ, cửu vạn..., tất cả mang nhau vào nhà nghỉ..., nhà nghỉ mọc lên như nấm, ở đâu cũng dễ dàng nhìn thấy, cứ vài cây số lại có một khu Trung tâm, chuyên canh nhà nghỉ.
Để có một không gian riêng tư, an toàn, tha hồ tâm sự, mặc sức ân ái người ta tiếc chi vài trăm nghìn, trong khi đồng vốn, là ngôi nhà, hầu như không mất đi, nếu tính cả bảo kê, nuôi công an, cán bộ địa phương thì kinh doanh nhà nghỉ vẫn là thứ “Một vốn bốn lời”.
Bán ngôi nhà ngoài phố, chúng dồn hết vào xây và làm cái nghề kinh doanh ấy, quen việc và thấy hời, con Lan vay vốn ngân hàng mở thêm, tạo thành một “Liên hiệp các xí nghiệp nhà nghỉ”. Nhu cầu trả lãi thúc bách cộng với máu muốn giàu lớn mà nhanh chóng dắt nó đến những ổ chứa, những tay ma cô chăn dắt .., tất cả nhằm sử dụng tối đa công xuất của khu liên hiệp.
Trò đời muốn câu cá to thì mồi cũng phải to, thính cũng phải lớn nhưng bản chất con Lan là nông dân, nó có thể chi phần trăm sòng phẳng cho cánh chăn dắt nhưng những phong bì cho các sếp lại tăng lên không “Xứng tầm”. Mà có xứng tầm đi chăng nữa thì các đồng chí sếp cũng chỉ bảo kê được cho nó ở một giới hạn nhất định, của Phường, Quận mà thôi.
Công an thành phố kiểm tra đột xuất thế là bao nhiêu vốn liếng, lời lãi, “của thiên lại trả địa”, nhận của khách rồi lại nộp cho công an, kiểm sát, tòa án.., có thế mới thoát tù. “Còn người là còn tất cả” không phải chúng không hiểu điều đó.
Những lúc có tiền, con Lan về quê với tư thế ngẩng cao đầu, mọi người nhìn nó như vĩ nhân, khi nói tất cả cùng lắng nghe, ý kiến của nó bao giờ cũng có tính quyết định...
Khi hầu bao đã rỗng, khi gánh nặng nợ nần hành hạ, dẫu người ta có đối xử thế nào nó vẫn tự ty, vẫn mặc cảm.
Khi tiếng nói không còn được gia đình, xóm láng nghe tắc lự nữa nó mới thấy những người xung quanh khốn nạn làm sao, một lũ “Ăn cháo đái bát”, nhưng họ là ai, là anh trai chị gái, là chị dâu anh rể, là cháu nội cháu ngoại...
Ngày giỗ bố, không được giữ vai trò trung tâm chỉ đạo nữa, con Lan giở chứng ..., cả nhà xanh mang thấy nó hút thuốc phì phèo, ực cả bát rượu rồi phán những lời của người quá cố.
Thằng Hùng hốt hoảng đến lão Bác sỹ.
-Mày đến xem hộ vợ tao..., nó tâm thần hay bị ma làm í..! Cả nhà tao đang hoảng loạn hết cả lên...!
Biết đầu đuôi, lão Bác sỹ bảo.
-Mày đưa nó đến đây, nhớ mời cả bà ngoại, các chị nó nữa.
Sắp xếp chỗ ngồi hợp lý, lão Bác sỹ nghiêm mặt nói với con Lan.
-Anh nghe nói em bị ma nhập, có đúng như thế không..? Bây giờ em nói gì với mẹ, với chồng và các chị đi..., nhớ rằng anh có trách nhiệm với bạn, nếu em nói lời của người khác anh sẽ tát cho lật mặt ra đằng sau đấy.., ma có giỏi thì vật chết anh đi...!
Con Lan cúi mặt, lão Bác sỹ tiếp.
-Không nói à...! Vậy thì thôi..., bỏ ngay cái trò ấy đi...! Về mà chăm chỉ làm ăn nuôi con.., nhớ rằng bất cứ ma nào, nhập vào em ở bất cứ đâu anh cũng đến để cho nó một trận...
Mọi sự cố gắng của lão Bác sỹ và bạn bè đều vô hiệu, sau đận ấy, nó tiếp tục vờ vịt nhưng thằng chồng không đến tìm, không dám ho he hóc hách gì với đám bạn nữa.
Văn hóa đảo lộn hết cả, nếu nhà nghỉ mọc lên như nấm thì Đình, Chùa, Miếu, Điện cũng phát triển toán loạn, mới hôm nào còn là chốn linh thiêng tĩnh mịch, nay ồn ào náo nhiệt hơn cả chợ... Xã hội “Phát triển” không chỉ mọc lên những tòa nhà to cao mà nơi thờ cúng cũng nhiều hơn, to hơn, số bát hương ở mỗi nơi như thế cũng tăng lên gấp bội...
Nếu kinh doanh nhà nghỉ là “Một vốn bốn lời” thì kinh doanh thần thánh “Một vốn” phải “Mười lời”... Để có một hai giờ đồng hồ thỏa mãn với người tình người ta không tiếc một hai trăm, để củng cố niềm tin người ta sẵn sàng chi vài triệu, vài chục triệu.
Cái Lan lại bán nhà, mua mảnh đất này mở phủ. Chả phải học hành gì, nó cứ nói bừa mà cũng ối người tin ..., người ta tin nó đến mức khiến nó cũng tin chính mình, đến mức nó dám mời lão Bác sỹ đến phủ của nó để lễ.
-Thiêng lắm anh ạ...! Đấy..., cả Giáo sư A, nhà sử học B, cả ông C ở thành ủy cũng về lễ và thừa nhận là phủ em thiêng...!
Tất nhiên là lão Bác sỹ không đến, tất nhiên là lão không quên nhắc nhở nó.
-Cô quên tôi là ai rồi à...? Cô quên lần trước đến đây tôi nói gì à...?
Cái gì cũng vậy, đã chạy theo mốt tức có lúc thịnh lúc suy, cái phủ vừa ồn ào lên một tý thì suy thoái kinh tế..., suy thoái toàn cầu không chừa đất nước nào, suy thoái không chừa mảnh đất kiếm tiền nào..., nguồn “Tiền chùa” không còn đủ cấp cho những ông quan bậc trung nhậu nhẹt, ôm gái và đi cúng lễ..., hàng loạt cơ sở sản xuất khinh doanh, dịch vụ đóng cửa..., người ta không đi xin nữa bởi có xin cũng chả được.
Những điểm cúng lễ “Công lập”, nổi tiếng, truyền thống như Chùa Hà, Bia bà, đền bà Chúa Kho... khách còn vãn hẳn nói chi đến cái đền “Tư lập”, “Tự lập” của nó..., thế là xôi cũng hỏng, bỏng cũng không, phủ đền lập đấy, mâm, khay sẵn đấy mà chả ai mang oản đến nữa...
Kể từ khi thôi buôn gà, kể từ khi lập liên hiệp nhà nghỉ, thằng Hùng chính thức lệ thuộc vào vợ..., nó ít rồi vĩnh viến không đến những cuộc gặp gỡ bạn bè nữa, vài đứa kháo nhau.
-Mỗi lần, nếu vợ đồng ý, nó chỉ cho 50 nghìn thôi..., đèo mẹ...! Đổ bình săng là vừa hết...! Thủng lốp thì dắt...!
Ngôi nhà chúng làm từ thời đi tàu Thống nhất, to như cái biệt thự, có sân rộng, vườn cây.., thế mà tự nhiên mẹ nó ở đấy lại ...“Không hợp” nữa, tự nhiên mẹ nó lại “Hợp” với tầng ba ngôi nhà 45 mét vuông của chị vợ hai thằng anh nó cho dù bà đã gãy chân một lần. Tuổi tác và những năm tháng tần tảo nuôi con khiến bà lão quỵ xuống nhanh chóng, tiểu đường, tai biến mạch não và con cháu nhốt cái xác bà trong căn buồng tối tăm hôi hám.
Một hôm, thằng Hùng lại đến tìm lão Bác sỹ.
-Mày về thăm bà giúp tao một tý...!
Chỉ hỏi vài câu, lão Bác sỹ biết tỏng rằng thằng bạn chỉ muốn sự xuất hiện của lão bên mẹ để vợ chồng nó “Hết trách nhiệm”. lão từ chối thẳng thừng.
-Tao sẽ đến thăm bà, nhưng là đến thăm chứ không phải khám bệnh, bà già yếu như thế, lắm bệnh như thế, tao đến khám được việc gì..? Nếu cần xét nghiêm, chiếu chụp, siêu âm thì làm thế nào...? Tại sao mày không đưa bà đến đây...?
-Ôi..., tôi bận lắm ông ơi..!
Không thể thương thằng này được nữa, lão Bác sỹ nổi đóa.
-Mày bận cái gì..? Mày có phải Thủ tướng chính phủ không...? Mà mày bận đến mức không thể đưa mẹ mày vào viện...? Mày về đi.., và đừng bao giờ coi tao là bạn nữa, tao không bạn với cái thằng bất hiếu như mày...!
Lão Bác sỹ còn dùng nhiều lời lẽ thô thiển nữa khiến các điều dưỡng, bệnh nhân và người nhà họ há mồm ngạc nhiên .., vừa mới nhẹ nhàng là thế sao bỗng chốc tuôn ra một tràng những ngôn từ đầu đường xó chợ...
Như đoàn tàu đã quá hạn sử dụng từ lâu lại không được chăm sóc bảo dưỡng kịp thời, dầu đã cạn kiệt khô cứng, sắt đã rỉ hết, gỗ đã mục hết..., bà cụ vào viện và thằng Bác sỹ không thể làm được gì.
Sau đám tang, thằng Hùng lại đến tâm sự với lão.., ngày xưa nó hào hoa thế, sao bây giờ nó thiểu não thế.
-Bây giờ mày nghe tao, tuy muộn nhưng còn kịp.., đừng làm cái trò lừa bịp ấy nữa.., tao sẽ cung cấp để mày ra đường bơm vá xe rồi chúng tao sẽ hùn vốn cho mày mở cửa hàng xe máy ..., đấy mới là nghề của mày ..., ít ra cũng đủ cho mày sống.., mà sống một cách đàng hoàng..!
Mặt thằng Hùng méo xệch.
-Đã nhiều lần tao định thế rồi..., nhưng nó ..., đéo cho...!
Như có cục chì bằng vốc tay rơi bịch từ cuống họng xuống bụng lão Bác sỹ..., hết thuốc chữa cho mày rồi Hùng ơi.., sao mày lại có thể khốn nạn đến mức này cơ chứ...!
Mới rồi nghe tin thằng Hùng bị ung thư ..., ghét thằng bạn, ghét cái đền và ghét nhất con vợ nó nhưng không thể làm khác ..., hôm nay lão Bác sỹ đến thăm bạn...

Một cơn gió từ phía sông Cái thổi về, những cái lá cau tây xào xạc, lão Bác sỹ rùng mình, có cái gì vương vướng trong cổ, ớn lạnh dọc theo sống lưng..., rít hơi thuốc thật dài, đốm than rực lên trước miệng đủ cho lão nhìn thấy mấy ngón tay và cái sống mũi của mình ..., không biết có phải hồn thằng bạn vừa theo cơn gió ấy...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét