Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

NGỰA và MÈO (Tiếp và hết)

Khi viết “Ngựa và mèo”, tôi không có ý định đao to búa lớn nhưng chính các bạn đọc đã biến nó thành búa lớn đao to.
Tạo hóa sinh ra trái đất này với muôn loài, muôn vật, chẳng có gì thừa, cùng với quy luật sinh-khắc để cùng nhau tồn tại.
Vũ trụ thu nhỏ là trái đất, trái đất thu nhỏ là cá thể mà mỗi chúng ta là một.
Đừng nghĩ những môn học về con người là già cỗi..., sẽ còn lâu và có lẽ chẳng bao giờ con người khám phá hết những bí ẩn tồn tại trong chính mình.
Cái vũ trụ thu nhỏ là con người ấy lại được thu nhỏ rất nhiều lần nữa, trong đó mỗi cơ quan, bộ phận, chi tiết đảm nhận những chức năng riêng biệt, chúng, hỗ trợ, kìm chế, phối hợp với nhau nhịp nhàng.
Có bao nhiêu chất nội tiết, bao nhiêu yếu tố làm nhịp tim tăng lên thì lại có ngần ấy chất, ngần ấy yếu tố làm nhịp tim chậm lại...
Nhịp thở..., độ co dãn của mạch..., vân vân... tất thẩy những hoạt động của con người đều như vậy...!
Trái đất có biển cả như cái túi chứa nước khổng lồ, có Bắc cực, Nam cực băng giá, có sa mạc, núi đá, đồng bằng để con người ở đâu thì tận dụng lợi thế ở đó mà sinh sống.
Tạo hóa cũng sinh ra con người hầu như không ai hoàn toàn giống ai về hình hài, tâm tính và khả năng, anh em cùng cha cùng mẹ, thậm chí những cặp sinh đôi cũng vậy.
Cũng như muôn loài sinh vật khác có giống đực giống cái, con người có đàn ông với hình hài và tính cách tạo nên “Phái mạnh” và đàn bà với hình hài và tính cách tạo nên “Phái đẹp” hay cũng họi là “Phái yếu”.
Thế giới sẽ đẹp biết bao, cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao nếu loài người biết thân biết phận của mình.
Loài người khai thác và tôn trọng muôn loài để cùng nhau tồn tại
Người ở đâu thì thì mưu sinh ở đó rồi qua thương mại du lịch mà trao đổi với nhau sao lại tham lam để gây chiến tranh, oán thán.
Ở đâu có khoáng sản gì thì khai thác mà sử dụng, mà trao đổi, rừng quý là thế và là ngôi nhà chung của bao loài khác, sao nỡ tàn phá đến kiệt cùng.
Thổ nhưỡng phù hợp làm gì thì làm đó, sao lại xây nhiều đô thị, rồi phát triển công nghiệp ở đồng bằng..., phá rừng rồi để trung du và miền núi thành hoang mạc

Xã hội cần có tổ chức, trong tổ chức có người trách nhiệm nhiều, người trách nhiệm ít.
Xã hội tốt đẹp nhất, văn minh nhất, công bằng nhất là xã hội do tất cả mọi thành viên quản lý.
Xã hội mà quyền lực tập trung vào một hay một nhóm những kẻ đứng đầu là man ri mọi rợ hơn cả man ri mọi rợ. Con sư tử, con sói đầu đàn khi còn khôn, còn khỏe thì đế chế của nó bền vững, ngược lại khi già yếu, lười nhác, ngu đần thì làm khổ cả bầy đàn... Những con đầu đàn có thể không phải đi săn, có thể được ăn trước, ăn ngon, ăn nhiều nhưng chúng không tham lam vô độ như những nhà độc tài, chúng không xây lâu đài biệt thự, nhiều lâu đài biệt thự..., chúng không dự trữ vàng và ngoại tệ..., con cái chúng cũng phát triển, cạnh tranh công bằng với đồng loại nên chúng không phải lo của cải để cho nhiều đời con cháu...
Nói xã hội độc tài man ri hơn cả mọi rợ là như thế...!
Trong một địa hạt như Huyện như Tỉnh, trong một tập thể như Công ty, Tập đoàn, thể nào cũng có những người có khả năng quản lý, những người biết phát huy sức mạnh của từng thành viên để địa hạt minh, cơ quan mình phát triển, các thành viên cùng được hưởng... Những người đó tranh cử để mọi thành viên bầu ra người đứng đầu... Những người mà trời phú cho khả năng khác thì làm việc theo khả năng ấy, kẻ nghiên cứu cơ bản, người khéo tay làm thợ..., kẻ giàu lòng thương yêu thì chăm sóc đồng loại, người giỏi võ nghệ thì bảo vệ cộng đồng.
Sao ở ta cũng như nhiều nơi, không nói ra, không thừa nhận nhưng ai ai cũng và dường như chỉ có một con đường phấn đấu, đó là ... lên quan. Người giỏi quản lý đã đành nhưng những kẻ khác cũng vậy..., thế nên có cảnh ông nhà thơ lại lo giữ hầu bao, người ca sỹ lại làm bộ trưởng..., Bác sỹ giỏi lại phấn đấu làm Giám đốc..., thầy dạy giỏi lại cố để được làm Hiệu trưởng...
Loài người dắt nhau vào những cuộc đua điên loạn, triền miên..., trong những cuộc đua ấy, lúc thì nghề này, khi thì việc nọ được coi là “Có giá”..., thế là ngoài cuộc đua vào vị trí “Lãnh đạo”, lại có cuộc đua vào những nghề những việc ... “Có giá”. Thế là người có năng khiếu “Đấm bốc” cũng nhảy ào vào các trường nghệ thuật, kẻ có tâm hồn có khả năng nghệ thuật lại cố cho được vào nghề kinh tế ...
Cứ thế..., cứ thế..., con người tự hủy hoại khả năng của mình...!
Cũng bởi lao theo những cuộc đua ấy mà vai trò đàn ông, đàn bà trong nhiều gia đình cũng bị đảo lộn.
Tôi chỉ có một ông chú, ông chú chỉ có một thằng con trai, khi học trường Y, nó yêu một cô mà sau nhiều lần thăm dò, tôi biếc chắc chắn rằng chúng rất khó lòng hòa hợp.
Hôm đi ăn hỏi, sau những thủ tục bắt buộc, ông bố cô ta, một đồng nghiệp, cứ lôi tôi ra chô vắng mà khẩn khoản.
-Các cháu nói rất nhiều về anh, qua đó tôi rất tin tưởng anh và vì vậy tôi muốn thú thực với anh..., mãi cho đến khi con gái đặt vấn đề lấy chồng, tôi mới ngộ ra sai lầm của mình..., tôi đã sai khi từ trước tới nay chỉ lo cho con học ở các trường mà không hề chú tâm dạy con cách làm vợ, làm mẹ..., bây giờ thì sự đã rồi.., tôi trông cậy tất cả vào anh..., trên tinh thần đồng nghiệp.
Thế rồi sáu tháng sau ngày cưới, chúng nó bỏ nhau..., bỏ nhau thì chúng lấy người khác nhưng đọng lại trong tôi là tâm sự, là hối hận, là nỗi đau của người cha...
Anh họ tôi là một người tài giỏi và thành đạt, anh có kiến thưc rộng, tính hài hước, tế nhị và tâm lý..., người con trai cả của anh cũng vậy..., ở đâu, chỉ cần có một trong hai cha con ấy là không khí cứ vui như tết...
Thế rồi một hôm tôi bỗng ngộ ra rằng, hai đứa cháu gái của tôi cũng bắt trước phong thái, cử chỉ, cách nói, y như của bố và anh. Tôi đã phải chọn thời điểm phù hợp để tâm sự với chúng rằng:
Bố và con gái, anh và em gái, vợ và chồng tạo nên một gia đình vui vẻ hạnh phúc cũng như phải có món xào, món luộc, món mặn, món ngọt..., mới tạo nên bữa ăn ngon..., cũng như phải có tiếng thanh tiếng Bass, bè cao, bè thấp, bè trung gian..., rồi bộ dây, bộ gõ, bộ hơi... tất cả có làm đúng, làm tốt cái phận sự của riêng mình mới tạo nên một bản hợp xướng hay, được nhiều người ngưỡng mộ ca ngợi...
Nếu vì những cá tính, phong cách của chồng, của bố, của anh hay, mà vợ và các con gái cũng noi theo y hệt thì chẳng khác gì ăn bữa tiệc toàn một món xào.., bản hợp xướng từ đầu đến cuối toàn tiếng Bass...
Cái nhanh, mạnh, hài hước, đôi khi hơi ẩu, hơi thô của đàn ông trong nhà, nếu được đệm, được hòa với cái nhẹ nhàng, tế nhị, duyên dáng, tỷ mỉ của phụ nữ mới có thể tạo nên một gia đình hạnh phúc..., sao có thể gọi là bữa ăn ngon, sao có thể gọi là bản nhạc hay...!
Các cháu tôi lặng im, chả biết chúng có nghe...! Có cho là phải mà thực hiện...!
Ngày nay, vai trò gia đình trong giáo dục trẻ em càng ngày càng bị hạn chế, cùng với những trào lưu không rõ ràng về bình đẳng giới (Thực lòng, mỗi khi nghe các cán bộ phụ nữ, cán bộ tuyên huấn, cán bộ văn hóa nói về Công-Dung-ngôn-Hạnh thời nay..., tôi chỉ chết lặng...!) Thế rồi vấn đề Quyền trẻ em, bạo lực gia đình... Tất cả góp phần tạo nên những gia đình mà trong đó:
Người vợ không biết thu vén giữ gìn tài sản, không biết thiết kế một bữa ăn thông thường, không biết quần áo của chồng và con trai..., thậm chí không biết ru con..., không biết cách động viên khi chồng thất bại, khuyến khích khi hắn thành công, can ngăn lúc sa ngã.
Khi chưa lấy chồng, có người con gái nào tự hỏi để biết, mình làm duyên..., mặc và làm đẹp với ai...? Để làm gì...? Nếu không phải để quyến rũ người mình yêu, người mình định lấy làm chồng...? Và cũng những câu hỏi ấy khi cô gái đã thành người vợ... Tôi thấy không ít những người làm duyên, làm đẹp khi ra xã hội, ngược lại khi về với chồng con thì xộc xệch, cục cằn...
Người chồng sống ỷ lại, vô kế hoạch, không biết đường điện, đường nước trong nhà đi thế nào, không biết cái xe của vợ hỏng tốt ra sao..., không có ý thức rèn giũa con cái..., nhìn thấy vợ dắt xe hay mang vác vật nặng cũng chẳng động lòng ..., thậm chí quên cả những cử chỉ âu yếm ..., bao nhiêu sự thể hiện sức mạnh và trách nhiệm khi còn là yêu đương đều biến mất hết...
Một quốc gia đem công nghiệp làm trên đất màu mỡ.
Một xã hội không tạo điều kiện cho mỗi con người được phát huy thế mạnh và sở thích thật sự của mình.
Một đất nước mà người cầm quyền không biết hay cố tình không biết bổn phận của mình.., cái vị thế để chăm lo cho dân cho nước lại hà hiếp, tham lam cướp hết của dân của nước.
Một cơ quan mà ai ai cũng chỉ thích, cũng tìm mọi cách để được làm người đứng đầu...
Một ông nhà thơ làm kinh tế. ..
Một cô vũ công làm chính trị...
Một người vợ lại sống, thể hiện và phấn đấu theo tiêu trí của “Phái mạnh” và ngược lại, người chồng lại ủy mị dịu dàng đến mức ỏn ẻn..., quá quan tâm chăm sóc làn da mái tóc mà quên bổn phận làm chồng...
Thì có khác gì con mèo kia đòi đi kéo xe..., con ngựa kia muốn được sà vào lòng ông chủ...!!!

Giá như trong mỗi quan hệ, ai ai cũng biết tự soi xét để ra sức phấn đấu làm đúng cái năng lực, thiên chức và bổn phận, vị thế của mình....!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét