Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

Tình NGƯỜI và ĐẤT...!

Đây chỉ là tâm tư cá nhân người viết chia xẻ cùng anh HỮU THẮNG.
Trước hết, rất cảm ơn anh đã nói lên (bằng thơ) tâm tư của bao người trong đó có tôi.
Đã từ lâu, tôi đau đáu, ngẩn ngơ mỗi khi qua những vùng đất phì nhiêu, tít tắp ngày nào. Nơi ấy cho ta hạt gạo, cây rau, cho ta quả ngọt hoa thơm, nuôi sống bao đời mẹ cha, ông bà, cụ kỵ, tiên tổ… Giờ chỉ thấy những TOYOTA, CANON, YAMAHA rồi rượu, rồi bia, rồi bột ngọt xà phòng…
Không phải tôi không mừng khi thấy chị quét rác, anh công nhân làm đường cũng có thể rút điện thoại di động nhắc con đặt cơm, học bài. Những thứ ấy là sản phẩm công nghiệp. Nhưng thực lòng, tôi ghét cay ghét đắng những khu nhà bằng sắt kia, ước ao sáng mai ngủ dậy đi qua cầu Thăng Long hay, vào khu An Khánh thấy lại những cánh đồng phù xa màu mỡ ngày nào.
Cứ ngơ ngẩn đau xót, tôi tự đặt ra hàng vạn câu hỏi mà không thể trả lời.
-Ai cho chúng ta những cánh đồng phù xa ấy?
Có phải sông Hồng, sông Đà quằn quại hàng chục vạn năm bồi đắp mới nên?
Có phải Tổ Tiên, Cụ kỵ, Ông Bà bao đời nhẫn lại, phát cỏ, vét máng, xẻ mương mà thành? Có phải mấy đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn cùng dân đắp đê trị thủy mà giữ được?
Có phải chủ tịch Hồ Chí Minh đạp guồng, tát nước với bà con rồi một ngày “Thủ tướng Phạm Văn Đồng trịnh trọng bổ nhát cuốc đầu tiên trên công trường đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải” cho đất được thâm canh, nghề Nông phát triển?
Hay, chỉ cần ta muốn là ngay sáng mai ngủ dậy, cao nguyên đá Đồng Văn sẽ biến thành Hoài Đức, Đông Anh...?
Không! Ngàn lần không..., cho dù khoa học kỹ thuật có tiến bộ đến đâu chăng nữa.
Thế mà ta không ngần ngại đổ đá, đổ dầu vào những cánh đồng lịch sử, để những đứa con lai yếu ớt của nền công nghiệp nước nhà, (sống bằng nguyên liệu và công nghệ nước ngoài) ngày ngày thải độc hủy hoại nốt những phần còn lại.
Dân số gia tăng vùn vụt, khí hậu biến đổi từng năm, ta lấy gì đảm bảo một ngày kia không đói...?
-Thế nào được gọi là “KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ”?
Dẫu không qua Cam bơ rít, Ha vớt, Sít Ny ta cũng biết rằng cuộc sống hiện tại và tương lai của mỗi chúng ta, mỗi gia đình và cả xã hội ta cần phải có kế hoạch.
Kế hoạch ấy dựa trên câu hỏi ta cần gì...? Và ta có gì...?
Ta cần tất cả nhưng ta chỉ có đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và nền văn hóa lúa nước...
 Nhiều lần đại hội, Đảng đã chỉ rõ “Lấy nông nghiệp làm…” Ta biết thế..., ta nói thế..., nhưng sao ta làm làm thế...?
Kế hoạch là xác định ta sẽ làm những gì...? Ở đâu...? Lúc nào...?
Ví như nhà kia trên một mảnh đất, ai cũng biết, chỗ cao ráo để làm nhà, chỗ thấp nhất đào ao nuôi cá, thả rau, chỗ không cao không thấp để trồng cây lấy trái.
Thế mà, trên đại lộ Thăng Long, tính từ An Khánh, chỉ mươi cây số nữa là đến vùng đồi, nơi ấy cây sắn mọc cũng khó khăn, nền móng lại cứng, chẳng phải đổ đá đổ dầu, chẳng tốn nhiều xi măng sắt thép. Sao ta không tập trung công nghiệp ở đấy...?
Trên đường Thăng Long-Nội Bài, qua Đông Anh là đến Sóc Sơn, nơi ấy đất bạc màu cằn cỗi, dân cũng đông và nghèo đói đã bao đời, sao ta không tập trung công nghiệp về đấy để tận dụng nhân công, cho họ đổi đời...?
Trong đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long còn có bao nhiêu An Khánh, Đông Anh nữa...?
Không phủ nhận, những năm qua ta đi lên chủ yếu nhờ đầu tư công nghiệp. Đâu có công nghiệp thì ở đó thay da đổi thịt.
Thế nên, tỉnh tỉnh làm công nghiệp, huyện huyện làm công nghiệp, xã xã cần công nghiệp, và vì thế ta có phải chiều các nhà đầu tư quá hay không...? Để "Tranh nhau" các dự án hay không...? Để họ thích ở đâu là nơi đó nhiệt liệt chào mừng..., họ yêu sách gì ta cũng phải đáp ứng...?
Và vì thế, ta đã vô tình hay hữu ý chặt nát cái cần câu cơm, cái thế mạnh trời đất ban cho, tổ tông mài dũa bao đời....!!!

-HỆ QUẢ XA LÀ ĐÓI, HỆ QUẢ GẦN THÌ SAO....?

Ai cũng biết dân trí ta còn thấp. Từ trước khi mất đất cho đến ngàn xưa ta chỉ biết xoay vần với đất làm kế sinh nhai. Nay, kèm theo đất ta còn mất những gì...?
Để những dự án được triển khai nhanh chóng những người quyết định và những người thực hiện được gì...? Không thể nói, nhưng ai cũng biết...!!!
Những người mà  “Dân trí còn thấp” kia, khi cầm cục tiền thì như mơ, khi nhận ra sự chênh lệch vô lý, khi ngộ ra cái thảm họa lâu dài thì đã quá muộn.
Ai đó bức xúc, đâu đó thắc mắc, phản ứng, biểu tình, bạo lực, đàn áp.... Ta đã vô tình chia rẽ lòng Dân-ý Đảng, thứ Bác dạy “phải giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Những người Nông “dân trí còn thấp” kia, trước khi họ vĩnh viễn chia tay với đồng với ruộng, trước khi đưa cục tiền, ta đã hướng dẫn họ những gì...?
Thực tế có mấy đồng thành cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh hay cho con ăn học, tạo nguồn sống thay thế ruộng đồng...?
 Bao nhiêu đã thành nhà thành cửa, thành cộ thành xe, thành quần thành áo, những thứ chỉ để hưởng chứ không tạo ra được miếng ăn...?
Bao nhiêu đổ vào cờ vào bạc, vào rượu vào bia, ăn chơi, thể hiện?
Một thế hệ “Nông con” đã hình thành..., không học không hành mà tóc xanh tóc đỏ, bấm múi xâu tai. Người thất nghiệp kéo theo bao tệ nạn...?
-Bây giờ, ta phải làm gì...?
Cụ Nguyễn Trãi dạy “Tổ kiến hổng, sụt toang đê vỡ”, những sai lầm nho nhỏ đã dẫn đến hậu quả tày trời. Mừng vì gần đây nghe nói Thủ tướng chính phủ đã quyết định phải cân nhắc đến từng mét đất canh tác! Nhưng đấy mới là Thủ tướng... nói thế....!!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét