Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

TẢN MẠN VỀ MẤY CÂU THƠ

Tôi vừa có hai cuộc điện thoại.
Trước hết, một bạn đọc quen biết tỏ ý nuối tiếc bài thơ mới đây trên trang Trần Đức Thái.
Tôi đã đọc bài thơ này, vì bận nên chưa đọc kỹ nhưng định bụng sẽ quay lại đọc kỹ hơn, chính vì vậy mà ..., tôi cũng tiếc.
Gọi ngay cho anh Thái, té ra việc cất bài thơ là thể theo ý tác giả..., biết làm sao, tôi không muốn và cũng không có quyền về việc này!
Nhưng nhân cái nội dung còn nhớ lõm bõm mà nói đôi điều về Cựu chiến binh giải phóng Miền nam, các thương binh và những gì chính sách hậu phương của nhà nước mình đã làm, chắc... chả ai cấm...!
Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh, lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân, họ đã:
“Đi chiến đấu mà lòng vui bất tận
Chiến trường giục giã bước hành quân”
Khi vượt vỹ tuyến 17 không ai trong họ đặt ra cho mình bất cứ một chỉ tiêu nào về quân hàm, bổng lộc sau chiến tranh.
Họ hồ hởi đi, hăng hái chiến đấu, vui vẻ đón nhận đói khát và sốt rét rừng..., cuối cùng thương tích và tính mạng không cản được bước tiến của họ trên con đường “Cứu nước” mà Đảng đã vạch ra.
Cái vô tư, không bao giờ tính toán xương máu, tính mạng của những người lính chiến, thiêng liêng lắm, thiêng đến mức thiết nghĩ lúc này, hoàn cảnh này, không cần và không nên nhắc đến nữa...,
Tôi sợ, sợ đến mức căm ghét những mỹ từ dành cho họ...
Những người ở hậu phương và những người đang được hưởng thành quả xương máu, tính mạng của họ cứ muốn, cứ đòi hỏi họ phải luôn trong “Tư thế chiến thắng”..., khi bị đối phương dồn đuổi đến kiệt cùng..., khi chôn bạn chết vì đói, vì sốt..., khi biết là sẽ thua, biết là sẽ chết mà vẫn phải tiến lên theo cái lệnh thiếu minh mẫn từ ở tít tận xa..., ta vẫn đòi họ phải hiên ngang như lúc cắm cờ trên dinh Độc lập.
Và bây giờ, dù được đãi ngộ thế nào họ cũng phải luôn nở “Nụ cười chiến thắng”, dù mọi ngày làm gì, ăn gì, mặc gì thì khi xuất hiện trước công chúng.., khi đi vào thi ca, họ vẫn phải “Lấp lánh huân chương trên ngực”... Có phải chúng ta muốn thế, hậu phương muốn thế...???
Khi bị thương, họ chỉ nghĩ có còn được chiến đấu nữa không...? Bao giờ lại được về chiến đấu bên đồng đội...? Và vì thế mà họ vui vẻ, thứ vui vẻ không phải vì như vậy họ sẽ có cái “Thẻ chen ngang”, để mai về quê bắt nạt thiên hạ...
Trước khi trút hơ thở cuối cùng trên tay đồng đội, chẳng ai mừng vì: Thế là từ nay bố mẹ mình có cái “Bằng gia đình vẻ vang”.... Nếu mừng, họ mừng vì đã hứng chịu bom đạn, đã hy sinh thay cho đồng đội.... Nếu ân hận, nuối tiếc..., họ tiếc, họ ân hận vì đã trút hết gánh nặng phía trước cho đồng đội...
Lúc ấy, họ không có điều kiện, không có thời gian và cũng chưa có cơ sở để nghĩ về những điều khác.
“Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hoặc lâu hơn nữa...” và: “Ngày mai kháng chiến thành công...” Từ năm 1974 về trước, ai cũng tin ở “Chiến thắng” nhưng có người lính nào ở chiến trường biết được rằng, “Ngày mai” ấy chính là 30-4-1975...?
Tôi không muốn nói đến những gì mà Đảng và nhà nước đã làm kể từ cái mốc ấy cho những người lính, những người được gọi là... “Có công”.
Tôi chỉ thấy không ít những “Thương binh rởm”, những “Nạn nhân” này nọ ... “chưa thật”..., thậm chí “Anh hùng lực lượng vũ trang” ..., man trá.
Trong khi không biết còn bao nhiêu thương binh thật, chất độc thật, có công thật đang bị lãng quên, đang phải “Chạy”, phải “Xin” chế độ lẽ ra họ phải được hưởng...
Hình như, việc người lính trở về phải lặn lội đi tìm người xác nhận thương tích của mình, xác nhận thời gian và địa bàn chiến đấu của mình đã thành việc ...”Đương nhiên”..., hình như kể từ khi họ trở về thì cái nghĩa đã đổi cho nhau giữa “Tiền phương” và “Hậu phương” và người lính đã thành hậu phương nên phải phục vụ, phải đáp ứng những theo yêu cầu của tiền tuyến....
Tôi chỉ thấy cái việc cỏn con như chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập mà tốn giấy tốn bút..., đau hơn nữa là những giọt nước mắt của đứa con gái bảo vệ danh dự cho bố...
Tôi chỉ thấy những gia đình bỏ thời gian tiền của, những ông bố bà mẹ cố lăn lội đi tìm mắn xương của con như một nguyện vọng duy nhất trước khi yên lòng nhắm mắt lìa đời...
Trong suốt cuộc chiến tranh, có biết bao nhiêu trường hợp như vậy...? Còn bao nhiêu trường hợp như thế...?
Chỉ với tư cách đồng đội, tư cách một công dân được hưởng thái bình mà mỗi khi nhìn cảnh ấy, nghe chuyện ấy tôi đã thấy mình như một kẻ vong ân bội nghĩa...!!!
Những người may mắn còn được sống, họ đang ở đâu...? Làm gì..?
Không phải tất cả đều là Lê Mã Lương, Bùi Văn Bồng, Phạm Tuân!
Đa phần trong họ đều như Trần Đức Thái, và tôi tự hỏi bao nhiêu người không được như Trần Đức Thái...? Bao nhiêu người đang ở cảnh Bần cùng...?
Nhưng họ vẫn là lính..., có thể không còn..., không cần..., không thèm màng đến những tiêu chuẩn chế độ nữa, nhưng họ vẫn là người, vẫn phải ăn để tồn tại, vẫn phải vắt kiệt chút sức còn lại cho con cái... và ai dám chắc rằng trong họ không có ai phải đi ... “Ăn xin”...?
Đành rằng, những cựu chiến binh, những thương binh bần hàn thì nhiều lắm, số phải “Đi ăn mày” chắc có nhưng ít lắm... Nhưng bài thơ vẫn làm thức dậy cả một thế hệ... đang sống, những người đang sống mà như đã bị lãng quên...
Họ lạc quan một cách ngang tàng, “Chân đông khiều chân tây” để kiếm sống, để đến thăm nhau.
Vẫn sống như khi chia nhau củ sắn, viên thuốc sốt rét, hơi thuốc lào
“Có một thằng bạn lính
Cho cái huy hiệu này
Thế là đeo lên ngực
Vênh vang đi ăn mày...”
Bản thân tôi cũng được một “Thằng bạn lính” cho bộ quần áo “Cựu chiến binh”, một “Ông bạn lính” “Cho” cái “Kỷ niệm chương” quân khu.
Chả biết có phải vì tôi là đồ cả nghĩ quá hay không mà bạn cho thì trân trọng cất đi chứ chả bao giờ dám mặc, chẳng bao giờ dám đeo..., mình là thương binh, là CCB ... cóc cần ai ghi nhận nhưng dùng cái đồ...”chúng nó cho” thấy... cứ thế nào ấy...!
Nhưng người lính trong bài thơ này thì khác!
Người cho anh cái huy hiệu, hẳn hơn anh nhiều thứ nhưng, như thường lệ, anh vẫn gọi là... “Một thằng bạn lính” cho thấy họ vẫn sống với nhau trong sáng, gặp nhau là cùng hàng cùng lối, mặc cho giờ này mày là sếp nọ quan kia, nhà lầu xe hơi và ... huân chương đầy ngực...!
Mày cho tao cái huy hiệu, cái mà lẽ ra tao phải có..., ừ thì ông đeo lên ngực.., ông hãnh diện về quá khứ, ông hãnh diện về chúng mày..., dù ông vẫn phải ... “Đi ăn mày”...!
Bài thơ hay lắm nhưng tôi chỉ nhớ được mỗi đoạn này, có lẽ vì nó hay nhất, “lính” nhất và trong cái đoạn hay nhất ấy tôi lại khoái nhất câu cuối.
“Vênh vang đi ăn mày”
Kể, viết là quyền của tác giả, hiểu là quyền của người đọc, tôi không muốn truất cái quyền ấy của ai, thế nên tôi phải xin...!
Trước hết, xin các bạn hiều cho hai chữ “Ăn mày”
Đau xót lắm nhưng nếu đã “Chân đông khều chân tây” thì việc ngửa tay lấy mấy đồng bố thí, thì là ăn mày chính hiệu và cũng chẳng có gì là lạ.
Nếu khá hơn, lành lặn hơn mà đi “Xin việc” người ta để kiếm mấy đồng..., có thể không ai coi đó là ăn mày nhưng nếu bản thân người lính coi là vậy ..., cũng chớ nên trách họ. Tôi cho rằng cái nghĩa “Ăn mày” ở đây nó rộng thế đấy, nó bao gồm, nó bắt đầu từ việc người lính chiến trở về phải ...”XIN” phải “CHẠY” hậu phương thân yêu, hậu phương vững mạnh của mình cái chế độ ... “Của mình”
Tôi xin bạn đọc chớ hiểu rằng người lính đeo cái huy hiệu được bạn cho kia rồi “Vênh vang” theo kiểu ngang ngược, kiểu người ta vẫn gọi là “Công thần”, kiểu của những kẻ vừa ăn xin vừa ăn cướp.
Và có là “Ăn mày” thứ thiệt, ăn mày xịn đi chăng nữa họ vẫn có cái ngạo nghễ, lạc quan của những “kẻ chiến thắng”, ta ăn xin không phải vì ta lười biếng..., càng không phải vì ta hèn hạ... bởi ta đã không lười biếng, đã không hèn nhát...
Cái “Vênh vang” ấy khiến chúng ta, cả xã hội phải suy nghĩ, phải nhìn nhận lại việc làm và suy nghĩ của mình....!!!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét