Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

BẠN BIẾT GÌ VỀ GIÁO VIÊN MIỀN NÚI...!

Một Cán bộ quản lý thuộc Sở Giáo dục Lào Cai vừa gửi cho tôi bài thơ
NHỮNG CÔ GIÁO VÙNG CAO
Thu Phương

Những cô giáo sống trên vùng cao
Buồn nhất khi trời tắt nắng
Khi ngày tết ngày rằm
Sợ mỗi lần sinh nhật
Sợ đôi guốc gót cao
Sợ mỗi lần chải tóc
Căn phòng năm mét vuông
Vách dán đầy những tờ lịch cũ
Chiếc giường đơn, chăn cuốn nửa giường
Tháng năm trôi
Theo những tấm thời khóa biểu
Chưa một lần sinh con
Nhọc nhằn một đời mẹ chữ
Những cô giáo sống trên vùng cao
Tôi đã gặp một người trong số họ
Chiều này quên nấu bữa cơm chiều.
=-=-=
Cảm cái ý ấy tôi đã viết lại thế này.
                                                             
CÔ GIÁO VÙNG CAO

Ngày sợ khi tắt nắng
Tháng năm sợ tết, sợ rằm
Sợ đôi guốc gót cao
Sợ mỗi lần chải tóc

Căn phòng năm mét vuông
Dán những tờ lịch cũ
Chiếc giường đơn, gối chiếc
Nằm đếm tháng đếm năm trôi

Chưa biết sinh biết nở
Tiếng yêu dần bỡ ngỡ
Mỗi học kỳ, cuối năm
Một năm, rồi năm nữa

Nhọc nhằn đời mẹ chữ
Chưa một lần sinh con
Tuổi xuân để héo mòn
Tiếng thở dài bên núi

Gặp cô giáo vùng cao
Bỗng thấy bước chênh chao
Bỗng thấy lòng chua xót
Ơi cô giáo vùng cao …

Quên tuổi xuân, quên yêu
Quen tĩnh lặng, cô liêu
Kìa bóng rừng đang ngả
Hôm nay, quên nấu cơm chiều …!

Xin kể câu chuyện minh họa
Ngày ở Xanh-pôn tôi có mổ cho cháu Bảo Ngọc, cô bé 6 tuổi với cái tên đẹp chừng ấy, con của đôi giáo viên huyện Bát Xát Lào Cai … Đẹp không các bạn…?
Vỏ não người ta, những cuốn não nom như những con giun to bằng cái đũa nằm sát bên nhau, nhiều cái đũa ấy mới thành một hồi, nhiều hồi thành thùy và não gồm nhiều thùy như vậy. Khi tôi mở ra, não Bảo Ngọc chỉ gồm hai cuốn to như ngón tay từ hai bên thái dương chạy lên đỉnh, nối vào nhau…
Hoàn toàn bất lực tôi tâm sự với người giáo viên ngoài ba mươi tuổi, vẻ mặt mệt mỏi vì thất vọng.
Cái tên Bảo Ngọc, cái cuốn não, cái vẻ mặt của người cha trẻ tuổi cứ theo tôi mãi trong tâm trí.
Đợt công tác ở Bv tỉnh Lào Cai, tôi quyết đi tìm họ.
Đến Bát xát, tìm được ủy ban, phòng giáo dục thì trời đã tối, tôi vào đại một trường học trình bày với mấy bạn giáo viên ở tập thể, nghĩ rằng, hoàn cảnh đặc biệt, chắc nhiều người biết đến.
Quả vậy, nếu ở các thành phố lớn mà đi tim một cặp vợ chồng giáo viên, cách đây 5 năm có đưa con gái tên là… bị dị tật não… thì coi chừng bị đuổi đánh. Không, họ kháo nhau một lúc… ra ngay! Thế mới tài…!
Họ mời và tôi cũng… không tội gì mà không ngồi ăn với họ bát cơm…, ngồi rồi tôi hỏi.
-Ngày nào các em cũng ăn thế này à?
-Vâng…! Chú bảo… ăn cho qua bữa í mà!
Chúng nó vui nhưng tôi phải vờ rút điện thoại ra ngoài để dấu hàng nước mắt, cơm có tép suối nấu với những đọn măng gì chỉ bé bằng đầu ngón tay, bát mắm ruốc và đĩa trứng vừa rán sau khi tôi, ông khách qua đường, nhận lời ở lại. Như thế cũng chẳng có gì mà buồn, tờ báo làm mâm trải lên cái giường một cũ kỹ, trên tường cũng đầy báo và những tờ lịch in những ngày tháng, năm, khác, nhau và những dòng chữ li ti ghi lại những kỷ niệm nào đó… như vậy cũng chưa thể khiến tôi khóc, nước mắt tôi phải rơi vì những nét mặt kia… Có khách, chúng vui lắm nhưng cái vui không ồn ào như ở thành phố, như ở dưới xuôi mà thầm lặng như cam chịu. Bất giác tôi nhớ đến “Bài ca người giáo viên nhân dân” , đến những bài văn bài thơ ca ngợi, đến những phóng sự “Hoành tráng” trên ti vi… chẳng có gì ăn nhập với mâm cơm, khung cảnh và những nét mặt tôi đang chứng kiến…
Hôm sau, đi tiếp 12 cây số nữa về hướng Tây-Bắc tôi gặp cài biển trường học đúng như mô tả, đang lơ ngơ thì một cái xe máy kềnh càng vượt qua rồi nó loạng choạn cùng với tiếng gọi.
-Chú Dũng…!
-Ôi…! Tôi đang đi tìm ông…! Cậu ở đâu…? Làm gì thế này…?
Chỉ vào cái thùng to như nồi nấu bánh trưng, tôi hỏi.
-Chúng cháu ở đây rồi…, cháu đi quay ít mật ong…, mời chú vào đây!
Trời ơi…! Hóa ra bọn kia ở Huyện còn khá, bọn này ở xã, thật không thể tưởng tượng nổi. Tôi phải xuống dắt xe vì cái lối mòn bé tý lại xuống dốc trơn tuột, lưng chừng núi, một ngôi nhà cấp bốn cỡ 5-6 gian, mỗi gian một cặp, cũng chuồng gà, chuồng chó, cái bể cỡ 4-5 khối nước có cái vòi nhựa đang chảy ồng ộc, chả thấy cái khóa đâu, tôi hỏi.
-Sao không khóa nước vào… lãng phí thế!
-Nước trên suối dẫn về í mà, chú!
Vợ chồng nó đón tôi vui vẻ lắm, bà cụ hàng xóm người Ninh Bình lên bế cháu nội cũng sang uống nước. Ở vùng sâu vùng xa, không! Phải gọi là ở nơi rừng xanh núi đỏ này mà họ sinh sống trong một khuôn viên cùng những thứ đồ đạc chỉ thấy ở thế kỷ trước ngoại trừ cái Deam Tàu xộc xệch y như của mấy người nông dân Đông Anh, Gia Lâm chở rau và hai bóng đèn Com Pắc tỏa ánh sáng nhờ nhờ…
Bảo Ngọc đã được gửi bà nội dưới xuôi, vợ chồng nó đẻ được một thằng cu đẹp lắm, anh chồng là giáo viên thể dục nhưng thời gian chủ yếu để nuôi gà nuôi ong, cô vợ là giáo viên tiếng Anh, tôi đem cái trình độ C hỏi vài câu thì biết, văn phạm và từ vựng tốt lắm nhưng chắc lâu ngày không sử dụng vào giao tiếp nên giọng đã ngượng nghịu.
Những hân hoan với đứa con trai dường như chưa xóa hết vẻ mệt nhọc, ưu tư về đứa con gái đầu lòng.
-Sao đất rộng người thưa mà các cậu sinh hoạt chật chội vậy? Sao không xin đất gần đường hơn rồi làm cái nhà tử tế mà ở…?
-Ai người ta cho chú!
-Tôi tưởng mình có chế độ…!
-Thì chúng cháu đang ở nhà chế độ đây.
Tôi không thể tả được, mà cũng không muốn tả nữa, ai đã từng vào tập thể của trường Đại học sư phạm Hà Nội những năm 70-80 mới có thể tưởng tượng ra “Nhà” của các giáo viên miền núi, chật chội đến mức ở Hà Nội không kiếm đâu ra… thế mới nghịch lý!

Anh bạn tôi ở Lào Cai có cô vợ yêu làm gì đó to to bên Hội đồng nhân dân thành phố, tôi đem chuyện kể lại rồi hỏi.
-Đất rộng như thế, sao Tỉnh không cho họ một ít, người ta lên đấy đã chịu bao nhiêu thiệt thòi…
-Ồi…! Anh không biết đấy thôi, cho là họ bán ngay…! Mà có tiền, coi chừng họ bỏ về ấy chứ…!
Ôi…! Lại một nghịch lý, lại một lý lẽ… đến giật mình....! Một trong những cách giữ chân giáo viên là... đừng để họ có tiền...!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét