Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

CÓ BỆNH ... ĐỪNG VÁI TỨ PHƯƠNG...!

Nhận cái Phản hồi mới biết Buithison óm, suýt chết. Xin có vài ý kiến!

17-3. Phản hồi từ:  17.09.13@20:22

. Em bị ngộ độc thuốc bắc nên xuất huyết niêm mạc và đường tiêu hóa phải vào viện truyền giải độc anh ạ. Số là hồi trung tuần tháng 8, em đau 2 bên bụng dưới quá ,đi khám có 2 viên sỏi ở 2 bên niệu đạo, bác sĩ cho nhập viện để mổ nhưng em sợ mổ nên lấy lí do là chồng đi công tác, xin về nhà 1 tuần sau mới nhập viện. Thực chất em trốn về làm theo cách ghi ở sổ tay NGƯỜI CAO TUỔI là mỗi ngày ăn 1 quả đu đủ xanh (4 lạng) rửa sạch cắt 2 đầu để tích nhựa ở thân nhưng không gọt vỏ, hấp cách thủy đúng 1 tuần thì sỏi sẽ tan. Em thấy rất khó ăn nhưng vì chiều nào cũng phải ăn 4 lạng nên em đầy bụng quá, bỏ luôn 7 bữa chiều không ăn gì khác ngoài 4 lạng đu đủ xanh, nhưng ăn thế một tuần rồi chẳng những không hết đau mà còn nôn nao choáng váng. Em đang định mua thuốc kim tiền thảo để uống theo chỉ dẫn của mọi người thì cậu hàng xóm đem đến cho 12 viên nén bé như hạt đậu bảo là mua ở Sơn Tây của một cụ lang giá 700 ngàn đồng, nhiều người uống hết trong 4 ngày là khỏi. Em nghĩ: có bệnh thì vái tứ phương nên chiều thứ nhất uống vào 3 viên thấy lao đao đi không vững, em nghỉ một ngày rồi lại uống tiếp 3 viên vào lúc 18 giờ ngày 5/9. Uống khoảng 30 phút thì em thấy cháy trong cổ họng, môi, lưỡi rộp to như phải bỏng, rồi cổ họng đau rát , ho cũng đau,
nuốt nước bọt cũng đau, uống nước cũng đau...rồi máu cứ tuôn ra theo chất nhầy và từng miếng thịt nhỏ như hạt thạch tím bầm...Sau đó em bất tỉnh, mọi người bảo em truyền giải độc suốt 6 ngày 6 đêm. Sau 11 ngày nằm ở khoa nội chỉ truyền và uống cháo loãng, em được chuyển xuống khoa ngoại để lấy sỏi nhưng họ lại bảo hiện dạ dày em rất mỏng nên chưa thể chụp cắt lớp được, em xin về nhà nghỉ từ chiều qua để tĩnh dưỡng, phục hồi sức khỏe mới dám quay lại khoa ngoại. Em tự trách mình ngu dốt, thiếu kiến thức y học quá. Biết anh là bác sĩ, em xin anh cho một lời khuyên nhé !
Em xin cám ơn anh trước ạ.
 Ý KIẾN CỦA TÔI
Buithison thân mến!
Các bạn quan tâm thân mến!
Trước hết chúng ta hãy mừng vì bước đâu Sơn đã “Tai qua nạn khỏi” nhưng tôi cũng thật sự buồn khi đọc cái Phẩn hồi này của Sơn. và xin có mấy ý kiến:
1-Sỏi niệu quản thấp (Nơi niệu quản đổ vào bàng quang) có thể uống thuốc cho sỏi nhỏ đi, trôi theo dòng nước tiểu xuống bang quang rồi ra ngoài. Phương pháp bảo tồn (không phẫu thuật) này cần đánh giá chức năng hai quả thận trước và theo dõi diễn biến trong khi điều trị cũng như sự di chuyển của sỏi (Người bệnh có thể cảm giác được) đông thời cần phối hợp lợi tiểu, vận động (nhảy dây chẳng hạn) để tạo thêm điều kiện cho viên sỏi đi xuống.
Người ta cũng có thể dùng nội soi gắp hay nghiền nát viên sỏi, phương pháp ít đau, nhanh hơn và cũng ít tốn kém.
Khi những phương pháp này thất bại mới tính đến mổ xẻ (ngày nay rất ít khi phải mổ).
2-Được biết cũng có những bài thuốc đông y khá tốt nhưng tôi không có kinh nghiệm.
3-Những bài thuốc truyền miệng không thể tùy tiện áp dụng vì.
3.1-Cùng một bệnh nhưng ở mỗi người đều ít nhiều khác nhau nên “Không bao giờ dùng thuốc theo kinh nghiệm của người không chuyên môn khác".
3.2-Hệ quả không mong muốn của phương pháp chữa bệnh rất có thể chính là tính mạng của mình, người “Mách” phương pháp chữa bệnh không bao giờ chịu trách nhiệm về lời khuyên của họ.
4-Thuốc Tây bao giờ cũng có đầy đủ thông tin về thành phần, tác dụng, cách sử dụng, hạn sử dụng. Thuốc đông y cũng có thành phần (Gồm những vị gì) tác dụng, hạn sử dụng. Ngoài ra thì không phải là thuốc.

Một việc đã rồi, lẽ ra không nên nói nhưng tôi hy vọng lấy kinh nghiệm của Sơn cho nhiều người khác. Nhà Văn đã mắc những sai lầm nghiêm trọng sau:
1-Ăn đu đủ xanh.
Ai cũng biết nấu thịt động vật già (dai) với đu đủ xanh sẽ mau nhừ vậy có thể suy ra khả năng làm loét thậm chí thủng đường tiêu hóa khi ăn đu đủ xanh.
2-Ăn đu đủ xanh cả vỏ.
Vỏ xanh là phần nhiều nhựa nhất, vậy mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội
3-Ăn đu đủ xanh cả vỏ khi đói.
Khi dạ dày rỗng, nhựa đu đủ dễ dàng tiếp xúc với niêm mạc lại càng phát huy tác dụng hơn nữa.
4-Uống thuốc “Tễ” không rõ nguồn gốc
Thuốc ấy; ai sản xuất? Từ bao giờ? Anh kia mua của ai?... Không biết mà cũng mua (với giá 700 000 đ), rồi ... cũng uống.
Tóm lại thì:
1-Với cái liều “Đu đủ xanh-Cả vỏ-đói” kia đã đủ làm loét niêm mạc miệng-Hầu họng-Thực quản-Dạ dày-Ruột rồi.
2-Có thể cái liều thuốc tễ kia chỉ như “Giọt nước tràn ly” hoặc đúng cái thời điểm mà “Đu đủ xanh” phát tác thôi (Dù rằng vẫn không nên dùng thuốc như vậy).
Thưa bà con!
Tâm lý và thói quen của chúng ta chưa thoát khỏi vòng “Lạc hậu”. Có nhiều vấn đề nhưng tôi chỉ ví dụ và nhấn mạnh một hiện tượng.
Ta thường nghe “Người ta bảo…” hay “ Nghe nói…”. Thực ra người nói những câu này đã có niền tin tuyệt đối vào đối tượng định nói, niềm tin ấy truyền sang người nghe (người nghe thường là người đang cần niềm tin về chính vấn đề đó).
Một số ví dụ:
-Nghe nói nhà hàng Hải Yến toàn lấy hải sản tươi sống từ biển Thanh hóa… do gia đình đánh bắt về... (Hậu quả chỉ là một lần chi tiền hoặc lớn hơn là một trận ngộ độc thức ăn)
-Người ta bảo trường ấy toàn thầy giỏi, cho con vào đấy là yên tâm không phải lo gì nữa… (Rồi nếu không rút con ra nhanh thì hậu quả là dở dang đời học tập của con)
-Và đặc biệt những cái “Người ta bảo…, Nghe nói… như bạn Sơn đã nghe và đã suýt chết
Cái lạ là những câu rất “Vô căn cứ” ấy lại rất dễ ăn vào đầu người tiêu dùng. Và chúng ta tự làm hại nhau vì những điều "Người ta bảo" Và "Nghe nói..." như vậy.
Điều nữa muốn nói là câu: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Ý nghĩa câu này thì có lẽ ai cũng hiểu nhưng qua tiếp xúc với người bệnh tôi lại thấy không ít người đã “Hiểu sai”, nghe người này mách thế là dùng phương pháp này, được vài hôm thấy không đỡ đi khám Thầy Lang nọ rồi uống thuốc vài ngày không đỡ lại đến Cô y tá xã..., Bv Huyện..., rồi lặn lội về trung ương... Hậu quả là biến cơ thể mình thành cái sọt rác, không ngộ độc mới là lạ
Nếu được phép tôi sẽ sửa như thế này: “Có bệnh thì phải ngó tứ phương rồi tìm lấy một phương mà vái” Chứ cứ “Vái tứ phương” thì “Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng” đấy.
Sơn có thể về Hà Nội, tôi không giỏi về lĩnh vực này nhưng sẽ nhờ bạn bè tin cậy. (Nhớ chuyển BHYT)
Với mọi người tôi có hai lời khuyên.
1-Chỉ nên: Chi tiền, phó thác đời sống của mình (Vật chất, tinh thần, sức khỏe) sau khi đã nắm vững những thông tin cụ thể, tuyệt đối không hành động theo “Người ta bảo…., Nghe nói…”
2-Nên giữ quan hệ với một người thầy thuốc, người này không cần giỏi, chỉ cần “Tử tế”, có thể cho ta lời khuyên “Trường hợp này là gì? Nên chữa ở đâu?”
Chúc Sơn và bà con mạnh khỏe! Hạnh phúc!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét