Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

CHUẨN-Được hay mất...?

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Yêu nước phải thì đua, thi đua để yêu nước…” Tôi không đủ trình độ để bàn về câu nói ấy nhưng xét trên phương diện người lãnh đạo thì để sớm đưa sự nghiệp đến thành công cần có sự hồ hở tham gia của đông đảo quần chúng và muốn có sự hồ hở tham gia ấy thì cần phát động thi đua.
Trong kháng chiến ta có một khẩu hiệu, một tiêu trí rõ ràng mà trải những năm dài khó khăn, toàn dân đã tận dụng từng cái vỏ trấu, từng nắm cỏ để ra sức thực hiện…  Khẩu hiệu ấy, tiêu chí ấy là “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Để đạt khẩu hiệu ấy, trẻ con thi đua trong phong trào “Kế hoạch nhỏ”, người già say sưa với “Tuổi cao trí càng cao”, phụ nữ mải mê với phong trào “Ba đảm đang”, đàn ông nô nức “Tòng quân giệt giặc”… Sức mạnh toàn dân tộc được huy động triệt để
Khẩu hiệu ấy từng được tạc vào vách Trường Sơn, được viết bằng bất cứ chất liệu gì vào bất cứ đâu có thể…, nhưng quan trọng hơn cả là được … khắc vào lòng dân.
Kết quả của tích tụ những cố gắng ấy làm nên 30-4. Những hạt trấu nắm cỏ, những ngôi nhà được dỡ ra lót đường cho xe chạy, những xương máu đổ xuống nơi chiến trường, nhưng tuổi xuân bị dâng hiến đã cho kết quả vĩ đại…
Ít nhất, cho đến ngày chiến thắng, không một ai kể công, không một ai phàn nàn, không một ai hối tiếc vì đã tham gia vào cái phong trào thi đua ấy, đơn giản vì mục đích rõ ràng.

Bây giờ ta vẫn thi đua, có nhiều cuộc thi đua không cần khẩu hiệu, không cần tuyên truyền nhưng luôn luôn nóng bỏng.
Từ lâu tôi đã giật mình vì phong trào “Cán bộ đua nhau đi học”.
Để làm cán bộ, tùy từng vị trí, có những “Tiêu chuẩn” riêng.
Trước hết là về “Đạo đức”, vốn là thứ không ai có thể đánh giá nhưng vẫn cứ “Được đánh giá”, không ai có thể đánh giá nhưng vẫn “Bị đánh giá”.
Thứ nhì là những bằng cấp chuyên môn: Trung cấp, đại học, sau đại học, thứ mà đa số lãnh đạo của ta thiếu do xuất sứ “Bận cống hiến” ở các phong trào; Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận…
Thứ ba là những bằng cấp về lý luận: Cũng Trung cấp, đại học, sau đại học tùy từng chức danh.
Thế là cán bộ chen nhau đi học, những người “Thèm” làm cán bộ cũng đua nhau đi học. Không phủ nhận có người học thật nhưng đa số chỉ “Thi đua lấy bằng để nộp, để trả nợ, để chờ đợi chức vị của mình”
Ta đã sang kinh tế thị trường, tức là có “Cầu” thì tất có “Cung”, Cầu thế nào tất có Cung thế ấy…, các trung tâm mọc ra như nấm. Mà lạ lắm nhé…! Những người ra chợ kỳ kèo mặc cả từng xu với bà hàng rau lại rất sẵn sàng đóng học phí cao ngất ngưởng, nộp “Tiền thầy”, “Tiền thi”, tiền… đủ thứ…, giá nào cũng rất cao mà không bao giờ phàn nàn, thắc mắc… , y như ngày xưa thi đua đánh Mỹ vậy...!
Không thống kê nào đưa ra con số về những người đi học “Chỉ để lấy bằng” những trung tâm “Chỉ để bán bằng”, nhưng ai cũng có thể đoán ra… Một suy luận đơn giản, khi dạy đã “Giả” thì biết học “Thật” ở đâu…?
Sự Bán và Mua bằng cũng có nhiều hình thức thanh toán,
-Phổ biến thì bằng tiền mặt, hình thức thanh toán này dành cho những cán bộ chưa có chức danh hay đang giữ những chức … “Ít màu”.
-“Chất hơn” thì bằng “Quan hệ, có đi có lại”, hình thức này dành cho những quan có chức kha khá, hay chức bé mà công việc có tí … “Oai oai” như công an hay các cơ quan công quyền.
-“Cực chất” là thanh toán bằng “Uy”, tức là cái thương hiệu của “Học viên” đã làm các “Thầy”… sợ vãi! Đó là hình thức ưu tiên cho các học viên “Cực lớn”.
Thế là cái "Phong trào" đi học để CHUẨN cán bộ ấy thực tế chỉ làm  lãng phí thời gian của cán bộ, lãng phí nhân lực và thời gian của các cơ sở đào tạo ... quan trọng hơn cả là lãng phí niêm tin vào hệ thống chính trị.

Gần đây, tôi biết một “Phong trào” nữa ở ngành Giáo dục, phong trào ... “Chạy Chuẩn”.
Đơn cử ở cấp Mẫu giáo.
Để đạt, để được công nhận là trường “Chuẩn” chắc phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về:
-Bằng cấp cán bộ.
-Số lớp (Đâu từ 7-10 lớp).                                                    
-Số mét vuông sử dụng/mỗi cháu.
-Học cụ, và phương tiện sinh hoạt (Giường ngủ, bếp ăn).
-Cảnh quan môi trường.
-Vân vân và vân vân…
Thế là để đạt chuẩn phải:
-Tìm mọi cách để có bằng cho cán bộ, nếu còn chỉ tiêu thì chỉ nhận những “Bằng” còn thiếu, nếu đã đủ biên chế (Mà không thể đuổi được ai để nhận mới) thì tìm mọi cách để có bằng cho cán bộ (Như trên đã nói, ở đây là Bằng trả nợ tập thể)
 -Bằng mọi cách để có học cụ, bằng mọi cách có sân chơi, nhà thể chất… tất cả chỉ để … “Trên” về thẩm định, bất luận sau đó sử dụng như thế nào…, lãng phí… kể sao cho hết…
-Ban giám hiệu cũng phải “Năng động”, tùy theo mức quan hệ, tùy theo thực tế đã đạt đến đâu mà “Quan hệ” với “Trên” cho tốt mới hòng sớm … “Đạt chuẩn”.
Mỗi trường, ở mỗi địa phương, tùy theo điều kiện mà phấn đấu, "TRÊN" phải theo sự cố gắng ấy mà đánh giá, mà khen, mà thưởng. Ví như một trường ở vùng sâu vùng xa, nơi dân chúng chưa thích, không đủ điều kiện cho con đi học mà phấn đấu để nâng tỷ lệ các cháu đến trường, nâng trình độ thực sự đến mức trung bình, lớp không bị dột, trẻ không bị rét là đã đáng được thưởng rồi... sao lại đề ra chuẩn để tìm mọi cách được công nhận gây lãng phí sức người sức của và lòng tin như thế...!

Hôm qua xem ti vi lại thấy một phong trào “Chuẩn” nữa, đó là “Làng chuẩn, Xã chuẩn”. Nhắm mắt cũng biết, để đạt chuẩn, địa phương phải có những gì: Điện, Đường, Trường, Trạm, Nhà văn hóa, Nhà thể thao, cảnh quan môi trường, tỷ lệ tệ nạn..v.v. và .v.v.
Thế là nơi nơi triển khai những công trình vội vàng, thiếu quy hoạch về kiến trúc, vội vã về thi công, (Món khoái khẩu của Tham nhũng…).
Thế là những sáng kiếm kiểu “Cái đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” được dịp phát huy…
Thế là lại phải lo sao cho đẹp lòng … “Trên”, để Làng, để Xã sớm đạt … Chuẩn!
Dẫu biết rằng: Chợ rồi để nuôi gà, Nhà văn hóa rồi để làm kho, Sân vận động rồi làm bãi ô tô….
Lạ nhỉ…! Mỗi chức danh, từ Thủ tướng, Bộ trưởng đến Giám đốc, trưởng phòng đều phải có nhiệm vụ cụ thể cho mỗi nhiệm kỳ chứ nhỉ. Nhiệm vụ ấy như một bài toán, ai có khả năng, ai có phương pháp thì … “Lên bảng”, lên rồi mà không giải được thì xuống cho người khác lên, sao phải bày vẽ hình thức, vừa làm khổ “Cán bộ”, vừa góp phần băng hoại nền giáo dục như vậy nhỉ…!
Lạ nhỉ …! Trường học là nơi các Thầy dạy các Trò, đánh giá Hay-Dở cho một trường phải dựa trên chất lượng, chất lượng ấy được thể hiện ở các Trò, đề ra cái gọi là …Chuẩn  làm chi cho tốn kém thế nhỉ…!
Một trường Mẫu giáo muốn đạt chuẩn phải có ít nhất 7 lớp và không quá 10 lớp. Thế vô phúc năm nào người ta đẻ ít quá …, chỉ đủ có 6 lớp thì cất Chuẩn đi à…! Thế rồi những địa phương đông dân (Chưa đến mức mở hai trường), muốn đạt Chuẩn thì không nhận các cháu nữa à (Có thật đấy)… Lạ nhỉ!
Với vốn đóng góp của dân, với đầu tư của nhà nước (Cũng là tiền của dân), làng xã thay đổi dần đến văn minh hiện đại. Đề ra Chuẩn làm gì để làng làng, xã xã đua nhau… tốn kém, lãng phí…
Lạ thật đấy…!!!! Thi đua mãi mà không chán nhỉ...!!!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét