Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

MỘT TRẬN ... SAY...!

từ khi biết uống rượu đến giờ, số lần tôi say đếm chưa hết hai bàn tay, sau đây là một trong những trận như vậy.
 
 
Dịp ấy đầu xuân, đêm trực, mổ một ca chửa ngoài tử cung..., thông lệ sáng hôm sau đi kiểm tra lại.
Khu hậu phẫu có kiến trúc kiểu Pháp với những cửa sổ lớn mở ra đường Chu Văn An. Bệnh nhân tiến triển tốt, da hồng, huyết áp > 100 mmHg, tỉnh táo, không sốt, dẫn lưu không có máu…, OK! Về!
Tôi để ý thấy một thanh niên tóc hung nâu, mũi dài, mắt xanh đang lặng lẽ tựa cửa nhìn xã xăm xuống đường đầy mưa bụi, chốc chốc lại rút khăn lau hai hàng nước mắt.
Đến cầu thang, hình ảnh “Lạ” ấy cứ ám ảnh..., người mình có biểu hiện như vậy đã là hiếm nhưng còn có thể thấy..., đằng này người ... “Tây” thì lạ thật..., quay lại. Sử dụng vốn Anh ngữ B của mình.
-Chào cậu! Có gì mà buồn vậy?
-Chào Bác sỹ! Cô này là bạn gái tôi!
À ra vậy, thủ phạm của cái thai lạc chỗ là tên "Tây" này đây.
-Ô Kê! Nó ổn rồi! Đừng buồn nữa…!
Thằng Tây nắm tay, cảm ơn tôi rồi bật khóc như một đứa trẻ, nó kể trong những tiếng nấc.
-Tôi thương nó quá! Chưa giúp được gì thì đã làm nó khổ thêm…
Tây tên là Fedrich một kỹ sư lâm nghiệp người Pháp sang giúp ta trong một dự án về rừng. Hằng, bệnh nhân của tôi là phiên dịch, chúng nó làm việc với nhau đã nhiều tháng nay. Chồng Hằng là con một ông tướng đã nghỉ hưu, nhà ở Lý Nam Đế. Trước, nhờ cái quân hàm của bố hắn cũng được làm chân long tong trong một công ty gọi là “Kinh doanh tổng hợp” của thành phố, chảbiết lấy tiền ở đâu mà tiêu như nước. Thế rồi xóa bao cấp, cơ quan hắn toàn một lũ ăn bám chẳng đứa nào có học hành hẳn hoi và quan trọng là chẳng thằng nào có kinh nghiệm và tâm huyết với việc buôn bán, chúng nó quen sống bằng “Màu” rồi. Ngày trước thua lỗ thì báo cáo rồi “Nhà nước” lo, mất cái nguồn vô tận ấy chúng bán dần cơ sở vật chất và nhanh chóng phá sản. Không ở đâu, không ai dám nhận nó dù có nể ông tướng đến mấy chăng nữa, công việc giản đơn như bảo vệ, công nhân thì nó không muốn làm, những việc khác thì nó không biết làm… Thế là thất nghiệp, lại quen lối sống “con quan” cờ bạc, gái gú… Hắn đánh chửi vợ rồi chửi cả bố mẹ là “Đồ ăn hại”. Thằng này giỏi…! Chửi rất đích đáng, Đại học ngoại ngữ để làm gì, quân hàm cấp tướng để làm gì! Không chu cấp được cho “Cậu” ăn chơi thì… Vứt!
Mặc dù đã có một cháu gái nhưng vợ chồng vị tướng vẫn khuyên con dâu nên ly dị, họ biết thằng con của họ đã “Hết thuốc chữa” rồi, nhưng để giữ nguồn kinh phí ăn chơi thằng chồng nhất quyết không chịu, nó cứ đi lang bạt, đến khi hết lại về hành hạ cô vợ cho bằng ra tiền rồi lại đi tiếp.
Gặp Fedrich, cùng nhau những chuyến công tác miền núi, Hằng mến cậu thanh niên nhiệt tình sôi nổi và rất trách nhiệm với công việc và đồng nghiệp. Fedrich thích cái dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo và nụ cười rất hồn nhiên sau những phút ưu tư khó hiểu của cô gái Hà Nội, biết hoàn cảnh cậu lại càng thương người bạn đồng hành. Đã bốn lần gặp gỡ người chồng để thương thuyết với bốn món tiền lớn dần nhưng Fedrich chỉ mua được những lời hứa quanh co. Thế rồi họ trao thân cho nhau và hậu quả thế này đây…
Phải về giao ban, tôi cảm động bắt tay Fedrich, cảm ơn hắn, một quý ông đàng hoàng và hẹn gặp lại.
Đem chuyện kể lại cho đồng nghiệp, không ngờ Long Béo, một Bác sỹ có quan hệ rất rộng nói.
-Để đấy tao!
Hắn tìm hiểu kỹ hơn, khi đã xác định câu chuyện của Fedrich là hoàn toàn thật, hắn mới ra tay. Một nhóm “Đầu gấu” điệu được thằng chồng hư đốn về nhà, trước mặt vợ chồng ông tướng, họ đưa ra hai tờ giấy, một bản cam kết sống tử tế với vợ, không đánh đập, không lấy tiền ăn chơi và một lá đơn xin ly hôn.
-Mày đọc kỹ đi! Rồi được phép và bắt buộc phải ký vào một trong hai bản này!
Thằng này vẫn làm cho bố mẹ và vợ con sợ hãi nhưng hôm nay, trước ‘Đầu gấu chính hiệu” thì nó run sợ ký vào đơn ly hôn.
Bằng nỗ lực của đôi tình nhân cùng sự giúp đỡ hiệu quả của Long Béo họ nhanh chóng hoàn tất thủ tục ly hôn, kết hôn, xuất cảnh.
Uể oải ra khỏi phòng mổ, một ca nặng và kết quả không được như mong muốn đang trĩu nặng mấy thằng phẫu thuật viên. Long Béo ào qua.
-Xong chưa! Fedrich đang chờ chúng mày bên ông Giám! (Nhà ông Hoàng Minh Giám, đối diện với cổng Chu Văn An, cho thuê bán Cafe).
Fedrich đã thạo tiếng Việt, sau khi đưa thiếp, nói những lời mời rất “Hà Nội” hắn cứ chỉ vào mặt tôi mà gằn từng tiếng.
-Dũng nhớ…! Hôm ấy…! Mày….! Phải “Chết…!”
Chúc mừng vợ chồng hắn, hứa sẽ đến và sẽ …“Chết”, chúng tôi phải vào ngay ca khác.
Đám cưới được tổ chức ở Du thuyền Hồ Tây, tôi cứ băn khoăn, vợ chồng nó mời nhiệt tình thế thì phải đi thôi nhưng bọn Tây uống ghê lắm, ngộ nhỡ say mà lộn cổ xuống hồ thì chết thật chứ chả bỡn.
Đem kể cái băn khoăn ấy, chả ai có biểu hiện gì, may, trước đám cưới một ngày, tôi đi xửa cái xe Cup 79 cánh én ở Trần Nhật Duật, thằng em gật gù.
-Anh uống ở Du thuyền chứ gì! Được rồi! Đi uống với em trưa nay, mọi băn khoăn của anh sẽ được giải tỏa.
Trước khi đứng dậy, Tú (em ruột thằng bạn tôi, chủ hiệu sửa xe) bảo.
-Khi cần bác cứ hỏi anh Sơn bếp trưởng, bảo: Tôi là anh thằng Tú, anh Sơn sẽ lo cho bác.
Ấy là cảnh giác và lo xa thế thôi, chắc làm gì đến nỗi…
Hết giờ làm việc, lão Chính (Trưởng khoa) nhắc.
-Ông uống kém thì ra cổng lót dạ cái gì đi. Hôm nay “Chết” thật đấy! Tôi làm hai quả trứng vịt lộn rồi.
Tôi cũng ra cổng làm hai quả như hắn. Cuối xuân nhưng còn rét lắm, bước xuống cầu tầu, dựng hết cổ áo, gió bấc thổi vù vù qua vành tai lạnh cứng. Cô Dâu-Chú Rể, mỗi đứa cầm một ly uýt ky đón khách. Đương nhiên, chúng chỉ nhấp môi nhưng khách lớn khách bé đều…
-Mừng hạnh phúc… “Ực!”
-Mừng hạnh phúc… “Ực!”
Ô Kê! Chỉ vừa đủ ấm…, tính sau. Trong sàn tầng một, toàn “Tai to mặt lớn”, phía Pháp có ngài đại sứ, các tùy viên, tôi nhận ra cô Cốc-Kơ-Lanh vẫn dạy tiếng Pháp trên ti vi, Phía Việt Nam có các quan chức bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp. Vợ chồng nó giới thiệu, chúng tôi chào xã giao rồi kéo nhau lên boong tầng hai… chả có gì ngoài mấy ngươi thơ thẩn ngắm cảnh đêm quanh Hồ Tây. Tàu đã đi gần nửa vòng hồ, dưới kia, mấy bài “Đít cua” đã hết, tiếng vỗ tay đã ngớt, nhạc cổ điển đã du dương những điêu Van, Tăng-gô. Cô Dâu- Chú Rể xuất hiện.
-Chúng mày ngồi không à…! Không được…! Không được…!
Nhân viên mang bia lên và cũng … chỉ có thế, chúng tôi nói với nhau về chuyên môn, ngắm cảnh Hồ Tây buổi tối, khác hẳn với dưới kia ồn ào, boong tàu vắng vẻ, xa xa những con đường khúc ẩn khúc hiện, dòng đèn xe lũ lượt chảy êm ái. Ôi! Một ngày nào đó người ta chế ra loại xe gì chạy không tiếng động, không khói thì Hà Nội lại đẹp hơn xưa… Tản mạn thế nhưng tôi không khỏi thắc mắc, sao chúng nó tiếp bọn tôi tệ thế nhỉ, may mà lót dạ hai quả trứng vịt lộn… Tôi đọc được trên mặt lão Chính và thằng Thành những ý nghĩ của mình nhưng chúng tôi vẫn nói, hết về chuyên môn lại về mấy ông lãnh đạo ngu dốt, tham lam.
Thi thoảng chúng lại nâng cốc, tàu cặp bến thì tôi đã uống sang lon bia thứ tư, men đã làm cho mặt sừng sừng, ô kê! Lát lên bờ làm bát phở là xong.
Đợi cho quan khách về vãn chúng tôi mới xuống, Cô Dâu-Chú rể lên tận bờ chào khách, cái cầu tàu chỉ vừa hai người đi mà mấy thằng hộ pháp cứ đứng chình ình ngăn không cho chúng tôi về. Lát sau, cô dâu chú rể quay lại, Federich tươi cười.
-Chưa về được đâu! Xem lại thiệp đi!
Rồi hắn giải thích.
-Chuyến đầu là quan khách! Bây giờ mới bạn bè!
Bỏ mẹ rồi! Cái thiệp mời nhiều chữ, chúng tôi nhớ thế nhưng thằng nào cũng chỉ xem qua dòng đầu, địa điểm…, giờ…, hóa ra chúng mời bọn tôi “tăng hai”.
Một vài nhóm bạn lục đục lên tàu (Đa số đã có mặt từ trước làm nhiệm vụ tiếp khách). Tiệc mới lại được bày ra nhanh chóng, lão Chính (Đã có hai năm ở Pháp) làm nhiệm vụ thông ngôn (Tiếng Pháp của tôi yếu), mỗi người, mỗi lần làm quen lại … một ly, đến khi tàu nhổ neo thì đầu óc tôi đã quay cuồng, tiếng Anh tiếng Pháp trôi chảy hẳn lên. Lão Chính biến đâu mất một hồi rồi kéo Cốc-Kơ-Lanh về phía tôi, trên tay chúng cầm ly rượu gì tắng đục như nước cơm. Hắn giới thiệu tôi như một Phẫu thuật viên tài hoa với bà đầm rồi thêm.
-Đốc tờ Dũng học và nói tiếng Anh, tôi đang thuyết phục hắn chuyển sang tiếng Pháp, hy vọng bà sẽ giúp đỡ …
Rồi đột ngột hỏi
-Ly của ông đâu? Làm quen một cái đi!
-Tôi đủ rồi! Mà ông uống cái gì vậy?
-Ông không biết à! Rượu hồi…! Muốn đến Pháp thì phải uống rượu hồi…!
Thứ rượu đo đỏ khi rót soda vào trở thành màu trắng đục. Hết ly ấy tôi bắt đầu thấy chân mình bước không thật nữa, người thì cứ giần giật theo tiếng nhạc. Không còn ranh giới giữa mũi lõ mũi tẹt, giữa Y khoa và Nông Lâm nữa, đụng mặt nhau là chào hỏi, cười nói, là…“Keng!”. Nhìn kỹ thì thằng nào cũng như tôi, những bước chân loạng choạng, những cánh tay vung quá mạnh, những giọng nói lớn hơn nhu cầu. Một ý nghĩ nghịch ngợm lóe lên, tôi pha hai ly rượu hồi bưng vào buồng lái, tay lái tàu đang ngồi vắt vẻo bên cửa sổ mắt nhìn xa xa, ngổn ngang trong cabin là cả tây lẫn ta.
-Anh lái tàu!
-Vâng!
-Sao không cầm bánh lái?
-Chạy tự động anh ạ!
-Thế thì uống đi.
Đưa anh ta ly rượu tôi hỏi.
-Muốn rẽ bên nào thì quay về bên ấy chứ gì?
-Vâng!
-Thế thì để tôi lái cho, yên tâm đi!
Tôi hướng mũi tàu từ từ về bên phải, mới qua khách sạn Thắng Lợi một quãng, con tàu từ từ hướng về bến…,
-Thế là xong, bọn này say khướt rồi, biết gì đâu, Ông chuẩn bị cặp bến cho tôi nhé.
Tưởng thế là thoát cái đám cưới, bỗng một thằng tây uỳnh uỵch chạy lên
-Nô! Nô…!
Hắn bắt tàu quay lại lộ trình cũ…, xong! Ly rượu uống với tay lái tàu coi như… “Lỗ”, tôi chếnh choáng xuống cầu thang. Đi lại, cười nói, nhảy nhót, tiếng nhạc inh tai, đèn nhấp nháy…, hoa cả mắt, ù cả tai. Túm lấy cái cột sắt gục đầu nhắm mắt, không ổn rồi, cái điều tôi sợ đã đến thật rồi.
Thằng Thành lôi Đốc tờ Khor (Bệnh viện Viết-Pháp) đến, dăm câu về chuyên môn, Anh-Pháp lẫn lộn mà vẫn hiểu…, một ly nữa, cái giống rượu hồi nhìn thì nhẹ, uống thì nặng, tôi ngồi thụp xuống ghế, những thằng tây to cao kéo tôi dậy ném vào sàn, khốn nạn, tôi có biết khiêu vũ đâu cơ chứ, lắc lắc cái mông, ngoáy ngoáy cái tay một lúc lại lỉnh về cái ghế.
Cô Dâu-Chú Rể đến, lại uống, nó bảo tắt nhạc rồi gọi lão Chính, thằng Thành đến, vợ chồng nó trịnh trong giới thiệu chúng tôi như những ân nhân rồi ôm lấy chúng tôi hôn chùn chụt…, lại uống…, lại uống, ừ thì uống, đằng nào cũng say.
Tự nhiên, nhớ lời thằng Tú, tôi chặn một em nhân viên.
-Cô cho tôi hỏi anh Sơn.
-Dạ! Có hai Sơn, anh hỏi Sơn nào ạ?
-Sơn bếp!
-Dạ!
Miệng nó dạ nhưng chân nó cứ đi…, thế là hết nhờ. Hình như tàu đã cặp bến…, không, nó đỗ cách cái cầu tàu vài chục mét, chương trình khiêu vũ, hình như bây giờ mới vào cao trào. Thôi được, nằm đây ngắm mấy em uốn éo cũng… thích thích.
Một thằng cầm hai ly rượu đến đứng cạnh tôi…, lơ nó đi! Chào hỏi chắc lại phải uống. Không hiểu nó chờ ai, thỉnh thoảng lại nhìn trộm tôi một cái… cười, tôi cũng cười lại với nó, lần thứ ba thì phải lên tiếng.
-Xin lỗi ông bạn, nom quen quen nhưng…, say quá, không nhớ!
Hắn lại cười.
-Anh cố nhớ lại đi…, quen mà!
Tôi vờ như suy nghĩ nhưng vừa nhắm mắt vào, cả cái Hồ Tây chao đảo, lại phải mở ra.
-Xin lỗi nhé…! Thật sự không thể nhớ…!
-Thôi…! Đừng cố làm gì…! Ai tiến cử tôi cho ông?
-À…, Sơn à?
-Dạ…! Chính tôi, bếp trưởng Sơn đây.
-Thằng Tu..ú…! Thằng Tú Trần Nhật Duật!
-Thế thì được rồi! Nào! Làm quen cái đã!
Hắn đưa tôi ly rượu…, keng! Ngửa cổ…, ực! Xong!
-Anh cứ uống, cứ vui đi nhé, xe để trên bờ chứ gì, không lo, nếu say quá thì ngủ lại, có đệm êm chăn ấm và đủ thứ phục vụ, sáng mai khi nào tỉnh hẳn hãy về.
Thế rồi nó cũng bỏ đi, lát sau thằng Thành toáy tôi.
-Về chưa?
-Muốn lắm rồi nhưng làm thế nào?
-Theo tao!
Nó dắt tôi ra sau, lão Chính đã ở đó, ba thằng luồn qua toa lét, leo qua hai cái tàu nữa mới lên được bờ, dưới kia vẫn vui vẻ, cô con gái của cô dâu trong bộ váy trắng đang nhảy với chú rể (kém mẹ nó bốn tuổi) rất đẹp.
Ra khỏi tàu từ nãy nhưng nhưng giờ mới thấy lạnh, đường Thanh Niên vắng ngắt, gió lại thổi qua tai ù ù. Tôi giật mình thấy mụ Liên (Bồ lão Chính) khoác cái áo to như cái chăn đứng như một bức tượng bên ba cái xe máy cuối cùng.
Từ ngày lão Chính cặp với cô này tôi vẫn phản đối nhưng từ hôm nay có lẽ phải nghĩ lại. Người đàn ông, khi gặp nguy hiểm mà có một người phụ nữ dùng hết tâm trí và sức lực để lo lắng như thế này là hạnh phúc chứ gì nữa, giờ này bà Hoa (Vợ Chính) chắc đã ngủ vô tư từ lâu lắm rồi.
Tôi không thể nhớ đã đi như thế nào từ đường Thanh Niên về Xanh-Pôn, chỉ đoạn qua nhà quốc hội, tự nhủ, đường sắp lượn sang trái, cần phải giảm tốc độ và lúc ấy mới biết tay ga đã kịch cỡ từ lúc nào không biết, phía trước, xe thằng Thành khói um, chạy như tên bắn.
Ô Kê! Chào mấy tay bảo vệ, hai thằng tựa vào nhau lên cầu thang…. Quái lạ, sao giường thằng Thành cứ kêu phành phạch…! Phải rồi, nó đập tay xuống giường và chốc chốc giường tôi … cũng thế.
Thiếp đi được một lát, thằng thành gọi
-Dũng ơi! Ngủ đi nhé! Nhà tao gần, phải về, không thì bỏ mẹ!
Tôi thấy bước chân nó xuống cầu thang, lát sau lại thấy tiếng uỳnh uỵch chạy lên.
-Dũng ơi! Xe để ở đâu í nhỉ?
-Ở cổng chứ ở đâu!
-Không có! Tao tìm hết rồi!
Bỏ mẹ! Đây mới là họa sao! Xin các bạn nhớ rằng, vào những năm đầu 90 thì cái xe Cúp cánh én là một tài sản rất lớn. Chúng tôi lảo đảo xuống cổng bảo vệ, chỉ có mình lão Nhe đội trưởng đang ngồi ngáp, không hiểu ông bà thân sinh nghĩ thế nào mà đặt cái tên cho lão đến khéo, lão gầy, gầy vì tạng người nó thế và gầy vì cái nghề phải thức đêm, răng thì cái nhô ra cái thụt vào, cái to như bàn cuốc cái lại nhỏ tí như hạt thóc lép. Thấy chúng tôi ngơ ngác hắn chẳng hỏi han gì, cứ đờ đẫn ngồi ngáp, nhưng chả hỏi hắn thì hỏi ai.
-Xe bọn tôi đâu anh Nhe?
-Xe nào?
-Hôm qua tôi về còn giơ tay chào anh thế này cơ mà.
-Ông để ở đâu?
-Ở đây.
Tôi chỉ tay vào nơi chúng tôi thường để tạm.
-Thật không?
-Thật!
-Thế chìa khóa đâu?
Hai thằng thọc tay vào túi…, ừ nhỉ, chìa khóa đâu nhỉ…! Chắc bộ dạng chúng tôi đã quá thiểu não, lão Nhe mới chịu buông tha.
-Con lạy hai bố! Bố Dũng để giữa cổng…, Bố Thành để tít ngoài đường Chu Văn An kia kìa, hai cái xe khét lẹt còn nổ máy khói mù mịt…, đây! Chìa khóa của các bố đây, xe trong gầm cầu thang ấy…, may mà còn nhớ đường mò về…, chố khác thì cái D cũng chẳng còn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét