Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

VĂN HỌC VÀ THẦY THUỐC...!

Thấy trên mạng ý kiến của cô Kim Tiến rằng “Các trường y nên đưa môn văn vào xét tuyển Bác sỹ”, xin có mấy suy nghĩ:
Người ta bảo: “Học văn là học làm người”! Vậy, văn cần cho tất cả mọi nghề, nhưng những nghề có đối tượng trực tiếp là con người thì càng cần...!
Cũng cần nói ngay những nghề có đối tượng trực tiếp là con người thì cũng nhiều ví như tài xế xe khách, người bán hàng..., nhưng điển hình nhất vẫn là thầy thuốc và thầy giáo và..., điển hình hơn nữa là... Quan (Hay nói theo cách của nhà nước mình là “Cán bộ quản lý”) mà cô Kim Tiến đang là một người như vậy..!
Ngoài ra những đối tượng cũng “Rất cần” học văn, rất cần tẩm bổ tí "Nhân văn" để hành xử như: Các loại công an, Khu vực, giao thông, điều tra xét hỏi...
Nói như vậy tức là tôi ủng hộ ý tưởng của chị Bộ trưởng...!
Không có ý định bàn nhưng theo tôi, cách dạy và học văn bây giờ đang ... quá tệ! Việc ấy dành cho các người làm giáo dục.

Tôi khẳng định lại rằng tồi đồng ý với cô Tiến, văn học rất cần cho người làm thầy thuốc...!
Bây giờ tôi bàn thêm với các bạn (Và với cả cô Kim Tiến, nếu cô muốn nghe) xem: Làm thầy thuốc còn cần những tố chất gì nữa.
1-Nghệ sỹ.                     
Có người bảo, muốn làm thầy thuốc tốt cần “Tẩm bổ” cho mình đôi chút “Chất nghệ”! Tôi cũng cho rằng ... rất đúng!
Người có “Chất nghệ” là người có khả năng cảm nhận..., cảm nhận các tác phẩm của thiên nhiên, các tác phẩm của con người. 
Nguyễn Du cảm nhận được tiết thu và viết ra thành câu thơ để người ta cùng cảm nhận.

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

Nhìn vết chân người thương binh để lại trên cát Trần Tiến thấy cả tâm hồn người lính chiến với những gian khổ chiến trường đã qua, những đêm thương mẹ, những trận đánh không quên bên đồi..., nay trở về “Dạy các em thơ, bài hát quê hương”

Người thầy thuốc, nếu cảm nhận được giá trị, cái đẹp của một bức tranh, nỗi đau của một lời thơ, ý nhạc sẽ dễ dàng cảm nhận được nỗi đau thể chất và tinh thần của người bệnh cùng gia đình của họ, cảm nhận được sự lo lắng của họ và cuối cùng cảm nhận được ý nghĩa việc mình làm đối với họ
Ngày mới ra trường, một sáng sớm, chúng tôi nhận và hồi sức cho một thiếu phụ bị tai nạn, thương tổn quá nặng, biết không thể làm được gì, thậm chí khi biết chị ta đã chết, chúng tôi vẫn tiếp tục những động tác hồi sức...
Ngày đó Bs chưa “Sợ” bệnh nhân và người nhà như bây giờ nhưng chúng tôi biết rằng chồng và con nạn nhân đang theo dõi, đang đặt hết hy vọng vào chúng tôi và tôi không muốn cắt cái nguồn hy vọng ấy mộ cách thô bạo.
Khi tôi nghe tim lần cuối và lắc đầu, thông báo với người chồng, anh ta ôm lấy tôi khẩn khoản, xin tôi hãy làm thêm điều gì đó..., rồi anh ta cứ vuốt mặt vợ mà nói:
-Em ơi...! Em đi làm sao được...! Mình còn bao nhiêu việc, em đi làm sao được..!
Hai đứa con gái chị ta ôm chặt hai chân tôi gào khóc
-Bác sỹ ơi...! Cứu mẹ cháu đi...!
Tôi cứ đứng yên như vậy vì tôi cảm nhận được hết nỗi choáng váng, đau đớn của người ta và cũng vì cảm nhận được mà nước mắt tôi chảy ra, tin rằng sự đồng cảm ấy của tôi ít nhiều có tác dụng với họ.
Lát sau, tôi nắp chặt vai anh ta nói
-Chúng tôi đã cố hết sức...! Đừng làm kinh động chị ấy nữa...! Hãy bình tĩnh để làm chỗ dựa cho các cháu....!
Dù không trả lời nhưng tôi thấy nét mặt anh chồng khác hẳn, vơi cơn hoảng loạn, anh ta bắt đầu ý thức được vai trò của mình trước biến động quá lớn...
Không biết là hay-dở, đúng-sai nhưng sở dĩ tôi làm như thế cũng là vị tôi cảm nhận được nỗi đau của bố con họ và tôi đã thể hiện nỗi đau ấy.

Một người cảm nhận được cái đẹp, cái ý nghĩa của cảnh rồi thể hiện được cảm nhận ấy lên khung vẽ thì được gọi là... Họa sỹ!
Người thấy hay hay thì vẽ, vẽ có hay có khéo đến đâu thì bức tranh cũng vô hồn, người ấy chỉ được gọi là ... thợ vẽ, thợ sơn (Painter)
Một người cảm nhận được cái tình từ lời ca ý nhạc của bài hát mà cất lên thành tiếng, truyền được cái yêu thương, căn giận, khí thế hào hùng hay ảm đạn đến tận tâm trí người nghe, người ấy được gọi là.... Ca sỹ.
Người có chất giọng thiên bẩm, hát đúng cao độ, trường độ, khớp với nhạc đệm nhưng vô hồn, khi nội dung bài hát là đau đớn, nghiêm trang, thiêng liêng lại nở... nụ cười duyên, ngược lại, khi cần thể hiện sự vui vẻ, khí thế thì nét mặt lại đăm đăm... trong khi thể hiện bài hát lại chỉ để ý đến danh tiếng và lợi nhuận của mình thì người ấy chỉ được gọi là ... thợ hát, cho dù có được phong nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ nhân dân đi chăng nữa.
Người thầy thuốc rất nhớ giải phẫu và sinh lý, sinh lý bệnh học, rất khéo tay khi làm các thủ thuật nhưng không cảm nhận được nối đau của người bệnh, sự lo lắng của gia đình, không biết ca nào cần khẩn trương làm trước, ca nào có thể chậm lại, ca nào có thể mạnh dạn dùng những biện pháp đắt tiền và ngược lại ca nào cần tiết kiệm tối đa..., cuối cùng thì không biết cách giải thích để gia đình hiểu được mức độ bệnh tật, thông cảm được việc làm của mình.
Người ấy mải chữa một ca chưa thật cấp bách để chết một ca khác hoàn toàn có thể cứu được.
Người ấy, nếu không vì danh tiếng (Đôi khi do tin đồn và do sự độc quyền mà có) thì không chiếm được lòng tin từ người bệnh và thân nhân.
Người ấy tuy được gọi là Bác sỹ giỏi nhưng thi thoảng lại làm những điều ..., “Vô duyên”, ví như thực hiện một thủ thuật cầu kỳ, tốn kém trên một cơ thể biết chắc rằng chỉ vài hôm nữa là chết. Tốn nhiều giờ, nhiều chục triệu đồng làm “Thẩm mỹ” cho một cụ già 80 tuổi mà con cái rất nghèo..., điển hình là như vậy, trên thực tế thì áp dụng những phương pháp rất tốn kém cho những người “Chạy ăn từng bữa” trong khi có những phương pháp ít tốn hơn rất nhiều mà vẫn “Chấp nhận được”.

Khi làm một ngôi nhà, thêm vài tạ si măng, sắt thép, cái bồn cái bệt, loại gạch lát sàn, ốp nhà vệ sinh đắt hơn ... “Một tý”...? Một cậu thợ còn rất trẻ bảo tôi
-Đúng là mỗi thứ chỉ “Một tý” nhưng cộng mươi cái tý ấy là to chuyện đấy chú ạ!
Không hiểu có bao nhiêu phần trăm “Bác sỹ giỏi” của ta quan tâm đến “Tổng chi phí”, “Tổng thiệt hại” cho một lần điều trị...? Bắt đầu từ sự nghỉ việc của người bệnh, và người chăm nuôi, ăn uống sinh hoạt của họ, số lần gửi xe, viện phí, tiền dụng cụ phương tiên, thủ thuật và cuối cùng là tiền ...”Bồi dưỡng” nhân viên (Bản thân tôi vẫn thường nhận)
Như vậy, để người thầy thuốc có thể cảm nhận được từ nỗi đau thể xác và tinh thần, cảm nhận được hoàn cảnh và ước muốn của họ để có thái độ phù hợp thì nên được “tẩm bổ” để có trong mình ít “Máu nghệ sỹ”. Làm được như thế sẽ không cần đến những khẩu hiệu như:
-Thầy thuốc phải như mẹ hiền...! Phải làm sao được khi không biết mẹ hiền thương con như thế nào, biểu hiện bằng hành động và lời nói với con ra sao...
-Phải niềm nở, tận tình, chu đáo, khẩn trương, thương yêu....! Phải làm sao được khi không biết tâm tư, hoàn cảnh của người ta...
-Các cái “Phải” khác cũng thế...!
2-Người thầy thuốc cần có kiến thức xã hội chung
Sự hiểu biết về các ngành nghề khác nhiều khi có tác dụng cho chẩn đoán, đánh giá, tiên lượng.
 Hiểu được những quan hệ xã hội mà người bệnh đang được hưởng và đang phải chịu cũng giúp người thầy thuốc giúp người bệnh tốt hơn, hiệu quả hơn.
Khi giải thích bệnh tật cũng có thể dựa vào nghề nghiệp của họ, họ sẽ dễ hiểu hơn.
Một người nông dân cứ đòi chụp cắt lớp kiểm tra khi chưa thật cần thiết, việc ấy nên lùi lại vài ngày nữa thì có thể giải thích thế này:
-Chụp kiểm tra cũng như việc thăm lúa vậy, nếu ông/bà nghĩ lúa có thể đang đơm bông, mấy ngày nay thấy người ta nói có sâu bệnh hay chuột bọ, hay không biết lúa đã chín chưa thì đi thăm để biết là cần thiết. Nhưng nếu mới năm hôm trước ông/bà thấy lúa còn xanh thì nay có đi thăm cũng vô ích, nên lùi lại vài hôm nữa...
Một người thợ điện bị đứt dây thần kinh có thể giải thích
-Dây thần kinh cũng như bó cáp điện vậy trong vỏ có nhiều bó, trong mỗi bó lại gồm nhiều bó nhỏ hơn, cứ như thế nhỏ hoan nhiều lần nữa mới đến sợi thần kinh thật sự, bác sỹ chỉ có thể nối được những bó to và vỏ ngoài nên ngay sau khi nối chức năng của dây thần kinh chưa thể có được ngay...

3-Người thầy thuốc nhất định phải có kiến thức về tâm lý
Mặt bằng kiến thức của dân ta (Có thể gọi là “Dân trí”) còn rất thấp, cái dân trí ấy mang vào viện sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt: Người bệnh, cường điệu bệnh tật của mình, nhất là những người nhiều tiền, những gia đình có người làm quan lớn, những trường hợp đánh nhau, tai nạn có đối kháng (Với người cùng tai nạn xe cộ, với giới chủ trong tai nạn lao động) ..., và vì thế không phối hợp (Cộng tác) với thầy thuốc để chẩn đoán..., chẩn đoán sai thì người bệnh trực tiếp chịu hậu quả.

Vì vậy người thầy thuốc cần nắm được những trạng thái tâm lý bất thường ấy để giúp người ta và cũng là giúp cho công việc của chính mình được hữu hiệu, tránh những hiểu lầm không đáng có.

Trở lại với ý kiến của cô Tiến.
Văn học bao quát những yêu cầu trên, có thể ví người viết văn như người có bằng tổng hợp, tuy không sâu hẳn lĩnh vực nào nhưng rộng, lĩnh vực nào cũng biết.
Người viết văn phải có ít nhiều máu Nghệ sỹ, phải có kiến thức tổng hợp, phải hiểu tâm lý ...
Cô Tiến bảo người ta học văn, ý cô là muốn người ta đạt được những kiến thức đó...!


Còn như bảo: Học văn để viết văn bản cho ra văn bản, để nói năng diễn thuyết cho gãy góc thì e rằng cô hơi... tham! Cô đánh giá thấp quân của mình rồi...! 
Cô cứ về viện E..., một bệnh viện “Tỉnh chả ra tỉnh, huyện chả ra huyện” (lời BT Quốc Triệu), một bệnh viện còn... “Hoang sơ” (Lời thứ trưởng Cường) rồi nghe các lãnh đạo, các Bác sỹ ở đấy nói mà xem..., toàn “siêu sao” cả đấy...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét