Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Giới thiệu "CHỊ Ô SIN" của Duy Khoát



Bài thơ khắc họa một góc của đời sống hiện nay, người đọc có thể qua cái góc ấy mà nhìn ra toàn xã hội, ở đấy người nông dân bị bần cùng hóa.
"Đất ruộng đã thu hồi cho dự án"
Mớ tiền đền bù chẳng thấm vào đâu lại bị cái đầu và bàn tay nặng tính "Nông dân" giải quyết nên nhanh chón biến vào hư không. Thế nhưng vẫn phải sống, con đã trot đẻ ra rồi vẫn phải nuôi, vẫn phải cho chúng học hành để hy vọng thoát cảnh bần cùng, chẳng còn cách nào khác, họ đi làm thuê, làm bất cứ việc gì bất chấp hiểm nguy để có đồng tiền rẻ mạt. Chợ người, phu hồ, hầm mỏ…, cái đồng tiền công còn rẻ mạt, họ biết chi đến quyền lợi, đến an toàn lao động..., rồi thì cái gì phải đến sẽ đến, cái xảy tất nảy cái ung.
"Tuổi bốn mươi chị chưa đoạn tang chồng
Sập mỏ đá khiến anh tử nạn
. . .
Chị liều ra khỏi lũy tre xanh
Đi bán mồ hôi để con không bỏ học…”
Có cầu thì có cung, khi đời sống đô thị càng ồn ã, khi nhiều người kiếm được đồng tiền quá dễ dàng thì tình người cũng theo đó mà vơi đi. Cha mẹ còn khỏe thì gửi trại dưỡng lão, ốm đau thì.. thuê người chăm sóc.
Đã từ lâu, ở những bệnh viện lớn xuất hiện cái dịch vụ ấy "Ô sin chăm người ốm" có tổ chức, môi giới hẳn hoi.
Với bài thơ, Duy Khoát còn nói nên nhiều điều nhưng tôi chỉ muốn bàn kỹ một thực trạng xã hội, đó là sự bất công.
Có bao giờ người ta không phải dùng đến hai chữ bất công, thế mạnh thường thuộc về kẻ cầm tiền, thật thà thường là bản tính của người nghèo khó.
Hợp đồng thường rất rõ ràng, rõ ràng về công việc, rõ ràng về tiền, về phạt nhưng lại khó rõ ràng về thưởng.
Chắc chắn không có điều khoản nào quy định: "Ô sin phải thương người bệnh như bố mẹ mình" ấy thế nhưng không thiếu những người làm dịch vụ này đã thật sự thương người bệnh…
“Hôm mới dến đây tôi lầm tưởng
chị là con đẻ của bệnh nhân
Chăm sóc cha khuya sớm ân cần
Thầm khen cụ có người con hiếu thảo…”
Phải chăng tình thương ấy xuất phát từ cái đồng cảnh ngộ... Xin các bạn đừng bảo tôi dớ dẩn, ông chủ sao lại đồng cảnh ngộ với Ô sin?
Thưa rằng có đấy! Cái họ đồng cảm với nhau, là nguyên nhân lý giải cho tình thương giữa họ là sự cô đơn, một kẻ cô đơn vì nghèo và một người cô đơn vì giàu. Cô đơn nào cũng là cô đơn nhưng một kẻ ngấy đến tận cổ cái gia đình của mình, một người khao khát từng giây từng phút
Khi người ta đã chăm sóc nhau bằng tình thương thì giá trị không tiền bạc nào tính được.
Nhưng khổ vì điều ấy không có trong hợp đồng và cũng không có cân, thước nào để đo được, không gói cất, không phơi bày cho ông-bà chủ xem được.
Giá như cuộc sống cứ thế mà trôi, để đến kỳ đến tháng cô Ô sin lĩnh tiền gửi về cho con đi học thì bài thơ cũng chẳng có gì khiến người đọc phải đau.
Bố ốm, không biết sống chết thế nào…, nhưng chưa đến kỳ lĩnh tiền, mà chưa có tiền (dù ít ỏi) thì về thế nào…? Về để làm gì …?
“Chiều nay
Tôi gặp chị đứng dưới cây long não
Mắt thẫn thờ hai ngấn lệ sa
Chia sẻ cùng tôi: -cháu mới biết tin nhà
Bố đẻ cháu, ở quê đang ốm nặng
( Chị đưa tay gạt dòng lệ đắng)…”
Cái ác của Duy Khoát là anh để cho người đọc phải phân vân khó xử, mâu thuẫn đã đỉnh điểm mà chưa thể bộc lộ gì ngoài thương cảm bởi không biết người thuê cô ấy có biết chuyện chưa…? Thái độ của người đọc sẽ rất khác tùy thuộc vào câu trả lời ấy. Dẫu sao thì họ cũng đáng trách, nếu họ thật sự thương xót bố mẹ, hẳn họ sẽ tự hiểu cái giá trị của cô Ô sin. Nếu thực lòng quý mến thì họ chẳng cần cô phải tâm sự, phải bẩm báo.
Không ít cảnh “Có đi có lại… đã toại lòng nhau” khi nhà Ô sin có việc, người sử dụng lao động cũng coi như việc nhà mình, không tiếc tiền đứng ra lo lắng… Tiếc rằng hiện tượng ấy chưa phải là phổ biến….
Nhưng cái hay, cái tài của Duy Khoát cũng là ở chỗ đó, càng băn khoăn người đọc càng phải tự đặt ra câu hỏi và tự tìm cách trả lời cho từng khả năng. Có thế, một bài thơ ngắn kể một câu chuyện nghe ra rất …bình thường, lại khiến người ta phải suy nghĩ, và suy nghĩ rồi thì hy vọng khi gặp cảnh tương tự, người đọc sẽ có thái độ nhân văn hơn.
Cảm ơn nhà thơ Duy Khoát!
Trân trọng giới thiệu bài thơ cùng bạn đọc.
CHỊ Ô SIN (Duy Khoát)
Ở bệnh viện Hữu nghị
tôi gặp chị
làm ô sin cho một bệnh nhân
Tuổi bốn mươi chị chưa đoạn tang chồng
Sập mỏ đá khiến anh tử nạn
Đất ruộng đã thu hồi cho dự án
Hai dứa con đang tuổi học hành
Chị liều ra khỏi lũy tre xanh
Đi bán mồ hôi để con không bỏ học
Hôm mới dến đây tôi lầm tưởng
chị là con đẻ của bệnh nhân
Chăm sóc cha khuya sớm ân cần
Thầm khen cụ có người con hiếu thảo
Chiều nay
Tôi gặp chị đứng dưới cây long não
Mắt thẫn thờ hai ngấn lệ sa
Chia sẻ cùng tôi: cháu mới biết tin nhà
Bố đẻ ở quê đang ốm nặng
( Chị đưa tay gạt dòng lệ đắng)
Mà cháu còn ở đây chăm sóc bố người
Chưa nhận được tiền công của chủ
Biết có kịp về báo hiếu...
Bố ơi.... !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét