Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ CHẢY MÁU NÃO SƠ SINH

CHẢY MÁU NÃO SƠ SINH
Chảy máu não sơ sinh (CMNSS) là bệnh thường gặp, bệnh có tỷ lệ tử vong cao và di chứng nặng nề. Một đứa trẻ được sinh ra với bao mong đợi, cuộc đẻ an toàn (Mẹ tròn, con vuông) càng làm tăng thêm hy vọng (Cần lưu ý rằng những đứa trẻ này sinh ra và đã có những ngày đầu đời hoàn toàn bình thường). Thế rồi CMNSS, nếu đứa trẻ không thể sống được đôi khi lại dễ chấp nhận hơn, bởi nỗi đau nào rồi cũng bớt dần theo thời gian và khi đón đứa trẻ tiếp theo thì mọi truyện cũ có khi không còn ‎ý nghĩa. Nhưng nếu sống sót mà không được điều trị đúng đắn thì nguy cơ di chứng não rất cao. Một đứa trẻ tàn phế khiến cả gia đình khánh kiệt cả về tài chính, thể chất và tinh thần.
Tại sao trẻ sơ sinh hay bị chảy máu não? CMNSS có thể gây di chứng gì? Làm thế nào để phòng tránh bệnh cho trẻ? Khi trẻ sơ sinh đã bị chảy máu não thì cần phải làm gì? Đó là mục đích của loạt bài viết này, nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản về CMNSS cho các bậc cha-mẹ và y tế cơ sở (xã, huyện). Hy vọng góp phần giảm tỷ lệ CMNSS, tử vong và tàn phế.
                                      
  I-TẠI SAO TRẺ SƠ SINH DỄ BỊ CHẢY MÁU NÃO?
Có thể chia các nguyên nhân và điều kiện thuận lợi của CMNSS thành ba nhóm; giải phẫu, sinh l‎ý và xã hội.
1.1- Giải phẫu: Não người không phải nằm trong hộp sọ như chiếc bánh nằm trong khuôn. Tổ chức não không tỳ trực tiếp vào mặt trong hộp sọ mà được cách bởi một lớp nước gọi là Dịch não-tuỷ (DNT). Ở trung tâm não bộ là hệ thống các buồng não thất cũng chứa dịch não-tuỷ. Như vậy, một chừng mực nào đó, bộ não được "Bơi" tự do trong hộp sọ chứa nước. Trong tương quan chuyển động "Bơi tự do" ấy, hộp sọ cùng màng não cứng (áp sát vào mặt trong sọ như lớp sơn mặt trong tường nhà) được gọi là "Những thành phần cố định", bộ não được gọi là "Thành phần di động". Có những mạch máu nối hai thành phần này gọi là các "Tĩnh mạch cầu". Khi sự dịch chuyển tương hỗ giữa hai thành phần cố định và di động này quá sức chịu đựng của thành mạch, các tĩnh mạch cầu này sẽ đứt gây chảy máu trong sọ.
Ở trẻ sơ sinh tỷ lệ DNT/tổ chức não lớn hơn ở trẻ lớn và người trưởng thành, vì vậy não di động hơn, dễ đứt mạch chảy máu hơn.
Trong khi những lớp áo của thành mạch chưa hoàn thiện, tức là sức bền thành mạch kém hơn, lại phải lưu thông một lượn máu lớn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển hoá của bộ não đang phát triển rất nhanh nên trẻ sơ sinh càng dễ bị chảy máu não.
Hơn nữa, các cơ ở cổ-gáy chưa phát triển, trẻ chưa có phản xạ chống lại sự di chuyển. Nếu không có các chức năng sống khác thì có thể coi cổ của trẻ sơ sinh như một sợi dây buộc cái đầu như một quả bóng vào thân mình. Đầu trẻ càng dễ bị chuyển động thụ động, càng dễ bị chảy máu não. Sự an toàn phụ thuộc tuyệt đối vào người chăm sóc. Thế mới biết, tại sao từ ngàn xưa người ta vẫn mong đợi cái ngày đứa trẻ biết "lẫy", tức là có khả năng nhấc được đầu khỏi mặt giường, đồng nghĩa với việc bắt đầu có khả năng tự vệ, tránh cho mình khỏi nguy cơ chảy máu não.
1.2-Sinh l‎ý.
Có rất nhiều nguyên nhân sinh lý khiến trẻ sơ sinh dễ bị chảy máu và với những đặc điểm giải phẫu kể trên thì não là một trong những nơi hay chảy máu nhất.
Bình thường, khi người ta bị đứt các mạnh nhỏ, hiện tượng chảy máu sẽ được tự cầm. Đó là nhờ các hàng loạt các phản ứng của thành mạch và các thành phần trong máu gọi là “Các yếu tố đông máu". Mạch máu bị đứt sẽ co nhỏ lại, tiểu cầu được tập trung, cục máu đông được hình thành bít vào chỗ đứt, rách.
Trẻ bình thường khi mới ra đời đã có sẵn các yếu tố đông máu thông qua trao đổi với máu người mẹ. Nhưng, những yếu tố này không tồn tại vĩnh viễn mà liên tục chuyển hoá, cũng giống như loài người luôn có mặt trên trái đất nhưng con người thì luôn cần được sinh ra, tồn tại một thời gian rồi luôn phải chết đi. Ở trẻ sơ sinh, những cơ quan, những quá trình tạo ra các yếu tố đông máu chưa hoàn thiện được ngay nên sau khi ra đời (tức là nguồn viện trợ trực tiếp từ cơ thể mẹ bị cắt), sẽ có một giai đoạn trẻ bị thiếu nhiều yếu tố thể chất, trong đó có các yếu tố đông máu. Cần đặc biệt lưu ý khi thấy hiện tượng "Vàng da sinh lý" và trong hai tháng đầu đời.
Ngoài ra, sơ sinh cũng là dịp thể hiện của nhiều hiện tượng bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Xin kể ra đây những hiện tượng, bệnh lý chính:
1-Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát. Tình trạng chảy máu sau nhiễm vi-rút. Bệnh tự khỏi nhưng nếu người mẹ mắc vi-rút trong thời kỳ mang thai thì đứa trẻ cần được xét nghiệm ngay sau khi ra đời để phát hiện và điều chỉnh kịp thời.
2-Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ sơ sinh. Bệnh này do hình thành kháng thể mẹ kháng kháng nguyên bố tác động lên tiểu cầu của thai nhi. Bệnh có tính gen nên cần chú y đến những lần sinh đẻ tiếp theo. Tượng trong lô nghiên cứu của chúng tôi không hiếm những gia đình có đến hai, thậm chí ba trẻ cùng bị bệnh.
3-Bệnh ưa chảy máu (Hemophilia). Bệnh do thiếu yếu tố VIII (Hemophilia A) hay thiếu yếu tố IX (Hemophilia B). Bệnh có tính di truyền. Chảy máu não sơ sinh có thể là biểu hiện đầu tiên của bệnh.
4-Thiếu vitamin K. Vitamin K tham gia vào quá trình đông máu như một chất xúc tác. Những bất thường về gan-mật của trẻ, người mẹ lạm dụng thuốc trong thời kỳ thai nghén đều có thể gây thiếu Vitamin K ở sơ sinh.
5-Bệnh hay tình trạng đông máu nội mạch rải rác. Các cục máu được hình thành trong lòng mạch, các yếu tố đông máu bị huy động cạn kiệt, hậu quả là tắc mạch và chảy máu. Tình trạng này thường gặp sau chấn thương đầu, nhiễm trùng, ngạt.
Ngoài ra, những bệnh tim-mạch, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, ung thư ở trong hay ngoài sọ cũng có thể gây chảy máu não sơ sinh.
1.3-Các nguyên nhân xã hội.
Y văn thế giới từng ghi nhận những trường hợp cắm có chủ ý một cái kim hay gim vào đầu trẻ, qua thóp hay qua hốc mắt do những mâu thuẫn của người lớn. Những trường hợp này có thể biểu hiện thầm lặng, phát hiện có khi tình cờ hay khi đã nhiễm khuẩn, co giật. Nghe có vẻ lạ trong xã hội Á-Đông nhưng khi đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi như ngày nay thì các bậc cha-mẹ cần lưu tâm, nhất là khi xung quanh đứa trẻ tồn tại những mâu thuẫn như thừa kế, ghen tuông, hận thù với người trông trẻ.v.v.
Thậm chí ngay trong xã hội ta, ở một gia đình có vẻ hạnh phúc, trẻ sơ sinh vẫn có thể bị ngược đãi một cách vô tình. Những giận dỗi, buồn phiền khiến người chăm sóc (có thể là chính người bố hoặc mẹ) thiếu thận trọng trong những động tác có di chuyển đầu trẻ; đặt trẻ nằm xuống hay nhấc lên, tắm, vệ sinh, thay tã lót. Thậm chí, với những đặc điểm giải phẫu và sinh lý kể trên thì một động tác cưng nựng quá mức cũng có thể khiến đầu trẻ di chuyển quán tính đủ để gây chảy máu não.
Nên chăng? các cơ sở sản khoa tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh thường xuyên cho gia đình sản phụ như một dịch vụ kiến thức. Bởi nhẽ, các Bà trẻ, Mẹ trẻ bây giờ do bận bịu sự nghiệp nên ít người quan tâm, thậm chí phó thác cho người bảo mẫu.
Trước kia, không ít người cho rằng cuộc đẻ là một nguyên nhân gây chảy máu não sơ sinh. Nhiều nghiên cứu với số lượng lớn cho thấy; không có sự khác biệt giữa nhóm những trẻ được mổ đẻ và nhóm những trẻ được đẻ đường dưới thậm chí những trẻ được dùng các thủ thuật, cũng có nghĩa cuộc đe không phải là nguyên nhân đáng kể. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ những trẻ được mổ đẻ sau đó có chảy máu não là không nhỏ. Vì vậy không nên chỉ định mổ đẻ với lý do phòng tránh chảy máu não.
Tóm tại, do những nguyên nhân về giải phẫu, sinh ly và xã hội, trẻ sơ sinh rất dễ bị chảy máu não. Cần đặc biệt quan tâm trong xuốt thời kỳ thai nghén, cuộc đẻ và những tháng đầu.
(còn tiếp)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét