Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

BÀN THÊM VỀ Y và VĂN...!

Thân gửi Ray, Haidangduy và các bạn quan tâm!
Những vấn đề như: Hướng nghiệp, đào tạo, sử dụng ở cái đất nước mình, cũng như mọi vấn đề khác đều không thể tưởng tượng được, mỗi chúng ta đều... bất lực. Không chỉ đối với chúng ta, những người ít nhiều nghĩ đến lợi ích cộng đồng, mà ngay cả các nhà lãnh đạo, nếu tâm huyết, họ cũng ..., bất lực, bởi cái “Cơ chế” bản thân nó tạo ra như vậy.
Vấn đề “Cử tuyển” đào tạo Thầy thuốc, thật ngạc nhiên..., tôi chưa hề biết, nhưng cũng có thể tin được.
Giờ tôi muốn trình bày một số chính kiến của mình về:
-Yêu cầu với một người chọn nghề Y
-Những vấn đề về đào tạo
Qua đó mà biết thực trạng cán bộ và hoạt động ngành Y của ta.
Những năm 60 của thế kỷ trước, ở Hà Nội có câu: “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa”, chẳng cần giải thích, ai cũng hiểu ý nghĩa.
Những năm 70 (Khi tôi tốt nghiệp phổ thông) tuy không có câu khác nhưng các thí sinh đều biết: Nhất Bách khoa, nhì Kinh tế... (nhóm A), những trường như Y-Dược, tổng hợp..., không còn là ...”Mốt” nữa (Nhóm B), những trường như Sư phạm, nông nghiệp, Mỏ-Địa chất... hầu như không được thí sinh quan tâm (Nhóm C), những ngành như Công an, Hải quan... chỉ khi không có khả năng vào các nhóm trên người ta mới ... “Phải học”.
Thời “Mở cửa” các trường Ngoại ngữ và Kinh tế lên ngôi.
Nếu như ngày xưa, những người học giỏi được đi du học ở các nước XHCN thì gần đây các trường: Ngoại thương, Ngoại giao, Kinh tế đối ngoại thành những... “Cái bị đựng học sinh giỏi”
Tôi kể như vậy để thấy việc chọn nghề dẫn đến cái “Giá” của mỗi trường, mỗi ngành rõ ràng dựa trên nhu cầu xã hội và đáng buồn cũng bị tâm lý ... “Theo mốt” chi phối.
Một thanh niên, đến trước khi rời ghế phổ thông, thường đam mê khoa học cơ bản rồi đến các ngành kỹ thuật.
Đứa trẻ có thể thần tượng các nhà khoa học, các kỹ sư, nhà giáo, thầy thuốc, điều tra viên ..., mà chọn nghề cho mình, tuy chưa phải thật chắc chắn vì các em chưa thể hình dung hết công việc mà mình sẽ gắn bó cả đời nhưng đó là những lựa chọn hợp lý, chấp nhận được.
Việc chọn trường, chọn nghề theo “Mốt” mới là tai hại..., tai hại cho bản thân và cho xã hội. Tôi lấy trường Ngoại thương và trường Y làm ví dụ.
Nhiều em thi vào hai trường này đơn giản vì điểm xét tuyển cao ngất ngưởng, trong khi muốn khẳng định mình là bản chất của tuổi trẻ.
Một số người tốt nghiệp hai trường này có công việc...”Ngon lành” cũng là lý do lôi kéo các em và phụ huynh.
Tôi đã làm nghiệm pháp hỏi những cháu nộp hồ sơ thi vào Ngoại thương một câu hỏi duy nhất.
-Cháu nghĩ, sau khi ra trường, cháu sẽ làm gì...?
Tuyệt đại đa số trả lời
-Cháu sẽ đi buôn: Với nước ngoài, ở nước ngoài...!
Không nói ra nhưng tôi cho rằng các cháu suy luận từ cái tên của trường, Ngoại là nước ngoài, thương là buôn bán.
Khi còn ở Bệnh viện Xanh-Pôn Hà Nội, tiếp xúc với sinh viên đại học Y Hà nội nhiều hơn (Điểm trúng tuyển từ 26 đến 29) tôi cũng dùng một câu duy nhất.
-Tại sao em quyết định thi vào Y...?
Cũng đáng buồn, đa số cho rằng trường lấy điểm càng cao thì càng có giá và đó là cơ hội để khẳng định mình...
Một số cho rằng dễ xin được việc làm (Vì ở đâu cũng có Bệnh viện)...
Nguy hiểm hơn nữa khi nhiều phụ huynh và thi sinh cho rằng thầy thuốc là một việc ... “Nhàn” và ... “Oai”.
Thế là nhiều năm, những trường như thế này thành “Cái bị” nhốt những người tài.
Học giỏi ở phổ thông, đạt điểm thi tuyển đại học cao chứng tỏ phẩm chất của các cháu nhưng khi đã vào các trường chuyên nghiệp không phải ai cũng tiếp tục phát huy được phẩm chất ấy, nhất là khi...., không hợp..., không thích..., không tìm thấy sự đam mê nghề nghiệp..., ra trường không được nhận việc ở những cơ sở có thể phát huy tố chất.
Thi tuyển là xét từ cao xuống thấp, khi các thí sinh có khả năng đạt 26 điểm trở lên tập trung vào một số trường thì đương nhiên chất lượng thí sinh dự thi vào các trường khác phải giảm đi. Thế là có một phần các nhân tài không được phát huy và cũng một phần các lĩnh vực khác vơi đi những nhân tài.
Trên đây là một phần những suy nghĩ của tôi về hướng nghiệp, tình trạng hướng nghiệp trong xã hội ta, bây giờ trở lại với ngành Y
Hai nhận định cần nói ngay
Một là, có lẽ mọi người coi trọng ngành Y hơi ..., quá, coi trọng thì đúng nhưng không cần quá như vậy, những người có thể làm tốt các nghề khác đều có thể làm tốt nghề Y.
Hai là, dường như mọi người “Bức xúc” với câu nói của cô Bộ trưởng Kim Tiến: “Có lẽ các trường Y cần đưa môn văn vào khi xét tuyển”
Câu ấy không thật chuẩn nhưng cũng không đáng trách đến như vậy nếu ta xét mặt bằng khiến thức và khả năng của chính các vị Bộ trưởng, thậm chí cao hơn bộ trưởng.
Tôi cho rằng ngụ ý của cô Bộ trưởng là tốt, chỉ chưa chuẩn ở cách nói mà thôi. Người thầy thuốc cần nhiều phẩm chất, trong đó nếu có khả năng về văn học thì ..., tuyệt vời quá chứ sao....!
Bộ trưởng Kim Tiến đúng là vì thế!
Nhưng..., Địa hình, thời tiết cũng ảnh hưởng đến bệnh tật và cách chữa bệnh, vậy nếu nhấn mạnh vấn đề đó thì lại đưa cả môn “Địa lý” vào xét tuyển sao....?
Thi tuyển để chọn ra những người có tố chất, chỉ số thông minh, mức độ cần cù mà đào tạo. Sản phẩm cuối cùng (Sinh viên ra trường, vào nghề) cần những gì thì Đại học cần dạy họ những điều đó.
Sinh viên Y nếu được học Văn (Văn học, nhân văn) như một môn phụ hay bổ túc, ngoại khóa, sinh hoạt ..., thì thật tốt nhưng không thể là môn chính hay đưa vào xét tuyển được.
Có hiểu biết về văn học, có cách ứng sử nhân văn, sẽ giúp người thầy thuốc nâng cao khả năng suy luận, hình dung..., có con mắt nhìn “Bệnh” và “Người bệnh” một cách tổng thể.
Tình trạng chuyên khoa “Quá sâu” là có, người ta đau bụng, đến Bệnh viện lại được mổ cái u mỡ ở lưng (Bs khám làm ngoại khoa), người ta đau răng, nhưng trước khi nhổ răng, Bs cho làm siêu âm, tình cờ phát hiện cái nang ở thận thế là người bệnh được chuyển đến khoa thận ...
Một cơ thể 70 tuổi, với một hay nhiều bệnh mạn tính (Hen phế quản, tiểu đường, thấp khớp ...) người ta đã sống “Dặt dẹo” như vậy từ lâu rồi, khi đột biến phải vào viện, nếu người thầy thuốc có cách đánh giá “Người bệnh” thì trước hết hãy đưa người ta trở về với cái mức “Dặt dẹo” ấy, rồi tính sau.
Không..., ở một bệnh viện rất lớn, các Bác sỹ cứ dựa vào những “Tiêu chuẩn” những “Nguyên tắc” để để tích cực hồi sức..., quyết đưa các cơ thể ấy về những “Tiêu chuẩn” bình thường. Thế là cái cơ thể 70 tuổi với một ổ bệnh kia, hàng ngày được đưa vào cả đống thuốc, được làm các thủ thuật hiện đại rồi ..., chờ cho các thông số về với “Tiêu chuẩn”...
Khổ...! Họ không sai nhưng những cái cơ thể “Dặt dẹo” kia có chịu nổi đống thuốc ấy không và nếu họ được đặt nội khí quản hay mở khí quản quá 10 ngày, trong môi trường của ta thì khả năng viêm phổi gần như chắc chắn... hệ quả là không làm lại được nữa...! Không trả người ta về trạng thái sống ... “Dặt dẹo” được nữa...!
Đấy...! Người thầy thuốc cần con mắt nhìn “Bệnh” và “Người bệnh” một cách tổng thể là vì thế.
Văn giúp người ta cách nhìn ấy, và vì vậy Văn cần cho thầy thuốc là như thế...!
Văn giúp người thầy thuốc hoàn thiện hơn chứ không phải ai học văn rồi cũng chữ đẹp, không sai chính tả, viết và nói rõ ràng, gãy góc được đâu ...!
Một người thầy thuốc nổi tiếng thế giới nói: “Trong khoa học, bạn không cần lịch sự, bạn chỉ cần đúng...!” Tin rằng, ai cũng hiểu câu này khi nghĩ về quan hệ Văn và Y.
Bộ trưởng phát biểu chưa chuẩn là vì thế...!
Như vậy, ý của Haidangduy đã được bàn, nay nói về tình trạng “Cử tuyển” mà Ray đề cập.
Theo chỗ tôi nghĩ, nếu một xã, huyện vùng sâu vùng xa, không Bác sỹ nào muốn hành nghề lâu dài ở đó mà “Cử tuyển” con em mình đi học Y thì cũng có lý.
Cái đáng ngại là hiện trạng “Có cầu là có cung”, để có bằng được..., có bằng mọi giá cái bằng Bác sỹ người ta không nhất thiết phải thi vào trường Đại học Y chính quy mà có thể học trung cấp rồi “Chuyên tu”, “Hàm thụ”, “Liên thông” mà thành Bác sỹ rồi Thạc sỹ, Tiến sỹ, Giáo sư...
Cần khẳng định rằng, với những cán bộ trung cấp có khả năng, tâm huyết với nghề thì được đào tạo là quyền của họ. Khi cán bộ đại học còn thiếu thì những người có khả năng, có nguyện vọng được đào tạo thành Bác sỹ để đáp ứng nhu cầu xã hội cũng không có gì là lạ.
Nhưng tiêu chuẩn để đi học lại là thâm niên và những thành tích như Lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua... thì liệu có nhầm đối tượng không.
Tôi không cho rằng một người muốn làm thầy thuốc phải có những phẩm chất “Hơn người”, nhưng để có được một thầy thuốc cần đào tạo chu đáo, đầy đủ, thế mà những năm gần đây số trường Đại học Y tăng lên nhanh chóng, số các cơ sở đào tạo Cao đẳng, trung cấp Y thì... vô kể...! Ở đó họ dạy, học và thực hành như thế nào...? Ai biết...?
Tôi đã từng giảng bài (Tự nguyện) cho sinh viên trường Đại học YHDT Tuệ Tĩnh, như bài trước đã viết, đã tìm mọi kênh, mọi cách để biết yêu cầu của nhà trường khi gửi sinh viên đến khoa tôi là gì nhưng không thể được.
Lúc đầu thấy “Nghi nghi” tôi hỏi thì biết, chúng vào trường này... “Không khó khăn lắm” và học phí nộp cũng... “Không nhỏ lắm”.
Những khóa đầu, tôi đã cố gắng truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm nhưng rồi cương quyết không dạy nữa khi nghĩ rằng mọi cố gắng của những người đi trước trong nghề sẽ là vô ích nếu nhà trường vô trách nhiệm.
Ray à!
-Một người dù được “Cử tuyển” nhưng được đào tạo chu đáo tử tế có thể thành thầy thuốc hữu ích nhưng khi người ta làm mọi cách để trao và nhận bằng mới thật sự nguy hiểm...!

-Cần hiểu cái ý tốt của cô Kim Tiến!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét