Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

NHỮNG KHỞI ĐẦU CỦA THA HÓA ĐẠO ĐỨC

nhiều người đã sống qua những năm 60-70 của thế kỷ trước còn đang bàng hoàng với những câu hỏi:
-Tại sao đạo đức xã hội lại đi xuống nhanh thế...?
-Nguyên nhân của tha hóa đạo đức là gì mà ghê gớm thế...?
-Sự chuyển biến (Hay biến chất) đạo đức bắt đầu như thế nào...?
Bài này chỉ bàn đến vấn đề thứ ba: Xuất phát điểm, hay: Những khởi đầu của tha hóa đạo đức và cũng chỉ lấy chuyện của một cô y tá đi tiêm làm ví dụ, những cái to tát hơn, người đọc tự suy ra

Xưa, khi Bác sỹ chữa bệnh không có phong bì (những năm 90 về trước), đôi khi người bệnh cảm ơn bằng gói trà, cân gạo, con gà (đấy là nói chung, nói riêng thì có người tệ từ lâu rồi nhưng rất ít).
 Ngoài xã hội thì vào thời điểm ấy, ngộ nhỡ phạm luật giao thông, khéo mồm có thể “Xin” được.
Khi giải quyết việc ở cơ quan công quyền cũng vậy.
“Chạy viêc” thường bằng mấy mét vải hay cũng gà, gạo nếp… là xong!
Thế rồi mọi việc cứ “Biến” dần, biến dần đến như bây giờ, việc gì cũng cần phải “Bôi trơn, bồi dưỡng”, đưa sau cũng được nhưng hiếm, thường là trước bởi “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, trong xã hội việc gì cũng cần phải … Tiền! Và dường như việc nào có cái giá của việc ấy phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Như vậy phải có một thời điểm chuyển biến và:
Những gì đã diễn ra ở cái khoảng thời gian gọi là “Điểm uốn” của lối sống xã hội ấy?
Các ngành khác tuy không biết nhưng cũng có thể “Suy” từ những chuyện của ngành Y mà ra.
Cô ý tá mới ra trường và đã làm việc “Vô tư” đã vài năm.
Cô làm vì trách nhiệm, vì lương tâm một con người, lương tâm một thầy thuốc nhưng.
Nhà cô có người già hay ốm đau, trẻ con cần nuôi dưỡng, người chồng cần sự nghiệp… tóm lại là nhu cầu thiết yếu, tối thiểu vượt quá xa với mức lương của một y tá.
Xã hội đã phân hóa giàu nghèo rõ rệt, người có tiền giải quyết các nhu cầu ấy dễ dàng hơn rất nhiều.
Rồi một ngày, như mọi ngày, cô Y tá vào buồng tiêm cho 6 người bệnh, đến người thứ 4 thì người nhà dúi vào túi 20.000đ… Cô từ chối vì “chưa quen” và vì tiêu chuẩn đạo đức lúc ấy không cho phép, nhưng người nhà cứ nhất định … “Gọi là một tý thôi mà…!”. Thế rồi hỏ bỏ đi…
Những thiếu thốt thường nhật và sự “Nhiệt tình” kia cản cái miệng cô nói thêm lời từ chối …, cản bàn tay cô rút tờ tiền trả lại.
Những gì sẽ xảy ra sau đó…?
-Những gì sẽ diễn ra trong đầu cô Y tá ngày hôm sau, khi cô lại đẩy cái xe tiêm vào phòng…? Những động tác của cô sẽ không đổi…? Hay có khác và khác như thế nào…? Nét mặt và lời nói có gì thay đổi…?
Vẫn có thể có người giữ được mà không có biểu hiện gì khác thường từ lời nói, cử chỉ, động tác nhưng đó là yêu cầu quá cao, với một Y tá thông thường thì ít nhiều sẽ khác…, vui vẻ hơn, niềm nở hơn, tỏ ra thận trọng hơn…, bởi chả nhẽ người ta “Tốt với mình” lại cũng như người khác…, thậm chí chỉ là tiêm cho người ấy trước (Mặc dù trước hay sau không hề có khác biệt gì), cách nói, giọng nói mềm mại, thân mật hơn.
-Và nếu không thể hiện được cái hơn ở người bệnh đã biếu tiền hôm qua thì rất có thể sẽ thấy những cái hơn ngược lại ở những người ngược lại: Cáu kỉnh hơn, khó chịu hơn...
-Hành động “Dúi tiền” và đưa đẩy giữa hai người có che được mắt những người bệnh và người nhà khác không…? Chắc chắn là…Không! Vậy họ sẽ phản ứng như thế nào..?
Đa số sẽ “Phải bắt trước” nhà kia, thậm chí có người thể hiện “Hơn” bằng 50, 60 nghìn…
Thoạt đầu, cái hành động “Tỏ ra khác, tỏ ra hơn” của cô Y tá chỉ để thay lời “cảm ơn” nhưng ngay lập tức những người khác sẽ nghĩ “Đấy! Có tiền… có khác” và cái vòng xoắn giữa người bệnh và thầy thuốc bắt đầu.
Những người bệnh luân chuyển nhau ra-vào viện và họ sẽ “Học luật” rất nhanh chóng.
Khi việc dúi tiền đã được cả hai phía… “Quen”, nếu một ngày kia cô Y tá đi tiêm mà không thấy ai dúi, cô sẽ có cảm giác thiêu thiếu và … Ai sẽ là người tự trấn an được cái cảm giác ấy, ai sẽ là người biểu hiện cái cảm giác ấy thành hành động…?

Trong đời sống xã hội, tất cả những nơi, những việc đã, đang phải “Phong bì” cũng như thế cả thôi. Sự tha hóa có cái khởi đầu đơn giản như vậy đấy !
Xã hội như một cơ thể, mà cơ thể là một khối thống nhất, không thể giệt vi trùng chỉ ở một cái tay hay một cái chân mà phải điều trị… Từ đầu đến chân!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét