Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

TẢN MẠN MỘT CHUYẾN ĐI...!


Link cố định 29/04/2014@12h22, 306 lượt xem, viết bởi: phauthuattk
Chuyên mục: Nhật ký, Tâm sự
Tôi ít và không thích dùng những từ đại loại như “Tảm mạn” nhưng mấy hôm nay đầu óc cứ lộn xộn, những ý nghĩ trái chiều, cái xuôi cái ngược, cái lịch sử cái hiện tại, cái kinh tế cái văn chương và nhiều cái nữa. Nếu nhớ được cái gì viết ra cái đó, không đầu, không cuối thì gọi là tảm mạn liệu có đúng ...?
Trước hết, cảm ơn Hải Minh đã không quên rủ tôi đi lễ hành hương từ Hà Nội đến tận đèo Ngang, biết không quá khó nhưng cứ để cái thằng tôi quyết định thì không biết bao giờ mới thành.
Tiếc vì lộ trình khi đi phải qua Bs Dương ở "Tỉnh Gia" để thăm phòng khám siêu âm mới, chuyến về lại phải qua để lấy hải sản, thế là không thăm được hai anh Trịnh Tuyên và Phạm Duy Đức (Ở Cẩm Xuyên, đi đường Hồ Chí Minh).
Đổi trực thứ sáu, mổ mỗi một ca mà mệt thế…, già thật rồi...! Để chuông 5h30 dậy, chạy về đến cửa nhà thì Hải Minh gọi.
-OK! Không phải đến đón tận nhà đâu! Cứ đến Định 3 (Phở) đi, anh sẽ chạy tới!
Ngoắc tay một phát, cậu xe ôm đậu mãi ở góc đường đã thành quen nhao tới.
Lại cảm ơn Hải Vi đã … nhờ ăn hộ ít hành, ăn đỡ chút bánh phở và mấy miếng thịt lại cứ “Vô tình” mắc vào...!
No bụng, lên xe… ngủ!
-Anh ơi! Dậy vào lễ đi…!
Ninh Bình, Tam Điệp gì đó, đền mẫu, đền Mẫu Sòng, Cô Chín… ôi! Làm sao mà nhớ hết được…, thôi thì tất cả những gì mình có thể coi là Mẹ, mẹ trời mẹ đất, mẹ Việt Nam…, gần đây là những bà mẹ Việt Nam đau khổ có con chết trận, những bà đã được chính quền phong tặng, những bà chưa được và những bà không được phong tặng… Trong hương khói không có Địch-Ta...!
Cửa đền Quán Cháo có một người đàn bà cỡ 50 tuổi, dáng người đẹp lắm nhưng các đường nét trên mặt bị các loại phấn son lấp hết. Mặc bộ rằn ri, ý chừng của quân đội nhưng lại mũ, lại cầu vai của công an…, đi lại lăng xăng, nói linh tinh nhưng mỗi khi khách lên xe thì không quên chạy đến … nhận tiền bố thí (Những người đi lễ rộng lòng lắm) …
Ai bảo đấy là người điên...? Ai bảo lành…? Giữa những người như cô ta và phần còn lại (Trong đó có tôi, có bạn) bọn nào điên hơn bọn nào…? Ai bảo bộ đội...? Ai bảo công an...? Ai bảo dân..? Và cuối cùng vẫn là:
-Ai bảo là điên…? Điên mà lại biết lấy tiền…à?
Người không làm gì có ích cho ai, nhận 5-10 nghìn của người ta là … điên! Thế cái bọn cũng chả làm gì…, chả biết làm gì, chưa ai cho đã vơ vào mình những món tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu đô, mặt cũng (y như cô này)…, tỉnh như không, thì gọi là gì….?
Ai điên..., ai tỉnh...?
Đường I đang sửa,
xóc nẩy ... đom đóm đít,
không mưa thì bụi mù mịt,
mưa thì bùn bay vung vít,
xe chen nhau chạy như một ... đàn vịt.
-Xem ra thì Đinh La Thăng … được đấy! Ít nhất thì cũng hơn mấy thằng cha trước, dám nói, dám làm, dám cách chức… Được!
Phải...! Ngay việc mới nhất của ông Giao Thông này là … cân xe, cũng rất … Phải...! Xe đã siêu trường siêu trọng lại chở quá tải đến mấy lần thì đường của Mỹ cũng phải tan chứ nói gì của Việt Nam.
-Nhưng mà từ việc cân xe lại sinh ra thứ dịch vụ mới đấy… dịch vụ dẫn đường tránh các trạm cân.
Ở ta, nhờ những lệnh cấm mà khối kẻ làm giàu, hễ cấm cái gì thì y như rằng nhiều kẻ làm giàu bằng chính cái đó...! Thế mới ... hay...!
Đành rằng cánh lái xe sẽ phải chi tiền cho dịch vụ ấy, cho các đồng chi “Giao liên”, một phần tiền ấy có quay lại chỗ mấy ông giao thông hay không thì chưa biết nhưng vẫn phải làm thôi …!
Ông ĐINH mà để xe chạy không sợ đinh (Bao gồm những thứ cản trở trên đường), Ông LA mà được việc, đường tốt hơn, các công trình hiệu quả hơn thì ông có THĂNG tiến cũng chả ai thèm thắc mắc gì … Cứ đinh, cứ la đi, rồi sẽ thăng!

Vợ chồng Bs Dương chiêu đãi một bữa đến ba loại ốc… ngon thế!
Ngồi ăn ở xó hè mà … mát thế!
Lên đường, bất giác tôi nhớ lại chuyến tàu đi B năm nào, từ Chợ Tía, Đỗ xá, Phủ Lý đã nhiều hố bom nhưng ngay bên những cái hố ấy, lúa vẫn mọc xanh tốt, ra khỏi Nam Định, tuốt đến tận Quảng Bình là bạt ngàn, tít tắp những hố bom to nhỏ chồng chéo lên nhau, nhà dân còn không thấy…, chỉ lác đác những đứa trẻ con, ông bà già ra ngửa tay xin kẹo…, không hiểu họ chui ở đâu ra…, chắc ở đưới đất lên…
Xe chạy qua hướng Cửa Lò rồi thấy cái cửa sông.
-Đây là cửa sông la nhỉ?
Tôi hỏi vu vơ
-Ừ! Cửa Hội đấy!
Tôi bật dậy, ngày chiến tranh đài cứ nói cửa Việt, cửa Tùng, cửa Hội chả biết cửa nào với cửa nào, cửa nào là cửa mình, cửa nào là cửa địch...! Đi nghỉ mấy lần ở Cửa Lò ngay gần Cửa Hội mà giờ mới biết, hóa ra cái bến phà ngày bọn tôi đi B cũng loanh quanh đâu đây.
Ở mép nước, ở những bãi nổi có thứ cây gì rất đẹp, y như những gốc đào cổ ở Nhật Tân.
-Cây gì mà đẹp thế nhỉ...?
Tôi lại hỏi trống không.
-Thì Sú Vẹt chứ gì...!
Đã không chấp, Hải Vi lại mau miệng trả lời.
-Sú vẹt đâu mà Sú Vẹt…!
-Cái anh này…! Cây nước lợ, ở cửa sông thì chả Sú Vẹt thì gì…!
-Sú vẹt phải có rễ chùm, ăn tỏa xuống như cái lơm hay cái bu gà í…! Đằng này nom như gốc đào già thế kia lại bảo sú vẹt… cãi…!
Mình có biết gì đâu, nhưng cứ già hàm, to mồm là được, Hải cũng im và đếch ai thèm tiếp nhời nữa…!
Đền ông Hoàng Mười, tôi lại mặt dầy hỏi
-Hải ơi...! Ông Hoàng Mười là ai...?
-Là một ông quan tài giỏi, có công đánh giặc và … đại loại như khuyến học bây giờ í…! Bản thân ông cũng văn hay chữ tốt nên … ai muốn đỗ đạt, muốn văn hay…, đại khái như mấy ông Bác sỹ sắp về hưu, giở chứng viết văn chẳng hạn… thì phải đến xin ông cho văn hay hơn, thơ mịn hơn cho ... đỗ đạt…!
Tôi đưa tay cho Hải
-Thôi nhé! Bên bắc anh quá lời, bên nam em trả đũa… hòa nhé…! Vào chỗ linh thiêng mà cãi nhau là không xin được gì đâu!
Sau khi chắp tay thành tâm khấn xin cụ phù hộ cho con gái học hành thành đạt, tôi ra bờ sông La. Hiếm khi bắt được cảnh hoàng hôn trên sông đẹp thế, không biết tự bao giờ nước sông cứ chảy, chứng kiến bao đổi thay của những thế hệ con người. Nước sông còn có thể bị con người làm bẩn, tôm cá có thể đã khác nhiều nhưng những áng mây muôn màu kia…, hàng vạn năm trước chắc vẫn thế thôi...
Tối về Hà Tĩnh ngủ, sáng dậy, nhìn từ tầng 15 mới thấy Hà Tĩnh cũng … ác phết!
-Vào đền Mẫu hay viếng bác Giáp trước chị ơi?
Tuấn (lái xe) hỏi.
-Phải vào Mẫu trước chứ!
-Thế ... lên đèo hay qua hầm?
-Lên đèo chứ...!
Cái quyết định sai lầm về quãng đường lại vô cùng giá trị về ý nghĩa, lại một địa dư nữa mà sau 40 năm tôi mới có dịp quay lại. Bữa ấy, ngày đi B, chúng tôi qua đây bằng xe ca, tiết tháng 2 âm lịch nhưng trời đã ấm, khung cảnh sơ xác, cũng toàn là hố bom và cỏ lau.
Bây giờ, đường trên đèo cũng hiện đại phẳng lì, đã 8-9 giờ nhưng hôm nay sáng trời, mát.
-Cho dừng tý ông ơi!
Đề nghị của tôi được chấp thuật, tôi xuống xe để cố nhớ, cố tìm một hình ảnh khi vào nhưng chẳng được gì ngoài cái lúc xe còn chạy trên đồng, nơi chuẩn bị lên đèo mà tôi vừa mô tả.
Không có bất cứ công trình nào mang dấu ấn con người (Trừ con đường) cụm hoa sim kéo tôi đến một đống gạch.
-Ồ! Một ngôi mộ…! Mộ một người lái xe…, không có tên, chỉ có biển số…!

 photo IMG_3429_zpseb122966.jpg

Kiểu xây cũng rất lạ, rõ ràng là nhặt nhạnh những gạch đá xung quanh đắp lên dẫu có vữa hẳn hoi.
-Người này là thế nào nhỉ…? Bộ đội hay dân…? Có biển số, sao lại không có tên nhỉ…?
-Anh thắc mắc làm gì, mau châm mời bác ấy điếu thuốc.
Sự tò mò về ngôi mộ dẫn tôi vượt qua cái lùm cây… Trời ơi! Ở đâu có một vườn hoa thiên nhiên đa dạng và rực rỡ hơn thế này.

 photo IMG_3417_zps84029b6c.jpg

Hoa sim

 photo IMG_3416_zps4c198394.jpg

Chẳng biết loại hoa gì nữa.
Hít căng lồng ngực vài hơi rồi cũng phải đi thôi, sắp đến với Đại Tướng rồi.

Đền Mẫu đèo Ngang nhỏ, thấp, cả kiến trúc (Mới xây lại) và đồ thờ đều đơn giản hơn Bắc Bộ nhiều. Có bốn ông thủ đền mặc đồ nâu, họ vui vẻ giúp khách rồi đích thân bưng lễ vào ban thờ đặt trang trọng (chứ không bát nháo như các đền ngoài Bắc). Tôi hỏi người đàn ông cao gầy, có nụ cười rất tươi.
-Anh ơi! Đây là đất huyện gì?
-Bố Trạch! (Cười tươi)
-Năm nay anh bao tuổi rồi?
-Sáu ba!
-Sáu ba mà tóc còn xanh thế! Tôi chưa đến sau mươi đây này…! Thế ngày xưa có đi bộ đội không?
-Có chứ! Đi sáu tám…! Hải quân…!
-Có bị dính phát nào không?
-Không!
-Em dính mảnh pháo đây này!
Tôi chỉ vào chỗ ngón chân cái bị thương. Ngoài sân, một ông cụ trong bộ đồ vàng đang khấn vái cầu xin cho cặp vợ chồng từ Đồng hới ra, chồng là lái xe, vợ ở nhà buốn bán, bằng chất giọng Bố Trạch, ông cụ cứ kêu, cứ xin cho họ…đủ thứ, theo chân ông ra cái ban thờ con con ở trước cổng, qua lời kêu khấn mới biết đó là ban thờ "Chúng sinh", những vong hồn chết đường chết chợ những liệt sỹ, những người đổ xe, ngã cây, rắn cắn, chết đuối... Nôm na, ông cụ gọi những hồn ấy về đây mà thụ hưởng, thụ hưởng rồi thì nhớ phù hộ cho người dâng lễ được … đủ thứ và thụ hưởng xong rồi thì nhớ … về với cõi âm… hay ra phết!

 photo IMG_3436_zps3d8d09c3.jpg

Có bao nhiêu tích về Công chúa con Ngọc Hoàng Vua cha nhưng tổng các tích ấy tạo nên Mẫu Liễu Hạnh, người Việt gọi là Mẹ (Mẫu), còn những mẫu khác như Mẫu Cửu trùng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu chăm dân nơi cửa sông biển cả… ở đâu có người Việt thì ở đó có Mẫu. Các Mẫu còn được gọi là Đệ nhất, đệ nhị, đệ tam…, ban thờ có ba mẫu gọi là Tam tòa thánh mẫu…, tôi cũng chưa hiểu hết nhưng nội cái tín ngưỡng cũng thể hiện ý trí dân tộc.
Còn nhớ , ở Lào Cai, ngay bên con sông biên giới (Nậm Thi) là đền Mẫu và đền thờ Đức Thánh Trần…, Mẫu lên tận biên cương (Nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt) để chăm sóc động viên các con đánh giặc giữ đất, Đức thánh Trần cũng luôn có mặt để cùng con cháu bầy binh bố trận… mới biết, từ ngày xửa ngày xưa người Nam đã cảnh giác với người Bắc đến chừng nào….!
Chạy một tý là đến khu Vũng Chùa, đảo Yến, từ cửa đến Mẫu đến tận khu lặng mộ Đại tướng, nhiều cửa hàng bán hình Đại tướng trên đủ thứ chất liệu, đá, thạch cao, gốm, thủy tinh…Người ta đã từng làm như thế với Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, thực lòng, tôi không thích nhưng với Đại Tướng thì khác… tôi thích!
Đây rồi...! Đảo Yến...!
-Dừng lại tý ông ơi...!
Hì hì…! Nhớ ngày Đại Tướng ra đi, tôi đã lồng lên khi nghĩ người ta để Cụ ngoài đảo, đi lại khó khăn, dân chúng muốn đến lại bị đò phà chặt chém và nếu vậy thì mộ người … quạnh quẽ quá… Mụ Ví Dặm cũng giãy đành đạch lo nước biển dâng cao nhấn chìm đảo thì sao…
Phẫu ơi! Ví ơi…! Đảo cao đến 30-40m mét thế kia…, nước biển phải nhấn chìm hết bọn mình mới hy vọng sờ được chân Đại Tướng…! Thôi…, chuyện qua rồi, cũng là thể hiện tấm lòng của thảo dân vậy thôi...
Trời nắng chang chang mà đoàn người cứ lặng lẽ xếp hàng đôi từ bãi xe…, tôi thấy những đoàn cựu chiến binh từ Thái nguyên, Tuyên Quang ngực đầy huân huy chương, cặp vợ chồng từ Vũng Tàu ra, nói thứ tiếng nửa Nam nửa Bắc, có người đàn ông đi một mình từ Sài Gòn…
Đang nhờ Tuấn chụp cho cái ảnh bỗng có điều gì khiến tôi quay mặt ra sau, một bà già cháy nắng, lưng đã còng còng, hai cái chân khuỳnh khuỳnh, lạo xạo bước khó khăn trên con dốc trải đá dăm. Tôi đưa tay đỡ và thấy nét mặt hớn hở của bà lão.

 photo IMG_3451_zps3bcf9cd6.jpg

-Năm nay cụ bao nhiêu rồi…?
-Tám hai… hì hì..!
-Trẻ chán…! So với bác Giáp thì vẫn là … thanh niên!
-Vâng…!
Tôi muốn dắt và bà lão dường như cũng không muốn rời tay tôi.
-Cụ có mấy người con?
-Tám…! Chết một…! Còn bảy…!
-Mẹ liệt sỹ đấy…!
Một người phụ nữ chừng ngoài 40 đi sau nói.
-Con gái cụ à…?
-Không! Con dâu…!
-Anh ấy mất ở đâu…? Ở chiến trường nào…?
-Ở Bình Định…, còn bảy đứa, bốn trai…, ba gái…!
-Cụ cứ từ từ mà đi, không ai dám chen cụ đâu…! Nhà cụ ở đâu…?
Chả biết bà cụ nói cái địa dư gì ở miền núi Hà Tĩnh… xa lắm.
Tôi hỏi người đàn ông cỡ 40 tuổi, chừng là con trai.
-Bà cụ đòi đi hay các anh tự lo mời mẹ đi…?
-Mẹ đòi…!
Thế là biết …, tôi là lính của Đại Tướng, đang dắt mẹ một người lính khác của Đại Tướng đã hy sinh về viếng người…
-Cụ còn làm được gì không…?
-Không!
-Không quét nhà à…?
-Có chứ…!
-Có kiếm củi, nấu cơm không…?
-Nấu cơm thôi.., không kiếm củi…!
-Thế nấu bằng gì…?
-Nồi điện…!
-Thế còn các món khác…, xào…, luộc…?
-Bằng bếp ga!
Cảm giác hạnh phúc khi tôi thấy tay mình nắm chặt, nân đỡ bàn tay khô heo, nâu sạm của một người mẹ liệt sỹ.

 photo IMG_3453_zps2a4d52c5.jpg

Mỗi người được phát một nén hương…, vất vả dắt được bà cụ lên mấy bậc cầu thang, tôi cắm hương cho cả hai người rồi nói.
-Đại Tướng đây rồi…, cụ có nói gì với Đại Tướng thì nói đi
Rồi sống mũi cay cay, mắt tôi nhòa đi…, đưa tay lên đầu chào người thủ trưởng tối cao mà tôi hằng kính trọng, yêu mến, nể phục, nuối tiếc, thương xót…, bỗng thấy như không phải, tôi cúi đầu…, lại thấy như không ổn, tôi hạ tay vái người ba vái…
Dắt bà cụ xuống đến nửa con dốc, tôi phải gọi những người con cụ để bàn giao, không quên biếu cụ dăm chục uống nước…
Người ta bảo, dường như Đại Tướng đã nằm sâu trong núi, tôi ngắm lại cái thế đất…, với những gì học được ở ông bác (Thầy địa lý, học trò của ông nội tôi) thì … đẹp lắm! Đảo Yến như tấm bình phong che chắn phía trước…, cầu cho sự lựa chọn của Đại Tướng và gia đình là đúng, cầu cho nhận định của tôi và bao người là đúng… Đại Tướng sống lừng lẫy, thác linh thiêng lại được thế đất đắc địa sẽ sớm hiển linh phù hộ cho giang sơn trăm họ, quét sạch thù trong giặc ngoài để đất nước sớm yên bình, giang sơn ngàn năm bền vững…
Về đến ngã ba Đồng lộc, một quả đồi đầy hoa sim nhưng trời sắp mưa, Hải cuống quýt giục tôi chia quà cho các chị…, hôm nay Hải biếu các chị nhiều quà quá, tôi luống cuống với những nón, dép, hộp nữ trang, gương lược, tiền vàng… may quá, một em thanh niên xung phong đến giúp.
Lần thứ hai đến thăm các chị, vẫn chưa được thỏa mãn, tôi muốn không khí thật tĩnh lặng để lắng nghe trong tiếng gió, tiếng cây và hơi thở của đất dưới chân mình nhưng những đoàn người lũ lượt, tiếng loa của người hướng dẫn làm vơi đi những cảm nghĩ xúc động.
Đọc lại bài thơ khắc trên bia đá, phải lắm… hy sinh không chỉ mình ai, những người hy sinh như các chị nhiều lắm, nhiều vô kể …, và những thầm lặng, những hy sinh không dễ kể ra…, thôi thì các chị như đại diện, hãy nhận lấy tấm lòng tri ân của người hôm nay…
Xe chạy nhầm đường lại khiến tôi đắc chí, khi chạy trên đường I tôi vẫn muốn vào một làng ở xa đường, nhà cửa thưa hơn, mái ngói ít, mái tôn nhiều, ra đến cánh đồng, Tuấn lại chiều tôi cho xe dừng lại, gió mát nồng hương lúa đang trổ bông, chỉ tay về làng, hỏi Tuấn.
-Ông có nhận xét gì về những người Nghệ Tĩnh ở Hà Nội?
-Em thấy bọn nó hay ăn mặc diện, nói đã khó nghe lại rất to ở nơi công cộng…
-Ông nhìn những những ngôi nhà kia …, hãy tưởng tượng ông được sinh ra và lớn lên ở đó.., nay ông ra Hà Nội mưu sinh…, ông sẽ phần nào thông cảm với họ…!
12h đêm về đến Hà Nội, người ê ẩm vớ những suy nghĩ lộn xộn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét