Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

SẮP TẾT-Nói chuyện đào

Chẳng phải nhà văn hóa, cũng đếch phải nhà Sinh vật cảnh, càng không phải nhà Sử học như ông Dương Trung Quốc hay Lê Văn Lan.., cũng cóc đủ kiến thức mà noi theo cụ Nguyễn Vinh Phúc nghiên cứu Hà Nội.. Thế nên chả hơi đâu tìm hiểu xem cái thú chơi đào ngày tết có ở Hà Nội từ bao giờ? Có ở đất nước này từ bao giờ? Có trên thế gian từ bao giờ...? Đào Nhật Tân nổi tiếng từ khi nào...?
Nhưng thực ra là biết đấy.., có từ ..., từ ... từ lâu lắm rồi...! Ai dám bảo sai...?
Những năm 60, nghèo lắm nhưng cũng lạ lắm, làng tôi cách hồ Gươm có chục cây số mà quê một cục, cứ vào tháng chạp là cả làng cùng ngóng, ngóng nhiều thứ, ngóng cây đào nhà cụ Hai Triển trổ nụ, đơm hoa nhưng chủ là yếu ngóng cánh nhà cụ Chánh Đức và cánh nhà cụ Phủ Toản mang đào về nhà thờ. Họ sinh sống làm ăn ngoài phố, có khi cả năm không thấy mặt nhưng tết nào họ cũng về dọn dẹp, bày biện bàn thờ và bao giờ cũng có một cành đào.
Nói đúng hơn thì cả làng tôi ngày
đó chỉ hai nhà ấy mua đào, chơi đào ngày tết..! Trước nữa, chắc..., chỉ những nhà “Có hạng” mới có cái thú ấy.
Cũng cần nói qua về hoa tết ngày đó, những năm 60 ấy, chủ yếu là cúc Vạn thọ, nghèo kiết xác thì hơi đâu để ý đến hoa với hoét nhưng hễ có thể là người ta mua một đến hai khóm về trồng vào những cái chậu, chậu men đã hỏng hay thậm chí cái thúng con rồi bọc giấy báo ra ngoài, để ở giữa nhà hay ngoài hè ngoài sân.
Nhà tôi có cây mận, năm nào mận trổ hoa đúng tết thị mẹ sai tôi cắt một cành cắm vào cái lọ lục bình nhỏ để lên bàn thờ, năm mận nở sớm hay muộn thì bà cắt hai cây chuối con cắm vào đôi lọ lục bình to (Những tài sản hiếm hoi còn sót lại sau CCRĐ).., thế thôi mà nom bàn thờ đã tươi hẳn lên, tết hẳn lên.
Trở lại với cái thú chơi đào ngày tết, tại sao những lúc hưng thịnh cũng như tối tăm nhất, ở cái xứ nhiệt đới này, mùa xuân trăm hoa đua nở mà tết cứ phải chơi đào mới được...?
Câu hỏi ấy làm khổ tôi từ lâu lắm rồi, từ ngày học lớp 4 lớp 5, mỗi dịp tết lại sưu tầm những hình cành đào trên báo rồi vẽ lên cái bảng học để.., “Nhà mình có đào”.
Và câu trả lời đầu tiên cũng đến từ ngày ấy, năm nào cũng vẽ, xem mãi, vẽ mãi bỗng một lần ngộ ra, phải chăng nụ và hoa là biểu trưng cho trẻ trung, cho sinh sôi nảy nở, thế nhưng nụ và hoa ấy lại bật ra từ những gốc, những thân xù xì già cỗi, từ những cành nâu sẫm nom tưởng như không còn sức sống..?
Ứng với thời tiết, mùa xuân vươn mình đứng dậy từ mùa đông lạnh lẽo lụi tàn. Ứng với vòng đời, thế hệ mới được sinh hạ và phát triển từ ông bà, cha mẹ cũng như những nụ và hoa kia khoe màu đua sắc từ những cành những thân, những gốc già nua vậy.
Ngoài ý nghĩa chuyển mùa, ý nghĩa cội nguồn, dường như đào còn là biểu tượng cho sức mạnh của sự sống.
Thế nên khi đào trở thành thú chơi, từ những cây đào ăn quả dần bị ép thành cây đào cảnh hay còn gọi là đào hoa (với ý chỉ để chơi hoa) bao giờ người ta cũng ngắt hết lá trước tết hàng tháng (Tùy theo thời tiết, rét, nắng, mưa nhiều hay ít), phần để hoa nở vào đúng dịp tết, phần để tạo nên cái tương phản giữa gốc, thân, cành và hoa ấy.
Ngày xưa cũng có nhưng mấy năm gần đây nhiều hơn những người thú chơi “Đào rừng”.
Đào rừng với nét đẹp tự nhiên (không bị ép), thân bám đầy địa y, hoa thường to và cũng thường là loại đơn chứ không kép như đào cảnh, loại này có thể có lá nhưng tốt nhất vẫn là những cành ít hoặc đã trút hết lá.

Tôi hiểu biết thêm một chút về đào là nhờ thằng bạn đồng ngũ, thằng Chi Móc Cống, con cụ Phấn, một nghệ nhân đào lừng danh ở thôn Đông Nhật Tân.
Tết năm 1977 được về phép (Nó đã xuất ngũ từ trước), hai thằng ngả ngốn trong cái lều bên Hồ Tây, hàn huyên một lát rồi nó phải đi làm, việc của nó là ngắt những bông hoa đã nở và sắp nở, tôi ngạc nhiên hỏi.
-Sao hoa đang đẹp lại ngắt đi..? Mà ngắt thế này bao giờ cho hết..?
Nó cười bảo.
-Mày ngu lắm..! Mà phải thôi.., chúng mày biết đéo gì về đào..!
Hóa ra nó chỉ ngắt những cành mà sớm mai sẽ được cắt mang ra chợ và cũng kỳ lạ thay, những cành đào sau khi ngắt bỏ những bông hoa nom “Trẻ” hẳn ra, “Tươi” hẳn lên, nó giải thích.
-Cành đào chỉ đẹp nhất khi có một vài bông chứ nở toe toét ra thì còn chơi đéo gì nữa.
Và cũng từ đó tôi mới biết rằng nắng nhiều thì hoa nở sớm, ngược lại rét nhiều thì hoa nở muộn, hoa nở không đúng dịp tết thì vườn đào coi như ... làm củi, thế nên nghệ nhân trồng đào nắm rất vững những quy luật thời tiết cùng những kỹ thuật đối sách phù hợp.
Về cành, nó bảo.
-Những cành gầy nhỏ, da xanh thì chỉ bán cho loại như chúng mày, thấy rẻ một tý là mua.., cành phải mập..., nom như cái đũa ăn cơm í.., màu nâu đất nhưng phải bóng, nhìn kỹ có nét tươi.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét