Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

BA CÁI MÂM-Kỷ niệm đầu đời bộ đội

Năm 1974, năm nhiều biến động với tôi. Tháng 6 thi tốt nghiệp, thi xong tôi xuống Hải Phòng ôn thi đại học. 
Ngày 6/7 đang nhặt rau thì có ông ở sở điện lực vào tìm. Ông này đèo tôi đến cơ quan chờ điện thoại. Chị tôi gọi từ Hà Nội yêu cầu tôi thật bình tĩnh rồi thông báo: một là, em đỗ tốt nghiệp loại giỏi. Hai là ở nhà đã nhận giấy gọi em vào bộ đội từ ngày 4/7 (tức là đã quá hai ngày). Ba là, ngày kia, 8/7 em thi đại học.
Tôi làm bài thi một cách rất “tài tử” thế mà cũng đỗ. 
Thi xong hôm trước, sáng hôm sau, đang đá bóng bưởi với thằng em ở sân. Gôn của nó là cái cổng, của tôi là cái bể. Co cẳng đá mạnh quả bưởi, chẳng vào cái cổng lại trúng cây ổi tàu mới bói, một trong hai quả rụng văng ra cổng. 
Chạy ra nhặt đúng lúc mấy ông dân quân mang súng vào bắt tôi (một thắng trốn lính). Tôi mắng họ một hồi, yêu cầu mang súng ra khỏi nhà rồi mới tiếp.
Họ cất cái lệnh bắt vào ca táp rồi rút ngay đưa tôi cái giấy mời tối nay lên xã họp. 
Thế là sang hôm sau tôi lên đường. 
Mẹ tôi làm vội cho con bữa cơm, bác Đạo đi chợ tình cờ vào gủi cái Chi, thằng Mạnh được tôi gọi, thằng Hùng (Em tôi) đương nhiên đang ở nhà..., bữa cơm cuối cùng có ngần ấy người.
Khi ngồi ăn thì chả thấy gì, nhưng khi mặc áo vào, xách cái túi (các bạn trẻ bây giờ chắc không hình dung ra, cái túi may bằng vải tráng nhựa, rông cỡ 20 phân, cao khoảng 35-40 phân, hai cái quai) đựng bộ quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng..., vào cái lúc mới bước một chân qua qua cái bậc cửa, tôi nhìn xuống, cái bậc cửa..., nơi mẹ tôi thường ngồi vá áo, nơi cả nhà tôi dùng làm đòn kê mỗi khi cần chặt cần chẻ..., cái bậc cửa mòn lõm xuống, chằng chịt những dấu vết năm tháng... Tôi sững lại giây lát..., bắt đầu linh cảm những đổi thay, nước mắt bỗng trào ra
 Hai thằng đèo tôi ra huyện đội ở Quan Hoa...xong! Chúng nó về và nước mắt tôi lại chảy ra.... Tôi biết, từ đây tôi không còn là của tôi nữa. 
Cái xe gaz chở tôi xuống Yên sở cũng đã 2-3 h chiều, họ đưa tôi vào một nhà, ở đó cũng có vài thằng như tôi. Vài lần tập trung ở ngài đình, sân kho rồi chúng nó lên đường. Tôi, vì đi gấp nên thiếu cái lý lịch đoàn được ở lại chờ đợt sau. (Đơỵ 29/7)
Lính đi rồi, chỉ còn lại bộ khung, họ chuyển tôi đến một nhà gần mấy ông “cán bộ” cho dễ quản lý, chắc họ sợ tôi trốn. 

Chủ nhà là một cặp vợ chồng đặc biệt. Đặc biệt với những người khác trong làng nhưng nếu xét rộng hơn thì không, bởi hình như làng nào cũng có một nhà như thế. Anh chồng chừng 34-35 tuổi, to cao vạm vỡ, da đen bóng, quả là một lực điền. Những việc nặng mà người khác e ngại như bưng cối đá, chuyển bao thóc...anh làm phăng phăng trước nững con mắt vừa thèm thuồng vừa như khinh khỉnh của bọn đàn ông khác. Những ngươi như anh thường thật thà và thẳng thắn đến mức bị người ta coi là ... dở hơi. 
Anh ngọng, cái kiểu ngọng không phải do hở hàm ếch hay ngắn lưỡi, dường như có cái khuyết tật gì ở sâu hơn trong thanh quản. Khổ...! Đã ngọng thì hay nói, anh nói nhiều, nói to, cười nói cũng phăng phăng như việc làm vậy. 
Ngày ấy chưa có khoán mười, mọi người làm việc theo phân công của tổ hợp tác, kết quả lao động được tính ra điểm, điểm ấy được ghi và theo dõi trong sổ của thư ký đội. Cuối vụ, tùy theo năng suất và tổng số điểm mà tính ra bao nhiêu điểm được một cân thóc. 
Cũng chẳng phải làm nhiều là được ăn nhiều mà mỗi khẩu (tức là mỗi người) tùy theo là lao động chính hay phụ hay người già, trẻ con đều có “Định mức” số điểm nhà này thừa định mức thì phần thừa được quy ra tiền (rất rẻ), nhà kia thiếu định mức thì phần thiếu được ghi nợ đến vụ sau hay phải nộp bằng tiền. 
Người ta hay phân công cho anh những việc rất nặng, số điểm có thể nhiều hơn chút ít hay không nhưng được cái tự do bởi chẳng ai thèm tranh giành. Anh còn làm thêm việc đóng gạch ở lò hợp tác xã. 
Đóng gạch, một công việc nặng nhọc nhất trong các việc nặng nhọc. Người ta bảo anh ấy cứ “Hùng hục như trâu húc mả”, một câu vi ngoa ngoắt ám chỉ những người chăm chỉ, cậy sức mà vô tính toán... Con trâu, chả hiểu vì ngứa sừng, thừa sức hay cái bản chất “chọi” của giống loài trỗi dậy trong khối cơ bắp tù túng, vớ được nấm mộ nó xoạc cẳng ghì sừng húc lấy húc để, cứ như thể nấm đất kia là đối thủ, là kẻ thù vậy. Húc đến bở hơi, sùi bọt mép, nấm mộ có khi bị vẹt một nửa hay đã phẳng lỳ mới chịu buông tha... Câu này “thâm” ở chỗ cái tư thế, cái động tác, cái cường độ, cái tín chất vô suy nghĩ của con trâu khi húc mả kia rất giống với bọn đàn ông khi làm việc “ấy”. 
Với anh, người ta vi thế cũng không oan bởi ngày ấy tôi là một thanh niên nông dân chính cống, chẳng công việc gì tôi chưa từng qua thế mà nhìn anh xắn, giẫm, nghiền trộn đất, thứ đất sét đã qua ủ nước lại "ba mai hai kéo" nó quánh quyện mút chặt lấy hai chân, bàn chân thụt xuống đến 20-30 phân khi rút lên tưởng như đứt đầu gối tôi cũng thấy rùng mình....  Người lười thì chỉ dẫm nhẹ qua loa nhưng anh thì không, người ta càng khen anh càng làm thật kỹ. Rồi vác những miếng đất ấy ra sân đóng thành gạch, rồi chuyển gạch mộc lên kiêu, việc gì anh cũng chạy phăng phăng. Tôi xót xa nghĩ, chả hiểu cỗ máy này còn làm như thế được đến bao giờ và khi cái khối cơ bắp ấy gục ngã thì biết trông cậy vào ai? Vợ con anh sẽ trông cậy vào ai?

Người có sức, thật thà chăm chỉ thì hay cục cằn. Ngay bên lò gạch là con mương thoát nước của làng rộng chừng 4-5 mét. Anh dùng hai đoạn tre khô ngăn mặt nước lại thả bèo nuôi lợn. Chiều nọ, tôi cùng anh từ lò gạch về, mệt nhưng nhẹ nhõm vì gạch khô đã lên kiêu, trời không có biểu hiện sẽ mưa có nghĩa là gạch mới đóng sẽ an toàn. Thằng cu bắt trộm ở đâu được mớ cá to, từ trưa đã thấy chị bận bịu nào rán, nấu chua, kho... một bữa tươi đang chờ chúng tôi. 
Bỗng thấy anh hét lên một tiếng lao vào kiêu gạch người ta đang bốc dở rồi ném tới tấp xuống mương. Chưa biết chuyện gì tôi vội lao theo ngăn anh lại. Dưới kia, một thằng đánh dậm đang lóp ngóp chới với bỏ chạy. Khổ vì ở dưới nước nên nó không thể chạy nhanh được lại còn cái dậm, cái giỏ to tướng trong khi nhưng hòn gạch lục mới tinh cạnh sắc như dao bay tới tấp từ cái bàn tay vạm vỡ của anh. 
Cự li mỗi lúc một gần, tôi vừa kịp ôm chặt lấy anh thì “ro..a..ạt” hòn gạch bay sát qua tai tên đánh dậm, trúng vào cái giỏ đang lềnh bềnh trên hai cái phao tre làm nó bẹp dúm. Tên này mặt cắt không còn một giọt máu, mồm há hốc, hai tay giơ cao chới với. 
Tôi quát hắn chạy nhanh lên và ôm anh ngã vật xuống bờ mương. Khổ! Thằng đánh dậm kia có khác gì anh đâu, cũng “Hùng hục như trâu húc mả” chỉ hau háu nhặt con cua con ốc cho vào giỏ chứ có để ý đâu đến việc làm nát bèo nhà anh. Hòn gạch kia mà trúng đầu nó thì án mạng chứ chả chơi. 
Thằng đánh giậm chạy mất rồi, anh không trách móc gì tôi nhưng mặt còn đầy sát khi, hai anh em sửa lại ô bèo, anh xa xả chửi rủa tên vô lại kia..., tiếng chửi ông ổng phát ra từ cái cổ họng người ngọng, nghe mới thương làm sao...!

Chị vợ hơn anh đến 2 tuổi, chẳng xấu chẳng đẹp nhưng nhỏ con. Cũng chịu khó chăm chỉ nơi đồng áng nhưng vụng về nơi bếp núc. 
Hơn 1 tháng ở đấy tôi chả thấy họ to tiếng với nhau bao giờ. Họ giống nhau ở hai cái. Thứ nhất là vụng. Thứ hai là tốt bụng. 
Cái vụng của anh là đương nhiên, nó được thể hiện qua việc bố trí không gian ví như cái buồng nơi vợ chồng anh ngủ cũng là nơi để gạo và chạn thức ăn được bố trí bên tả, khi làm cái bếp anh lại để ở trước buồng bên hữu (nơi các con anh ngủ)..., lúc đào cái giếng anh lại làm ở giữa vườn thế là để có bữa cơm họ cứ chạy quanh, nghĩ đã chóng cả mặt.
Còn chị, thay vì sắp xếp để hạn chế đi lại, chị thường xuyên vừa nấu bếp vừa quát thằng cu khi chạy vào buồng lấy thêm tý mỡ, giuộc tương, khi thì ra giếng múc cho mẹ ít nước... 

Điển hình nhất của sự vụng về luộm thuộm được thể hiện ở cái buồng của chị. Cái giường tre kê sát tường hậu đã tối tăm lại càng tối khi nó được trang trí bằng cái màn gió hoa vàng hoa đỏ hình như chưa được giặt bao giờ. 
Giữa buồng là cái cót chứa chừng 4-5 tạ thóc, vì cái cót đã cũ hay phải làm việc quá sức mà mặc dù đã được buộc cạp hai đợt dây thừng nó vẫn xệ xuống từng mảng, nơi ấy cũng là chỗ thi thoảng anh rứt ra một mẩu làm đóm hút thuốc lào, bọn chuột được thể cứ lối ấy mà trèo lên cõng thóc của anh chị, đêm đêm chúng còn đùa hay tranh nhau chí chóe làm thóc văng khắp nhà... Hôm nào thằng cu và con vàng đi lêu lổng là bọn gà được bữa xả láng, chúng ăn, bới rồi ỉa cả vào cót, thóc khô thấm nước đi để lại những cục cứt gà khô cứng... Thế mà trên ấy vẫn còn là chỗ của thúng gạo, mẹt tấm, rá khoai, nồi cơm nguội...
Một sợi dây thừng buộc võng qua hai cái xà nhà lủng lẳng một đống quần áo của anh của chị và của các cháu lẫn lộn, cái nào cái ấy lèo nhèo cáu bẩn.
Phía ngoài cùng là cái chạn tre ba tầng cũng do tự tay anh làm, chắc đã lâu nên nó xộc xệch, tầng dưới cùng là lủng củng xoong nồi, cái bằng đất cái bằng sắt tây, bằng nhôm, bằng đồng, chất liệu khác nhau nhưng chúng giống nhau ở một điểm đều đèn xì, ai lỡ động vào thì tay cũng đen như vậy. Tầng giữa là bát, thời ấy không có bát đẹp như bây giờ. Những cái bát đĩa da lươn có đáy giáp đến mức người ta thường dùng để mài dao (gọi là liếc), trong lòng đĩa, bên thành bát in mấy bông hoa nguệch ngoạc. Số nguyên vẹn chỉ chiếm chừng phần tư còn lại là sứt là mẻ, chúng được làm từ đất và chỉ được trở về với đất khi người ta không thể dùng được nữa. Trên cùng là thức ăn. Một liễn mỡ đặt trong cái đĩa nước cho bọn kiến hết đường nhòm ngó, mỡ trong liễn thường xuyên ở tình trạng “sắp hết” dưới đáy, bên thành vạch ngang vạch dọc những vết đũa để lại. Một bát cà nén còn thừa nổi váng trắng xóa, một bát tương nhem nhuốc.
Úp trên cái chạn ấy là ba cái mâm, cái dưới cùng bằng gỗ, nghe nói bố anh được chia của địa chủ. Cái mâm có ba chân cao đến mươi mười năm phân, một đường nứt rộng đến 2cm gần như chia nó làm hai phần, tuổi tác được thể hiện qua các vết thương đầy trên mình, thế mà nó vẫn tồn tại vẫn nhẫn nhục phục vụ anh chị.
Đè lên ba cái chân gỗ là cái mâm đồng cũng được chia của địa chủ, anh chị ghét nó trước hết vì nó khó tính, tí mặn tí chua dây ra là nó nổi mốc xanh lè nếu không dùng tro bếp và vỏ trấu mà đánh thì không sao tẩy được. Thứ hai, nó không phải là thứ nhà anh bỏ tiền ra mua. Chẳng phải anh chị ăn cướp của ai nhưng hễ nhìn cái mâm, liên tưởng đến ánh mắt người nhà cụ Tú anh lại thấy mình như kẻ ăn chặn ăn cướp... Nhiều lần định mang trả nhưng lại sợ..., sợ đếch gì bọn dân quân, công an xã, chúng nó chả sợ anh thì thôi chứ, thằng nào hé môi bảo anh phản động anh đánh cho vỡ mồm..., nhưng không hiểu sao anh lại sợ cụ Tú.
Gặp ngoài đường anh khoanh tay chào, bao giờ cụ cũng dừng bước gật đầu.
-Không dám...! Nhà anh đi đâu đấy!
Mỗi khi nhà có việc nhờ anh, như hạ cây sung, đào cái giếng... cụ ra đứng bên, không phải để giám sát hay giục giã gì mà để nhắc anh làm sao cho an toàn..., bưng cho anh bát nước vối cụ phe phẩy cái quạt giấy cho anh, mát đấy nhưng anh không thích mà cũng chẳng dám từ chối, cụ đáng tuổi cha chú lại là nhà danh giá, mối lần cụ quạt cho, anh thấy ớn sống lưng. Bữa trưa đạm bạc nhưng ít nhất cũng có đĩa trứng tráng, mấy bìa đậu rán ròn, cụ ngồi ăn với anh, nhâm nhi chén rượu cụ gắp cho anh nhiều hơn cho mình. Rồi cụ hỏi han gia cảnh, khuyên anh nhiều điều hơn lẽ phải nhất là không được nóng nảy đánh đập ai cho dù người ta làm gì, nói gì. Có khi miếng ăn nghẹn trong cổ mà lòng ấm áp, bố anh chả dạy anh những điều đó bao giờ... Hết ngày, cụ hỏi.
- Nhà anh lấy bao nhiêu tiền để tôi gửi?
Anh lúng túng
-Ạ ụ o ao yêu ũng ược! (Dạ, cụ cho bao nhiêu cũng được)
-Ấy chết...! Sao lại thế...? Anh lấy người ta bao nhiêu thì bảo để tôi biết, nhiều thì nhà không có, ít thì thiệt cho nhà anh, mà áy náy cho tôi.
-Ế ụ o on ột ồng! (Thế cụ cho con một đồng)
Cụ mở ví đếm đếm rồi đưa về phía anh
-Đây là tiền công, nhà anh cho tôi gửi, cảm ơn anh đã giúp. Tôi biếu anh ba hào mua thuốc nhưng nhớ hút vừa thôi kẻo ốm thì khổ vợ khổ con!
Mới gần cụ có một ngày mà anh bỗng trở nên lịch thiệp, cúi mình đón mấy đồng bạc anh ấp úng
- Ạ! On in ụ! (Da, con xin cụ)
Muốn trả lại cái mâm đồng mà anh cũng sợ, sợ cụ mắng, điều cụ chưa làm với anh bao giờ.

Trên cùng là cái mâm nhôm anh được thưởng hồi đi dân công đắp đê chống lụt.
Cái mâm được thưởng này cũng có liên quan đến nhà cụ Tú... Chả là năm ấy nước to toàn bộ nhân lực được huy động gia cố đê. Gọi là toàn bộ nhân lực nhưng cũng có thể gọi là toàn bộ đàn bà, bởi đàn ông cho ra đàn ông thì đã vào chiến trường cả, những thằng còn lại nếu không đui què mẻ sứt hay ngọng như anh thì cũng hèn nhát tìm mọi cách chạy chọt để trốn lính... Trốn được rồi, lâu ngày lại chạy vào chức này ghế nọ như công an, dân quân hay ban quản trị hợp tác xã..., những việc chỉ quen với phét lác chẳng được tích sự gì.

Người ta dùng kéo cắt những tảng đất thật to để đắp bổ sung vào những đoạn đê yếu.
Đất lấy đi để lại cái hố to dần và sâu dần gọi là thùng đấu, thùng đấu là nguồn đất hộ đê, để an toàn thì không được lấy quá gần chân đê, để tiết kiệm sức người và đáp ứng mức độ khẩn cấp thì lại không được lấy xa quá.
Trời mưa tầm tã nước trong đồng dâng cao, người ta phải đắp những con đê nhỏ không cho nước tràn vào thùng đấu. Đất mới, đắp cẩu thả lại gặp mưa, nước cứ dâng cao, một đoạn bờ sệ xuống..., vỡ đến nơi.
Hàng trăm con người dưới thùng đấu sẽ bị ngập nước, thành thùng thì dựng đứng chắc gì sẽ không có người chết..., quan trọng hơn là lấy đâu ra đất để hộ đê...?
Mọi người gào thét nhìn nhau, mấy thằng nửa đàn ông nửa đàn bà kia không còn biết quát ai nữa, cứ há mồm đần thuỗn ra như lũ ăn hại, không thể chờ được nữa anh xoạc chân giang hai tay giữ bờ, lấy sức mình chống lại sức nước, bỗng chốc anh trở thành người chỉ huy tối cao, bảo đâu họ làm đấy... ră rắp...!
bờ không vỡ, người được cứu, thùng đấu cũng được cứu.
Tổng kết, Trên cho mỗi hợp tác một cái mâm làm phần thưởng cho cá nhân tích cực... Bạn dọc đừng vội cười mà cho rằng tôi nói phét, ai lại phần thưởng bằng cái mâm nhôm bao giờ...?
Thưa rằng đúng thế! Xã hội ngày ấy không cần tiền, người ta trả lương cho công nhân bằng lốp xe đạp, bằng xà phòng, bằng khóa cửa, bằng.... tất cả những gì có thể, bất luận người nhận có cần nó hay không, sử dụng như thế nào tùy ý, không loại trừ việc đem ra chợ bán nhưng cũng có thể bị công an bắt vì tội “áp-phe”.
Vậy thì cái hội nghị tổng kết chiến dịch bảo vệ đê điều của một xã, có mấy cái mâm để thưởng là oách lắm rồi.
Điều đáng nói là đến lúc này mấy bô mặt trơ trẽn của bọn nửa người nửa ngợm kia lại lộ ra. Thằng chủ nhiệm thèm rỏ rãi nhưng trong bài diễn văn dài ngoẵng, đến ba phần tư là kể nể tâng công của mình nó bớt lại một mẩu để ca ngợi thằng phó của nó rồi kết luận đánh uỵch một cái rằng;
- Danh hiệu và phần thưởng cho người nhiều công trạng nhất không ai khác là đồng chí phó chủ nhiệm.
Nó nói thế nhưng biết tỏng rằng bố bảo thằng kia dám nhận, và người nghe có ngu đến mấy cũng biết bài diễn văn kia hướng phần thưởng về ai.
Quả là nó đúng. Đến phần thảo luận thằng phó hớn hở đứng dậy cũng dành một đoạn kể công mình rồi nó tâng thằng chủ nhiệm lên mây xanh rồi cũng kết luận “phần thưởng cao quý này phải thuộc về anh chủ nhiệm mới đúng”.
Hai thằng đá đưa nhau. Bà con chẳng thèm quan tâm bởi chẳng bao giờ đến lượt họ, thằng nào được thì cũng kệ cha chúng nó chứ, không bị chúng nó “trù” là tốt rồi..., mẹ cha những thằng khôn lỏi...! Mà chúng nó khôn thật! Khôn đến thế là cùng. Thằng nào cũng chối đây đẩy khi biết chắc chẳng trượt đi đâu mất mà sợ...!
Cuộc đùn đẩy sắp đến hồi kết, mặt hai thằng đang giãn ra, căng lên vì chứa đầy kiêu hãnh và đạo đức giả bỗng đanh lại, bốn con mắt cụp xuống khi thấy bác thư ký Bào giơ tay xin phát biểu.
Bác Bào, người con trai duy nhất nhà cụ Tú. Vốn học giỏi có tiếng trong huyện nhưng phải cái lý lịch nhà bác xấu quá, bộ đội còn chả thèm lấy thì đi đâu? Học lực của bác thừa để đi nước ngoài nhưng khi cái lí lịch của bác được ban tuyển sinh chuyển về địa phương và được ông bí thư đảng bộ phê thế này: “Gia đình chấp hành tốt nhưng Ông là địa chủ thường, Bố làm thông ngôn cho Tây. Không cho đi nước ngoài, không cho vào đại học. Chỉ cho đi trung cấp!”.
Cái chức bí thư đảng ủy xã ngày ấy to thật đấy, to hơn mấy ông ở bộ đại học và trung học chuyên nghiệp. chả thế mà họ nghe rắp rắp. Bác Bào không được đi nước ngoài, không được vào đại học, người ta chỉ dám gọi bác vào cao đẳng sư phạm.
Sau khi tốt nghiệp khoa toán bác được điều lên miền núi, ba năm vật lộn với sốt rét bác gầy như xác ve, xanh lướt như tàu lá. Mỗi lần bác ốm, học sinh lại bỏ trường. Bệnh đỡ, bác chống gậy băng đèo vượt suối đến từng bản làng động viên nhưng số trẻ lại trường ngày càng ít. Cho đến một lần, bác ốm nặng quá, cái ăn chẳng có nói gì đến thuốc men, bà con thương bác, quý bác cũng chỉ biết gom góp nắm ngô củ sắn, rồi mời thấy mo đến cúng cho bác.
Cụ Tú lặn lội lên đón con về chạy chữa rồi cương quyết không cho đi nữa. Từ đó bác chỉ luẩn quẩn trong nhà với cây cối lợn gà.

Cuối năm ngoái thư ký hợp tác là thằng Nhân thọt hủ hóa với con Lành vợ bộ đội đi B. Tội nặng quá, người ta đem nó ra đấu tố như tố địa chủ. Chả biết bị dọa dẫm những gì mà nó khai hết. Các ông bà trong ban quản trị ai lấy cái gì, gian lận bao nhiêu nó khai tuốt, nhưng chủ yếu là tội của nó.
Thằng này còn chưa hết lớp bảy mà giỏi thật...! dám lừa gạt dân mà lại qua mặt được mấy ông chánh phó chủ nhiệm tham như mõ.
Có lần, chả biết bù khú ở đâu say khướt nó dám tuyên bố.
- Mấy thằng lãnh đạo, có thằng nào hết lớp bốn đâu, vừa tham vừa ngu như chó. Tao chỉ lùi cho mấy dấu phẩy là bảo gì cũng phải nghe...!
Chả hiểu nó nói với những ai nhưng chỉ sáng hôm sau là cả làng ai cũng biết.
Thằng Nhân thì ngủ đến hơn mười một giờ trưa, uể oải ra bể múc nước xúc miệng, thằng này không biết đánh răng nhưng xúc miệng rất kỹ. Nó giải thích một cách rất “khoa học” rằng cái mồm lúc ngủ dạy nó thối tức là có rất nhiều chất bổ cho cây, cũng như phân bắc ấy! ( khi chưa có phân hóa học thì cứt người là thứ tốt nhất để bón ruộng và được gọi là phân Bắc)) chả thế mà nhà hắn không ai được đánh răng, ái cũng chỉ được xúc miệng rồi phải nhổ vào mấy khóm tía tô kinh giới cạnh bể.
Xúc miệng và hoàn thành việc bón cây xong, thằng Nhân ngồi phịch xuống hè, với cái điếu rít một hơi thật sâu, đầu nó nhẹ bỗng, có cái gì tê tê giần giật lan khắp người, nó ngả đầu vào liếp dại lim dim.
Nó giật mình mở mắt, thấy con vợ đứng lù lù trước mặt,. Đã co cẳng toan đạp cho một cái, cảnh cáo mụ cái tội làm nó giật mình nhưng thấy mặt mụ nghiêm quá, khác thường quá nên cái đầu gối nó vừa co lên lại từ từ duỗi ra... Mụ vợ hất tay và hắn lồm cồm bò dậy theo vào buồng.
-Nốc cho lắm vào, rồi ngủ cho nứt mắt ra..., cả làng đang hả hê vì ông chửi cán bộ thay cho người ta kia kìa..., sao bảo ông khôn lắm kia mà...? Sao nốc vào lại ngu thế...!
Thằng nhân tái mặt, nó chỉ lơ mơ chứ không thể nhớ chính xác hôm qua đã nói những gì, với những ai.... Gì thì cũng phải bình tĩnh, trước hết phải trấn an con vợ đã.
-Vớ vẩn...! Đàn bà chúng mày biết gì mà chõ mõm vào...! Ông sợ đéo gì thằng nào...! Chánh phó chủ nhiệm thì cả làng này nó chửi chứ riêng gì ông... Để xem...!
Đoạn hắn đùng đùng bỏ ra cổng.
Hắn chỉ hùng hổ từ buồng ra đến cổng thôi. Đưa tay ra sau kéo cánh cổng cót nẹp khung tre, khi đã chắc chắn mụ vợ không còn có thể nhìn thấy, hắn dừng lại vờ phủi bụi trên tay áo nhưng thực ra là để chỉnh lại “quân dung”, đưa tay vuốt ngược mái tóc sang bên cũng là lúc nó đảo mắt quan sát, chẳng thấy gì bất thường nó mới cố lấy vẻ ung dung lúc lắc đi. Lượn quanh xóm một lượt...
Không ổn thật rồi...! Người thường tránh mặt hắn đã đành, sao mấy kẻ nịnh bợ, mấy ông bạn rượu..., mọi ngày vồn vã lắm kia mà, sao hôm này ai cũng như bận, như mải việc gì  đó, không ai để ý đến hắn.., chả lẽ ngẫu nhiên mà ai cũng vô tình không thấy hắn..? Xuống xóm dưới, hắn đến thẳng nhà Lành, dừng trước cổng, nó gọi vào thật to nhưng cốt cho hàng xóm nghe
- Cụ Sinh có nhà không...? Cháu xin nắm ngải cứu...!
Tiên sư cha thằng khốn nạn, bà Sinh là mẹ chồng con Lành, con trai bà đang ở chiến trường không biết sống chết thế nào. Bản năng của người mẹ cùng với kinh nghiệm một thời son trẻ mách cho bà biết những thằng đàn ông đến nhà bà với mục đích gì..., bà mà rình được thì bà vằm cái mặt mày ra.... Bố mày phải gió cấm khẩu hay sao mà mày xin ngải cứu? Trên xóm mày thiếu gì, sao phải xuống tận đây mà ngải với cứu.
Đang ngồi khíu cái áo cho con dâu, bà Sinh nghĩ vậy nhưng cứ ngơ đi chẳng thèm trả lời. Thằng Nhân ve vẩy cái chân thọt đến tận nơi trơ trẽn.
- Lành có nhà không cụ...?
Vẫn chằng thèm quay lại, cụ nói như quát.
- Ra vườn mà hái...! Lành với rách gì...! nó đi vắng rồi...!

Không thể đối xử với thằng này tệ hơn bởi cụ thương con Lành. Hơn bốn năm rồi, kể từ lần cuối cùng nhận được tin thằng Lộc, biết nó còn được về không mà con Lành thì càng ngày bà càng thương nó, thương hơn cả đứa con bà rứt ruột đẻ ra. Bà thương nó trước hết vì nó cũng thương bà, chẳng cho bà đụng vào việc gì nặng nhọc.
Có lần, thấy nó quần quật hết việc nhà, việc hợp tác lại hội, lại họp, lúc thì dân quân, lúc lại phụ nữ ba đảm đang, quyết không nghe lời nó nữa bà mang đòn càn ra đồng gánh rạ. Bà vẫn làm được mà.
Kỳ lạ thật khi người ta được lao động vì tình thương, vì trách nhiệm với người thân của mình.
Trước kia cứ nghĩ đến con Quỳnh thằng Lộc đang đói bà không biết mệt là gì, bây giờ nghĩ đến con Lành bà cũng chẳng thấy nặng nhọc.
Đi họp về, trời đã nhá nhem, chẳng thấy khói bếp như mọi khi, đàn gà chưa chịu vào chuồng, sau một ngày rong chơi diều chưa đầy còn ngơ ngác ngoài sân đợi thóc. Thấy lạ, tưởng bà làm sao, con Lành chạy ào vào nhà lớn tiếng.
- U ơi...! U làm sao đấy...?
Quờ tay vào giường chả thấy gì nó lẩy bẩy đánh được que diêm giơ lên soi mới hay bà không có nhà. Hoảng quá, lao ra cửa, vừa định hét lên gọi mẹ thì nó thấy lù lù một đống rạ đen xì đang khó khăn lách qua cổng, chẳng thấy người nhưng đích thị là u nó rồi, người U nó nhỏ, gánh rạ lại to thế thì thấy làm sao được. Thương xót, hờn giận nó lao về cái đống rạ kia mà mếu máo.
-Giời ơi là giời...! U ơi là U...!
Rồi nó quát
- U có để xuống không...!
Bà Sinh chấp hành như một đứa trẻ ăn vụng bị mẹ bắt quả tang, thương quá bà đâm sợ nó, người bà run rẩy.
- Mẹ....
Mới cất được một tiếng con Lành đã ôm lấy bà ngã vật vào bó rạ, cái thừng bục ra như có người trải cái nệm cho mẹ chồng và nàng dâu ghì chặt lấy nhau mà nức nở.
Những ngày mưa gió không ra đồng được nó ngồi nhổ tóc sâu cho bà. Đêm đông giá rét nó ôm lưng bà, bắt bà kể về tuổi thơ của chồng nó, rồi nó cười, tiếng cười ròn tan cứ như thể chính bà là chồng nó vậy. Rồi nó lại bắt bà kể về cuộc đời làm dâu của bà, nó im lặng, một tay nắm tay bà, tay kia chốc chốc lại vuốt mấy sợi tóc mai dính nơi khóe miệng cho bà dễ kể.... Bỗng chốc bà thấy mình như đứa trẻ, khi bà đã thiếp đi nó mới nhoài người thổi tắt đèn rồi kéo chăn cho bà ngủ.
Có khi, nửa đêm thức giấc, bà thấy nó trằn trọc trở mình, kinh nghiệm của những năm chờ chồng và mười tám năm góa bụa cho bà biết rằng.. lửa đang cháy trong lòng nó...
Bà thương nó đến mức giận cả thằng con trai. Lộc ơi...! sao mày cứ đi biền biệt thể hả con...? Đợi mày xong lý tưởng thì nó chết già à...! Mà ngộ nhỡ mày không về thì mẹ biết làm sao đây hả Lộc...?

Vì thế, ngay từ ngày đầu thấy thằng Nhân ve vãn, bà đã không thể giận con Lành. Nhưng bà ức lắm..., phải gì là người đàng hoàng cho nó bõ. Đằng này đã lùn còn thọt, cái mặt dài ngoẵng, nhìn vào mắt đã thấy đầy gian giảo..., chả thế mà từ người dân cho đến chánh phó chủ nhiệm ai cũng kiềng mặt nó.
- Kìa U...!
Con Lành đâu từ ngoài vườn vào như cứu thằng Nhân khỏi cơn bẽ mặt.
- Bác Nhân ngồi chơi với U em để em xuống bếp lấy nước.
Thằng Nhân chẳng nói gì, cũng chẳng cần để ý bà cụ, sợ quá hóa liều, nó theo chân Lành xuống bếp.
-Lành có nghe gì không?
-Bác mới ngủ dậy à...? Người ta đồn, bác rủa mấy người lãnh đạo ngu si vô học, ăn công điểm của bác rồi phải sợ bác...!
Đận ấy thằng Nhân tốn vô khối cho ban quản trị. Nhưng nó có mất gì đâu, thằng mất dạy cứ xin người này duyệt cho kẻ khác, lúc dăm cân cá ngon, khi đôi lốp xe đạp mà lẽ ra dành cho dân quân đi tuần. Và khi các ông các bà nhận đủ lễ thì cơn giận cũng qua đi.

Thế rồi một buổi tối. Con Lành đang nấu cám lợn thì thằng Nhân khập khiễng bước vào, ánh lửa bập bùng trong bếp, mùi cám thơm thơm khiến nó biết Lành đang ở đâu. Ánh đèn dầu leo lét trong buồng cũng mách bảo nó chỗ bà cụ nằm.
Giật mình thấy thằng thọt xuất hiện ngay cửa, con Lành lớn tiếng ý tứ.
- Bác lên nhà xơi nước, cháu xong ngay đây!
Dưới ánh lửa rơm cặp má con Lành ửng hồng lên, đi cấy về còn chưa kịp tắm, cái quần lụa xắn lên quá gối để lộ hai bắp chân trắng ngần..., khói bếp làm cho đôi mắt Lành vốn đã long lanh giờ như huyền ảo..., cặp ngực căng tròn nhấp nhô như nhảy múa trong ánh lửa bập bùng.... Thằng Nhân mê mẩn..., bất giác nó sà xuống ôm chặt lấy con Lành..., miệng nó hổn hển
- Lành ...
Hai đứa ngã vật vào cái ổ rơm..., Lành cố sức đẩy con quỷ dâm dục ra.
- Không...!
Lấy hết sức, nó đạp cho thằng Nhân một cái rồi hét lên.
- U ơi...!
Dẫu đã tối lâu và thằng Nhân không chào nhưng bà Sinh vẫn biết, bản lĩnh người mẹ khiến bà không thể bỏ qua bất kỳ tiếng động nhỏ nào dưới bếp. Nghe tiếng con gọi thất thanh bà vớ ngay cái gậy đã để sẵn đầu giường.
- Tổ sư cha thằng mất dạy...! Mày thì chết với bà...!
Cơn thịnh nộ của bà vừa lên đỉnh điểm lập tức xẹp dí, bà bủn rủn thấy thằng Nhân nằm trên ổ rơm tung tóe hai tay tay ôm chặt lấy bộ hạ, cong người hết cỡ, hai cái đầu gôi như cặp lấy cái mặt dài ngoẵng, tái mét.
Cái Lành thì chỉ định tự vệ, bà Sinh thì cũng chỉ định cảnh cáo nhưng có ngờ đâu cái đạp tự vệ của cô con gái lại trúng vào cái bộ phận mất dạy nhất của thằng mất dạy khiến giờ nó nằm im như chết.
Vô phúc cho nhà nó, khi cả ba người còn chưa biết xử trí thế nào thì hàng xóm đã lục đục kéo sang. Hóa ra không chỉ mình bà Sinh theo dõi.
Thoáng một cái, dân quân với gậy gộc, súng ống đã đầy nhà.
Lập biên bản rồi thằng thọt bị lôi cổ lên xã,. Đại vô phúc cho nhà nó, hình như thằng Lộc chồng con Lành đã hi sinh, giấy báo tử đã về nhưng xã giấu đi để còn làm công tác tư tưởng. Chính sách hậu phương khiến chính quyền không thể làm ngơ.... Phen này thì thằng thọt đi đời...!
Quả vậy, hôm sau có cả công an huyện đi xít-đờ-ca về. Thằng Nhân bị thẩm vấn công khai ở sân đình trước đầy đủ chính quền, đoàn thể, bà con.
Từ cái tội hủ hóa hiếp dâm, người ta truy đến đâu nó khai đến đấy, tội của nó, của chánh phó chủ nhiệm, của các thành viên ban quản trị... Nó khai hết bởi vì nó sợ chết. Hình ảnh địa chủ Tạo ngày nào, cũng sau khi đấu tố thế này bị lôi xềnh xệch ra ngoài ruộng, bị trói vào cái cột tre, vừa há mồm kêu.
- Ối giời... ơi! Ối Cha, ối Me...
Tiếng Mẹ chưa tròn, tiếng ơi! Chưa cất thì...Đoàng! Ông Tạo tung lên rồi cả người cả cột đổ vật, máu và óc bắn vọt vào bọn trẻ con đứng xem (trong đó có nó).
Bọn trẻ ù té chạy, thằng Nhân bị thọt nên không thể theo được, mắt nó dán vào tên Địa chủ.
Đến tận bây giờ, nhắm mắt lại nó vẫn thấy ông Tạo bị trói tay vào cái cột tre, nửa người trên bất động trên thửa ruộng vai cày đẫm máu, hao con mắt trợn ngược, chỉ hai cái chân là còn giẫy giẫy như con ếch bị người ta đập mạnh một phát vào đầu.

Khai hết rồi thằng Nhân quỳ xuống vái như tế sao, đái ỉa cả ra quần, đoạn nó vật ra chết giấc.
Ai giết nó làm gì. Bấy giờ súng đạn để đánh Mỹ có thừa đâu mà bắn nó... Nhưng mà mất cái thư ký, cái chức tưởng nhỏ nhưng đã nuôi sống cả nhà nó một cách ngon lành, đủ cho nó vênh vác, hơn người ngót chục năm nay.
Và như vậy hợp tác không có thư ký, chẳng ai đủ trình độ..., mà cũng chả ai thèm làm cái việc mà thằng thọt xấu xa kia để lại.
Cuối cùng, người ta nhớ ra bác Bào. Thế là bác Bào ra làm thư ký kiêm kế toán cho hợp tác xã. Công bằng và minh bạch được lập lại. Bà con phấn khởi lắm. Những việc vụn vặt của các quan làng bác biết cả nhưng làm ngơ. Thế nên bọn cán bộ đứa thì nể trọng một người không quan tâm đế những việc nhỏ nhặt, đứa thì xem thường bác như một người không biết gì.
Trong các cuộc họp bác chỉ phát biểu khi người ta yêu cầu và cũng chỉ nói về những vấn đề liên quan đến công việc của bác.

Nay bỗng dưng thấy bác giơ tay mọi con mắt đổ dồn về phía bác. Bọn chánh phó thì lo lắng cho màn kịch tung hứng của chúng, bà con thì hồi hộp chờ chuyện lạ, chuyện hay.
Từ từ đứng dậy, nắm hai tay trước bụng ông Bào cất giọng ôn tồn.
- Thưa các vị lãnh đạo...! Thưa bà con...! Đúng là công lao hai ông đều lớn, đều xứng đáng cả, có cái mâm chả nhẽ chia hai...
Phòng họp im phăng phắc, khác hẳn hồi nãy khi hai vị lãnh đạo phát biểu người ta có ai quan tâm đâu. Giọng bác Bào vẫn nhẹ nhàng.
- Nay tôi có ý thế này nếu không phải xin các vị bỏ quá.
Đám đông bỗng nhao nhao.
- Phải đấy...! Đồng ý đấy...! Ông cứ nói đi xem nào.
- Bận gì phải cẩn thận thế..., cứ nói đi bác Bào ơi...!
Ông Bào giơ hai tay như có ý xin mọi người bình tĩnh trong khi mắt lại nhìn ông chủ nhiệm như dò hỏi. Lão chủ nhiệm phẩy tay.
-Nói đi!
- Vâng! Cảm ơn các vị! Tôi thấy hai vị lãnh đạo đã có ý nhường, vậy nên chăng ta tim lấy một người khác...
Mới đến đấy cả phòng đã ồ lên vỗ tay bôm bốp
Bác Bào phải xoay hẳn người về sau, giơ hai tay để bà con trật tự rồi vẫn cái tư thế ấy bác tiếp.
- Người ấy là ai còn do cả hội nghị bầu chọn, riêng tôi, thấy nhà bác Tý là người chăm chỉ xuốt cả đợt không bỏ buổi nào, việc gì nặng nhất cũng có mặt. Hôm mưa to nếu không có bác ấy lăn mình giữ bờ thì không biết thế nào...
Ông Bào còn định nói nữa nhưng không được, mọi người bật cả dậy, tiếng vỗ tay không ngớt, những tiếng như hét lên sảng khoái, thỏa mãn.
- Đúng quá rồi...!
- Tôi đồng ý đấy...!
- Ông Tý muôn năm...! Ông Bào ...,cũng muôn năm...!
Mắt hai thằng chánh phó tìm nhau như trách móc. Thằng phó láu cá định chữa cháy.
- Thôi được rồi..! Như vậy là hội nghị chúng ta đã chọn ra ba người, bây giờ ta biểu quyết...!
Đám đông chết lặng, Đã bao nhiêu lần như thế này rồi, chúng nó ngồi ghế chủ tọa quay xuống..., mắt như cú như cáo..., ai dám không giơ tay ủng hộ...?
Thằng chánh lườm thằng phó một cái rồi xua xua hai tay.
- Thôi! Thôi! Giờ ai đồng ý cho nhà bác Tý thì giơ tay!
Mọi người lại ồ cả dậy, mấy thằng trẻ giơ cả hai tay, tiếng vỗ bàn đập ghế thùm thùm như hội mở, cùng những tiếng hô vừa sảng khóa vừa mỉa mai.
- Đúng quá...! Bác chủ nhiệm... cũng ... muôn năm...!

Đấy! Sự tích cái mâm nhôm của nhà anh là thế đấy.

Xin trở lại với mục đích chính, những kỷ niệm của anh chị với tôi. Sự vụng về của hai vợ chồng nông dân là thế, cả làng bảo họ ... dở người nhưng những người như tôi lại thấy họ dễ mến dễ thương, dễ gần.
Năm ấy tôi học ghê lắm! Thoạt đầu là học vì mẹ. Mẹ tôi thương các con nhưng vất vả quá. Một mình bà nuôi năm anh chị em tôi ăn học, ở cái thời buổi ấy chịu sao nổi.

Tô vừa học vừa làm, xay lúa, giã gạo, nấu cơm ... việc gì cũng có thể vừa làm vừa học được. Có lần cuốc ruộng trồng rau, tôi để quyển sách vào cột điện học từng câu, quên thì lên xem lại, thuộc rồi học câu khác, cứ như thế việc xong thì bài cũng xong. Tôi có biết đâu, bác cả Ngân (cũng là người trong họ) để ý. Gọi tất cả lũ con đang mải chơi về (hai bác đông con lắm, dễ đến 7-8 đứa, mà toàn con trai thế nên có người gọi vui bác là “cả dái”) . Bắt lũ con xếp hàng, chỉ tay về phía tôi, bác mắng bọn trẻ.
- Chúng mày xem kia kìa! Ra mà bú D.. cho nó! Nhà nghèo, nó vừa làm vừa học thế kia rồi sẽ thành người. Chúng mày chỉ ăn no nghịch khỏe, rồi cũng lại con trâu đi trước cái cày theo sau thôi.
Sau này về khám bệnh cho bác, được cả nhà kể lại tôi mới hay. Buổi tối, để chống lại cơn buồn ngủ có khi tôi mặc quần đùi, mặc cho muỗi cắn. Trời nóng, mồ hôi từ vai, từ cổ tay chảy xuống hai khuỷu, đọng thành vũng trên mặt bàn, thánh thót rơi xuống khoét nền nhà thành hai cái lỗ đút lọt hòn bi.
Trước là vì mẹ, dần dần ham học đến đam mê, đến hết lớp 9 thì tôi đã thuộc tốp bốn của lớp, lơ mơ ngủ cũng giải được toán, ngồi học em ra gọi về ăn cơm nó đứng cạnh hồi lâu mà tôi không biết gì.
Có lần, kê cái ghế đẩu ngồi đọc sách ở lũy tre, (nhà toi cuối xóm mà), bát giác thấy cảm giác lạ, nhìn xuống đất, một con rắn nâu đen, dài đến 1,5 mét (tôi không nói ngoa đâu) nằm im giữa hai chân tôi và chân ghế, chét lặng nhìn nó hồi lâu rồi vụt rút chân lên ghế, như tỉnh giấc, con rắn cũng từ từ bò đi.
Một hôm, tôi đang ngồi học trước cái cửa sổ do tôi tự đóng lấy bằng những khúc gỗ thông lấy từ những thùng hàng quân đội, cái cửa quay về phía đông tức là quay ra vườn, cuối vườn có lối thông ra đồng. Bát giác ngẩng mắt lên thấy mẹ tất tưởi gánh rạ về, mẹ tôi to cao nhưng bỗng nhỏ tí bên hai bó rạ, vội vàng dùng hết sức xếp chúng vào hàng, vội vàng rút hai sợi dây thừng. Trời dường như sắp có mưa. Tôi đã bật đứng dậy định lao ra giúp mẹ, hai bàn tay còn nắm chặt mép bàn, lời Mẹ lại như văng vẳng “Mẹ cố công, còng sức...của Mẹ để lại cho các con đó..” đứng như trời trồng, nhìn cái lưng áo gụ đã bạc trắng, cái khăn vuông đen chít mỏ quạ, cái đòn càn cũng đen hấp tấp khuất sau dậu cúc tần...Tôi kéo mình ngồi phịch xuống ghế gục mặt trên trang giấy... Mẹ ơi! Con đang học đây...!

Khốn nạn! Học như thế, làm như thế mà ăn uống có gì đâu, mặc dù mẹ và em Hùng đã nhịn hết cỡ ưu tiên cũng chỉ là bát cơm đầy hơn. Thế nên thi xong, vào bộ đội hai cái khuỷu tay có cứ mọc mụn mỗi ngày mỗi dày, nước tiểu thì đỏ quạch như người tắc mật. Thằng y tá đơn vị ngó ngó nghiêng nghiêng một hồi rồi hất hàm.
- Mày làm thế nào để có những cái mụn này...?
Chả là có nhiều người muốn trốn lính họ đã làm đủ mọi cách để hủy hoại sức khỏe như; bôi nhựa xương rồng vào mắt, nuốt thuốc lào cho thay đổi mạch, huyết áp.v.v. Giận tím mặt, tôi nhìn thẳng vào thằng khốn nạn.
- Ông cứ chữa cho tôi đi, nặng nữa tôi cũng không về đâu.
Chạm phải ánh mắt rực lửa của tôi, thằng y tá nhỏ thó có nước da mai mái chẳng “lính” tí nào tái mặt đi hạ giọng
- Ừ, thế để tôi rửa rồi cho ông rồi uống thuốc vài hôm là khỏi.
Mẹ thì bảo tôi bị “nóng”, cần ăn uống những thứ mát rồi bà đi nhặt rau má giã vắt lấy nước cho tôi uống, ninh đỗ đen cho tôi ăn. Khi đi bà gói cho ít đường, một nắm đỗ rồi dặn đi dặn lại.
- Tranh thủ giờ nghỉ con nhặt rau má rửa kỹ để ráo nước rồi giã nhỏ vắt nước pha đường mà uống, nhờ chủ nhà ninh nhừ đậu lấy nước uống, uông không cũng được, dành đường pha rau má...!

Chẳng phải hoàn toàn do kiệt sức, đang học say sưa thế bỗng hụt hẫng, vào lính rồi mớ kiến thức kia chẳng làm gì..., nếu còn được sống để có ngày dùng lại thì cũng đã quên hết.
Tôi gầy rộc đi, anh chị chẳng cho tôi làm việc nặng nữa.
Sáng, tôi đưa nắm đậu đen nói chị hầm, trưa về chị khệ nệ bưng một nồi to, mở ra, toàn đỗ chẳng thấy nước đâu. Khổ...! Quê tôi chuyên canh lúa, muốn có bơ đậu ca lạc đều phải dùng tiền mua mà lấy đâu ra tiền, gói cho con mấy lạng chắc Mẹ tôi đã phải cố gắng lắm. Ở đây đất bãi những thứ ấy sẵn. Nhiệt tình, thương, quý tôi chị cho cả bơ đậu vào nồi, cơm chả ra cơm, cháo chả ra cháo, tôi cứ phải trệu chạo nhá, nhá để tận hưởng cái tình của cặp vợ chồng vụng về.
Trước ngày lên đường, người ta phát quân trang cho chúng tôi. Khoác bộ quần áo lính vào người, tôi chẳng có cảm giác mình là bộ đội mà cứ như là đóng kịch ấy, giả thôi mà...! Cởi ra là hết.
Khoác ba lô lên vai, bắt tay anh chị, xoa đầu hai đứa cháu... Gần tháng trước tôi đã rời ngôi nhà của tôi, rời Mẹ và em Hùng nhưng tôi vẫn mặc cái áo đi học hàng ngày.
Hôm nay, chia tay hai người nông dân chất phác đến tội nghiệp, tôi trong bộ đồ lính xa lạ... Tôi biết! Thật sự từ bây giờ, tôi không còn là tôi nữa, không còn là của tôi nữa. Không được làm những việc những điều mà mình thích nữa. Phải làm những điều dẫu không thích.... dường như tủi thân, nước mắt tôi lại trào ra, định bước nhanh ra khỏi cổng bỗng tiếng chị gọi giật giọng.
- À quên...! Chờ tí Dũng ơi...!
Đoạn ù vào buồng rồi tất tả chạy ra, trên tay chị cái khăn mặt bông Trung Quốc màu xanh dài đến năm sau mươi phân.
- Anh chị tặng chú cái này làm kỷ niệm. Đừng quên anh chị nhé...! Bao giờ về nhớ xuống chơi....
Giọng chị đã nhẹn ngào, chúng tôi nhìn nhau, sáu con mắt đẫm lệ, họ thương tôi và tôi cũng thương họ quá..., ngày về, biết họ còn sống, mà biết có được về mà xuống thăm nữa hay không...!
Tôi cố tươi cười, giơ cái khăn lên vẫy rồi chạy ù ra ngõ.

Tám tháng huấn luyện ở Phù Ninh Phú Thọ Mẹ còn chẳng được về thăm nói đâu đến họ. Rồi đi B, hết lặn lội trên rừng Trường Sơn lại quay tít với hai chiến dịch cuối cùng.
Sau chiến tranh, tôi ở tịt trong đó đến bảy tám mới về lại vào học ngay bụng bảo dạ sẽ có dịp về thăm anh chị. Thế rồi cứ lần nữa, hình như với tôi, dẫu đã đi đến cuối cuộc chiến tranh với gần hết chiều dài đất nước nhưng cái làng Yên Sở bên bờ đê sông Hồng vẫn còn xa lạ lắm.
Ra trường, hơn hai mươi năm làm việc ở Xanh-Pôn, rồi về viện E, tôi vẫn nhớ anh chị nhưng vẫn chưa thể đi thăm. Cũng một phần do đô thị hóa nhanh quá. Ngày xưa phải qua chợ Mơ, Minh Khai, tắt qua nhà máy dệt 8-3, lên theo đê chừng 4-5 cây số..., giờ các mốc ấy hoặc đã biến mất hoặc đã thay đổi... Có lúc giật mình trộm nghĩ; không biết anh chị còn mất thế nào.
Dạo này ít việc, tôi đi làm thêm cho một phòng khám bên Như Quỳnh. Mấy lần qua cầu Thanh trì, áng chừng nhà anh chị đâu gần đây. Nhân một hôm về sớm, đánh bạo hỏi thăm, hóa ra chẳng khó.
Vào được đường làng nhưng là con đường mới, thấy mấy người bên quán giải khát đã định hỏi nhưng thấy họ đều ít tuổi lại trần trùng trục để lộ mấy cái hình xăm trổ nên ngại.
Dấn thêm mấy chục mét tôi xuống xe. Đây rồi, một ông chừng 60 đang sinh nhan cho cái công nông vào bốc gạch.
- Ông ơi!
Người đàn ông quay lại, ngạc nghiên thấy tôi phì cười, tôi cười bởi khi nhìn rõ mặt mới hay hắn chỉ ngót bốn mươi.
- Ngày xưa tôi đóng quân ở đây, vì nghĩ anh nhiều tuổi định hỏi thăm nhưng hóa ra anh trẻ quá, chắc không biết.
- Bác hỏi nhà ai? Tên là gì?
- Khổ tôi không nhớ, thế mới khó...
- Thế thì chịu... Đi hỏi lại không có tên....
Tuyệt vọng, nhưng đã đến đây rồi,, chả hỏi được người thì hỏi cảnh.
- Ngày xưa làng mình có cái lò gạch anh có biết không...?
- Kia...! Cái hồ kia là lò gạch cũ.
Thằng cha cũng trần trùng trục, chỉ dưới bốn mươi mà cái bụng to lồi ra, xệ xuống dưới cái cạp quần lửng đưa tay chỉ về cái ao cách chỗ tôi đứng chừng 200m.
- Thế ạ! Mình có mấy lò gạch? Vì hình như không phải, bởi còn một con mương to lắm hai bên trồng bạch đàn...
-Đây, chỗ anh dứng là cái mương to đây, lấp lâu rồi...! Bạch đàn cũng chặt lâu rồi...!
Tôi mừng quýnh
- Thế thì nhà anh ấy ở quanh đây. Anh ấy to, cao, đen và nói ngọng, năm nay chắc phải ngoài 70.
- Thế thì ông ... rồi, cả làng này chỉ mình ông ấy ngọng thôi đúng tuổi ấy đấy. Kia kìa, quán của con ông ấy đấy...
Anh ta chỉ đúng cái chỗ hồi nãy tôi định hỏi thăm
Tôi quay lại, anh chị không có nhà, thằng con anh chẳng thèm để ý gì đến tôi.
Hồi lâu chị về, tôi gợi chuyện nhưng chị chẳng nhớ gì. Rồi anh về, cũng chẳng nhớ gì nhưng khi tôi kể đến đóng gạch và nén thằng đánh giậm thì anh ôm lấy tôi.
- Ớ ồi! ớ ồi! Hớ! hớ..!
Hàn huyên một hồi, tôi bỏ cái phong bì người ta trả công một ngày làm việc biếu anh chị. Con cái họ làm ăn đã kha khá nhưng hai vợ chồng vẫn thế, ngôi nhà mới có cầu thang băng ga-li-tô, tay vịn bằng gỗ hẳn hoi, nền nhà lát gạch men nhưng cái quần cái áo họ chẳng khác xưa mấy.
Chị te tái mời tôi uống bia để gọi cháu mang sang. Khổ! Chẳng cứ anh chị, cho đến tận bây giờ, với nhiều người dân Hà Nội, Bia vẫn là tiêu chuẩn cho sự “sành điệu”.
Liếc thấy trong xó cửa có cái chai, úp trên cái khay nhựa cáu bẩn là mấy cái cốc có quai và không quai, cũng cáu bẩn chỉ khác là mặt cái khay chắc lúc mới màu đỏ nay toàn màu nâu sẫm in hằn những vết miệng chén xẫm hơn còn những cái cốc, nó in những ngấn nước khác nhau hậu quả của nhiều lần lưu nước không rửa. Tôi xua tay.
- Em không uông được bia đâu..., chỉ rượu thôi.
Đoạn, chẳng cần mời, tôi với cái chai, rót một chén, uống một nửa rồi đưa anh. Anh cười rạng rỡ
- Úy óa! (Quý quá)
Tối rồi...., bắt tay chị rồi tôi ôm anh thật chặt trước sự ngạc nghiên của hàng xóm. Tôi nhớ lại cái ngày cõng ba lô chạy ù ra ngõ. Thế! Đã 38 năm..../.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét