Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Một kiểu chảy máu chất xám...!



Những ức chế từ phía đồng nghiệp và lãnh đạo làm cho ngày làm việc vốn không có gì lại trở thành mệt mỏi.... Tôi quyết định đi đánh bóng để xua đi những phiền muội vô tích sự.
Phải, tôi sống tương đối lành lặn được đến bây giờ một phần là nhờ cái bóng bàn. Cứ cầm vợt, đứng cách nhau cái lưới là quên hết sự đời, thắng thì vui hơn, có thua chăng nữa thì những vụn vặt cuộc đời cũng dễ dàng bị lãng quên và khi quay lại ta sẽ xử lý nó dễ dãi hơn.
Vừa sỏ chân vào giày thì điện thoại reo..., ai đây không biết…!
-A lô...! Tôi Minh đây...!
-Xin lỗi! Minh …
-Chú bệnh nhân của ông đây...! Lính tăng quân đoàn 4 đây...!
-À...! Chào bác, tôi nhớ rồi...!
-Ông đang trực không đấy...?
-Dạ, không! Tôi đang thể thao, có gì không bác...?
-Tốt rồi...! Bỏ mẹ nó cái bóng bàn đi…! Ra ngay đây…! Tôi và nhóm đồng ngũ đang ngồi ở Thu Hằng Đội Cấn...! Không được từ chối đâu đấy! Ra ngay nhé...!
Phải đi thôi…!
Tôi mổ cho một thằng bé chấn thương sọ não nặng lắm, may vì kịp thời mà nó sống được ngon lành. Mấy lần bố nó mời đi nhậu, tôi cương quyết từ chối, ông ta cậy thằng em (cán bộ gì kha khá), tôi nói thẳng với hắn.

-Nói thật nhé! Khi nào cháu còn nằm viện thì tôi không thể ngồi uống với các ông được...! Đấy là nguyên tắc, nếu thật lòng quý nhau thì để khi nào cháu khỏi hẳn, ra viện đã…
Nói vậy vì đa số gia đình rất nhiệt tình khi bệnh nhân còn đang nằm viện, khi về rồi họ quên ngay ấy mà…
-Thôi được...! Bác sỹ đã nói vậy thì bây giờ tôi tôn trọng nhưng khi cháu ra viện, Bác sỹ cũng phải tôn trọng lại chúng tôi đấy nhé!
A! Thằng cha này được…! Tôi nhìn kỹ hắn một lượt, khác với những ông quan thông thường khác, hắn có vẻ nhanh nhẹn hoạt bát nhưng không kênh kiệu, từ cử chỉ, cách ăn mặc đến nhời nhẽ.
-Này...! Bác sỹ trước có đi lính không đấy...?
Hắn đường đột hỏi, tôi lại nhìn hắn từ đầu đến chân một lần nữa nhưng rõ ràng thân mật hơn.
-Sao ông hỏi vậy?
-Vì tôi thấy Bác sỹ có chất lính.
-Ông đi năm nào?
-Bảy hai! Tăng quân đoàn bốn!
Tôi bắt tay hắn thân mật và đổi ngay cách sưng hô.
-Bảy hai là tụi em kính nể rồi...! Xin được gọi là “Đại ca”, em đi bảy tư…, quân đoàn hai.
Sau khi hỏi nhau một hồi về những thông tin thời chiến trường, hắn nói.
-Thôi được rồi! Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau, gọi là phải đến đấy nhé.
-Ô kê! Em hứa!
Thằng bé ra viện đã lâu, giờ hắn gọi thế này thì phải đi thôi. Thực lòng cũng tiêng tiếc bữa bóng bàn nhưng nhậu với cựu chiến binh, tôi cũng ... ham lắm....!
Đúng là bọn lắm tiền, họ ngồi trong phòng riêng, máy lạnh đàng hoàng. Sau một tuần (Bia) chào bàn, hắn giới thiệu cũng rất... “Lính”.
-Thằng này, thằng này nữa … lái! thằng này với thằng này nữa… pháo thủ.
Lại uống..., ba tuần là mặt tôi đã phừng phừng. Chuyện chiến trường, chuyện giải phóng Sài Gòn mãi rồi cũng nhạt, chúng nói những gì về làm ăn, chức tước khiến tôi lạc lõng,thấy thế ông Minh tế nhị giới thiệu tiếp.
-Giới thiệu với Dũng, thằng này cũng có con là Bác sỹ đấy.
Hắn chỉ tay về người đàn ông nãy giờ trầm tư, hầu như không tham gia vào những vấn đề bọn bạn đang quan tâm, thế là tôi có bạn.
-Cháu ra trường lâu chưa anh? Làm ở đâu...?
Nét mặt không vui, ông ta kể.
Con gái học ở Mỹ, tốt nghiệp Y khoa nó làm cao học về tim mạch và đỗ loại xuất sắc (ở ta cũng toàn giỏi và xuất sắc cả nhưng ở Mỹ khó hơn nhiều). Ngay lập tức có bốn Viện trường (University Hospital) lớn đặt hàng, họ đưa ra những chế độ về công việc, nghiên cứu, giảng dạy, những chế độ lương bổng, nhà ở, xe cộ, phép và bảo hiểm… Cô con gái gọi về xin ý kiến, ông bố nói.
-Con nên về...! Tổ quốc đang cần những người như con...!
Về nước, cô Thạc sỹ tim mạch dạo qua những cơ sở chuyên khoa của Hà Nội rồi về nói với bố.
-Con đi thôi bố ạ...!
-Cái gì...? Con lại sang Mỹ à...?
-Dạ!
-Con nhất định phải đi à...?
-Vâng...!
Người cha tím mặt hồi lâu, đoạn ông vạch áo chỉ vào bụng nói.
-Mày xem...! Bố mày đi đánh Mỹ và Mỹ nó bắn bố mày đây này...! Mày phải biết rằng, để mày được ăn học thì có không biết bao nhiêu người như bố mày, không biết bao nhiêu người đã phải hy sinh cả tính mạng… Bây giờ mày ăn cơm Mỹ, mày chữa bệnh cho Mỹ… Chúng mày là đồ vong ân bội nghĩa…! Đồ phản quốc…!
Mắt ông long sòng sọc, môi ông giật giật… Thấy vậy, cô con gái bưng cho bố cốc nước mát, xoa xoa cái đầu người cha, chờ cho tấm thân ông bớt giần giật mới thỏ thẻ.
-Con xin bố bớt giận, con cũng muốn ở nhà phụng dưỡng bố mẹ, con chấp nhận mức sống của các Bác sỹ Việt Nam để chăm sóc sức khỏe cho người Việt, con chấp nhận từ bỏ những điều kiện làm việc ở Mỹ....
Lại chờ cho ông bố thật bình tĩnh cô mới tiếp.
-Nhưng bố thử nghĩ xem, người ta mời (tức là con không phải xin) con làm việc với những điều kiện và đãi ngộ rõ ràng như thế..... Nhà mình không có thần thế, với những năm tháng chiến trường, với những vết thương trên mình..., bố có thể xin cho con vào một cơ sở tim mạch mà không mất tiền không…?
Ông bố im lặng, mặt ông trùng hẳn xuống, cô con gái đã đưa ông về với thực tại.
-Bố có thể vay mượn, nhưng con không thể đồng ý nếu bố chi quá một trăm triệu cho con có việc làm, mà tại sao phải như vậy cơ chứ...?
Mặt ông bố lại tím dần …, môi lại run run nhưng không bật ra được một lời nào, hình như nước mắt ông ứa ra, cô gái ôm lấy người cha tội nghiệp.
-Con sẽ gửi tiền về, và khi cần thiết con sẽ về ngay với bố mẹ....
Dùng cả hai tay, cô gạt hai giọt nước mắt tủi hổ, giận dữ đang lăn trên gò mà sù sì, lau cho bố nhưng nước mắt mình lại chảy ra, cô nghẹn ngào.
-Bố đừng mắng con là phản quốc…, xúc phạm com lắm…. Con kính trọng, tự hào, yêu thương, biết ơn bố và thế hệ bố nhiều lắm… những người đã làm nên chiến thắng. Con sẽ về ngay khi con thấy có thể bố ạ… Bố đừng buồn nữa nhé...!
Hai cha con ôm chặt lấy nhau, cái lưng già rung lên bần bật, rồi ông khóc thành tiếng, khóc như một đứa trẻ, tiếng khóc bật lên từ những cảm giác hỗn độn trong tâm trí. Tự hào vì con ông đã trưởng thành, học ở Mỹ mà nó ăn nói có tình có lý thế. ...Sung sướng vì nó đúng là con ông, một người yêu nước. Mừng vì con có môi trường làm việc tốt, có điều kiện phát triển sự nghiệp. Buồn vì đất nước, vì cái thành quả ông và các bạn ông đã đổ xương đổ máu cố giành cho được mà con ông lại … không thể làm việc, cống hiến...!
Tôi nắm tay anh thật chặt
-Trước hết em mừng cho cháu! Là một Bác sỹ, em cũng tâm huyết..., cũng có vài đề tài dài hơi..., nhưng khó lắm anh ơi...! Ở nước mình.., không có tý lưu manh trong người thì không thể thành công trong bất cứ lĩnh vực nào... Là một thằng lính chiến, em cũng chia sẻ với anh những điều khi ở chiến trường chúng ta không thể tưởng tượng được... Thôi! Còn sống mà về, đẻ được con và con thành tài là mừng anh ạ...! Cháu nó nói đúng đấy..., chúng ta cùng hy vọng một ngày các cháu có thể về nước làm việc...
Mắt tôi, mắt anh cùng đỏ..., chúng tôi đã cùng khóc...!

Sau đó vài tháng, lại có một trường hợp.
Tôi chữa cái khớp gối cho một bà chừng ngoài năm mươi tuổi, theo phác đồ cần tiêm ba mũi nhưng đến mũi thứ hai bà ta đã gần như khỏi hẳn, ấp úng hỏi.
-Thưa Bác sỹ! Liệu tuần sau tôi ... đi Mỹ có được không?
Nghĩ bà ta khoe khéo, tôi bực mình.
-Đi được, nhưng nếu chị còn băn khoăn thì để dịp khác, có nhất định phải đi không?
Và bà ta kể.
Người chồng bội tình, lấy vợ khác rồi mang nhau vào Miền Nam bỏ mặc hai mẹ con bà. Cháu gái rất ngoan, học giỏi, du học Anh Quốc rồi làm việc bên Mỹ, cách đây ba năm, thương mẹ đơn bóng nó bỏ về làm đại diện cho một công ty của Đức tại Hà Nội, lương 24 triệu/tháng (vào những năm 2008 mức này là cao lắm), thế rồi một đêm, nó ôm mẹ thủ thỉ.
-Con phải đi thôi mẹ ạ...!
Bà giật mình, bất ngờ trước quyết định của con.
-Sao thế con, mẹ thấy lương con cao thế cơ mà..., mẹ không cần nhiều hơn đâu con ạ, mẹ chỉ…
Không để người mẹ nói hết lời, cô con gái vội ngắt.
-Con biết, với hơn hai mươi triệu mẹ con mình tiêu không hết và còn nhiều cơ hội tăng nữa nhưng khó chịu lắm mẹ ạ...!
-Sao vậy con?
-Người Đức rất chặt chẽ và rõ ràng, họ biết và không ngại chi cho chúng con chạy chọt nhưng mỗi khi có việc liên quan đến chính quyền hay các công ty nhà nước không biết phải mang theo bao nhiêu tiền…, đưa tiền rồi mà không biết có được việc hay không? Bao giờ được…? Và như thế, không biết phải báo cáo thế nào về bên kia… Chả biết họ có nghi ngờ hay không nhưng con cứ tin là có… những tiền ấy không nhỏ lại không có hóa đơn, cũng không có người làm chứng… Liệu họ sẽ còn tin mình đến bao giờ....? Và con không thể chịu được cái cảm giác bị người ta nghi ngờ....
Người mẹ kể tiếp
-Thế là sau hơn một năm làm việc trong nước, nó lại đi, lấy một Việt kiều, sắp đẻ, tôi phải sang giúp nó và tôi muốn có mặt trước khi cháu đẻ.
Tôi vui vẻ động viên.
-Chị cứ đi đi, nếu cháu ở vùng có khí hậu khô có khi lại tốt hơn cho cái đầu gối của chị đấy...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét