Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Chuyện về BẢO HIỂM Y TẾ...!

Chiến tranh đã lùi xa, những người chết đã đành, những người đang còn sống thì sao? Mỗi năm lại chỉ có mỗi một ngày 27-7 để họ nhận quà, quay phim, chụp ảnh, CÒN 359 ngày nữa…, chắc chắn họ vẫn luôn nhận được sự quan tâm nhưng thực tế đời sống vật chất, tinh thần của họ như thế nào? Liệu có còn ai chưa biết Liên Xô đã không còn? Ai vẫn coi Trung Quốc là “Anh em ruột thịt”, là “Môi hở răng lạnh”, là “Chung một biển đông… Mối tình vĩ đại… Sáng như rạng đông”? Có ai trong họ (Như anh Phương, người mà tôi coi là một AHLLVT) giận nhầm Đảng và Chính Phù là “Vô ơn!”, là “Bội nghĩa!” khi “Chơi” với Hàn Quốc và “Chẳng nhắc gì đến Cu Ba”?

Ngày ấy, tôi nhớ là những tháng đầu tiên ở Việt Nam có Bảo hiểm y tế (BHYT), thẻ bảo hiểm được phát cho các đối tượng, chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu, chúng tôi bảo nhau.
-Một dạng “Bao cấp” mới đây!
Bệnh viên Xanh-Pôn tổ chức một khu khám bệnh riêng dành cho những người có thẻ, cánh Bs Ngoại chúng tôi phải thay nhau ra đấy, mỗi thằng 2th, tôi là thằng thứ ba, vị chi BHYT đã hoạt động được 4th.

Đương nhiên, đối tượng đến khám chủ yếu là “Các cụ về hưu”, những người mà lối sống “Bao cấp” đã ăn sâu vào tận máu. Vừa mới xóa “Bao cấp toàn diện” xong, đang ngơ ngác lại có cái “Bao” mới này, thế là các cụ tận dụng triệt để lắm, họ dậy sớm, rủ nhau qua bệnh viện, người để tờ báo kẻ đặt hòn gạch xếp hàng rồi kéo nhau đi ... “Chạy thể dục”, 8-9 giờ quay lại khám bệnh, lấy thuốc. 
Khổ quá, bác sỹ có lạ gì đâu, người kêu đau đầu, người kêu đau khớp, kẻ kêu chóng mặt…, tìm mọi cách để có mấy viên thuốc, thế là hể hả ra về và tuần sau …lại đến!
Khám thì chả thấy dấu hiệu bệnh tật..., giải thích thì vừa mệt người vừa mang tiếng ác..., đơn thuốc đã được khống chế vả họ có uống đâu mà sợ ngộ độc..., thế nên nhiều khi Bác sỹ cũng… “kê đại” cho đỡ ..., nhức đầu!

CHUYỆN THỨ NHẤT

Một chị phụ nữ chừng ngoài 40 tuổi bị con mèo cắn vào mu bàn tay phải (Phần của ngón cái, ngón quan trọng nhất), chị đã theo điều trị hơn một tháng nhưng mỗi lần chỉ 20m viên Amoxilline, vết thương không khỏi, thậm chí con nặng hơn. 
Xem, thấy đến 6 đợt kháng sinh, chữa thế này thì khỏi sao được..., tôi ái ngại, hết nhìn vết thương lại nhìn quyển sổ y bạ, cuối cùng đánh bạo hỏi.
-Tôi hỏi thật chị nhé..., nếu cần những thứ thuốc mạnh hơn mà Bảo hiểm không có…, chị có sẵn lòng đi mua không?
-Trời ơi...! Tôi chỉ mong có thế…!
“Được lời như cởi tấm lòng”, tôi viết hai cái đơn rồi giao hẹn.
-Cái này đi lĩnh, cái này đi mua, chị về uống như thế này…, tiêm như thế này…, ngâm tay như thế này…, bốn ngày sau đến đây tôi sẽ cắt lọc và nếu được thì khâu vết thương cho chị.

Chị ta vui vẻ ra về, tôi có nhã ý đợi nhưng không thấy trường hợp đó đến lại. 
Cỡ mươi ngày sau, sắp hết giờ, một người phụ nữ cứ thập thò ngoài cửa, đợi tôi hết bệnh mới vào.
-Chào Bác sỹ...!
Chị ta tươi cười.
-Xin lỗi, chị đến khám hay có việc gì…?
-Ơ...! Chú không nhận ra tôi à...?
-Chị là…?
-Chú khám cho tôi cái vết mèo cắn ấy...!
-À! Tôi nhớ rồi! Nhưng…, sao tôi hẹn chị không tới...?
Thấy tôi có vẻ khó chịu, chị ta rút bàn tay nãy giờ giấu trong áo xòe trước mặt tôi.
-Đây! Thế này thì chú bảo..., đến làm gì nữa…
Vết thương đã lên da non, phớt hồng.
-Tôi nghe chú! Khỏi từng ngày một chú ạ… Gớm mừng quá...!

Chị kể, trong bữa cơm tối qua cả nhà bàn bạc xem nên cảm ơn tôi như thế nào, sau khi nghe kể, anh bảo “Làm cái phong bì!” (ngày đó phong bì chưa thành “Quốc nạn” như bây giờ), thằng con trai nói: “Con thấy, người như chú ấy sẽ không nhận phong bì của mẹ đâu…, tốt nhất, mẹ nên viết một bức thư cảm ơn rồi đưa thẳng cho giám đốc” 
(Bố khỉ! Nếu gặp, tôi sẽ vằm cái mặt thằng này ra...).
-Hôm nay tôi đến đây, trước là báo để chú biết kết quả, sau là cảm ơn chú, chúng tôi đã viết bức thư, nếu chú đồng ý…
Tôi giãy nảy.
-Thôi! Thôi chị ơi! Làm thế, lãnh đạo và đồng nghiệp không hiểu, lại bảo em “Buôn chính trị” thì “lợi bất cập hại”, anh chị cảm ơn chả bằng làm hại em.
Chị ta tiu nghỉu lảng sang chuyện khác..., có gì đâu mà người ta tâng bốc ghê thế, tôi chỉ “làm đúng chuyên môn” thôi..., mà sao bà này chuyện dai thế, đã muộn, tôi phải đi đón con…
Thấy tôi sắp túi, cởi áo Bờ-lu chị ta hiểu ý nhưng cứ nhấp nhổm, lộ rõ vẻ lúng túng
-Chú ơi...! Mình xin lỗi chú nhé…!
-Sao thế chị...?
-Hồi nãy tới đây, thấy chú bận quá…, tôi đã qua Giám đốc…, chú thông cảm cho chị nhé.
Thật lòng, tôi không vui nhưng cũng cố động viên bà ấy. May, không thấy Giám đốc (ngày ấy là ông Thanh) nói gì./.

CHUYỆN THỨ HAI

Mỗi buổi sáng phải khám đến 50-60 lượt, đầu óc căng lên để phân biệt thật-giả để chữa cho thật và đối phó với giả, mới được ba người, cô y tá trưởng(Thủy) vào ghé tai.
-Anh cảnh giác và giúp bọn em trường hợp số 6 nhé, bà này ghê gớm lắm…, “Hành” bọn em trọn 4 tháng nay rồi…, nếu cần, cứ kê mấy viên thuốc cho thoát nợ anh nhé!
Số 6, một bà cỡ 60 tuổi, ngương mặt khắc khổ ngồi xuống ghế.
-Bác làm sao?
-Đau đàu…, đau vai...!
Bà ta vẫn giữ nét mặt “Hiếu chiến” trả lời tôi cộc lốc! Tôi khám và tất nhiên không thấy dấu hiệu bệnh lý.
-Ngoài đau đầu, vai bên này ra, bà còn đau ở đâu nữa không?
-Ở đây!
-Để tôi xem…, con đâu nữa không…?
Đây…, đây…, đây nữa…, bà ta lần lượt chỉ khắp người. 
Khi tôi hỏi về nguyên nhân, có lẽ đúng chỗ ngứa, bà ta kể ồng ộc.
Cách đây ba tháng, bà đến thăm người bạn ở khu tập thể Nam Đồng, đạp xe sát vào mép sân thế mà bọn trẻ con còn đá quả bóng vào mặt làm bà ngã quay, đã thế chúng nó lại cười…”Rất mất dạy” rồi không đứa nào đỡ bà, không một lời xin lỗi, chúng nó lại vô tư đá bóng trong sân tập thể… 
Dường như đã có “Đồng minh” nét mặt và giọng nói của bà ta bớt căng thẳng, tôi ngớ ngẩn hỏi.
-Nhưng sao bị đá bóng vào mặt mà bác lại đau ở ngực, ở bụng…?
-Ấy...! Ngày xưa tôi đi du kích, bị Tây bắt, nó treo tôi lên sà nhà lấy đòn gánh đập khắp người rồi đổ nước mắm vào mũi…
Lửa “Công thần” đang cháy ngùn ngụt trong giọng kể của bà ta..., chả trách các Bác sỹ khác “Mất điện” là phải. Để cho ngọn lửa ấy cháy một lúc tôi mới ngắt lời, nghiêm mặt nói.
-Trước hết! Tôi trân trọng giới thiệu, tôi! Cựu chiến binh, thương binh đánh Mỹ đây..! Như vậy, chị được sinh ra trước thì đánh Pháp, tôi được sinh ra sau thì đánh Mỹ…, công trạng của hai thế hệ là như nhau…, xác định như vậy để dễ nói chuyện nhé.
-Vâng...!
Nét mặt bà ta đã trùng hẳn xuông sau khi tôi cho xem những vết thương trên người.
-Bây giờ tôi hỏi..., bà phải trả lời cho đúng...!
-Vâng..!
Tôi nhắc lại
-Bà đi du kích...?
-Phải...!
-Tây nó đánh bà..., treo bà lên xà nhà..., quật bà bằng đòn gánh..., đổ nước mắm vào mũi bà...?
-Phải...!
-Cách đây 3 tháng, ở khu tập thể Nam Đồng, trẻ con đá bóng vào mặt bà, đã không xin lỗi lại còn cười “Rất mất dạy”...?
-Phải...!
-Bây giờ bà đau ở đầu, ở ngực, ở bụng, hai chân, hai tay...?
-Phải...!
-Ai xui bà đi du kích...?
Câu hỏi mà tôi cũng thấy đột ngột, nó khiến mặt bà ta “Đanh đá” trở lại.
-Sao ông lại hỏi…
-Tôi hỏi thật đấy…, tôi đi bộ đội là “Tình nguyện” và nếu bà cũng “Tình nguyện” vào du kích thì chúng ta giống nhau..., chúng ta đánh ngoại xâm, diệt tay sai có phải để xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn..., có đúng không...?
-Vâng...!
Mặt bà ta lại giãn ra.
-Ở xã hội ấy, trẻ con thấy người lớn phải khoanh tay chào có đúng không...?
-Vâng...!
-Thế mà chúng ta đã góp phần xây dựng một xã hội mà trẻ con đá bóng vào mặt bà già…, không xin lỗi…, lại còn “Cười rất mất dạy” nữa. Lỗi ấy trước hết thuộc về những người như tôi và bà … Tôi không hiểu bà nghĩ gì nhưng nghe chuyện của bà tôi thấy xấu hổ cho công sức và tiếc cho xương máu của mình…, chúng ta còn tự hào nỗi gì nữa...!
Im lặng…
-Bây giờ bà đưa y bạ tôi xem
Tôi lật từng trang (mặc dù đã biết trước) rồi lắc đầu.
-Tôi hỏi, bà lại phải nói thật nhé… Ngần này thuốc, bà đã uống hết hay cho ai, làm gì?
Vẻ lúng túng, thật thà trở lại trên khuôn mặt người phụ nữ tội nghiệp.
-Tôi…, có uống…, nhưng…
-Cũng cất đi để dành…, cũng cho gà cho chó nữa chứ gì…?
-Vâng…!
Cười dễ dãi
-Thế là may đấy...! Nếu bà uống hết số thuốc này thì đã ngộ độc từ lâu rồi…! Và tôi sẽ phải làm một cái việc, ấy là “Móc” thuốc trong người bà ra.
Tôi giải thích cho bà rằng không thuốc nào không có độc tính, rằng thuốc để quá hạn mà cho ai dùng là giết người ta..., rằng chỉ nên đến khám khi thực sự có bệnh..., rằng chính vì những người tích thuốc nên không đủ để chữa cho người có bệnh thật và như vậy tích thuốc là tội ác..., tuy nhiên, khi thấy trong người khác thường lại cần phải đến khám và nhất định những người có công như bà sẽ được ưu tiên hợp lý.
Bà ta bẽn lẽn chào tôi, cầm sổ, ra về…
Cô Thủy áo ngay vào khi bà ta ra khỏi phòng khám.
-Anh làm thế nào mà giỏi thế...!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét