Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

SẮP TẾT-KỂ CHUYỆN LÀNG LIM!

(Bài này viết lại theo những lời kể, chưa chắc đã chính xác!)
Hội Lim, một điểm sáng trong văn hóa Bắc bộ. Mấy ai chưa một lần đến hội, đến cái nôi, cái sân khấu chính của các làn điệu quan họ nhưng cũng mấy ai tò mò tìm hiểu xưa kia..., hôm qua.., chỗ này có những gì..?
Tôi có anh bạn (anh nhiều tuổi hơn nhưng tâm đầu ý hợp nên gọi là anh bạn), sinh thời đã có lần đưa tôi đi khắp làng khắp xã để say mê giới thiệu. Nay xin kể ra đây, trước để kính hương hồn anh, sau để chia sẻ với những người chưa biết.
Địa danh ấy gọi là xã Vân Tương, tên ghép của núi Hồng Vân và sông Tương Tiêu.
Bây giờ nhà cửa, đường xá phủ kín khó mà phân biệt được núi Hồng Vân, hình như nó ở chính chỗ có cái sân khấu ngoài trời ấy, chả biết có phải người ta đã lợi dụng độ dốc của núi làm khán đài không.
Sông Tương Tiêu, đoạn này chay dọc theo quốc lộ số 1A, nếu đi từ Hà Nội lên thì sông nằm bên tay trái. Khi tôi đến (cách đây đã hơn 20 năm) sông chỉ còn vết tích, từng đoan, từng đoạn như những cái hồ cách nhau bởi những cầu đá cầu gạch, cái thì hai, cái thì ba nhịp có lan can với những hoa văn cổ rất đẹp. Trên lan can lại có những lỗ cắm cờ, cắm đèn. Người ta bảo rằng, ao đình mới là nơi hát quan họ chính trong hội nhưng tôi cứ tưởng tượng khi nước Tương Tiêu còn chảy thì cái cảnh:
Dưới cầu nước chảy trong veo    
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Cùng với nhịp sống trên bến dưới thuyền của người Kinh Bắc thì đất trồng, nuôi sống các làn điệu Quan Họ phải là đây, con sông Tiêu Tương ấy.
Giờ thì các ao hồ ấy cũng đã thành nhà thành cửa, ai nhanh chân may ra còn thấy được những cái cầu đã biến thành ngõ... Một con sông thơ ca đã biến mất!
Những năm 60 của thế kỷ trước, cũng như Thần, Thánh, Phật ở nhiều nơi, Thần Hoàng làng Lim cũng đội mũ rơm sơ tán vào dân. Đình, Đền, Chùa được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau nơi làm ủy ban, nhà trẻ, lớp học, chỗ để bộ đội đóng quân, nơi lại biết thành sân kho hợp tác xã.., Đình làng Lim được giao cho bên thương nghiệp quản lý. Mái tiền tế thành cửa hàng bách hóa, hậu cung thành kho chứa đạm U rê, ruốc cá… mắm tôm. Một cái hàng rào bằng bê tông lại khiến cái đình nom giông giống cái sân ga không người.
Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cái đình, cái cửa hàng thực phẩm trở thành điểm nóng của cả xã. Người ta uể oải xếp hàng cả ngày rồi chen lấn xô đẩy để dành lấy bánh xa phòng 702, mấy lạng đinh, vài quyển vở…
Đùng một cái, xóa bao cấp, những người thương nghiệp đang “Như vua” biến thành thất nghiệp. Chốn ấy không còn là cửa hàng thực phẩm sôi động ngày đêm cũng chẳng còn giống cái ga không người nữa, vết tích của đình chỉ còn cái sân gạch lở loét và cái bệ thờ Thánh trơ trọi nắng mưa.
Cơ chế thị trường nhúc nhắc trỗi dậy, cái đình với cả trăm mét mặt đường quốc lộ bỗng chốc trở thành vàng, thành biện pháp cứu cánh cho ngành thương nghiệp đang hấp hối. Người ta định phân ô chia đình cho cán bộ nhân viên, nhưng ngày ấy trình độ chiếm dụng còn kém lắm chưa tinh vi chặt chẽ và chảo chớp như bây giờ. Cứ nghĩ nhân danh cơ quan nhà nước là bà con sợ, cứ nghênh ngang mà đo đo chỉ chỉ, mà chí chóe chửi cãi nhau, tranh bằng được tí mặt đường.
Thế nên trong làng người ta biết, các dòng họ họp lại với nhau rồi người ta khiếu kiện tập thể. Từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh rồi từ tỉnh lên trung ương. Bộ văn hóa, Văn phòng quốc hội, chính phủ, trung ương đảng… quen mặt năm sáu chục cụ nhiều phen ăn trực nằm chờ. Các thông tư, chỉ thị, biên bản, giải trình tới tấp dọc ngang, trên dưới cả mấy tháng trời nhưng không cái nào có giá trị để người dân rước thánh về đình cũng chẳng cái nào bắt sở thương nghiệp phải dừng ngay việc chia đất.
Làng Lim sôi sục hơn cả chiến tranh. Ông bí thư đảng ủy không dám ra mặt ủng hộ dân mình, nhưng dân sắp làm liều, nhà nhà sắm dao sửa gậy, tích đá cục, gạch mẩu chuẩn bị hộ giá thánh về đình. Cái ghế bí thư của ông không còn giá trị nữa khi mà tính mạng và đời sống chính trị của nhiều bà con đang bị đe dọa nếu để tự phát làm liều.
Cái khó ló cái khôn, không biết ai là người đã hiến diệu kế: Triệu tất cả những nhân sỹ của làng của xã về tham chiến, hiến mưu. Anh bạn tôi cùng tất cả những người con làng có học, thành danh đang công tác ở Hà Nội và mọi miền tổ quốc được mời về lập “Ban cố vấn”.
Sau khi nghe báo cáo tình hình họ xin phép họp kín.                         
-Bỏ mẹ chúng mình rồi! Công an huyện công an tỉnh rồi cảnh sát cơ động từ Hà Nội điều về đông như kiến cỏ, tạo thêm mấy lớp hàng rào cảnh sát bọc chặt khu đất đình. Quê hương thì sôi sùng sục, dao liềm đã cầm trên tay, gạch đá đã chất đầy quang gánh như súng đã lên đạn, tay đã để vào vòng cò… gỡ sao đây? Đầu hàng thì còn dám vác mặt về làng nữa không? Tấn công thì mất chức và vào tù là cái chắc. Chúng mày...! Phải nghĩ đi thôi…!
Một ban chỉ huy tối cao được thành lập chỉ gồm các cụ trong làng, đóng ở một trụ sở riêng. Ban cố vấn chỉ làm nhiệm vụ cố vấn, đóng ở một nhà khác. Lệnh được soạn từ ban cố vấn, thông qua và bí mật phát đi từ Ban chỉ huy tối cao:
-Khẩn trương làm hai nửa cầu vượt rào.
-Thanh niên khênh cầu đi trước, các cụ đại diện đi sau (càng già càng tốt, ai yếu quá không đi được thì cõng) ban nhạc và kiệu Thánh đi tiếp theo, dân làng đi sau rốt, càng đông càng tốt.
-Vũ khí cứ chuẩn bị và mang theo nhưng không được manh động. Tất cả phải chờ lệnh, khẩu hiệu là: Manh động là chết! Manh động là thất bại!
-Khi đến nơi, nửa cầu ngoài tiến chậm, chắc vào hàng rào cảnh sát, chỉ dùng cầu mà gạt không được đánh lại, một người bị bắt thì nhiều người khác thay. Khi đã lắp xong nửa cầu ngoài cho nửa cầu trong vượt rào rồi cõng các cụ và kiệu Thánh qua cầu mà vào. Tuyệt đối không được đập phá hàng rào vì đó là “Tài sản xã hội chủ nghĩa”, không được đụng trực tiếp vào vì đấy là “Chống người thi hành công vụ” . Đặt Thánh, làm lễ, dựng lều tạm là xong, là thắng lợi..!
Cái lệnh được thực hiện lập tức và chính xác, cuộc rước Thánh hồi cung diễn ra đúng kịch bản của các tác giả đang núp kín trong buồng.
Mùa xuân năm ấy, tôi được mời về dự hội. Mái đình mới lợp được một nửa, phần trên còn che tạm bằng bạt. Chỉ có mấy người mặc cảnh phục làm nhiệm vụ trật tự. Không ai bị bắt chỉ có ông Bí thứ bị kiểm điểm và khai trừ khỏi Đảng. Hình như những thứ ấy không ngăn được niềm vui, ông đã thành thường dân, ông lại có quyền vui với cái vui của dân làng.
Trang trọng trước sân đình, tôi thấy một bài thơ trong khung kính.
GIÁ NHƯ
Không thể nhớ được cụ thể nhưng đại ý tác giả ước mình còn trẻ để vào hát cùng các liền anh liền chị.
GIÁ NHƯ.., tôi lại nghĩ khác, giá như đòi được đình mà không mất chức, không bị khai trừ có phải niềm vui trọn vẹn không
Hỏi thì hay ông đang lu bu tiếp khách, hiểu tâm trạng ông, tôi viết vội bài họa rồi sai một chú nhóc.
-Mày tìm Bác C, dúi mảnh giấy này vào tay và nói nhỏ “ có Bác Dũng ở Bệnh viện Xanh-Pôn chờ ở nhà ông Toán, khi nào hết việc bác về cũng được.
Bài họa:
GIÁ NHƯ
Giá như ngày hội quê mình
Sông Tương như cũ mái đình như xưa
Trải qua bao nắng bao mưa
Bao toan bao tính nên chưa bận lòng
Bây giờ giặc đuổi đã xong
Mái đình lại có, giá lòng nhẹ hơn
Vì dân thì dạ chẳng sờn
So được với mất chẳng hơn là gì
Thôi vào với chị hai đi
Kẻo mai lại tiếc thầm thì: GIÁ NHƯ!
* * * *
Tối mít vẫn không thấy ông ta về, đành phải chuồn. Lần sau xuất hiện, bọn trẻ tức tốc điệu tôi đến nhà ông.

-Hôm ấy tiếp nhiều khách quan trọng, 10 giờ đêm, say mèm mà tôi vẫn nhớ về nhà thằng Toán, mới hay ông về mất rồi. Thông cảm nhé! Giờ thì tôi tiếp ông..../.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét