Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

Qua miền Tấy Bắc...!

Khác hẳn với cái ẩm ướt hành hạ người Hà Nội mấy tuần nay, từ Mộc châu, trời bắt đầu nắng ấm.
Khoảng cuối những năm 90, còn thấy ở đây những đồi cỏ bạt ngàn, những đàn bò Cu Ba hàng vài trăm con, bây giờ công nghệ sữa phát triển, nhu cầu sữa tăng cao… thế mà chả thấy những đồng cỏ, những đàn bò ấy đâu…, lạ nhỉ!
Câu hỏi ấy được giải đáp một cách hệ quả từ một câu hỏi khác…, những đồi chè bạt ngàn, tuy chưa thật xanh những cũng đủ mát mắt, những rừng mận đã đậu quả xanh li ti, hoa và rau thì ít hơn.
-Rau gì mà xanh đẹp thế kia nhỉ?
Một người hỏi vu vơ
-Hành đấy…!
-Không phải…, hành gì to thế…! Tỏi đấy…!
Đến gần hơn thì ra là … cỏ! Thứ cỏ ngoại nhập dành cho bò ăn… Thế là rõ…, người ta nuôi bò rải rác trong các hộ chứ không thành nông trường như cũ, người công nghiệp, bò cũng công nghiệp…, cỏ được cắt mang về, bò cứ việc ở trong chuồng mà ăn, mà ị, mà cung cấp sữa…</p>
Những cái tên địa danh Sao Đỏ và Cờ Đỏ khiến bọn tôi nhầm mất hơn 20 km.
Cơm rượu xong, chủ nhà cho đi thăm chè Ô Long của người Đài Bắc, (Thứ trà không bao giờ dám dùng vì cứ nghĩ là … Đồ Tàu!) anh ta hồ hởi giới thiệu.
-Người Đài Loan trồng chè, vô tình có hình trái tim…, đẹp lắm, ai đến mộc Châu cũng phải ra xem…!
Tôi chẳng hứng thú gì với cái “Hình trái tim” ấy bởi thiên nhiên Mộc Châu còn nhiều thứ hấp dẫn hơn nhưng vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ dẫn đoàn.
Giữa cái bạt ngàn hoa lá cao nguyên, một đám chè có hình trái tim không đáng để quan tâm đến vậy, ấy thế mà khách thập phương nháo nhác, trầm trồ rồi đua nhau chụp ảnh đến mức độ chai lỳ một vùng đất.
Băn khoăn, cứ nghĩ vớ vẩn cũng ra ối thứ…
-Ừ! Người mình hiếu kỳ thật…, người Tàu cố tình tạo ra cái hình ấy…, cho vài người, vài đôi đến chụp ảnh cưới…, thế rồi một đồn mười, thế rồi tự người ta gán cho những cái thiêng liêng, kỳ lạ…, để rồi đua ngau mà đến…
-Có lẽ người Tàu biết tận dụng cái tính hiếu kỳ ấy của người Việt, không cần giới thiệu khách cũng phải biết đây là trà Ô Long người Đài Bắc trồng…, ăn đứt những quảng cáo tốn tiền…, Thì đấy…! Nếu không ra tận nới thì một kẻ như tôi vẫn cho rằng Trà Ô Long được mang từ Đài Bắc sang và không bao giờ dùng đấy thôi… Hì hì..! Đấy mới là nghệ thuật giới thiệu sản phẩm!
photo ffe364d6-7cd7-4dfc-9d29-ac410291b0c4_zps5a6333aa.jpg
ĐI HÁT LÓT
Ngã ba Cò Lòi, gặp một cây Ban trắng toát đầu tiên và một bà chủ quán người thái đầu tiên.
Nghĩa trang thanh niên xung phong, người ta ghi trên bảng thế chứ có lẽ nghĩa trang “Dân công hỏa tuyến” thì đúng hơn, những người mở đường, gùi thồ hàng lên mặt trận ĐBP, qua những đoạn phim tài liệu thì ngày đó, nơi đây còn “Rừng xanh núi đỏ” lắm, những người này bị chết vì đói, bệnh, bom …
Người dân bảo, Cò lòi là địa dư khác, người ta mang những hài cốt về đây, lập cái nghĩa trang này, xây cái tượng đài này cho tiện…
Cũng như những cái tên địa danh; Bát xát, Xi Ma Cai ở Lào Cai, cái tên Hát Lót gợi cho người xuôi cảm giác “Rừng rú”…, hoàn toàn ngược lại, người Hà Nội cứ lên đây mà xem, thị trấn nằm bên quốc lộ 6 nhưng hoàn toàn không ồn ào, những cửa hàng cửa hiệu rộng rãi sạch sẽ…, Những công trình công cộng không “Hoành tráng” nhưng hữu ích, khang trang và đặc biệt sạch, tôi hít căng lồng ngực vài phát. Ôi..! Giá như Hà Nội được thế này….! Bất giác tôi ngỡ mình đang ở một thị trấn nhỏ bên Hàn Quốc.
Vào một nhà…, kéo nhau sang nhà khác…
-Ấy! Không đóng cửa đóng cổng à..?
-Không sao đâu! An ninh ở đây tốt lắm…!
Hà Nội ơi…! Thèm chưa…!
Loại bỏ những gì là người thân, họ hàng, Bác sỹ…, cứ nghe người ta hỏi thăm nhau, nghe cả nội dung và tông giọng nó mới thân và thật làm sao…! Chẳng mỹ miều nhưng thừa giả dối như dưới kia…
Hà Nội ơi…! Thèm không…!
Ăn tối, ông anh mổ cả một con lợn “Cắp nách”, tiếc rằng không thể thuyết phục được chủ nhà cho ăn ngoài sân… , nhứt định phải ngồi trong nhà…, phải thôi…, ông khách chính 80 rồi….,say!
photo 10075b9a-0742-495e-b96d-d6408b5814a8_zps786a4c1c.jpg
Không biết từ bao giờ mới được một giấc ngủ êm ái đến thế!
Ăn sáng, đi Sơn La.
NHÀ TÙ SƠN LA
Khuôn viên cũ còn đấy, người ta có tu sửa (Không đáng kể) nhưng cơ bản nơi tù nhân nằm, sinh hoạt vẫn y nguyên, những cánh cửa, cùm bằng sắt còn sót lại gợi cho tôi hai điều.
-Ngày xưa thép của pháp tốt thật đấy.
-Bên trong những vật này là sự “Mất tự do”
Khốn nạn nhất là khu biệt giam, qua đấy lại nhớ cảm giác hôm đi qua khu tử tù ở Hỏa Lò (Trại giam Hà Nội) …, cái cảm giác rùng rợn, buồn nôn.
Vẫn biết, xã hội nào cũng có nhà tù, để giữ yên đời sống cho số đông thì phải loại đi một số nguy hiểm cho số đông ấy, nhưng nhìn những phòng giam chỉ vừa một người nằm, tối om với chỉ một cái lỗ… tôi cứ nhớ đến hình ảnh con lợn, con chó, con bò bị người ta trói chân trói tay rồi chọc tiết… nó vùng vẫy tuyệt vọng…, đôi mắt từ cầu xin, van nài đến long lên giận dữ…., Bao giờ con người không phải hành xử với nhau như thế nữa…?
Cô hướng dẫn nói.
-Sau khi rút chạy, thực dân Pháp cho máy bay ném bom hòng xóa đi dấu tích tội ác…
Tôi chẳng nghĩ thế…! Có chăng, người ta muốn thiêu hủy những tài liệu không muốn lọt vào tay “Quân ta” và tiêu giệt cán bộ của ta chứ có nhà tù là có tội ác rồi…!
photo d1c0aa02-c7fc-4904-a16f-5dca312e9def_zpsf33b0740.jpg
ĐIỆN BIÊN
Trên đường, thấy mấy cái guồng nước…., dừng lại.
Thấy nước trong quá… lội xuống.
Thấy hai vợ chồng già người Thái đang lụi hụi làm gì đó… mò đến xem.
photo IMG_3204_zpsb273c762.jpg
-Chào anh chị! Làm gì thế …? Guồng này hỏng à…?
-Ừ! Hỏng rồi!
Tôi nhìn dòng nước được người ta kè đá chảy cuồn cuộn vào ba cái guồng hỏi.
-Có cá không?
-Không có đâu…!
-Có nước, phải có cá chứ?
-Không có đâu…! Đánh điện chết cả trứng rồi…!
-Anh bao nhiêu tuổi tồi?
-Năm hai…, vợ bằng nhau…!
Nếu không kinh nghiệm thì mình đã nghĩ hắn ngoài sáu mươi, cô vợ nom còn “chững chạc” hơn. Hắn đen, gầy, mặc cái quần đùi mỏng đến mức ai giàu chí tưởng tượng một chút là hình dung ra hết hay chịu khó cúi đầu đôi tý là nhòm thấy cái nội dung giấu bên trong. Vừa phụ hắn buộc mấy cái phên guồng hỏng tôi vừa hỏi.
-Nước này để ăn hay tưới ruộng…?
-Tưới ruộng thôi…!
Cái áo không biết màu gì, vai rách toạc, lấm chấm những hạt mốc, cổ cáu ghét đen xì…, chợt nhớ chỗ quần áo mang theo tôi hỏi.
-Này…! Tao có quần áo cũ…, vẫn còn lành…, nhưng không đẹp đâu…, mày có lấy không..?
-Lấy chứ…! Tốt quá…!
photo IMG_3214_zps96baea59.jpg
Thế là vợ chồng nó vui vẻ hộ tống tôi vượt suối, lên bờ, tôi đi đất cho dể trèo.
-Cẩn thận, kim tiêm đấy…!
-Kim ma túy hả…?
-Ừ…!
Tôi rùng mình thận trọng leo qua từng viên đá lên đường.
photo IMG_3217_zps945c6f6f.jpg
-Cái này của đàn ông, mày không mặc vừa thì cho con cho cháu nhé…! Cái này của đàn bà cũng thế…!
-Còn nữa không…?
Mẹ bố thằng “Thổ mổ kinh” tôi đã phòng xa chui vào xe lôi hai bọc quần áo cũ trong bao tải thế mà nó vẫn biết.
-Còn…, nhưng để cho người khác…, mỗi người mỗi tý…!
(Còn nữa)
LÊN ĐIỆN BIÊN
Càng đi, hoa Ban xuất hiện càng nhiều…
Đúng là có Ban trắng và Ban đỏ, đỏ hay trắng là ở phần nhụy…, rừng nguyên sinh không còn, thay vào là rừng mới trồng, thế mà Ban đã phủ tắng từng mảng…, mới biết ngày xưa “Ban nở trắng rừng” là thế nào.
photo 4e94e55a-42a9-4c3d-8a08-4f3ea69ac8df_zpsb40f40c4.jpg
Chân đèo Pha Đin, gần 12h, ăn đã.
-Có gì ăn cơm em?
-Dạ! Có gà, thịt lợn đen, thịt thỏ, thịt…
-Rau gì?
-Dạ! Rau cần, rau cải, bắp cải… rau diếp…
-Cho xem tý nào…
. . .
-Thế này nhé: Thịt lợn…, miếng này này…rang cháy cạnh …, trứng tráng, rau diếp luộc, bắp cải… cây này này… xào…, thế nhé…! Đây…, ông cầm miếng thịt này làm đi…, rau để tôi…
Tôi bóc những cây rau diếp to như dưa Đông Dư, thái cây bắp cải tươi nhất rồi tự rửa lấy…, loáng là xong.
-Chả thấy khách nào như bác!
-Ừ! Hay ăn thì lăn vào bếp, với lại…, mình tự rửa thì khi ăn, cảm giác nó ngon hơn.
-Bác là bác sỹ à?
-Sao cậu biết?
-Cháu thấy bác rửa chậu trước rồi mới rửa rau…!
-Cứ thế là Bác sỹ à…? Chậu này các cậu rửa bát …, đúng không? Nhiều mỡ lắm…, mỡ bám vào lá rau thì rửa bao nhiêu nước cũng vô ích…
Ở Mộc Châu, vợ chồng nó cho ăn cá Vược, gà đồi và… Ba-Ca-Cu-Ty…, tối qua ăn lợn cắp nách… Nói ra các em đừng giận…, bữa cơm thường này ngon hơn cả.
Đứa con gái nhà chủ quán đang học lớp sáu tỏ ra thân mật với tôi, nó nói tròn vành rõ chữ chứ không khó nghe như mấy cháu Hà Lội, ăn xong quay lại, thấy nó đang vắt vẻo trên bức tường gỗ (nhà sàn) mắt nhìn xa xăm, miệng khe khẽ hát… Nguy hiểm quá, tôi nhẹ nhàng đến gần, nói với nó vài câu rồi mới nhắc.
-Cháu xuống đi, ngồi thế nhỡ ngã một cái thì đầu cứng bằng đá cũng phải vỡ đấy.
Con bé nhoẻn miệng cười rất tươi, ngoan ngoãn theo lời…, thật sự cảm động khi nó kéo tay tôi.
-Đi…! Cháu dắt bác xuống xem bà cháu sao chè…!
Tôi chào bà lão lưng còng, con bé phấn chấn giới thiệu, chẳng kém mấy cô hướng dẫn viên du lịch.
-Bác ơi! Đây là máy sấy.
-Thế đây là gì?
-Dạ! máy vò..
-Thế… vò xong đem phơi à…
-Không…, còn nhiều thứ lắm…, bác không biết đâu…, chè ở trên nhà là của bà cháu sao đấy…! Bác lên uống mà xem…
Vừa nói, cô bé lớp sáu vừa thành thạo ném những nắm chè bà cụ đổ ra từ lò sấy vào máy vò như để cho tôi biết cách làm...
-Năm ngoái, cháu được học sinh gì?
-Dạ! Học sinh giỏi!
-Thế à…! Bác hỏi…, con phải nói thật nhớ…, cháu học … có thích không…?
-Thích ạ..!
-Ừ…, học giỏi sẽ thích và khi thích sẽ học giỏi cháu ạ…, học giỏi, cháu sẽ biết nhiều thứ mà bây giờ cháu chưa biết và những người học kém sẽ không bao giờ biết…
Tôi mừng vì con bé cứ tròn xoe mắt, nghe như uống từng lời vậy… Nhìn cơ ngơi nhà nó, nhìn những thứ nó đang mặc là biết…, mấy bọc quần áo trên xe là … vô duyên với nó.
-Em ơi…! Đâu rồi…! Không lấy tiền à…?
Cháu giúp việc đang rửa bát chạy lên.
-Cô chú cháu đi rồi…, cô cháu bảo …, của bác 280 nghìn…!
Trời…! Bữa ngon, no nê cho 5 người, ở ngay chân đèo 30 km mà có 280 nghìn…
Đèo Pha Đin không quá nguy hiểm nhưng với tay lái như tôi thì cũng đủ để… quên ngắm cảnh đi, một phần lớn đoạn đỉnh đèo đã được hạ thấp, đường mới, rộng nhưng làm thế nào để duy trì tốc độ, an toàn và giảm vất vả cho những người ngồi sau… kỹ năng đấy!
photo IMG_3194_zps8bcd4b04.jpg
MƯỜNG PHĂNG
Theo hướng dẫn và gợi ý của Hát Lót, chúng tôi chạy cố để kịp thăm đại bản doanh của Đại tướng …, Điện Biên tới tấp gọi.
-Anh đến đâu rồi…! Lâu thế…! Mường Phăng trước à….! Thôi…, thế cũng được…! Đến thẳng khách sạn Hà Nội nhé, bọn em chờ ở đấy rồi đi ăn tối…, sẽ ăn ở bản Thái…, đúng như anh yêu cầu đấy!
Rẽ vào Mường Phăng, có biển đề, bảng nghi khu di tích hẳn hoi nhưng đường thì… lạ lạ, mặt đường cho thấy không mấy xe qua lại… cứ y như đường lên khu Bạch Mã của anh em họ Ngô … quái…, hay người ta bỏ đường này rồi…! 6-7 km mới gặp hai cái xe máy ngược chiều… Ô kê! Thế nào cũng có người, được đi lại con đường năm xưa cũng ý nghĩa, cũng bõ rồi.
Những khu đất tương đối bằng phẳng giữa chỗ xuống dốc và lên dốc nom cứ quen quen…, hình như ở một đoạn phim tài liệu nào đó.
-Ngày xưa Đại tướng lên đây bằng gì nhỉ?
-Thì võng…, kiệu… như kiểu của Bao Chửng ấy…! Hay đi bộ, ngày đó ông ấy còn trẻ mà…!
-Không…, cơ giới rồi…, thế nào chả có xe zip…!
-Mà còn phải đi lại nhiều chứ…, để kiểm tra thực địa chứ… ông Giáp cơ mà…! Ngồi trong hầm thì làm sao có những quyết định đưa pháo vào kéo pháo ra…, làm sao mà thắng được như thế…!
-Đây…, chắc … cũng là đường kéo pháo đấy nhỉ…!
-Hẳn rồi…! Tướng phải ở cánh chủ yếu, mà hỏa lực cũng phải tập trung ở hướng chính mà lị…!
-Trời ơi…! Dốc thế này… mình đi không đã khó… thế mà kéo bằng tay…!
-Đường như thế này là sau mới làm, chứ ngày đó đường đất và còn dốc hơn nhiều ấy chứ…!
Đôi uyên ương 80 cứ đàm luận dọc đường…, bất giác tôi thấy bánh xe lâng lâng khi ý nghĩ bị lôi theo câu chuyện của họ…, nơi xe tôi đang chạy đây là những con dốc dựng đứng, trơn tuột…, những ngựa, xe đạp thồ, gùi, gánh…, những sợi dây thừng, những tấm thân rạp mình kéo pháo…, càng gần mặt trận càng nhiều gian nguy…, hai bên đường này …, bao nhiêu người đã chết…
Ý nghĩ ấy, cảm giác ấy khiến tôi phải dừng hẳn xe bước xuống, hít một hơi thật dài…, những người khách lục tục xuống theo, họ làm cái việc vẫn làm mỗi khi xe dừng…, còn tôi…, nhìn những chiếc lá khô bên đường rồi ngẩn mặt lên trời thầm khấn.
-Hỡi các cô, các chú, các bác…! Chúng cháu …, những người được hưởng thành quả sự hy sinh xương máu của các bác… về thăm các bác đây…! Linh thiêng, xin hãy phù hộ cho non sông đất nước phồn thịnh…, xin phù hộ cho cháu đưa đoàn đến nơi đến chốn…, cháu cảm ơn các cô, các chú, các bác…
Châm một điếu thuốc, đặt xuống hòn đá, “Mời các bác hút với cháu điếu thuốc”, châm điếu nữa, rít vài hơi rồi lại đặt xuống…
Lên đường, bánh xe như vững hơn, tay lái, chân côn, chân phanh, chân ga… như tự tin hơn… chả hiểu sao nữa…!
(Còn nữa)


Mặt trời đã qua bên kia đỉnh núi được một lúc chúng tôi mới đến khu di tích.
Những người khách cuối cùng đang lục đục kéo nhau ra về, vài cái xe du lịch trên bãi đỗ. Dăm đứa trẻ con vừa theo khách xuống sân lại hò nhau chạy ngược lại theo chúng tôi. Chẳng cần chào hỏi, chúng giới thiệu như những cái máy nhưng bằng cái giọng đã lơ lớ tiếng dân tộc lại pha pha kiểu cách của các cô hướng dẫn viên
-Rẽ phải…
-300 mét nữa là đến bộ phận thông tin…
-500 mét nữa đến hầm Đại tướng…
-200 mét nữa đến bãi đỗ trực thăng…
Bọn này thường làm cho những chuyến đi của tôi giảm hứng, kinh nghiệm bảo rằng; Tốt nhất là kệ chúng nó, không tiếp chuyện, không hỏi, không mua thì đến lúc chúng xin tiền, mình có thể không cho.
Tôi bước nhanh hòng tách chúng ra, nhưng nhanh làm sao bằng bọn trẻ thổ dân này, đành dừng lại.., chúng cũng dừng, không quá gần, không quá xa…, nô đùa với nhau trên những cành cây đổ, miệng vẫn lau láu đưa ra những thông tin về chiến dịch ĐBP…, bất lực, tôi đành đứng ngắm chúng nó rồi bất giác phì cười khi liên tưởng đến lũ khỉ con.
-Thằng này…! Lớn đầu…, không về nấu cơm, cho lợn ăn, còn lang thang ở đây đến bao giờ…, tối rồi…, bố mẹ mày đánh chết!
Chẳng mảy may đáp ứng.., thôi đành…, đi tiếp. Khi những thành viên trong đoàn bắt chuyện thì thấy chúng có khác bọn ở dưới xuôi, không kỳ kèo bán hàng, lại sẵn sàng dắt người già qua những chỗ khó khăn.

 photo IMG_3226_zps1af20cbe.jpg

(Khu lán thông tin)

Qua mấy cái lán của bộ phận thông tin, chúng nó vẫn eo éo giới thiệu về hoạt động ngày ấy…, cũng hay!
-Trên kia, năm chục mét nữa là hầm Đại tướng…, sâu hơn là nơi ở của chuyên gia Trung Quốc…, có tất cả… chuyên gia, … người bị sốt rét… người bị chết,… người phải về nước.
-Chúng mày học ở đâu mà biết giỏi thế..?
-Nghe các cô…, mãi là nhớ…
Phải rồi, bây giờ tôi mới để ý, chúng nó nói với nhau bằng tiếng Thái và đúng tông giọng của bọn trẻ con nghịch ngợm nhưng giới thiệu bằng cái giọng rất lạ… hóa ra là bắt trước…, cả nội dung và giọng… đúng là những con vẹt dễ yêu.
-Đây là cây bưởi Đại tướng trồng…
-Thằng này nói láo…! Đại tướng ở đây từ những năm 50, cây bưởi của Đại tướng phải to bằng cây đa rồi chứ…, cây này bé tý…
-Không biết…
Đấy! Chả vẹt là gì.
-Chắc người ta trồng lại.
Một người trong đoàn chữa ngượng cho chúng.

 photo IMG_3238_zps2ce018f7.jpg

(Hầm ĐT)

Đúng là người tài thì cái gì cũng hay, không biết tự Người hay anh em chọn vị trí này…, nhà và hầm trên lưng chừng núi, xuống khoảng 20 bậc là một khu đất nhỏ nhưng thoáng…, cái không gian khiến người ta có thể thư giãn tỉnh táo sau những toan tính đại cục.
-Thế …Đài quan sát của bác Giáp ở đâu …? Chúng mày có biết không?
-Biết…! Những xa và cao lắm…, tối rồi…, chỉ đi hầm chuyên gia Trung Quốc được thôi…, theo lối này… 200 mét nữa…
-Không…! Tao … thèm vào đi xem Trung Quốc…! Thôi… Đi về… !

 photo IMG_3237_zps010fc74f.jpg

(Về thôi!)

Đừng ai bảo tôi nói đùa, chuyên gia TQ gây không ít khó khăn cho Đại tướng, họ cướp Hoàng Xa năm 74, đánh ta năm 79, cướp Gạc Ma, tàn sát giã man các chiến sỹ của ta năm 88, bây giờ…, họ có thao túng bộ máy lãnh đạo của ta không …? Họ có phá hoại nền kinh tế của ta không …? Hàng hóa của họ nhiều đến mức cố cũng không thể tránh được hết…, vậy thì ta nằm trong tay họ còn gì… để đổi lấy sự giúp đỡ của họ, mình cứ phải nhượng bộ dần cho đến khi mất nước...
Đồng ý rằng quan hệ Việt-Trung còn nhiều điều để nói và nếu không có vũ khí của họ, ta cũng khó lòng thắng Điện Biên nhưng tôi quyết không đến thăm hầm chuyên gia để giữ cho chuyến đi được khí thế...
Bọn trẻ đưa chúng tôi theo đường dưới, phải băng qua suối cạn, thằng em (Phụ lái) vừa dắt đồng chí 80 vừa cằn nhằn.
-Chúng mày để yên ông đi đường cũ có phải dễ không.
-Trên ấy tối rồi…!
-Phải đấy em ạ! Đấy cũng là kinh nghiệm, đường trong rừng, có cây che sẽ mau tối hơn…
Đến nơi, tôi gọi thằng đầu đảng.
-Các bác đã cho tiền chúng mày chưa?
-Cho rồi…!
-Bao nhiêu…?
-Bốn mươi nghìn…!
-Thế chúng mày có mấy đứa?
-Năm…!
-Được, tao cho thêm 10 nghìn nữa nhé, phải chia đều đấy…!
-Vâng! Cháu xin…!

Cũng theo hướng dẫn thì từ Mường Phăng có đường về thẳng ĐB…, một hướng dẫn sai lầm…, đường xấu đến mức tôi tưởng là đường thôn bản chứ không phải tỉnh lộ, chốc chốc lại phải dừng hỏi thăm.
Lọ mọ mãi rồi ánh đèn thành phố cũng hiện ra bên tay trái.
-Nếu những ngày chiến dịch là mình đang đi ngang miệng pháo của ta đấy.
Một người nói…, phải lắm, ta vừa ở hầm Đại tướng ra, trước mặt là Mường Thanh
-Tất cả nằm xuống…!
Tôi hô, xe chồm qua một cái rãnh đầy nước cứt đái lợn…, khách hốt hoảng
-Gì thế…!
-Nằm xuống, kẻo pháo ta lại bắn vào xe mình…!
-Thế mà làm hết hồn…
-Ừ nhỉ! Cụ Giáp ngày ấy chả biết có xe zip mà đi…, giờ ta đi xe có điều hòa nhiệt độ… tay lái trợ lực…

CƠM BẢN

Vợ chồng cái Hòa chờ sẵn ở khách sạn, vẫy…, bắt tay...
-Làm gì mà các ông đi như bò ra đường thế…!
-Vừa đi vừa hỏi…, quay lại mấy lần…
-Sao lại thế…? Không quay lại đường cũ à..?
-Ừ…! Chúng nó xui…!
-Đứa nào xui…, thảo nào…, thế chả chết…! Thôi, nhận phòng, tắm rửa nhanh lên… các em Thái chờ lâu lắm rồi….!
Lên xe, Long (chồng của Hòa) nói
-Vì anh muốn vào bản nên chúng em đặt cơm Thái, đi hơi xa chút…
Rồi hắn giới thiệu
-Đây...! Bên trái ta là đồi A1…, kia là nghĩa trang…, sáng mai Hòa sẽ đưa anh đi từng điểm nhưng nhớ về nghĩa trang thắp hương nhé…, thiêng lắm đấy…, hôm trước có đoàn cựu chiến binh Điện Biên về thắp hương…, giữa trời mưa mà hương cháy ngùn ngụt.
Tôi vội ngắt lời
-Ông đừng nói nữa.., mai tôi sẽ vào nghĩa trang trước!
Gần hết thành phố, rẽ vào con ngõ lớn.
-Đây rồi! Cả khu này là nguyên xi một bản người Thái đấy anh nhé…!
Nó nói thế thì biết thế chứ tôi chả thấy tý gì gọi là … bản, cái cổng to đùng, trên cái sân rộng lát gạch nem đỏ đậu mấy cái xe du lịch đủ cỡ, những ngôi nhà sàn cũng chẳng khác gì những nhà hàng đưới xuôi…
-Anh lên trước, em đón xe kia…, cứ bàn nào chưa có người là của mình, em đặt rồi…
Qua cái cầu thang nhà sàn không hề lạ lẫm, tôi giật mình nghĩ bụng; Sao vợ chồng nó lại cho mình ăn ở đây nhỉ…, đúng là bọn … nhà quê…, chúng nghĩ thế này mới sành điệu chăng…?
Trên sàn có hai mâm đang ăn, những tiếng cười… hô hố nhưng nhạt như … cười rượu …, những thằng đàn ông ôm những người gái mặc trang phục Thái vừa uống rượu vừa cười sằng sặc…, chả hiểu người ta cười vì cái gì…, thế rồi chúng nó hát …, những Giải phóng Điện Biên, Qua miền Tây Bắc…, những điệu dân ca Thái rồi lại ôm nhau uống…, rồi lại cười…
Thằng Long đưa khách lên, tôi cau mày.
-Sao mày lại cho anh ăn ở đây?
-Sao bác…! Bác thích vào bản mà…!
Tôi hất hàm về phía mấy mâm kia
-Anh không thích cái này đâu…!
-A…à! Bác cứ ngồi xuống…không phải đâu…! Rồi bác sẽ thấy…!
Khách vừa yên chỗ, một cô Thái xinh ơi là xinh, mặc bộ Thái đẹp ơi là đẹp đến giới thiệu món ăn: Nộn hoa ban, thịt lợn gác bếp, măng hấp… gì gì nữa nhưng em cúi sát người tôi quá, hồn phách bay hết, lạc hết nên không thể nhớ nổi.
Vợ chồng Hòa mời chúng tôi một lượt, ngay sau cái ly “Khai hỏa” ấy, em áo vàng (Liên) đến chúc mừng cả đoàn một ly, không biết thằng Long có “xi nhan” hay không mà nó đến mời riêng tôi, thằng Long giới thiệu.
-Đây là em Liên, chủ nhà hàng.
Rồi quay sang Liên
-Đây là anh Dũng, người mổ cho Hòa ngày ấy đấy
Chả biết chúng nó quan hệ với nhau thế nào, chả biết thật đến đâu, khéo đến đâu nhưng nó cúi đặt cái ly xuống mâm ôm choàng lấy làm tôi… như thằng nhà quê.
-Ối trời…! Anh đây à…! Chúng em nghe về anh từ lâu lắm… thôi! Để người Thái cảm ơn anh ly này.
Ừ thì uống… sợ đếch gì! Đón ly rượu, định cụm thì thằng Long nói.
-Thôi…! Đã thế thì … “Khát vọng” luôn đi!
-Khát vọng!
Cô Thái vui vẻ nhận lời rồi đặt một tay vào lưng tôi, tay cầm ly vòng qua gáy tôi…, chẳng biết gì nhưng tôi cũng phải vòng ly qua gáy cô ta… đưa lên miệng…



-Chưa được…, chưa được…! Khát vọng phải thế này!
Ai đó đặt cái tay thừa của tôi nơi eo cô Thái… uống… vỗ tay…
Tóm lại là người Thái có vài kiểu uống, kiểu vòng tay có cái tên gì đó rồi đến kiểu vòng gáy ôm eo là cao nhất và gọi là… “Khát vọng”.
Em liên, em Hồng, em Lan… uống… hát, hát… uống… hóa ra mình cũng giống bọn kia rồi...!

 photo IMG_3241_zps7efb1da9.jpg

(Thế này gọi là khát vọng)

Hai mâm kia, một của "Thi hành án" tỉnh trung du, một của Công an tỉnh nọ… chúng nó đứng dậy… xòe, í ới gọi.
-Hà Nội ơi …! Vào xòe cho vui nào…!
Một lũ say, xòe như… điên, có thằng vướng chân ngã bổ ngửa, com lê, ca ra vát, áo ngoài quần trong… lòi tòi phòi…
Một thằng, chừng là trưởng đoàn thi hành án nói to.
-Mời Thủ Đô thể hiện.
Mẹ bố mày…! Lại thách nhà giàu húp tương rồi…, đón cái Míc từ tay nó, tôi hô đúng giọng… “Phường chèo”.
-Na…ào! Cố lên anh em ơi…! Kéo pháo lên núi nào…!
-Na…a..ào...!
Tất cả hùa theo cũng… “Phường chèo” không kém. Tôi làm động tác kéo pháo…, tất cả làm theo… chưa hát vội, tôi đứng dậy đưa tay ra hiệu.
-Toàn trung đội! Chia làm hai dây…, rạp người xuống…! Nắm chắc dây vào…
-Ha..ai..i… ba nào...! “Hò dô ta nào…, kéo pháo ta vượt qua đèo...”
Tất cả cùng hát, tất cả cùng theo động tác của tôi… cái trung đội hổ lốn những Vĩnh Yên, Việt Trì, những Thái, những Hà nội… toàn say là say… hát mới nhiệt tình, mới ngộ làm sao.
Thế rồi “Qua miền Tây Bắc…. cùng đồng tâm tiêu giệt hết… chai này”…, đôi uyên ương 80 ù tai xin phép về trước…, cuộc vui cứ thế đến quá 12h đêm.

 photo IMG_3269_zps1fb69f11.jpg

Lại uống nữa à...! Ô Kê...!

Đã Hò kéo pháo, đã Qua miền Tây Bắc hết cỡ mà vẫn say, mở Láp tóp ra… chữ nhảy múa…, nằm xuống… giường chao đảo… gay!
Thằng em phụ lái ngáy phe phe… khó chịu quá, cần phải nói…, nói thật nhiều cho rượu thoát ra theo đường thở…, cần phải uống, phải uống thật nhiều nước để rượu nhanh chóng theo đường niệu… Đã viết thế, đã dạy người ta thế nhưng bây giờ… đếch ngồi dậy được…! Cái gì chọc vào hông ông thế này…! A… cái điện thoại…, đây rồi…, cái lỗ để nói đây rồi…
-A lô! Anh đây…! Đang ở… Điện Biên…! Không say…! Nhưng mà uống nhiều quá….
Nói…, nói cho hả rượu… không biết nói những gì, chỉ biết đầu dây yêu cầu đưa điện thoại cho ai đó… thế rồi thấy thằng em lau mặt cho anh bằng khăn ấm…, thế rồi nó mở cửa đi đâu rất lâu…..thế rồi nó gọi.
-Anh ơi! Cố uống tý nước chanh cho tỉnh.
-Ừ! Em cứ để đấy… lát anh uống… giờ không ngồi dậy được… em ngủ đi, mai lái.

Ăn sáng xong, tôi muốn tìm một vị trí thật cao hòng quan sát toàn cảnh thung lũng Mường Thanh…, chẳng đâu bằng cái khách sạn của mình, lên sân thượng, tầm mắt đã rộng hơn nhưng chỉ được một góc…, có cái thang lên tum… trèo..., chà… rung bần bật, gần 80 cân, gần 60 tuổi…, không mạo hiểm được…, nhưng cũng cố thò được cái mặt lên …, chả hơn mấy, thôi… xuống.

NGHĨA TRANG

Mua mấy thẻ hương ngay ở cổng… không đắt… tốt!
Cũng như tất cả những nghĩa trang liệt sỹ khác, những ngôi mộ có ngôi sao vàng xếp thành hàng thành lối nhưng cái lạ đã đập ngay vào mắt…, những tấm bia được gắn ở sau lưng: “Liệt sỹ Trần Văn A, thôn… xã… huyện Hải Hậu-Nam định, Thanh Hóa, Phú Thọ…” lạ!
Sau khi thắp hương ở ban thờ chung, muốn dành riêng cho những linh hồn liệt sỹ, tôi tách đoàn, rảo bước về nơi vắng nhất.
Chẳng biết gì nhiều về Điện Biên, về những người hy sinh nơi đây, họ đều tuổi cha chú… thế nên chẳng hề cảm động nhưng nước mắt bỗng trào ra thật khó hiểu… Phải chăng tôi tủi thân thay cho các liệt sỹ trước những người đang nhí nhố chụp ảnh, í ới gọi nhau… cười nói oang oang…? Phải…! Họ là khách du lịch và đây là một điểm du lịch, không ai cấm họ chụp và cũng không ai cấm họ nói to, không ai bắt họ khi cắm hương phải dành hết tâm trí cho những người đã khuất.
Chính bản thân tôi cũng thấy lạ cho những cảm giác và những giọt nước mắt của mình, thắp hương…, châm điếu thuốc mời các bác, đọc những hàng chữ sau lưng mộ… bỗng có tiếng.
-Bác thấy chúng cháu lát thế này có được không?
Một thằng khoảng 40 tuổi, ăn mặc trơn tru, áng chừng là dân kỹ thuật hay giám sát công trình gì đó…, tôi ậm ờ một lát rồi trả lời.
-Ừ, các bạn làm thì cũng tốt thôi…, nhưng tất cả chỉ để cho người sống…, những người dưới đất này họ không cần đâu…, cảm ơn bạn nhé!
Chợt nhớ ra, tôi hỏi.
-Này bạn…! Tại sao chỉ ở đây tôi mới thấy cái kiểu gắn bia đằng sau mộ…?
Anh ta cười dễ dãi.
-Không phải đâu bác ơi! Tất cả những ngôi mộ này đều là “Vô danh”, những tấm bia này là gia đình người ta tự làm đấy…!
Thế là hiểu…, ngần này ngôi mộ vô danh… lạ! Chả nhẽ khi chôn cất không nhận ra một người nào sao…? Ở giữa có bốn ngôi mộ ốp đá đen với những cái tên quen thuộc; Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan đình Giót…

 photo IMG_3283_zps6c046887.jpg

(Bốn ngôi mộ có tên ở đằng trước)
ĐỒI A-1

 photo IMG_3287_zps98cd0d27.jpg

(Đồi A1: Trước là nghĩa trang, xa sau lưng là sân bay và hầm Đờ Cát)

Ý nghĩ về những ngôi mộ vô danh và những tấm bia gắn sau lưng, cái cảm giác lạ lùng ở nghĩa trang cứ đeo đuổi tôi cho đến khi đứng trên đỉnh đồi A1 nhìn xuống…, sau lưng là sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Pháp…, phải rồi…, khu nghĩa trang đúng là hướng đánh chủ yếu của ta…, áo chấn thủ và súng trường xông lên…, đại liên từ trên này dội xuống…, hẳn mỗi tấc đất kia đều thấm lớp lớp xương máu các anh… đặt nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên ở đấy là phải lắm…, đưa những hài cốt về nằm cùng đồng đội cũng là phải lắm.

 photo IMG_3292_zps4f054601.jpg

Tự hào về Điện Biên…, thương xót những người làm lên Điện Biên …, sao lại có cảm giác buồn tủi cho họ và cho cả những xương máu làm nên 30-4…!

HẦM ĐỜ CÁT

Hầm đã được làm lại với một mái che khổng lồ…, đành rằng muốn bảo tồn phải thế nhưng hình như mất đi vẻ “Chiến trường”.
Cô hướng dẫn nói lại chuyện tướng Pháp đã giữ lời hứa với vợ mà trở về chứ không giữ lời hứa với Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông dương mà tự vẫn…, có thể mọi người nhắc đến như một sự hèn hạ của vị tướng … còn tôi, tôi mừng cho ông ta… quốc gia nào cũng thế thôi, chính thể nào cũng thế thôi…, những người chiến đấu, những người trực tiếp nơi hòn tên mũi đạn thường bị ngược đãi sau khi chiến tranh kết thúc. Cuộc đấu nào cũng phải có thắng-thua… không bận gì phải chết vô ích! Với tôi, Đờ Cát hơn một người lính ở chỗ đó.

CẦU MƯỜNG THANH

 photo IMG_3312_zpsacae35c0.jpg

Cây cầu vẫn nguyên vẹn, lại một minh chứng cho thấy… Thép của Pháp ngày xưa tốt thật! Dường như những thanh gỗ lát cầu cũng nguyên bản, ngần ấy năm trôi qua có nhiều thanh đã mòn vẹt, nhắn thín… mỗi khi những chiếc xe máy chạy qua chạy lại, cây cầu lại rung lên bần bật cùng những âm thanh đầy …”Chịu đựng”.

TƯỢNG ĐÀI

 photo IMG_3305_zpsc814f933.jpg

Tôi không mê gì cái tượng đài “Hoành tráng”, chỉ đến vì nhiệm vụ dẫn đoàn nhưng đến rồi mới biết, cái điểm tôi cần tìm là đây…, đứng trên khu tượng đài bạn có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên và cánh đồng Mường Thanh, xa xa kia là đài quan sát của Đại tướng… kia là hồng Cúm, kia là Him Lam…
Người ta bảo lòng chảo ĐB với 8km rộng và 10km dài, tôi không nghĩ thế, chắc lớn hơn nhiều…

THĂM PHỤ HUYNH

Vợ chồng Hòa tiếp tôi chu đáo quá, được biết ông bà nội cũng ở Điện Biên, tôi bắt chúng đưa về thăm, biếu ông bà tý quà.
Sẽ không kể ra đây nếu không có chuyện này. Ông cụ nguyên là cán bộ lãnh đạo Đảng ở ĐB, khi tôi thắc mắc về những ngôi mộ và nghĩa trang, ông cụ ghé tai.
-Nói bác thông cảm, chủ trương xây nghĩa trang thì phải xây, nhưng hầu hết là mộ không đấy, chỉ ít ngôi là có hài cốt quy tập từ những nơi khác và thật sự vô danh, thế nên gia đình liệt sỹ tự làm cũng phải lơ đi thôi.
Tiết lộ của ông cụ chỉ có tính chất khẳng định, khi đứng trên đồi A1 tôi đã nghĩ: Những nấm mộ kia không chỉ dành cho những bộ hài cốt liệt sỹ nếu có mà cả khu đất ấy là một nấm mồ chung…, những người được thu tập là những người hy sinh trong hai ngày cuối cùng của chiến dịch…, những ngày trước đó…, ác liệt thế…, thôi thì Ta hay Tây, chết đâu được vùi đấy là may rồi…, đa phần bị vùi tự nhiên ấy chứ… hai tháng trời…, chết nhiều như thế…, lửa đạn như thế… làm sao chu đáo được hết…Thì cũng như Quảng Trị 72 vậy thôi…, Cái giá của vinh quang…, cái giá của Độc lập tự chủ mới đắt làm sao…! Mong rằng chính quyền và người dân không quên họ…, biết giữ lấy cái thành quả của họ….

VỀ

Tối hôm ấy lại say, về khách sạn ói hết…
Sáng hôm sau chạy hơn 10 km đến Bản Phủ thắp hương, cái lạ của kiến trúc này là lưng Phủ lại đào thành hồ kiểu chữ U, các “Thầy” phong thủy bây giờ tha hồ mà chê…

 photo IMG_3321_zpsa489031a.jpg

(Bản phủ)

Đi Phong Thổ hơn hai trăm km thì đến 70-80 km đường rất xấu, hai xe tránh nhau là hết thấy gì, toàn bụi là bụi. Chủ quan không đổ thêm săng từ Điện biên…, một phen hú hồn.
Qua Pa Sô, cái đỉnh của hành trình, cũng hết đường xấu, ăn một bữa nữa ở Lai Châu, lại ra tận vườn hái rau diếp, lại trực tiếp rửa rau sống… lại được một bữa ngon và còn… rẻ hơn nữa, lần này thì 250 ngàn.
Cái đèo mới dài làm sao, nhìn đường không thấy dốc mà chạy số 2 vẫn ì ạch. Dừng lại ở đỉnh đèo, thằng em phát hiện ra đây là Ô Qui Hồ, nó đọc một bài gì đó có câu nói về gió Ô Qui Hồ…
Quả vậy, trên xe xuống mấy bước, tính vòng ra sau tảng đá … làm một cái, tôi phải quay lại, phần để lấy thêm áo nhưng chủ yếu để nhắc đôi 80 nai nịt trước khi mở cửa xe. Bên đường, vài cái lều thấp lè tè trùm bạt xây dựng, những sơn, những sợi ni lon te tua như đã phơi mưa nắng hàng chục năm.
Một người phụ nữ trong lều mời khách như gọi đò, “Mẹ kiếp, cứ ở đâu có thể chơi được là có dịch vụ mà có dịch vụ là hết muốn chơi”, tôi vào quán không phải theo lời mời mà vì “không vào không được”, gió mạnh quá, không lạnh nhưng rất khó chịu. Cô chủ quán không biết dân tộc hay quan tộc đang ngồi trước bếp than hồng nướng những quả trứng.
-Tôi xin ấm nước cô.
-Nước đấy, các anh cứ uống đi.
Chừng không thấy gì hay hơn tôi giục mọi người lên xe.
-Tôi gửi tiền này!
-Uống nước không phải trả tiền!
-Sao lạ thế…! Cứ lấy đi, còn chỗ ngồi…, còn sưởi ấm mà…!
-Không..! Ăn, uống rượu mới phải trả tiền…!
Tôi chạy lại xe xem ai có thể ăn trứng nướng để mua cho cô ta… không có ai, chạy lại, chìa tờ 50 nghìn.
-Cô cứ cầm lấy một chút…, chúng tôi vừa ăn cơm xong…, cứ cầm đi...!
-Không lấy mà…! Bác cứ đi đi…! Khi nào quay lại vào hàng em nhé…!
Thế đấy, chạy rồi mà cứ ân hận vì cái ý nghĩ hẹp hòi của mình…, gió thế, không gào thật to thì ai nghe thấy gì…, mình già thật rồi, định kiến vớ vẩn.
Rút điện thoại gọi về Sa-Pa.
-A lô!
-Anh Dũng à…! Em đây…!
-Chà…. Vẫn lưu số của tôi à…! Cảm động quá…!
-Sao anh lại nói thế…! Quên anh làm sao được…! Anh đang ở đâu? Sao lâu quá không thấy lên chơi?
-Ừ…! Bây giờ em pha một ấm trà rồi ngối đấy đợi nhé, anh đang qua đỉnh đèo Ô Qui Hồ, sẽ qua em uống miếng nước rồi về Lào Cai ngay.
-Sao lại vội thế!
-Rồi…! Đến anh nói…, bất khả kháng… nhớ… không ăn đâu đấy nhé…! Mà này…! Bảo thằng đệ nào đó, mua cho anh một cái khèn biết kêu nhé… lát anh qua lấy…
-Khèn biết kêu à…! Rồi..., bác cứ về đây!
Trước khi đi tôi có rủ Lưu Quốc Hòa, bạn Blog mới thân, tội nghiệp…, rủ thật lòng vì nghĩ nó khó mà có được một chuyến như thế này nhưng nghĩ lại thì sợ, đường xa, cõng đôi uyên ương 80 đã lo bỏ bố ra rồi, thằng Hòa đã yếu lại luôn đeo cái chuồng xí bên sườn… Tôi nhãng ra mà cứ ngượng với nó. May, dường như bạn tôi thông cảm, nó nói qua điện thoại đến thương.
-Mày mua cho ông cái khèn… biết kêu nhá!
Ô Kê! Thằng Tùng nói thế thì thể nào thằng Hòa cũng có khèn biết kêu.

Tùng người phố cổ Hà Nội, những năm 80 nó làm ăn bên Đông Âu, về nước, nó “chết” vụ quần áo gì đó, lên Sa-Pa trốn nợ mà thành người, giờ nó có đến 3-4 khu nghỉ ở cái thị trấn du lịch này… lớn lắm đấy.
Ngồi trên cái ban công nhìn xuống cổng chợ, sau một hồi hàn huyên tôi hỏi.
-Bây giờ trả cho em tất cả, nhà cửa, việc làm để kiếm ra tiền như ở đây… em có về Hà Nội không?
-Đương nhiên là… Không! Bây giờ mỗi lần về “No more than three days!”
Hắn đưa ba ngón tay ra hiệu.
-Phải lắm! Em hãy nhìn xuống kia mà xem… anh có cảm giác mình đang ngồi ở một con ngõ Paris hay Roma chứ không phải ở Việt Nam…, về Hà Nội em có thể có nhiều thứ nhưng cái không khí này thì… bao nhiêu tiền cũng không mua nổi.
“Ngày vui ngắn chẳng đầy ngang” tôi quen nó nhân một trường hợp chấn thương sọ não nào đó hồi đi 18-16 ở Lào Cai, nó vốn là một nhiếp ảnh gia… hai thằng nghệ sỹ nửa vời gặp nhau một phát mà không quên. Nó trách tôi không bố trí thời gian ở lại rồi nói.
-Bác nói vậy thì em chịu…, bác cứ về đi, em sẽ mang cái khèn biết kêu đến tận nhà bác, có mấy phút mà đi mua khèn thì còn chuyện trò gì…
Tiễn xuống tận đường, bắt tay nhau
-Lần sau bác lên, cứ đi tàu cho khỏe, lên đây lấy xe em mà đi.
Trời tối nhanh quá, ra khỏi Sa-Pa, bắt đầu xuống dốc thì trời mù mịt sương, bật đèn lên, trước mũi xe là một bức tường trắng toát… May thay, một cái xe máy chạy đằng trước, hình như họ dựa vào đèn của tôi và tôi chạy theo họ…cứ thế, cái xe máy ẵm tôi qua đoạn đèo sương mù dày đặc.
Bạn bè Lào Cai tập trung ở nhà Thủy Thêm, thằng này có nhà hàng cá sông nổi tiếng. Sáng hôm sau, uống nước ở Cafe Nắng, cái vị trí đắc địa có thể nhìn ra ngã ba sông, cửa khẩu, bên Trung Quốc và một phần thành phố Lào Cai… Xin lỗi các bạn khác không thể gặp, chúng tôi vào đường cao tốc.
Rẽ vào đền Bảo Hà, đóng công đức, lấy cái giấy họ viết cho làm “lễ”, đặt lên ban thờ khấn ông rôi đi luôn.
Thử thách thật sự, dẫu đã được tính trước vẫn… choáng. Từ Bảo Hà ra Phố Giàng, 20 cây số mà có đến 2 đoạn đang làm lại, coi như mất đường, tôi phải bò trên những dải gồ mà xe thi công để lại…
Mọi cái rồi cũng qua, quãng đường hơn 200 km còn lại không có gì để nói ngoài việc đường rất xấu, cách đây 3 năm còn đẹp ơi là đẹp…, thế mà bây giờ… sức tàn phá thật là ghê gớm…
21h, đưa cặp 80 ra sân bay, chờ cho họ qua cửa an ninh.., giơ tay vẫy… Hoàn thành nhiệm vụ.
23h, nằm xuống đúng cái đệm của mình mới thấy như có hàng ngàn mũi kim khiến toàn thân râm ran…
“Qua miền Tây Bắc đâu có ngại ngùng xa
Suối sâu, đèo cao, bao khó khăn vượt qua
Bời vì ta, đi bằng Tô Y ô Tà…”
Tôi khẽ hát rồi chìm vào giấc ngủ…./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét