Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Thử bàn lại một câu Kiều...!

(Viết dịp tết 2014)

Không thể phủ nhận Truyện Kiều là một ngôi sao sáng và sớm trên bầu trời văn học Việt Nam.
Một trong những thành công của Nguyễn Du và Truyện Kiều là cách dùng từ và ngôn ngữ.
Văn hóa và ngôn ngữ Việt chịu ảnh hưởng quá lớn của Trung Hoa, Truyện Kiều lại có cốt Trung Quốc nên càng không tránh được nhược điểm ấy, mở đến trang nào, thậm chí đọc câu nào cũng thấy những điển tích, những cách nói, những từ gốc Hán.

Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh

Lá thắm và chim xanh là hai tích Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng, một trong những nguyên nhân thành công của Nguyễn Du và Truyện Kiều là cách sử dụng tối đa những từ, những cách nói thuần Việt, thậm chí từ và cách nói địa phương,

Phải người hôm nọ rõ ràng chẳng nhe

Tôi không dám khẳng định nhưng phải chăng chữ “Nhe’ ở đây là từ địa phương?
Chính vì thế mà truyện kiều dễ đọc, dễ thuộc và dễ hiểu (với những mức độ khác nhau, từ người thông thái đến những nông dân không biết chữ).
Chính vì thế mà không phải từ nào, câu nào trong Truyện Kiều cũng tra chữ Hán ra mà giải thích...!

Trong khi đó, một thành công, cũng là một hệ quả của việc sử dụng ngôn ngữ phức tạp ấy là tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, xưa nay đã chứng kiến không ít những cuộc đấu khẩu, đấu bút bất phân thắng bại giữa những bậc đại danh về những câu, những chữ trong Truyện Kiều.
Tôi tự biết, mình không phải là đối tượng tham gia vào những cuộc đấu ấy, nhưng chả nhẽ cứ thấp là không bao giờ được nói...? Cứ bé là không bao giờ được trình bày quan điểm…?

Có một câu mà tôi đã thắc mắc từ rất lâu, đã viết rất nhiều lần nhưng ngại không dám gửi đi đâu, may quá, giờ viết vào trang cá nhân này tha hồ … tiện!
Cách đây dễ đã hơn hai chục năm, một lần tình cờ đọc trong sách giáo khoa của con, thấy người ta giải thích câu.

“Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” 
Rằng:
Sắc đẹp như Thúy Kiều có … ĐÒI cũng chỉ được một, tài như Thúy Kiều … HỌA CHĂNG có hai người…!
Theo tôi thì cách hiểu này có thể nhầm lẫn, chính vì vậy tôi đã tìm nhiều tài liệu, nhiều bản Truyện Kiều khác nhau, tiếc thay, tất cả đều giải thích … như vậy!
Đem ý hỏi nhiều người, trong đó có người tôi kính nể nhất, người đọc thông viết thạo chữ Nho từ bé, người sử dụng Pháp ngữ như tiếng mẹ đẻ đó là … Cha tôi, nhưng kết quả là… vẫn thế!
Vậy hẳn là tôi sai...! Vâng...! Tôi sai...! Tuy nhiên, khẩu có phục nhưng tâm … chưa phục...!
Nay nhân năm mới, ngày rộng tháng dài, thử liều mạng bàn lại xem sao.

Tôi định viết dài hơn, bàn về quan niệm, và tác dụng của nghệ thuật Đối nhưng thôi, chỉ bàn về tả người thôi nhé.
Để tả chàng thư sinh Kim Trọng, Nguyễn Du viết.

“Văn chương nết đất, thông minh tính trời”
“Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”

Để nói về con người binh nghiệp Từ Hải, Nguyễn Du có đưa ra những:

“Râu hùm hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”
Nhưng chủ yếu của con người ấy phải là.
“Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”

Chỉ hai nhân vật cơ bản như vậy để thấy bao giờ Nguyễn Du cũng giới thiệu nhân vật của mình với những phẩm chất cơ bản, điển hình, đầy đủ.
Nếu chàng thư sinh là: Văn chương, Thông minh, Phong nhã, hào hoa, nếu kẻ võ tướng là: Hơn sức và Lược thao thì người con gái hoàn mỹ là TÀI và SẮC. Tác giả dành ưu ái mô tả hai mặt ấy của nhân vật chính cầu kỳ hơn.
Thoạt đầu, Ông mượn sắc đẹp của Thúy Vân làm nền.

“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

Một người con gái đẹp đến lạ thường với khuôn mặt đầy đặn cùng những đường nét nở nang thanh thoát, người cười tươi như hoa nở, giọng nói trong như tiếng ngọc, mái tóc bồng bềnh hơn cả mây, da trắng hơn cả tuyết…., những tưởng, đẹp đến thế là cùng. Thế mà vẻ đẹp ấy chỉ là cái nền cho một tác phẩm hoàn mỹ hơn của tạo hóa, cũng là ý nguyện Tác giả

“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”

Hai câu này để chuyển tiếp từ tả Thúy Vân sang tả Thúy Kiều đồng thời tác giả cũng giới thiệu những ý chính mà mình sẽ tả đó là TÀI và SẮC của nhân vật chính.

SẮC:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh”

Ta thấy, cái sắc đẹp được nâng tầm với ánh mắt (Hay làn da) trong mịn như mặt nước mùa thu, những đường nét, cả con người toát lên sự tươi tắn như cây lá mùa xuân. Nếu chỉ đến đây thôi, nếu Kiều chỉ đẹp đến thế thôi thì đâu đến nỗi, nhưng nàng còn đẹp đến mức: Hoa, biểu trưng cho cái đẹp của vũ trụ cũng phải “Ghen” mà đua thắm, cái màu xanh, cái vẻ thướt tha của liễu cũng phải hờn tủi vì thua kém thì quả là cái đẹp siêu phàm chỉ thấy trong trí tưởng tượng, trong ước mơ của Tác giả.
Đến đây, đã tả xong cái SẮC của nhân vật, tác giả lại dùng một câu chuyển tiếp nữa để sang tả cái TÀI của Kiều.
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”
Tôi không muốn bàn về những cái TÀI của Kiều nữa mà chỉ muốn quay lại cái câu chuyển tiếp này.
TÀI và SẮC như hai mặt của một vấn đề, hai phẩm chất của một con người mẫu mực. Nhân vật muốn hoàn hảo, hai mặt ấy phải cấn đối, có khác gì đâu khi Hồ Chí Minh nói:
“Có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”
ĐỨC và TÀI là tiêu chuẩn của người cán bộ thế hệ HCM, SẮC và TÀI là tiêu chuẩn của người con gái thời “…Gia tĩnh triều Minh”.
Sau khi đã nâng cái SẮC đến mức siêu phàm, phải chăng, thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu chuyển tiếp là.
SẮC đẹp đến như thế nhưng cái TÀI của Kiều cũng không kém và nếu coi cái SẮC như một vế ra, đòi hỏi cái vế đối (TÀI) phải làm sao để cân xứng thì cái TÀI (Vế đối) của Kiều cũng không kém phần.\
Vẫn phải nói một chút về câu đối, đối chữ và đối câu, hai vế tạo nên một bộ, câu (chữ) ra trước gọi là "Vế ra", câu, (Chữ) đối lại gọi là vế đối. Khi vế một đã Ra nó thách thức, đòi hỏi vế đối phải cân, hợp mà trong đoạn này cái TÀI của Kiều phải thỏa mãn, sứng đáng cái SẮC của nàng vậy
 và ông kể về những cái TÀI của Kiều.

“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”

Khi tả xong cái SẮC tức là vế đã ra (Vế ra) là đặt ra những ĐÒI hỏi nhất định với vế đối phải có để HỌA lại, ở đây dường như tác giả đã lượng hóa cho dễ hiểu, nếu cái SẮC đẹp đến như thế, nó ĐÒI hỏi cái TÀI là MỘT để HỌA lại thì TÀI của nàng Kiều sẵn sàng có đến HAI.
Cũng không nên hiểu máy móc rằng: “Vậy, ở Kiều cái tài bằng hai cái sắc” mà cần hiểu SẮC và TÀI trong Kiều là cặp đôi của những thứ siêu phàm, cái SẮC càng nhìn, càng ngắm càng thấy đẹp cũng như càng tìm hiểu càng thấy tài. Cái sự ĐÒI và HỌA của cặp này dường như là vô giới hạn.
Tóm lại tôi hiểu câu:

“Sắc đành đòi một tài đành họa hai”

 Là: Cái sắc như thế, nếu đòi hỏi để cân xứng là một thì cái tài của Kiều sẵn sàng có cả hai để họa lại.
Cũng trộm nghĩ rằng, nếu hiểu theo nghĩa:
“Sắc như Thúy Kiều có đòi cũng chỉ được một, tài như Thúy Kiều họa chăng có hai người”, thì chắc tác giả phải để câu này ở cuối đoạn, tức là câu kết luận, sau khi đã tả xong cả sắc và tài của nàng.
Hiểu như vậy cũng có phần không được “Nguyễn Du” lắm. Sao lại “Đòi hỏi” một người con gái đẹp? 
Tác giả muốn nhân vật chính của mình là người đẹp nhất, tài nhất, vậy thì cái ý “Họa chăng có hai người” chả vô lý, vô nghĩa và … vô ý lắm sao ???
Ấy là tôi ngang ngược nói thế chả biết có ai nghĩ lại!!!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét