Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

MÁU CHIẾN TRƯỜNG VÀ NƯỚC MẮT HẬU PHƯƠNG...!

(Trích: Kỷ niệm đầu tiên của đời bộ đôi-Nguyễn Vinh Dũng)

...
Cuối năm ngoái thư ký hợp tác là thằng Nhân thọt hủ hóa với con Lành vợ bộ đội đi B. Tội nặng quá, người ta đem nó ra đấu tố như tố địa chủ. Chả biết bị dọa dẫm những gì mà nó khai hết… Các ông bà trong ban quản trị, ai lấy cái gì, gian lận bao nhiêu nó khai tuốt, nhưng chủ yếu vẫn là tội của nó.
Thằng này còn chưa hết lớp bảy mà giỏi thật...! Lừa gạt được dân đã giỏi, qua mặt được mấy ông chánh phó chủ nhiệm tham như mõ lại càng giỏi...!
Có lần, chả biết bù khú ở đâu say khướt nó tuyên bố.
- Mấy thằng lãnh đạo, có thằng nào hết lớp bốn đâu, vừa tham vừa ngu như chó. Tao chỉ lùi cho mấy dấu phẩy là bảo gì cũng phải nghe...!
Chả hiểu nó nói với những ai nhưng chỉ sáng hôm sau là cả làng biết.
Thằng Nhân ngủ đến hơn mười một giờ trưa, uể oải ra bể múc nước xúc miệng. Thằng này không biết đánh răng nhưng xúc miệng rất kỹ. Nó giải thích một cách rất “khoa học” rằng: cái mồm lúc ngủ dạy nó thối, tức là có rất nhiều chất bổ cho cây, cũng như phân bắc ấy...!
Khi chưa có phân hóa học thì cứt người là thứ tốt nhất để bón ruộng và được gọi là phân Bắc, cứt lợn cứt bò gọi là phân Chuồng, cây lá đem bón ruộng gọi là phân Xanh... xứ mình lạ thật...! hễ cái gì to, tốt, quý, đẹp... y như rằng, không của Tây cũng của Tàu (Bắc là một tính từ chỉ đồ Trung Quốc ).

Chả thế mà nhà hắn không ai được đánh răng, ai cũng chỉ được xúc miệng rồi phải nhổ vào mấy khóm tía tô kinh giới cạnh bể.
Xúc miệng và hoàn thành việc bón cây xong, thằng Nhân ngồi phịch xuống hè, với cái điếu rít một hơi thật sâu… Đầu nó nhẹ bỗng, có cái gì tê tê giần giật lan khắp người, ngả đầu vào liếp dại lim dim.., bỗng hắn giật mình mở mắt, thấy con vợ đứng lù lù trước mặt. Đã co cẳng toan đạp cho một phát, cảnh cáo cái tội làm nó giật mình nhưng thấy mặt mụ nghiêm quá, khác thường quá nên cái đầu gối vừa co lên lại từ từ duỗi ra. Mụ vợ hất tay và hắn lồm cồm bò dậy theo vào buồng.
-Nốc cho lắm vào...! Rồi ngủ cho nứt mắt ra...! Cả xóm cả làng đang hả hê vì ông chửi cán bộ thay cho người ta kia kìa….! Sao bảo nhà ông khôn ngoan lắm kia mà...? Sao nốc vào lại ngu thế...!
Thằng nhân tái mặt, nó chỉ lơ mơ chứ không thể nhớ chính xác hôm qua đã nói những gì.... Gì thì cũng phải bình tĩnh..., trước hết phải trấn an con vợ đã.
-Vớ vẩn…! Đàn bà chúng mày, biết gì mà chõ mõm vào…! Mà ông sợ đéo gì thằng nào...! Chánh phó chủ nhiệm thì cả làng này nó chửi chứ riêng gì ông… Để xem...!
Đoạn hắn đùng đùng bỏ ra cổng. Chỉ hùng hổ từ buồng ra đến cổng thôi, đưa tay ra sau kéo khép cánh cổng cót nẹp khung tre lại, khi đã chắc chắn mụ vợ không còn có thể nhìn thấy được nữa, hắn dừng lại vờ phủi bụi trên tay áo nhưng thực ra là để chỉnh lại “quân dung”..., đưa tay vuốt ngược mái tóc sang bên một cách điệu đàng nhưng thực ra là để đảo mắt quan sát, chẳng thấy gì bất thường nó mới cố lấy vẻ ung dung lúc lắc đi...
Lượn quanh xóm một lượt... không ổn thật rồi...! Người thường tránh mặt hắn đã đành, sao mấy kẻ nịnh bợ, mấy ông bạn rượu mọi ngày vồn vã lắm kia mà..., sao hôm này ai cũng như bận, như mải việc gì mà  không để ý đến hắn…, chả lẽ ngẫu nhiên ai cũng vô tình không thấy hắn...?
Xuống xóm dưới, hắn đến thẳng nhà Lành, dừng trước cổng, cất cao giọng gọi vào nhưng lại cốt cho hàng xóm nghe
- Cụ Sinh có nhà không...? Cháu xin nắm ngải cứu...!

Tiên sư cha thằng khốn nạn...! Bà Sinh là mẹ chồng con Lành, con trai bà đang ở chiến trường không biết sống chết thế nào. Bản năng của người mẹ cùng với kinh nghiệm một thời son trẻ chỉ cho bà biết những thằng đàn ông đến nhà bà với mục đích gì.... Bà mà rình được thì bà vằm cái mặt mày ra ... Bố mày phải gió cấm khẩu hay sao mà mày xin ngải cứu...? Trên xóm thiếu gì, sao mày phải xuống tận đây mà ngải với chả cứu...!
Đang ngồi khứu cái áo cho con dâu, bà Sinh nghĩ vậy nhưng cứ ngơ đi chẳng thèm trả lời. Thằng Nhân ve vẩy cái chân thọt đến tận nơi, trơ trẽn hỏi.
- Lành có nhà không cụ...?
Vẫn chằng thèm quay lại, cụ nói như quát.
- Ra vườn mà hái...! Lành với rách gì...! Nó đi vắng rồi...!
Không thể đối xử với thằng này tệ hơn bởi cụ còn thương con Lành. Hơn bốn năm rồi, kể từ lần cuối cùng nhận được tin thằng Lộc, biết nó còn được sống mà về không…, mà con Lành thì càng ngày bà càng thương nó, thương hơn cả đứa con bà rứt ruột đẻ ra. Thương nó trước hết vì nó cũng thương bà, chẳng cho bà đụng vào việc gì nặng nhọc.
Có lần, thấy nó quần quật hết việc nhà, việc hợp tác lại hội lại họp, lúc thì dân quân, lúc lại phụ nữ ba đảm đang. Quyết không nghe lời nó nữa, bà mang đòn càn ra đồng gánh rạ. Bà vẫn làm được cơ mà..., kỳ lạ thật, khi người ta được lao động vì người thân của mình. Trước kia cứ nghĩ đến con Quỳnh thằng Lộc đang đói bà không biết mệt là gì, bây giờ nghĩ đến con Lành, thương nó bà cũng chẳng thấy nặng nhọc là gì....!
Đi họp về, trời đã nhá nhem, không thấy khói bếp như mọi khi, đàn gà sau một ngày đào bới, diều chưa đầy còn ngơ ngác ngoài sân đợi thóc. Thấy lạ, tưởng bà làm sao, con Lành chạy ào vào nhà lớn tiếng.
- U ơi...! U làm sao đấy...?
Quờ tay vào giường, chả thấy gì, nó lẩy bẩy đánh được que diêm giơ lên soi mới hay bà không có nhà. Hoảng quá, lao ra cửa, vừa định hét lên gọi mẹ thì nó thấy lù lù một đống rạ đen xì đang khó khăn lách qua cánh cổng. Chẳng thấy người nhưng đích thị là u nó rồi, người U nó nhỏ, gánh rạ lại to thế kia thì thấy làm sao được. Thương xót, hờn giận nó lao về cái đống rạ kia mà mếu máo.
-Giời ơi là giờ...i! U ơi là U...!
Rồi nó quát.
- U có để xuống không...!
Bà Sinh chấp hành như một đứa trẻ ăn vụng bị bắt quả tang, thương nó quá bà đâm sợ nó, người bà run rẩy.
- Mẹ....
Mới cất được một tiếng con Lành đã ôm lấy bà ngã vật vào bó rạ, cái thừng bục ra như có người trải cái nệm cho mẹ chồng và nàng dâu ghì chặt lấy nhau mà nức nở.

Những ngày mưa gió không ra đồng được nó ngồi nhổ tóc sâu cho bà. Đêm đông giá rét nó ôm lưng bà, bắt bà kể về tuổi thơ của chồng nó, rồi nó cười, tiếng cười ròn tan cứ như thể chính bà là chồng nó vậy. Rồi nó lại bắt bà kể về cuộc đời làm dâu của bà, nó im lặng, một tay nắm tay bà, tay kia chốc chốc lại vuốt mấy sợi tóc mai dính nơi khóe miệng cho bà dễ kể. Bỗng chốc bà thấy mình như đứa trẻ, khi bà đã thiếp đi nó mới nhoài người thổi tắt đèn rồi kéo chăn cho bà ngủ. Có khi, nửa đêm thức giấc, bà thấy nó trằn trọc trở mình..., kinh nghiệm của những năm chờ chồng và mười tám năm góa bụa bảo cho bà biết rằng…, lửa đang cháy trong lòng nó...!
Bà thương nó đến mức giận cả thằng con trai. Lộc ơi...! Sao mày cứ đi biền biệt thể hả con...? Đợi mày xong lý tưởng, xong phấn đấu thì nó chết già à...! Mà ngộ nhỡ mày không về thì mẹ biết làm sao đây hả Lộc…!

Vì thế, ngay từ ngày đầu thấy thằng Nhân ve vãn, bà đã không thể giận con Lành. Nhưng bà ức lắm..., phải gì là người đàng hoàng cho bõ. Đằng này đã lùn còn thọt, cái mặt dài ngoẵng, nhìn vào mắt đã thấy đầy gian giảo, chả thế mà từ người dân cho đến chánh phó chủ nhiệm ai cũng kiềng mặt nó.
- Kìa U...!
Con Lành đâu từ ngoài vườn vào như cứu thằng Nhân khỏi cơn bẽ mặt.
- Bác Nhân ngồi chơi với U em để em xuống bếp lấy nước.
Thằng Nhân chẳng nói gì, cũng chẳng cần để ý bà cụ, sợ quá hóa liều, nó theo chân Lành xuống bếp.
-Lành có nghe gì không...?
-Bác mới ngủ dậy à...? Người ta đồn, bác rủa mấy người lãnh đạo là ngu si, là vô học, ăn công điểm của bác rồi phải sợ bác...
Đận ấy thằng Nhân tốn vô khối cho ban quản trị. Nhưng nó có chịu bỏ cái gì trong túi nó ra đâu , thằng mất dạy cứ xin người này duyệt cho kẻ khác, lúc dăm cân cá ngon, khi đôi lốp xe đạp mà lẽ ra dành cho dân quân đi tuần. ..
Và khi các ông các bà nhận đủ lễ thì cơn giận cũng qua đi.

Thế rồi một buổi tối. Con Lành đang nấu cám lợn thì thằng Nhân khập khiễng bước vào, ánh lửa bập bùng trong bếp, mùi cám thơm thơm khiến nó biết Lành đang ở đâu. Ánh đèn dầu leo lét trong buồng cũng mách bảo nó chỗ bà cụ nằm. Giật mình thấy thằng thọt xuất hiện ngay cửa, con Lành ý tứ lớn tiếng.
- Bác lên nhà xơi nước, cháu xong ngay đây...!

Dưới ánh lửa rơm cặp má con Lành ửng hồng, đi cấy về còn chưa kịp tắm, cái quần lụa còn xắn lên quá gối để lộ hai bắp chân trắng ngần, khói bếp làm cho đôi mắt Lành vốn đã long lanh giờ như huyền ảo, cặp ngực căng tròn nhấp nhô như nhảy múa trong ánh lửa bập bùng. Thằng Nhân mê mẩn..., bất giác nó xà xuống ôm chặt lấy con Lành, miệng hổn hển.
- Lành ...!
Hai đứa ngã vật vào cái ổ rơm, Lành cố sức đẩy con quỷ dâm dục ra.
- Không...!
Lấy hết sức, nó đạp cho thằng Nhân một cái rồi hét lên.
- U ơi...!
Dẫu đã tối lâu và thằng Nhân không chào nhưng bà Sinh vẫn biết, bản lĩnh người mẹ khiến bà không thể bỏ qua tiếng động nhỏ nào dưới bếp. Nghe tiếng con gọi thất thanh bà vớ ngay cái gậy đã để sẵn đầu giường.
- Tổ sư cha thằng mất dạy...! Mày thì chết với bà...!
Cơn thịnh nộ của bà vừa lên đỉnh điểm lập tức xẹp dí, bà bủn rủn thấy thằng Nhân nằm trên ổ rơm tung tóe hai tay tay ôm chặt lấy bộ hạ, cong người hết cỡ, hai cái đầu gôi như cặp lấy cái đầu dài ngoẵng, tái mét.
Cái Lành thì chỉ định tự vệ, bà Sinh thì cũng chỉ định cảnh cáo nhưng có ngờ đâu cái đạp tự vệ của cô con gái lại trúng vào cái bộ phận mất dạy nhất của thằng mất dạy khiến giờ nó nằm im như chết...
Cả ba người còn chưa biết xử trí thế nào thì hàng xóm đã lục đục kéo sang. Hóa ra không chỉ mình bà Sinh theo dõi...
Thoáng một cái, dân quân với gậy gộc, súng ống đã đầy nhà. Lập biên bản rồi thằng thọt bị lôi cổ lên xã.
Vô phúc cho nhà nó, hình như thằng Lộc chồng con Lành đã hy sinh, giấy báo tử đã về nhưng xã còn giấu đi để làm công tác tư tưởng. Chính sách hậu phương khiến chính quyền không thể làm ngơ, phen này thì thằng thọt đi đời...!
Quả vậy, hôm sau có cả công an huyện đi xít-đờ-ca về. Thằng Nhân bị thẩm vấn công khai ở sân đình trước đầy đủ chính quền, đoàn thể, bà con. Từ cái tội hủ hóa hiếp dâm, người ta truy đến đâu nó khai đến đấy, tội của nó, của chánh phó chủ nhiệm, của các thành viên ban quản trị…, nó khai hết bởi vì nó sợ chết. Hình ảnh địa chủ Tạo ngày nào, cũng sau khi đấu tố thế này bị lôi xềnh xệch ra ngoài ruộng, trói vào cái cột tre, vừa há mồm kêu.
- Ối giời ơi! Ối Cha, ối Me...
Tiếng Mẹ chưa tròn, tiếng ơi! Chưa cất thì...Đoàng! Ông Tạo tung lên rồi cả người cả cột đổ vật, máu và óc bắn vọt. Bọn trẻ ù té chạy, thằng Nhân bị thọt nên không thể theo được… Đến tận bây giờ, nhắm mắt lại nó vẫn thấy ông Tạo bị trói tay vào cái cột tre, nửa người trên bất động trên thửa ruộng vai cày đẫm máu, chỉ hai cái chân là còn giẫy giẫy như con cếch bị người ta đập mạnh một phát vào đầu.
Khai hết rồi, thằng Nhân quỳ xuống vái như tế sao, đái ỉa cả ra quần, đoạn nó vật ra chết giấc....
Ai giết nó làm gì, bấy giờ súng đạn để đánh Mỹ có thừa đâu mà bắn nó. Nhưng mà mất ghế thư ký, cái chức tưởng nhỏ nhưng đã nuôi sống cả nhà nó một cách ngon lành, đủ cho nó vênh vác, hơn người ngót chục năm nay.
Và như vậy hợp tác không có thư ký, chẳng ai đủ trình độ mà cũng chả ai thèm làm cái việc mà thằng thọt xấu xa kia để lại. Cuối cùng, người ta nhớ ra bác Bào.
(.....)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét